Bắc Hàn yêu cầu nới lỏng trừng phạt mới mở lại đàm phán với Mỹ

Ông Trump và ông Kim gặp nhau ở biên giới Nam-Bắc Hàn. Ảnh: Official White House Photo by Shealah Craighead

Bắc Hàn đòi các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nước này phải được dỡ bỏ trước khi bắt đầu lại các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hãng Reuters trích thuật thông tin của một số nhà lập pháp Nam Hàn hôm Thứ Ba 3 Tháng Tám.

Sau cuộc họp với ông Park Jie-won, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS), Nghị sĩ Ha Tae-keung, thành viên của Ủy ban Tình báo Quốc hội Nam Hàn, nói với các phóng viên rằng chính phủ Bình Nhưỡng yêu cầu quốc tế dỡ bỏ lệnh cấm Bắc Hàn xuất cảng kim loại, nhập cảng nhiên liệu tinh chế và các nhu yếu phẩm khác. Họ cũng yêu cầu nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập cảng hàng hóa xa xỉ để có thể nhập cảng rượu và quần áo hảo hạng.

“Bắc Hàn lập luận rằng, điều kiện tiên quyết để mở lại các cuộc đàm phán là Hoa Kỳ nên cho phép xuất cảng khoáng sản, nhập cảng dầu tinh chế và các nhu yếu phẩm”, ông Ha Tae-keung nói. “Tôi hỏi họ muốn những thứ cần thiết nào nhất, và họ nói rằng rượu thượng hạng và quần áo cao cấp, không chỉ để phục vụ cho riêng Kim Jong Un mà còn phân phối cho giới thượng lưu của Bình Nhưỡng”, ông Ha Tae-keung nói thêm, đề cập đến nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Những thông tin này được đưa ra một tuần sau khi hai miền Nam và Bắc Hàn nối lại đường dây nóng liên lạc điện thoại giữa hai nước mà Bắc Hàn đã đình chỉ một năm trước. Các phương tiện truyền thông nhà nước Bắc Hàn đã không đề cập đến bất kỳ yêu cầu mới nào về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để khởi động lại các cuộc đàm phán.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn vì theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Kể từ năm 2006, Bắc Hàn đã thực hiện sáu vụ thử hạt nhân và phóng thử tên lửa đạn đạo có khả năng bay tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Ngoài Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng họ đối với Bắc Hàn.

Bắc Hàn đã ngừng thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa kể từ năm 2017, trước cuộc gặp lịch sử ở Singapore giữa Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018. Trump sau đó đã có hai cuộc gặp nữa với Kim nhưng không có tiến triển trong việc yêu cầu Bắc Hàn từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt.

Kim Byung-kee, một nhà lập pháp khác của Hàn Quốc, cho biết Bắc Hàn dường như đã “nuôi dưỡng sự bất mãn” với Hoa Kỳ vì Washington đã không nhượng bộ sau khi Bình Nhưỡng tạm hoãn các vụ thử hạt nhân và ICBM. “Hoa Kỳ có thể đưa Bắc Hàn trở lại bàn đàm phán bằng cách điều chỉnh một số biện pháp trừng phạt”, ông Kim nói.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden nói với Reuters vào Tháng Ba rằng Bắc Hàn đã không phản ứng với các hoạt động ngoại giao hậu trường. Sau khi xem xét lại chính sách của Bình Nhưỡng, chính quyền Mỹ cho biết họ sẽ tìm cách đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên qua các kênh ngoại giao nhưng sẽ không có cuộc đổi chác lớn với ông Kim. 

Các cuộc tập trận quân sự giữa các lực lượng Mỹ và Nam Hàn mà Bình Nhưỡng coi là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược, có thể cản trở bất kỳ bước đi tích cực nào. Em gái của nhà lãnh đạo Bắc Hàn, bà Kim Yo Jong – người có vai trò quan trọng trong chính quyền, hôm Chủ Nhật cảnh báo Nam Hàn rằng các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ sẽ làm suy yếu sự hòa dịu giữa hai miền Triều Tiên.

Nghị sĩ Kim dẫn lời quan chức tình báo nói rằng, vấn đề tập trận nên được cân nhắc: “Cũng cần phải xem xét phản ứng linh hoạt với các cuộc tập trận quân sự của Nam Hàn và Hoa Kỳ.”

Nghị sĩ Ha thông tin thêm rằng Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đã bày tỏ sẵn sàng xây dựng lại lòng tin và cải thiện quan hệ liên Triều kể từ Tháng Tư và Kim đã yêu cầu kết nối lại đường dây nóng.

Các nhà lập pháp cho biết Bắc Hàn đang cần khoảng một triệu tấn gạo ngay cả khi đã xuất kho gạo dự trữ do nền kinh tế của nước này bị ảnh hưởng nặng nề bởi coronavirus và thời tiết xấu vào năm ngoái.

Ngân hàng trung ương Nam Hàn tuần trước cho biết nền kinh tế của Bắc Hàn bị suy giảm mạnh nhất trong 23 năm vào năm 2020. Nghị sĩ Kim Byung-kee cho biết: “Họ đã cạn kiệt nguồn lương thực dự trữ và phải dựa vào khoảng 400,000 tấn lúa mạch và khoai tây mà họ vừa thu hoạch trong mùa hè vừa qua”.

Bài liên quan:

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: