Tổng thống Biden chủ trì hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ

Không quân các nước Quad (Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ) cùng với không quân Canada tham gia tập trận chống tàu ngầm ở Thái Bình Dương cuối tháng 01-2021 vừa qua. Ảnh US Navy

Ngày mai Thứ Sáu 24 Tháng Chín, Tổng thống Joe Biden sẽ chủ trì cuộc họp trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo The Quad (Bộ Tứ) – một liên minh không chính thức giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc có mục đích duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. 

Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của Bộ Tứ, nhưng là cuộc họp trực tiếp đầu tiên sau cuộc họp qua mạng truyền hình lúc ông Biden mới nhậm chức tổng thống.

Hội nghị được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội giúp Tổng thống Biden trình bày với các nhà lãnh đạo khu vực mục tiêu trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông: Tập trung chú ý vào khu vực Thái Bình Dương, đối mặt với điều mà Mỹ coi là sự cưỡng bức của Trung Quốc trong thực tiễn kinh tế cũng như hoạt động quân sự đáng lo ngại của Bắc Kinh trong khu vực. Các nhà lãnh đạo cũng dự kiến ​​sẽ bàn về vấn đề khí hậu, ứng phó COVID-19 và an ninh mạng.

Trước đây trong tuần, chính phủ Nhật Bản và Ấn Độ đã hoan nghênh một tuyên bố gần đây rằng Hoa Kỳ lập một liên minh quân sự mới với Anh và Úc, trước mắt sẽ trang bị cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều đó sẽ giúp Úc thực hiện các cuộc tuần tra trên biển lâu hơn và giành lợi thế trước hải quân Trung Quốc. Nhật và Ấn Độ hoan nghênh liên minh AUKUS “bởi vì nó sẽ thật sự thiết lập lại cán cân sức mạnh hải quân trong 50 năm tới cho khu vực Thái Bình Dương trong lúc Trung Quốc phát triển rất mạnh các lực lượng hải quân của họ,” chuyên gia Michael Green, cựu giám đốc cao cấp về châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận định.

Nhưng liên minh mới, gọi tắt là AUKUS, đã khiến Pháp tức giận, cáo buộc chính quyền Biden “đâm sau lưng” bằng cách giành hợp đồng trị giá $66 tỷ mà Úc đã ký với Pháp năm 2016 để mua sắm tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel. Căng thẳng giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giảm bớt sau khi hai nhà lãnh đạo nói chuyện hôm Thứ Tư và đồng ý thực hiện các bước để phối hợp chặt chẽ hơn ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Về phần mình, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ liên minh AUKUS. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) gọi AUKUS là sự phản ánh của “tâm lý được ăn cả ngã về không thời Chiến tranh Lạnh lỗi thời và nhận thức địa chính trị hẹp hòi”, sẽ làm gia tăng một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Tuy vậy, giới quan sát quốc tế đều không lạ với chương trình phát triển quân sự và vũ khí tân tiến của Trung Quốc; chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, Bắc Kinh đã liên tục tung ra các hàng không mẫu hạm mới, số lượng tàu ngầm và chiến hạm của Trung Quốc thậm chí đã vượt xa Hoa Kỳ. Chính hành động phát triển quân sự rầm rộ và hành vi cưỡng bức lấn chiếm của Trung Quốc mới là yếu tố thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Hội nghị Bộ Tứ tại Tòa Bạch Ốc diễn ra khi Trung Quốc tiếp tục nỗ lực thể hiện sức mạnh trong khu vực. Hôm Thứ Năm 23 Tháng Chín, Trung Quốc đã cử 24 máy bay chiến đấu xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan sau khi đảo quốc này tuyên bố ý định tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương CTTPP mà Trung Quốc cũng vừa nộp đơn xin gia nhập.

Hội nghị Bộ Tứ kết thúc một tuần ngoại giao khó khăn của Tổng thống Biden, trong đó ông phải đối mặt với không ít lời chỉ trích từ cả đồng minh và đối thủ. Đây cũng là một tuần ngoại giao bận rộn của tổng thống, trong đó ông phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York và chủ trì hội nghị thượng đỉnh toàn cầu trực tuyến về chống COVID-19.

Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo của các quốc gia giàu có khác đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về tốc độ tiêm chủng toàn cầu chậm chạp và sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine giữa cư dân của các quốc gia giàu và nghèo. Lãnh đạo của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vẫn lên tiếng chỉ trích ngay cả sau khi Biden công bố kế hoạch của Hoa Kỳ, mua thêm một tỷ liều vaccine Pfizer để chia sẻ với thế giới, gấp đôi mức cam kết trước đây.

Tổng thống Biden cũng dự kiến ​​gặp riêng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vào Thứ Sáu sau khi ông đã có buổi làm việc trực tiếp với Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm Thứ Ba 21 Tháng Chín.

Thủ tướng Modi – người đã gặp Phó Tổng thống Kamala Harris hôm nay Thứ Năm – dự kiến bàn với Tổng thống Biden con đường tiến lên với chính phủ Taliban ở Afghanistan. Có thể ông Modei sẽ đưa ra sự phản đối nỗ lực của Taliban để được Liên Hiệp Quốc công nhận. Chính phủ Modi cũng lo ngại về ảnh hưởng của cơ quan tình báo Pakistan đối với các phe phái Taliban và chính phủ Taliban ở Kabul.

Khi Taliban cai trị Afghanistan trước đây (1996-2001), tổ chức này đã hỗ trợ các chiến binh Hồi giáo ở Kashmir chống chính phủ trung ương Ấn Độ. Kashmir là một vùng lãnh thổ tranh chấp lâu đời vốn là trung tâm của các cuộc chiến và giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan. Tổ chức Haqqani Network của Taliban đã đứng sau hai vụ đánh bom liều chết vào đại sứ quán của Ấn Độ năm 2008 và 2009. Mạng lưới Haqqani vẫn bị chính phủ Mỹ chỉ định là tổ chức khủng bố nhưng đã được trao các vị trí cao trong chính phủ Afghanistan do Taliban lập ra.

Nói chuyện với các phóng viên trước khi bắt đầu cuộc gặp với Phó Tổng thống Harris, Thủ tướng Modi ghi nhận chính quyền Biden đã đạt được nhiều tiến bộ cả trong việc chống dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. “Các bạn đã lên nắm quyền lãnh đạo Hoa Kỳ trong một bầu không khí rất khó khăn, tại một thời điểm đầy thử thách, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, các bạn đã có được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, cho dù đó là COVID, khí hậu hoặc Quad. Trong tất cả những vấn đề này, Hoa Kỳ đã có những sáng kiến rất quan trọng,” ông Modi nói.

Trong cuộc gặp trực tiếp riêng với Tổng thống Biden, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga – người sắp rời vị trí lãnh đạo chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đề cập vấn đề Trung Quốc, Bắc Hàn, Afghanistan, ứng phó COVID-19 và biến đổi khí hậu, theo một quan chức Bộ Ngoại giao.

Tuần trước Bắc Hàn thông báo họ đã phóng thành công lần đầu tiên hỏa tiễn đạn đạo từ một đoàn tàu, tấn công mục tiêu ở vùng biển cách đó 800 km (500 dặm). Vụ thử hỏa tiễn diễn ra sau khi Bắc Hàn hồi tháng này cho biết họ đã thử nghiệm các tên lửa hành trình mới, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể tấn công các mục tiêu cách xa 1,500 km (930 dặm), nghĩa là có thể nhắm tới tất cả các cơ sở quân sự của Nhật Bản và Hoa Kỳ ở Đông Á.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: