Người Việt trong và ngoài nước thường dùng câu ‘nói láo như vẹm’ để chỉ sự lừa bịp, dối trá trắng trợn. Học giả danh tiếng Trần Trọng Kim đã giải thích chân phương khái niệm này trong cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi: “Cái thủ đoạn của Việt Minh là dùng mọi cách bạo ngược, tàn nhẫn, giả dối, lừa đảo để cho được việc trong một lúc. Ngay như họ đối với Việt Nam Quốc dân đảng nay nói là đoàn kết, mai nói đoàn kết, nhưng họ vẫn đánh úp, vẫn bao vây cho tuyệt lương thực. Khi họ đánh được thì giết phá, đánh không được thì lại đoàn kết, rồi cách ngày lại đánh phá. Dân tình thấy thế thật là ngao ngán chán nản, nhưng chỉ ngấm ngầm trong bụng mà không dám nói ra. Nên dân gian thường có câu nói như Vẹm. Vẹm là do hai chữ Việt Minh viết tắt V M, đọc nhanh mà thành ra.”
‘Công thần’ của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), cố Trung Tướng Trần Độ và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đã giải thích sự dối trá này trong cuốn hồi ký của mình: “Bộ máy cai trị bây giờ ngày đêm chỉ lo xây dựng bộ máy tuyên truyền, lo cổ động rầm rộ, dùng những “lưỡi gỗ” xây dựng và truyền lan các thứ “lý luận” “nói lấy được”, dùng mọi thủ đoạn lừa bịp, dối trá, nguỵ biện để nhằm một mục đích duy nhất là duy trì và giữ vững bộ máy cai trị mà họ gọi là ‘sự lãnh đạo của Đảng.’”
Trong thực tế, ĐCSVN kiểm soát toàn bộ truyền thông đối với tất cả các hoạt động in ấn, phát sóng, và trực tuyến, thông qua Bộ Thông tin dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo. Luật nhà nước thậm chí còn quy định tổng biên tập của các cơ quan này phải là đảng viên. Bởi thế, một vụ việc phản ánh sự thật bất lợi với ĐCSVN, thì ngay lập tức ‘đảng ta’ sẽ huy động lực lượng hùng hậu để định hướng dư luận.
Vô số người dân đã bị khép tội ‘chống phá’ chỉ vì họ dám nói lên sự thật. Minh bạch thông tin và công bằng điều tra gần như không bao giờ được áp dụng ở Việt Nam.
Vụ án Đồng Tâm
Cách đây hơn hai năm vụ cưỡng chế đất ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội gây chấn động dư luận trong nước và truyền thông quốc tế. Nhà cầm quyền khép lại vụ án bằng việc bắt giam và tuyên án đối với 29 người dân Đồng Tâm, trong đó có hai án tử hình đối Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con của ông Lê Đình Kình, người đã bị công an bắn chết.
Truyền thông nhà nước đã đồng loạt giải thích nguyên nhân tử vong của ông Kình là do ông đã chủ động tấn công lực lượng công an. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ các nhà hoạt động trong nước, hơn ba ngàn cảnh sát cơ động đã vây ráp thôn Hoành vào lúc bốn giờ sáng. Theo bản báo cáo điều tra nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 2021, các nhân chứng cho biết công an đã ném lựu đạn hơi cay vào nhà ông Kình khi cả gia đình đang ngủ và bắn ông Kình chết ngay tại chỗ.
Sau hơn hai năm ông Kình chết, công an xã vẫn chưa cấp giấy chứng tử cho ông vì không chấp nhận ghi nơi chết ‘tại nhà’ theo yêu cầu của gia đình ông. Công an xã muốn ông phải chết tại cánh đồng Sênh. Trong một đoạn clip được share rộng trên mạng xã hội, bà Dư Thị Thành, vợ của ông Kình, đeo khăn tang vừa khóc, vừa kể lại: “Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn, tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân.”
Hàng loạt câu hỏi liên quan đến vụ cưỡng chế đất đầy bạo lực và thiếu minh bạch vẫn chưa được giải đáp. Tại sao tra tấn và ép buộc bà Dư Thị Thành phải đổi khẩu cung? Tại sao buộc gia đình ông Lê Đình Kình phải chấp nhận ông chết ngoài cánh đồng, thay cho sự thật là ông bị bắn chết tại nhà? Tuy nhiên, vụ án cuối cùng cũng bị một thế lực nhân danh pháp luật cho ‘chìm xuồng’ như bao vụ án trước đây.
Vụ án Trần Đức Đô
Vào cuối Tháng Sáu năm 2021, vụ án quân nhân Trần Đức Đô, 19 tuổi, tử vong trong tư thế treo cổ ở trại huấn luyện thuộc Đại học quân sự Quân khu 1 ở tỉnh Thái Nguyên cũng chấn động dư luận. Gia đình của Trần Đức Đô nghi ngờ nguyên nhân cái chết là do bị đánh đập vì thi thể có nhiều vết bầm tím khác thường. Dư luận đã bày tỏ sự phẫn nộ và yêu cầu nhà cầm quyền phải điều tra công bằng và minh bạch.
Tuy nhiên, lực lượng công an đã ‘trấn an’ dư luận bằng cách ‘mời lên phường’ những cá nhân yêu cầu công bằng cho Trần Đức Đô, cũng như yêu cầu gia đình phải nhanh chóng tiến hành chôn cất. Không dừng lại ở đó, an ninh còn lập chốt kiểm soát người lạ ra vào ở gần nhà Đô, cũng như cắt điện, Internet, và sóng điện thoại. Nhưng, như thường lệ, vụ án cuối cùng cũng bị ‘chìm xuồng’, mà không một ai phải nhận trách nhiệm, cũng như hàng loạt thắc mắc vẫn chưa được nhà cầm quyền giải đáp.
Nghi án cưỡng hiếp tập thể
Đầu năm 2023, một vụ việc cũng gây chấn động dư luận là cáo buộc cưỡng hiếp tập thể tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh trường Quân sự Quân khu 7 (QSQK7), quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung của các đoạn clip và hình ảnh lan truyền cho biết một nữ sinh viên học quân sự tại trường Quân sự Quân khu 7 đã nhảy lầu tự vẫn sau khi bị các ‘bộ đội’ cưỡng hiếp tập thể.
Ngay trong đêm đoạn clip được share với tốc độ chóng mặt, Bùi Văn Dự, Phó Giám đốc trường Quân sự Quân khu 7, đã ra văn bản khẳng định chắc nịch: “Ngày 11 tháng 1 năm 2023… lan truyền thông tin thất thiệt kèm theo Clip phản ánh không đúng sự thật…” Sau đó, để trấn an dư luận, trường QSQK7 đã tổ chức một buổi họp báo cho biết đoạn clip lan truyền đã được cắt, ghép và sẽ “khởi tố hình sự” vụ án này. Lạ lùng hơn nữa khi đại diện của trường QSQK7 còn tuyên bố trong buổi họp báo sẽ xem xét hạn chế sinh viên học quân sự mang điện thoại. Hàng loạt câu hỏi vẫn chưa được giải đáp: Cơ quan nào, có chuyên môn ra sao kết luận đoạn clip bị cắt ghép? Khi nào sẽ công bố video clip chưa bị cắt ghép? Khởi tố ai, với tội danh gì? Những yếu tố nào đảm bảo cuộc điều tra độc lập, công bằng?
Dường như mục đích của cuộc họp báo này không phải là để giải đáp thắc mắc hoặc minh bạch thông tin, nhưng là để xoa dịu và răn đe dư luận, bởi không có sự hiện diện của bất kỳ cơ quan điều tra độc lập nào. Cuộc họp báo đơn giản là lời nói một phía của ban lãnh đạo Quân khu 7. Nếu nhân viên công ty của bạn là tình nghi của một vụ cưỡng hiếp, thì việc bạn tự thân tổ chức họp báo để tuyên bố nhân viên của bạn vô tội hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Công bằng ở đâu khi tự điều tra, rồi tự kết luận? Như vậy khác gì ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’!
—
ĐỌC THÊM
Làm sao có công lý khi không có độc lập tư pháp?
Theo Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, công dân có quyền được biết và quyền được tiếp cận thông tin. Thế nhưng, phản ứng đầu tiên trước các vụ án chấn động dư luận do có nghi ngờ bưng bít luôn là cảnh cáo khinh thường người dân ‘coi chừng bị thế lực thù địch lợi dụng’ và đe dọa khởi tố. Rồi sau đó là điều tra và kết án – tất cả đều được các cơ quan của ĐCSVN thực hiện.
Liêm chính và độc lập tư pháp là nền tảng tối quan trọng ở các nền dân chủ tiến bộ, và sự minh bạch thông tin đối với báo giới và công chúng là một sự kiểm soát phải có đối với nền tư pháp. Tuy nhiên, những yếu tố quan trọng này hoàn toàn không có ở Việt Nam khi hầu hết mọi thủ tục pháp lý đều diễn ra trong mờ ám bởi những đảng viên.
Theo báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tư pháp Việt Nam chịu sự kiểm soát tuyệt đối của ĐCSVN và hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các thẩm phán đều là đảng viên và đã được ĐCSVN sàng lọc trong quá trình tuyển chọn. Trong nhiều trường hợp, thẩm phán đã xác định tội danh của bị cáo trước khi tiến hành xét xử.
Nền tư pháp Hoa Kỳ không hoàn hảo, nhưng nó hơn hẳn hệ thống tư pháp ở các nước độc tài ở tính độc lập với chính quyền. Chính phủ không có thẩm quyền can thiệp vào các quyết định của tòa án, bởi quyết định đó được đưa ra bởi một ban bồi thẩm dựa trên những quy định công bằng về chứng cứ, nhằm đảm bảo rằng chỉ những người có tội mới bị kết án và trừng phạt mà thôi.
Khi nền tư pháp thiếu tính độc lập và liêm chính, thì kết quả hiển nhiên là án oan chồng chất, với vô số nạn nhân không bao giờ tìm được Công Lý. Bởi vậy, người Việt thời nay thường an ủi nhau rằng: ‘Công Lý chỉ là một diễn viên hài mà thôi’. Tình trạng này sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực khi dư luận dứt khoát phản đối sự lấp liếm, bao che, cũng như liên tục đòi hỏi sự minh bạch thông tin và điều tra công bằng. Đệ nhất Phu nhân Mỹ, nhà hoạt động xã hội Eleanor Roosevelt có câu nói để đời: “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là nguyền rủa bóng đêm.”