Vì sao ông Trump kiện mạng xã hội?

Cựu Tổng thống Donald Trump lại làm dậy sóng dư luận khi bất ngờ tung ra ba vụ kiện nhắm vào ba công ty truyền thông mạng xã hội lớn nhất thế giới , cho rằng họ vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông ta.
Minh họa: Adem AY/Unsplash

Cựu Tổng thống Donald Trump lại làm dậy sóng dư luận khi bất ngờ tung ra ba vụ kiện nhắm vào ba công ty truyền thông mạng xã hội lớn nhất thế giới và lãnh đạo của các công ty này vì cho rằng họ vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông ta. Vụ kiện sẽ chẳng đi đến đâu; giống như hơn 60 vụ kiện của ông đòi lật ngược kết quả bầu cử tổng thống tháng 11 năm ngoái. Nhưng tại sao ông Trump vẫn kiên trì kiện tụng? 

Như tin đã đưa, vào sáng ngày thứ Tư 7 tháng Bảy 2021, ông Trump cùng một số tổ chức và cá nhân hợp tác đã nộp ba đơn kiện lên Tòa liên bang Hoa Kỳ khu vực Nam Florida, kiện công ty Facebook và CEO của nó là ông Mark Zuckerberg, công ty Twitter và CEO Jack Dorsey; công ty YouTube (công ty con của Google thuộc tập đoàn Alphabet) và CEO Sundar Pichai.

Sau khi nộp đơn lên tòa án, ông Trump đã tổ chức một cuộc họp báo tại câu lạc bộ chơi golf của ông ở New Jersey để công bố hành động pháp lý mới của mình. Có mặt tại cuộc họp báo, đài NBCNews ghi nhận ông Trump đứng phát biểu sau cái bục trang trí một phù hiệu trông giống hệt con dấu (seal) của tổng thống Hoa Kỳ, trước một tấm phông gợi nhớ nơi thường tổ chức họp báo trong Tòa Bạch ốc.

***

Bối cảnh của vụ kiện tụng là quyết định của ba công ty mạng xã hội nói trên đồng loạt ngăn chặn các tài khoản (account) cá nhân của ông Donald Trump và các đồng minh thân tín của ông sau vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc Hội Mỹ hôm 6 Tháng Một, 2021. Ủy ban Giám sát của Facebook hồi tháng Sáu đưa ra quyết định cấm ông Trump tham gia mạng xã hội này thêm hai năm nữa, và có thể gia hạn nếu cần. Khi đưa ra quyết định như vậy, các công ty truyền thông xã hội lập luận rằng Tổng Thống Trump và các đồng minh đã sử dụng nền tảng truyền thông của họ để “kích động bạo lực.” 

Trong một video-clip đăng trên YouTube hôm 6 Tháng Một, 2021, trong lúc những kẻ bạo loạn đang tràn ngập tòa nhà Quốc Hội tìm cách lật ngược kết quả bầu cử tổng thống, ông Trump đã tuyên bố sai sự thật rằng cuộc bầu cử tổng thống đã bị gian lận và ông ta đã bị “ăn cắp” chiến thắng. Ngay sau đó, ông đăng bài trên cả Twitter và Facebook nói rằng “đây là chuyện xảy ra khi một chiến thắng bầu cử áp đảo và thiêng liêng bị tước bỏ một cách độc ác, không kèn không trống, khỏi những người yêu nước vĩ đại, những người đã bị đối xử tàn tệ và không công bằng trong thời gian dài”. Các bài đăng và video này đã bị mạng xã hội gỡ xuống.

***

Trong đơn kiện nộp ở tòa án Florida hôm thứ Tư, ông Trump và các nguyên đơn biện luận rằng việc ngăn chặn các tài khoản mạng xã hội của ông là vi phạm Tu chính án thứ Nhất, bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân không bị chính phủ hạn chế. Từ đó, ông yêu cầu tòa án ngăn chặn hành động của Twitter, Facebook và YouTube “thực hiện việc kiểm duyệt, kiểm soát nội dung hoặc những sự hạn chế dưới nhiều hình thức” các bài đăng của các tổng thống.

“Các Quốc Phụ đã ghi rõ điều này trong tu chính án đầu tiên của Hiến Pháp bởi vì họ biết rằng tự do ngôn luận là thiết yếu để ngăn ngừa… ngăn ngừa nỗi sợ hãi”, ông Trump nói tại cuộc họp báo và cho rằng vụ kiện của ông là “một trận chiến mang tính bước ngoặt” (a pivot batlle) cho quyền tự do ngôn luận.

Ngoài ra, ông yêu cầu tòa án lật ngược Khoản 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp (Communications Decency Act, CDA), theo đó các công ty mạng xã hội được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với những nội dung đăng tải trên nền tảng của họ; đồng thời phục hồi các tài khoản cá nhân của ông trên mạng Twitter, Facebook, kênh riêng của ông trên YouTube.

Cũng nên để ý là vụ kiện được ông Trump khởi xướng thành một vụ kiện tập thể (class action) có nhiều người đứng nguyên đơn cùng ông ta chứ không phải vụ kiện của cá nhân ông Trump – những người cho rằng các nền tảng mạng xã hội không nên áp đặt hạn chế lên những người dùng có tư tưởng bảo thủ.

***

Có phải khi cấm cửa ông Trump và một số người thân cận của ông, các mạng xã hội Twitter, Facebook và YouTube đã vi phạm Tu chính án thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã có bài phân tích đăng trên Saigon Nhỏ ngày 19 Tháng Một, 2021 (xin mời đọc tại đây), ngay sau khi các mạng xã hội quyết định ngăn chặn hoặc xóa tài khoản của ông Trump lúc ông vẫn còn là tổng thống Hoa Kỳ. Xin nhắc lại một số ý chính:

Trước tiên, hãy xem lại Tu chính án thứ Nhất: “Quốc Hội sẽ không làm luật liên quan tới việc thành lập tôn giáo, hoặc cấm đoán sự thực hành tôn giáo; hoặc hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí hoặc quyền của người dân được tụ tập một cách hòa bình hoặc quyền kiến nghị chính phủ giải quyết những nỗi bất bình của họ”. Như vậy, cũng như mọi văn bản luật khác, Hiến Pháp và các tu chính án nhắm tới điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, hạn chế các tổ chức công quyền như Quốc Hội, chính phủ ban hành những luật lệ hạn chế tự do của công dân; quan hệ giữa các công ty tư nhân và khách hàng của họ không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật lệ này.

Trên trang mạng Talk On Law, Giáo sư Nadine Strossen, ngành Luật Hiến pháp tại Đại học Luật Khoa New York, giải thích: “Sự bảo đảm về quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ Nhất cùng với tất cả các quyền hiến định khác là nhằm bảo vệ chúng ta trước chính phủ. Nếu chính phủ can thiệp vào quyền tự do ngôn luận của bạn thì bạn có thể dùng Tu chính án thứ Nhất để khởi kiện nhằm phản đối điều đó… Còn ở đây, Facebook, Twitter hay các mạng truyền thông xã hội khác không phải là chính phủ. Họ là các tổ chức tư nhân và do đó họ không chịu ràng buộc của Tu chính án thứ Nhất để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của bạn”. 

Nói cụ thể, hành động cấm cửa ông Trump của Twitter, YouTube và Facebook không trái với quyền tự do ngôn luận được quy định trong luật pháp. Báo chí truyền thông và các nhà luật học Hoa Kỳ thậm chí còn cho rằng hành động của các mạng xã hội là quá muộn, nếu “cấm” ông Trump sớm hơn thì có thể đã tránh được vụ bạo loạn đáng tiếc trên Đồi Capitol hôm Thứ Tư, 6 Tháng Một.

Thêm nữa, các công ty mạng xã hội có những quy tắc ứng xử mà người sử dụng đồng ý chấp nhận trước khi tham gia, gọi rườm rà là tiêu chuẩn cộng đồng. Những bài đăng vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng này có thể dẫn tới việc bài đăng bị xóa, tài khoản bị ngăn chặn tạm thời hay vĩnh viễn. Và đó là những chuyện đã xảy ra với tất cả mọi người, không riêng cho ông Trump hay các người sử dụng có quan điểm bảo thủ. Trước khi quyết định cấm cửa ông Trump, các mạng Twitter và Facebook đã nhiều lần cảnh báo nội dung nhiều bài đăng của ông là không đúng sự thật, đã “dán nhãn” cảnh báo để người đọc phải cảnh giác.

Minh họa: NordWood Themes/Unsplash

Ông Trump và các luật sư của ông thừa hiểu quyết định của các mạng xã hội Facebook, Twitter và YouTube là không sai về mặt pháp luật và đạo đức. Ông thậm chí đã tìm đến các mạng xã hội khác và đã cố gắng xây dựng mạng xã hội riêng của mình, nhưng đều không thành công. Một cựu phát ngôn viên của ông, Jason Miller, gần đây đã lập ra một mạng truyền thông xã hội mới, có tên GETTR, và quảng cáo nó như là nền tảng thay thế cho các mạng xã hội lớn. Nhưng chỉ vài giờ sau khi ra mắt vào Ngày Lễ Độc Lập 04 Tháng Bảy vừa qua, mạng này đã bị các tin tặc thâm nhập và sửa đổi thông tin tài khoản của người sử dụng, kể cả tài khoản của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và của chính Jason Miller, người sáng lập và quản trị mạng.

Ấy thế thì tại sao đến lúc này, gần nửa năm sau ngày bị treo tài khoản mạng xã hội, ông Trump và những người thân cận mới dùng đến công cụ pháp lý và khởi kiện ra tòa? Các chuyên gia pháp lý đều cho rằng vụ kiện “không có cửa thắng” vì như đã phân tích ở trên, các công ty mạng xã hội Facebook, YouTube và Twitter đều là các doanh nghiệp tư nhân, không chịu sự điều chỉnh của Tu chính án thứ Nhất. Ông Trump và các luật sư của ông chắc chắn biết điều đó, nhưng họ vẫn kiện.

Điểm mới trong lập luận của ông Trump là ông quan niệm các công ty công nghệ lớn hoạt động như là cánh tay nối dài của chính phủ liên bang Hoa Kỳ hơn là các công ty tư nhân – như ông nói với báo chí trong cuộc họp báo hôm nay. Quan niệm này hoàn toàn không chính xác. Đành rằng các mạng xã hội đa quốc gia như Facebook, Twitter và YouTube phải tuân thủ luật pháp địa phương ở những nước mà chúng hoạt động, và không hiếm trường hợp các mạng xã hội này tiếp tay với các chính quyền độc tài để bịt miệng những nhà đấu tranh bất đồng chính kiến. Nhưng ngay tại Hoa Kỳ, không có bằng chứng nào cho thấy các mạng xã hội nói trên không phải là công ty tư nhân, “là cánh tay nối dài” của chính phủ liên bang. Cũng không thể vu cáo họ tiếp tay với chính phủ liên bang Hoa Kỳ để bịt miệng ông Trump, đơn giản vì vào thời điểm bị “cấm cửa” ông Trump vẫn là tổng thống Hoa Kỳ, là người đứng đầu cái chính phủ liên bang mà ông tố cáo như vậy.

Giáo sư Robert Reich, một nhà kinh tế học từng phục vụ trong các chính phủ Gerald Ford và Jimmy Carter, làm Bộ trưởng Lao động trong chính phủ Bill Clinton từ 1993-1997, viết trên trang Facebook có 2,5 triệu người theo dõi của mình: “Mục đích của vụ kiện không phải là để thắng kiện. Nó sẽ cho ông ta thêm nhiều đạn dược cho sự lường gạt không ngừng của ông ta –  thu được thêm nhiều tiền từ các ủng hộ viên đang nhiệt tình thể hiện sự ủng hộ ông ta, bằng cách ‘đâm’ vào Facebook, Google và Twitter”.

Giáo sư Reich thừa nhận rằng, về nhiều phương diện, Facebook, Twitter và Google là “những chính phủ thu nhỏ” (mini-governments). Họ là những tổ chức độc quyền, có quyền lực rất lớn cả với nền kinh tế và đời sống của cá nhân. “Cần phải đưa các công ty này vào sự kiểm soát, nhưng bằng các đạo luật chống độc quyền và hành động của chính phủ, chứ không phải bởi một ông tổng thống thất bại, người sử dụng mạng xã hội để gieo rắc những điều dối trá và kích động bạo loạn,” ông Reich viết. Và đây có thể là nhận định chung, đúng đắn về vụ kiện mới của ông Trump.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: