Trung Quốc đã sẵn sàng hạ thủy tàu sân bay mới nhất, tân tiến nhất – một bước đi quan trọng giúp hải quân nước này mở rộng hoạt động quân sự trên biển xa.
Hình ảnh vệ tinh mới nhất của công ty viễn thám Maxar Technologies được báo The Wall Street Journal phân tích cho thấy hàng không mẫu hạm (HKMH) thứ ba, do Trung Quốc tự đóng, tạm gọi là Type 003, có thể sẽ được hạ thủy trong vài tuần hoặc vài ngày tới từ nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải. Hiện Trung Quốc đã có hai HKMH: Chiếc thứ nhất có tên Liêu Ninh (Liaoning), được cải tạo từ một vỏ tàu cũ mua của Ukraine và chiếc thứ hai có tên Sơn Đông (Shandong), do Trung Quốc tự đóng theo mẫu của tàu Liêu Ninh. Cả hai tàu này đều thuộc lớp tàu Kuznetsov của Liên Xô cũ, mũi tàu dốc lên để phi cơ chạy đà cất cánh.
Theo các nhà phân tích, so với tàu Liêu Ninh và tàu Sơn Đông, HKMH mới của Trung Quốc lớn hơn, tân tiến hơn, sử dụng công nghệ phóng điện từ để phóng phi cơ, tương tự như các HKMH của Mỹ và Pháp.
Hình ảnh vệ tinh do Maxar chụp ngày 31 Tháng Năm cho thấy bến tàu nơi con tàu Type 003 đang nằm ụ đã bị dọn sạch; các tàu nhỏ và công việc của xưởng đóng tàu mà hình ảnh cho thấy đã ở đó chỉ 10 ngày trước nay đã chuyển đi nơi khác. Hôm Thứ Sáu tuần trước, Trung Quốc cũng đã thông báo cấm tàu thuyền đi lại trong khu vực gần nhà máy đóng tàu Giang Nam – một dấu hiệu cho thấy sắp có cuộc hạ thủy lớn.
Ông Matthew Funaiole, thành viên cấp cao trong Dự án China Power tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, việc dọn dẹp đó sẽ cho phép hải quân Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay vào sông Dương Tử. Ông cũng lưu ý Bắc Kinh có thể hạ thủy con tàu vào ngày lễ quốc gia, Lễ hội Thuyền Rồng (tức là tết Đoan Ngọ ở Việt Nam), bắt đầu vào ngày mai Thứ Sáu 3 Tháng Sáu.
Việc hạ thủy HKMH chỉ là bước đầu, có thể còn nhiều năm và nhiều việc phải làm trước khi một HKMH có thể hoạt động đầy đủ. Một quan chức Hoa Kỳ cho biết, con tàu có thể hạ thủy nhưng việc xây dựng nó vẫn đang được tiếp tục. “Có nhiều việc quan trọng phải làm trước khi tàu sân bay có thể ra khơi và bắt đầu chạy thử nghiệm”, quan chức này nói với báo The Wall Street Journal.
“Sau khi đi vào hoạt động, HKMH thứ ba của Trung Quốc sẽ mở rộng đáng kể khả năng của hải quân nước này trong việc bảo vệ các lợi ích ở vùng biển gần đồng thời cho phép [Hải quân Trung Quốc] triển khai sức mạnh ra xa lục địa Trung Quốc,” ông Funaiole nói.
Ông Funaiole cũng cho rằng, việc xây dựng HKMH thứ ba phản ánh bước tiến ổn định của Trung Quốc trong việc mở rộng hạm đội hải quân và dự báo Trung Quốc có thể tiếp tục đóng các HKMH thứ tư, thứ năm, thậm chí là thứ sáu.
Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu thế giới về số HKMH được triển khai, với 11 chiếc.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Bryan Clark của Viện Hudson, sức mạnh của HKMH tùy thuộc vào năng lực của các phi đội máy bay chiến đấu mà nó chuyên chở và Trung Quốc còn phải đi một chặng đường dài trong việc phát triển đội chiến đấu cơ thế hệ kế tiếp, gọi là Thành Đô J-20, tương thích với hàng không mẫu hạm. “[Việc hạ thủy HKMH mới] không phải là một bước phát triển quan trọng bởi vì điểm yếu trong năng lực của HKMH Trung Quốc là phi đội”, ông Clark nói. Nhưng ông cho rằng, trong khoảng ba, bốn năm nữa, khi Trung Quốc nâng cấp được các phi đội hải quân của họ thì Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với một đối thủ có năng lực hơn trong khu vực. “Đó có thể là một thách thức [cho hải quân Hoa Kỳ] vì nó mở rộng tầm hoạt động của không lực Trung Quốc ra xa hơn nhiều,” ông Clark nói.
Năm ngoái, trong báo cáo thường niên về quân đội Trung Quốc gửi tới Quốc Hội, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nhận định, HKMH mới có thể hoạt động vào năm 2024. Kích thước lớn và hệ thống phóng tân tiến của nó “sẽ giúp cho nó mở rộng tầm hoạt động và tính hiệu quả của các chiến đấu cơ cất cánh từ HKMH”.
Báo cáo cũng cho biết Bắc Kinh đang nghiên cứu, phát triển các phiên bản chiến đấu cơ tấn công và tác chiến điện tử mới có thể cất cánh từ HKMH, nâng cấp năng lực chống tàu ngầm để bảo vệ các HKMH và các tàu ngầm của họ.
Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với khoảng 355 tàu mặt nước và tàu ngầm, theo báo cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ.
Đọc thêm: