Ngọn cây xanh tìm nắng

Minh họa: Leonie Vuilleumier/Unsplash

Làng quê tôi thuộc tỉnh Hà Đông, nay đã sáp nhập và trở thành một huyện ngoại thành của Hà Nội. Tôi là con trai út trong gia đình, có người anh cả và ba chị gái. Tôi kém anh Cả đến 18 tuổi. Trước sau, Anh cưới vợ hai lần nhưng cả hai chị đều không sinh cho anh mụn con nào. Thầy U của tôi rất mong có cháu ẵm bồng và vì thế tôi lập gia đình từ rất sớm.

Tôi học giỏi có tiếng trong làng, trong phủ. Tháng Chạp năm ấy, tôi được lĩnh thưởng trong dinh quan phủ, U gánh đôi thúng đi cùng tôi lên phủ cả một quãng đường xa. Trẻ con còn ham chơi, cứ tung tăng chạy trước, đến nơi tôi nhảy chân chim sáo vào ngay trong sân, U đi sau, vừa bước đến cửa thì gặp lính lệ gác cổng. Thấy U tôi dáng vẻ quê mùa, chú ấy quát lên: “Con mẹ này đi đâu thế? Có biết đây là đâu không?”. U hốt hoảng, sợ sệt, miệng thì ấp úng dạ, dạ… bẩm, bẩm…, chân thì bước lùi ra ngồi nơi gốc cây đa xa xa.

Tôi vào trong một lúc lâu không thấy mẹ, bèn chạy trở ra cổng, nhìn thấy U ngồi phía xa bèn chạy tới hỏi rồi dắt vào. Chú lính thấy vậy bèn nói: “Mẹ của chú đấy à! Tôi không biết…”. Tôi gật đầu. Ngày ấy học sinh giỏi được trọng vọng lắm tuy tôi mới hơn 10 tuổi. U tôi vẫn còn sợ nhưng rất hãnh diện. Phần thưởng của tôi chất đầy hai quang gánh, nào vải, nào sách, nào gạo, nào đậu xanh, giấy vở, bút mực…, vậy mà U bước vẫn nhanh như cho kịp chân tôi đang hăm hở chạy về khoe với Thầy, anh chị và hàng xóm.

Tôi gặp nhà tôi khi mới 16 tuổi trong một dịp lên thăm người quen trên Hà Nội. Tôi thương ngay và về xin Thầy U cưới cho. Cô ấy là người vùng quê Thái Bình và cũng vừa mới lên  sống với người chị họ. Đúng là chúng tôi có duyên tiền định nên dù ở hai quê cách xa, lại gặp được nhau ở một nơi khác mà đã cảm mến nhau ngay khi mới gặp. Cô ấy rất đẹp và ngoan hiền, giỏi giang. Thầy U tôi gặp mặt là hài lòng ngay. Nhạc phụ tôi theo Nho học và là Tiên chỉ trong làng, thấy tôi là học trò nhưng thạo việc đồng áng nên ông cũng chấp thuận.

Năm sau, chúng tôi có một cháu gái ngay. Không cần nói Thầy U tôi đã thương đứa cháu nội nhiều như thế nào. Khi vừa biết ngồi, một hôm cả nhà đang dùng cơm, cháu bò vào mâm, tay quơ gạt mọi thứ. Thế mà Thầy U tôi bảo cả nhà bưng bát đĩa thức ăn ra ngoài để cháu bò vào ngồi chễm chệ giữa mâm. Tình thương của ông bà dành cho các cháu thật nhiều nhưng ông bà không kịp nhìn thấy đứa cháu nội trai.

Minh họa: Rob Wicks/Unsplash

Một hôm, Thầy tôi đi tìm thuốc ở một làng khá xa, U tôi đang có bệnh đột nhiên trở nặng. Thầy tôi về đến làng bên kia sông nhưng không sang bên này được vì quân Pháp đang hành quân lùng bố. U tôi biết mệnh không qua khỏi nhưng cố sống chờ Thầy tôi về. Bà nằm thiêm thiếp, hơi thở đứt đoạn, thỉnh thoảng lại hé mắt thều thào hỏi: “Thầy về chưa?”. U tôi chỉ cố gắng chờ đến khuya thì ra đi, Thầy tôi đến gần sáng mới về đến nhà. Ông nóng ruột không chờ được đã liều lĩnh lội sông băng ruộng, thế mà không kịp gặp mặt U tôi lần cuối. Ông loạng choạng bước vào nhà, kêu lên thảng thốt trong nước mắt: “Bà ơi! Sao bà không cố chờ tôi?”. Không lâu sau Thầy tôi cũng qua đời.

Hình ảnh trên đã tác động đến lòng tôi rất nhiều. Tôi không thích Việt Minh và căm thù quân Pháp nên đăng lính quốc gia. Từ một thanh niên làng quê, tôi trở thành người chiến sĩ với gót giày đi dọc ngang khắp đất nước. Tôi cô thân vào đời, vào quân đội làm lính khinh binh, đi đánh trận khắp nơi. Khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước được ký kết, đơn vị tôi đang đóng quân ở vùng Bắc Trung phần.

Tôi nhắn tin cho nhà tôi và nhờ người về đón vợ con vào. Từ đấy, không một người thân thuộc, chỉ vợ chồng chúng tôi cùng đàn con trước sau lần lượt ra đời, theo chân đơn vị di chuyển khắp các tỉnh miền Trung rồi vào Sài Gòn. Nhờ siêng năng cần mẫn, từ một anh lính trẻ mang cấp bậc Binh Nhì, tôi trải qua các cấp của bậc Hạ sĩ quan chỉ trong vòng bảy năm, lại được đặc cách đi học khóa sĩ quan Thủ Đức rồi về làm việc tại Bộ Quốc Phòng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) cho tới ngày tàn cuộc chiến.

Cũng như hàng trăm ngàn sĩ quan QLVNCH phải sa chân vào chốn lao tù Cộng sản vì vận nước suy vong, tôi đã chịu cảnh đày ải trong hàng chục trại tù khác nhau trong hơn sáu năm trời, trải qua những hiểm nguy chết người trong gang tấc, chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết oan ức, đau đớn của đồng đội. Cuối cùng tôi cũng được thả về đoàn tụ gia đình với một thân thể bệnh hoạn và một tâm hồn tan nát.

Tuy nhiên, sự hồi phục tinh thần trong tôi cũng nhanh chóng trở lại nhờ tình yêu thương của gia đình, của người bạn đời chịu thương chịu khó, của những đứa con hiếu thảo, biết hy sinh cho sự sinh tồn gia đinh. Tôi cũng nhận được sự giúp đỡ quý giá của đồng đội, của những người lính chung màu cờ sắc áo ngày xưa, vẫn rất trung thành, vẫn xem tôi như một người anh. Tôi rất biết ơn họ.

Những tin tức về chương trình H.O. được truyền tin cho nhau một cách lén lút. Mọi người thầm nhắc nhau chuẩn bị giấy tờ, tài liệu để khi thuận tiện mang ra sử dụng. Chương trình như mảnh phao giúp mọi người bám lấy hy vọng thoát khỏi sự kềm kẹp áp bức của chính quyền cộng sản vì cho dù đã ra khỏi trại tù giữa rừng xanh núi thẳm thì mọi người vẫn còn ở trong một trại tù lớn rộng hơn, chính là đất nước mình.

Hàng ngày, nhìn những khốn quẩn trong gia đình, trong từng ngày sống, trong từng bữa ăn, những người trụ cột như chúng tôi luôn cảm thấy bất lực. Cuộc đời tôi, lại một lần nữa, sẽ lại phải đi thật xa để có được một cuộc sống đích thực của con người ư? Tôi đã bỏ lại mảnh đất nơi cha mẹ tôi yên nghỉ, nay lại bỏ cả quê hương, đất nước ư? Điều đau đớn nhất là người vợ thân yêu của tôi đã ra đi vĩnh viễn để tôi có thể đưa được đàn con sang xứ người định cư. Một nỗi đau âm ỉ, tiếc nuối khôn nguôi đã theo tôi đến tận cuối đời.

*****

Dãy phòng phía trên lầu của phái đoàn Hoa Kỳ dùng để phỏng vấn những gia đinh xin đi định cư theo chương trình H.O. nằm trong khuôn viên Sở Ngoại Vụ. Mọi người đi vào bằng cổng phía bên đường Pasteur. Những gia đình được hẹn đến phỏng vấn, ngồi chờ trên dãy ghế đặt ở hành lang, lối đi phía đối diện. Khi đến lượt sẽ được gọi vào một trong sáu căn phòng được đánh số thứ tự từ 1 đến 6. Mọi người bảo nhau căn phòng số 6 là của vị Trưởng đoàn. Ông ấy đích thân phỏng vấn nên rất khó. Không có gia đình nào bước ra khỏi căn phòng đó mà vui cười được. Tất cả đều bị hạch hỏi kỹ lưỡng, bắt bẻ mọi điều từ hồ sơ cho đến thái độ cá nhân và bị đòi hỏi phải bổ túc giấy tờ. Có nhiều người bị từ chối không thương tiếc.

Khi gia đình tôi được gọi vào phòng số 6, nhiều tiếng ồ lo lắng vang lên. Tôi và các con lần lượt vào phòng. Tất cả con của tôi đều hiểu và cư xử đúng mực. Ông Trưởng đoàn phỏng vấn trông thật nghiêm nghị. Ông mời tất cả chúng tôi ngồi rồi hỏi tôi thông qua người phiên dịch: “Ông khai là đã đi du học Hoa Kỳ vào năm 1970, ông có bằng chứng gì cho việc đó không?”.

Tôi đứng lên trình bày tóm tắt lại quãng thời gian tôi sang Hoa Kỳ học về ngành Tổng Quản Trị Nhân Viên tại tiểu bang Indiana và đưa cho ông ta xem bức ảnh vị Thiếu Tướng, Giám đốc Học viện trao bằng chứng nhận khi tôi hoàn thành khóa học. Khóa học mà những sĩ quan QLVNCH đã học rất xuất sắc và riêng tôi đỗ ưu hạng.

Bức ảnh cứu gia đình tôi (chụp buổi lễ tốt nghiệp khóa học Tổng Quản Trị Nhân Viên tại tiểu bang Indiana với vị Thiếu Tướng Mỹ trao bằng chứng nhận) – ảnh tác giả gửi

Trong những ngày hoảng loạn vào Tháng Năm 1975, tất cả giấy tờ, hình ảnh… liên quan đến chính quyền VNCH và quân đội Hoa Kỳ đều bị thiêu hủy hoặc vứt bỏ. Bức ảnh trên may mắn nằm sót trong một ngăn kéo đã trở thành bằng chứng duy nhất tôi có được để chứng minh sự liên hệ. Bức ảnh đã cứu gia đình tôi.

Nhìn qua bức ảnh và với câu hỏi duy nhất đó, ông Trưởng đoàn đứng dậy, đưa bàn tay phải lên ngang tầm vai và trịnh trọng tuyên bố: “Nhân danh nước Mỹ, chúng tôi tiếp nhận gia đình ông”. Sau đó, ông bắt tay tôi rồi nói tiếp: “Chúc mừng ông và chúc gia đình ông gặp nhiều may mắn”. Tôi nghĩ ngay đến vợ tôi, đến sự hy sinh và phải chăng bà ấy đang phù hộ cho cha con chúng tôi.

Cuộc phỏng vấn rất nhanh chóng chỉ độ mười lăm phút với một câu hỏi. Thật là đặc biệt và khó tin, nhưng đấy là sự thật. Chúng tôi ra cửa, bước xuống chiếc cầu thang sắt. Các con tôi vui cười vẫy tay chào những gia đình khác đang còn ngồi chờ đến lượt. Mọi người đều rất ngạc nhiên rồi mừng rỡ chung vui cùng chúng tôi.

Sáu tháng tôi và các con bước lên phi cơ rời đất nước, bỏ lại quê cha đất tổ nơi miền Bắc xa xưa đầy thân thương; bỏ lại miền Nam Việt Nam nắng ấm và nghĩa hiệp đã cưu mang những người di cư chúng tôi; bỏ lại căn nhà xưa cũ nhiều kỷ niệm và những gia đình nhỏ với bầy con thơ chưa thể cùng đi lúc này; bỏ lại tất cả chỉ với hai bàn tay trắng ra đi tìm nguồn sống mới; bỏ lại thương yêu; bỏ lại hận thù…

Những tháng năm đầu tiên trên đất nước Hoa Kỳ thật khó khăn. Tôi và chín đứa con đã tận lực để vươn lên làm lại cuộc đời. Những gian nan trải qua không cần thuật lại. Hàng trăm ngàn người Việt khi ấy, hoàn cảnh đều giống nhau, đều phải nỗ lực rất nhiều. Dù muộn màng so với nhiều người, các con tôi cũng lần lượt hoàn tất việc học, đi làm và thành gia lập thất. Tôi tiếp tục lo giúp đỡ cho các con còn ở lại Việt Nam và chuẩn bị bảo lãnh đón chúng sang. Thế hệ tiếp nối đã được chào đời trên mảnh đất tự do Hoa Kỳ, nếu tính theo quân số trong quân đội, tôi đã có hơn một trung đội con và cháu như một đơn vị ngày xưa tôi chỉ huy.

*****

Cuộc đời tôi như ngọn cây xanh chỉ ước ao vươn lên phía bầu trời cao để tìm nắng ấm, đón gió lành và đơm hoa kết trái. Cuối cùng, gần trọn cuộc đời lênh đênh theo vận nước, vùng nắng ấm gió lành dung thân lại không phải là quê hương đất mẹ của mình.

Lê Khánh Long (viết thay Cha)

Vancouver, Tháng Mười Hai 2021

___________________________________

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: