Một sáng mùa thu với tác giả ‘Thương Ca 1’ (Tưởng như còn người yêu)

Thủ bút của nhạc sĩ Phạm Duy khi phổ nhạc bài thơ “Thương Ca 1” (Hình: nhà thơ Lê Thị Ý cung cấp)

VIRGINIA, (SGN) – Cứ mỗi tháng Tư về, những câu chuyện về người lính Việt Nam Cộng Hoà lại cuồn cuộn tuôn chảy trong ký ức của những ai đã đi qua cuộc chiến. Trong đó, hình ảnh người goá phụ có chồng tử trận trong ca khúc “Tưởng như còn người yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Thương Ca 1” của nhà thơ Lê Thị Ý, sau 50 năm vẫn còn gây nhiều xúc động cho người sau nhìn lại.

“Ngày mai đi nhận xác chồng / Say đi để thấy mình không là mình…”

Một cuộc đời bình lặng

Cuối tháng Ba, trời Virginia vẫn còn se lạnh. Người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé, khoác chiếc áo đông vừa người, bước vào quán. So với cuộc gặp gỡ chớp nhoáng sáu năm trước, bà – nữ sĩ Lê Thị Ý, không thay đổi nhiều. Vẫn mái tóc đơn giản đó, vẫn nụ cười hiền lành, vẫn giọng nói thấm đậm âm hưởng của người Hà Nội “một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa.”

Nữ sĩ Lê Thị Ý (Hình: nhà thơ Lê Thị Ý cung cấp)

Như hàng triệu người dân Việt Nam khác, bà là nhân chứng trong hai cuộc di tản vĩ đại của dân tộc. Nhưng nếu ai có hỏi, cuộc “chạy trốn” nào để lại trong bà nhiều dấu ấn nhất? Bà sẽ trả lời: “Đó là chuyến vượt biển năm 1981.”

Sau khi ra khỏi hải phận Việt Nam, tàu của bà lênh đênh trên biển ba ngày. Sau đó, tàu cập vào đảo Songkhla, Thái Lan. Chỉ trong ba ngày thôi, con tàu gặp hải tặc sáu lần. Không một ai trên tàu, kể cả đứa bé chỉ mới tám tuổi, có thể thoát khỏi hành động hãm hiếp của hải tặc, ngoại trừ bà.

“Nói thì không ai tin, nhưng đó là sự thật. Chỉ một mình tôi may mắn thoát. Có đôi vợ chồng đó, người chồng đau đớn nhìn vợ mình bị hãm hại ngay trước mắt. Nhưng khi đến đảo rồi, thì họ lại quyết định chia tay. Có lẽ họ không thoát ra được cơn ác mộng kinh hoàng đó. Tôi nghĩ vậy.” bà nói.

Đặt chân đến Mỹ, bà định cư tại Maryland cho đến tuổi về hưu thì về Virginia đến hôm nay. So với những cuộc đời tỵ nạn khác, năm tháng tha hương của bà có phần nhẹ nhàng hơn, dù cũng trải qua nhiều công việc làm để tồn tại. Bà từng học để lấy bằng kỹ thuật viên máy tính, nhưng do giới hạn ngôn ngữ, nên cũng phải dở dang, chuyển sang công việc khác.

Những năm tháng đó, thơ vẫn là gia tài lớn nhất người nữ sĩ có được. Bà đã âm thầm cho ra đời bốn, năm tập thơ, nhưng chỉ dành tặng cho người quen, thân hữu. “Cuộc đời của tôi khá đơn giản, nếu không muốn nói là ‘hạn hẹp.’ Viết văn thì tả cảnh, tả tình. Thơ thì từ cảm xúc. Mà cuộc đời tôi thì bình dị, chỉ chất chứa toàn hình ảnh lính và chiến tranh,” – bà nói với nụ cười thật hiền.

‘Người lính và chiến tranh chưa bao giờ rời xa tôi’

Nữ sĩ Lê Thị Ý là “con nhà nòi” của thi ca. Bà xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị.

Tuyển tập thơ văn “Quê hương và Kỷ niệm” của gia đình nhà thơ Lê Thị Ý (Hình: Kalynh.Ng)

Bà đến với thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học. Khi cùng gia đình di tản vào Nam năm 1954, nữ sĩ Lê Thị Ý sống cùng một người anh là sĩ quan. Đến năm 1960, bà về Pleiku, làm việc cũng trong một trại lính. Cũng chính vì vậy, theo lời bà – “Người lính luôn luôn trước mặt. Chiến tranh luôn luôn ở trước mặt. Không bao giờ rời xa tôi.”

Cả cuộc đời của nữ sĩ Lê Thị Ý được bao phủ bởi hình ảnh kiên cường, oai hùng của người lính Việt Nam Cộng Hoà. Bà như con chim nhỏ bay nhảy trong không gian khép kín của cuộc chiến. Thế giới của bà là những bộ quân phục màu lá rừng, những đôi mắt sáng ngời ý chí, những vầng trán cao kiên cường của tuổi trẻ lấy tình yêu đất nước làm lẽ sống. Có phải nữ sĩ thần tượng và thần tượng hoá hình ảnh người lính trong cuộc chiến không?

Tôi vừa thương vừa thần tượng. Tôi yêu nhất là bộ quân phục của người lính. Cuộc đời của họ là anh hùng, là sự dấn thân,” bà nói.

Trong câu chuyện của bà kể, khi chiến trường, người lính là anh hùng, là dấn thân. Ngày về phép, hoặc cuối tuần, cởi bỏ bộ quân y, họ là người lính chân tình, dễ thương. Bà kể, nếu người lính ấy có 500 đồng để tiêu xài trong một tuần, thì họ sẽ không dùng. Họ để dành cuối tuần gặp người yêu, cả hai cùng đi dạo phố.

Hướng tầm mắt ra cửa, bà nói nhẹ: “Tôi vừa thương vừa thần tượng. Khi người lính vừa ra khỏi cửa, là tôi lại nghĩ ngay đến những hiểm nguy có thể xảy đến với họ. Tôi có những liên hệ lạ lùng lắm. Nếu nói tôi tưởng tượng, cũng được.”

Người anh cả của nữ sĩ là một sĩ quan. Lúc nào bà cũng mang tâm trạng lo sợ anh mình đi đánh trận không trở về. Người yêu đầu đời của bà, là một người lính. Người yêu thứ hai trong đời, vẫn là một người lính – người đã tử trận trong một trận đánh.

‘Thương Ca 1’

Năm 1965, nữ sĩ rời Sài Gòn. Bà về Pleiku làm việc trong một trại lính. Năm năm ở phố núi bé nhỏ này, mỗi một ngày bà đối diện với vô vàn những câu chuyện không tên về cuộc đời người lính. Lúc này, cũng là thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh. Thế giới xung quanh bà khi ấy chỉ toàn lính, và lính. Lính và vợ. Lính và vũ khí. Lính và đạn bom. Lính và tử trận. Từ đó, tình yêu bà dành cho người lính, cuộc đời người lính, càng thêm cao dầy. Đôi khi, chỉ những câu chuyện trò ngắn ngủi đời thường với vợ lính cũng làm cho trái tim người nữ sĩ chạnh lòng.

Bài thơ “Thương Ca 1” trong Tuyển tập thơ văn “Quê hương và Kỷ niệm” (Hình: Kalynh.Ng)

Bà nhớ lại, rồi kể: “Chúng tôi, những người phụ nữ nói chuyện vui đùa với nhau. Có người nói:

– Trời lạnh thế này mà được ở nhà ôm ông xã thì sướng biết mấy.

– Thế ông xã đâu?

– Ông xã đi đánh trận.”

Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng cũng đủ làm tâm hồn nữ sĩ bồi hồi xúc động.

Thời gian ở trại lính Pleiku, nhà thơ chiêm nghiệm rõ như nhật nguyệt sự vô thường của đời người trong chiến tranh. Những người ở đấy gặp đó, rồi mất đó. Một câu chuyện được bà nhớ và kể lại:

“Tôi nhớ vào Giáng Sinh năm đó, có một người lính đến cửa hàng của tôi mua quà lưu niệm gửi cho gia đình. Anh ấy xin cho khất lại tiền, đến đầu Tháng Giêng, dịp Tết tây, ảnh về trại sẽ gửi trả. Nhưng lần ra trận đó, người lính mãi mãi không quay về. Sau đó, người em của anh ấy ra nhận trả số tiền đó. Nhưng tôi không nhận.”

Nữ sĩ đa cảm “thương vay khóc mướn” (theo lời bà tự nhận) nói rằng, những năm tháng đó, bà rất gần gũi với cái chết của mọi người. Không biết bao nhiêu lần bà chứng kiến người phụ nữ, những đứa trẻ, những cô gái tuổi xuân hồng đến mở chiếc poncho quấn xác để nhận xác chồng, cha, người yêu. Bà đau với nỗi đau của họ. Nước mắt của bà rơi cùng tiếng khóc của họ.

Thủ bút của nhạc sĩ Phạm Duy khi phổ nhạc bài thơ “Thương Ca 1” (Hình: nhà thơ Lê Thị Ý cung cấp)

“Tôi đi ngang nhà xác, nghe tiếng khóc vọng ra. Tôi nhìn vào thấy người ta đang nhận xác…đau lắm. Không phải chỉ khi của mình, mình mới đau…” bà kể.

Nó (nỗi đau) không phải là của mình nhưng đã hoá thành của mình. Bài thơ “Thương Ca 1” ra đời từ đó.

“Tôi làm bài thơ đó rất nhanh. Tôi làm một mạch, không sửa gì cả. Tôi làm xong cất vào trong bàn học. Ngày xưa, anh tôi, nhà thơ Vương Đức Lệ, không muốn các em mình theo nghiệp thơ văn, nên tôi làm xong toàn là giấu đi. Nhưng hôm đó, bạn của anh tôi đến nhà chơi, vô tình thấy bài thơ đó. Ông nói ‘thơ hay thế này mà không đi đăng.’ Thế là ông xé tờ giấy tập có bài thơ, đưa cho cụ Nguyễn Ðức Quỳnh, là người trụ trì sinh hoạt Ðàm Trường Viễn Kiến. Cụ Quỳnh đọc rồi lại chuyển cho ông Phạm Duy phổ nhạc,” nữ sĩ kể lại quá trình ra đời bài thơ “Thương Ca 1” và bài hát “Tưởng như còn người yêu.”

Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi “Thương Ca 1” ra đời, hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hoà với bộ quân phục hiên ngang, dũng mãnh, vẫn mãi trọn vẹn trong trái tim và tâm hồn người nữ sĩ – nhà thơ Lê Thị Ý.

(*) Nữ ca sĩ Julie Quang là người đầu tiên thể hiện ca khúc “Tưởng như còn người yêu.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: