Tiết lộ đường dây buôn người kinh hoàng từ Việt Nam sang Campuchia

Ảnh chụp bên ngoài trụ sở cảnh sát tỉnh Kampot (Kampot Provincial Police), nơi đang tạm giữ các nạn nhân trong vụ buôn người để phục vụ điều tra. (Ảnh: VD)

Qua sự việc ông Từ Anh Tú, một nhà hoạt động dân chủ độc lập tại Bắc Giang tìm đường đi ra khỏi Việt Nam, được cảnh sát Campuchia “giải cứu” khỏi tay bọn buôn người, trên người đầy thương tích đã tiết lộ một trong những đường đây buôn người công khai hoạt động tại Việt Nam. Điều đáng nói, hiện ông Tú vẫn chưa được ra khỏi đồn cảnh sát, và đang đối diện với 2 nguy cơ: Hoặc sẽ “được” trả về Việt Nam, hoặc sẽ bị giao lại vào tay các ông chủ “nói tiếng Trung Quốc”!

Nguồn tin gửi về Việt Nam từ Campuchia cho biết, ông Tú (cùng với 7 người Việt khác trong vụ buôn người vừa được Saigonnho đưa tin) đã được giải cứu khỏi những kẻ buôn người, hiện đang ở trong trụ sở cảnh sát tỉnh Kampot (Kampot Provincial Police, số điện thoại +85581298511), Campuchia. Đáng chú ý, trước đó ông Tú (cùng các nạn nhân nêu trên) bị những kẻ buôn người “nói tiếng Trung Quốc” đánh đập dã man, bị tước điện thoại, sau khi chúng phát hiện ra nỗ lực liên lạc với người nhà để đến giải cứu của ông Tú.

Một nhà hoạt động giấu tên vì lý do an toàn cá nhân, tại Hà Nội, cho hay:

“Ai đó đã chụp ảnh những người bị nạn bị đánh đập thương tích nặng rồi gửi cho gia đình với mục đích nhắn gia đình gửi tiền chuộc từ 200 đến 500 triệu đồng.”

Ảnh ông Từ Anh Tú chụp tại đồn cảnh sát Campuchia cho thấy ông bị đánh đập dã man, dùng để tống tiền gia đình (Ảnh: VD)

Nhà hoạt động này cho biết thêm: “Cảnh sát Campuchia cho rằng nếu phía (công ty) Trung Quốc đến đòi người có hợp đồng viết tay thì Cảnh sát sẽ giao (các nạn nhân) cho phía (công ty) Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông nhận định: “Nếu báo chí mà đăng tải thông tin thì họ (Cảnh sát Campuchia) sẽ trả (những nạn nhân) về Việt Nam”.

Điều này được cho là do những nạn nhân nêu trên đã bị “sang tay” qua nhiều “công ty” khác nhau, và có “hợp đồng viết tay” khi chuyển giao đến công ty cuối.

Anh N., người thân của ông Tú tại Campuchia cho hay: Hùng và “Út” (những kẻ buôn người) đã “bán” những nạn nhân nêu trên cho một công ty có tên là “Kim Sa 3” (tại Thị xã Bavet, Campuchia). “Công ty” này sau đó đã “sang tay” các nạn nhân đó cho một “công ty” khác có tên là Tam Thái Tử. Những người “nói tiếng Trung Quốc” đã đánh đập ông Tú và các nạn nhân khác chính là người của “công ty Tam Thái Tử” này.

Đáng chú ý, công ty Kim Sa 3 cũng là một tổ chức do người Trung Quốc điều hành tại Campuchia. Phóng viên báo Người Lao Động trong nước đã từng chỉ rõ, hoạt động chủ yếu của công ty này là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội của công dân Hàn Quốc”.

Còn “công ty Tam Thái Tử” (ở Campuchia) đã bị nhiều người Việt phản ánh là một tổ chức giam giữ người trái pháp luật với hai mục đích: Hoặc buộc phải làm việc trái pháp luật cho họ (bằng cách lừa các nạn nhân khác), hoặc buộc phải trả một số tiền chuộc lớn mới được thả tự do. Một Tiktoker đăng một video ngắn phản ánh trên Tiktok, nội dung “Cánh cổng khu Tam Thái Tử nhìn ngoài rất “sang chảnh”, rất đẹp, nhưng khi vào lại khó ra: vào $0, (muốn) ra toàn $2000 – $3000”.

Theo một nguồn tin mới cập nhật, do có sự vào cuộc của báo chí, nên hiện Cảnh sát Campuchia đã cho ông Tú mượn điện thoại và gọi điện về thông tin cho gia đình, nói rằng ông đã an toàn. Khoảng vài hôm nữa, họ sẽ trả ông về Việt Nam. Điện thoại của ông Tú và các nạn nhân thì cảnh sát Campuchia đang tạm giữ lại để phục vụ điều tra về đường dây buôn người này.

Hiện chưa rõ tình trạng sức khỏe cũng như các tình trạng khác của 7 nạn nhân còn lại.

Ông Từ Anh Tú (sinh năm 1986), quê quán tại thôn Đại Phú, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, là một người hoạt động dân chủ độc lập. Ông từng tham gia một Câu lạc bộ bóng đá của những người yêu nước mang tên Hoàng Sa FC, từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2010 và chống thảm họa đầu độc môi trường biển Việt Nam do nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) gây ra vào năm 2016. Ông được cho là đã rời khỏi địa phương hơn một tháng nay để đi sang Campuchia, sau đó bị rơi vào vòng xoáy của đường dây buôn người nêu trên.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: