Tư thế ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và não bộ

(Hình minh họa: Tânia Mousinho/Unsplash)

Giấc ngủ chất lượng vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, não bộ và sức khỏe tổng thể, cả thể chất lẫn tinh thần.

Nhưng các chuyên gia cho biết tư thế ngủ cũng thực sự quan trọng, ít nhất là trong một số trường hợp. Nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm sấp, tư thế nào là tốt nhất nói chung, và cho riêng mỗi cá nhân là những câu hỏi đáng để đặt ra.

Nhìn chung, tư thế ngủ là vấn đề sở thích cá nhân, theo Tiến Sĩ Rachel Salas, bác sĩ thần kinh chuyên khoa giấc ngủ tại Trung Tâm Giấc Ngủ Và Sức Khỏe Johns Hopkins ở Baltimore. Phòng ngủ, nệm, vị trí cửa sổ ánh sáng và cả người bạn ngủ cùng đều có thể ảnh hưởng đến lựa chọn của bạn, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu được thực hiện về tác động của lựa chọn đó.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét tư thế ngủ của những người bị suy tim, một tình trạng mà tim không bơm máu hiệu quả. Salas cho biết những người suy tim thường bị khó thở, tình trạng này trở nên tồi tệ hơn khi họ ngủ nghiêng về bên trái, khiến nhiều người thích nằm nghiêng bên phải hơn. Nhưng bà cho biết ngủ nghiêng về bên trái lại tốt hơn cho những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hay GERD, vì các triệu chứng của bệnh này đôi khi có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề về tim. Ngủ nghiêng về bên trái cũng được biết là có thể giúp máu lưu thông ở phụ nữ mang thai.

Một trong những mối liên hệ dễ hiểu nhất giữa tư thế ngủ và sức khỏe tim mạch và não bộ liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ, khi hơi thở ngừng lại và khởi động lại trong khi ngủ. Hầu hết những người bị ngưng thở khi ngủ sẽ bị ngưng thở khi ngủ nặng hơn nhiều khi họ nằm ngửa so với nằm nghiêng.

Chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch theo nhiều cách. Khi cơ thể phải làm việc nhiều hơn để hít không khí, nó sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng. Ngưng thở cũng có thể làm tăng nồng độ carbon dioxide trong máu và ảnh hưởng đến giấc ngủ sâu. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, một loại bệnh bắt nguồn từ các vấn đề về giải phẫu, có liên quan đến nhịp tim không đều, huyết áp cao và các vấn đề khác.

Tuyên bố khoa học năm 2024 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ về vai trò của giấc ngủ tối ưu đối với sức khỏe não bộ, cho biết đây cũng là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Một thử nghiệm lâm sàng năm 2011 được công bố trên tạp chí Sleep Medicine phát hiện ra rằng việc tránh tư thế nằm ngửa có thể làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của chứng ngưng thở ở những người đã từng bị đột quỵ. Chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến khoảng 34% nam giới trung niên và 17% phụ nữ trung niên, và nhiều trường hợp không được chẩn đoán.
Điều đáng chú ý là có những người mắc chứng mà y học gọi là ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn tư thế, nghĩa là họ chỉ bị ngưng thở ở một tư thế nhất định. Hầu hết thời gian đó là khi họ ngủ ngửa.

Để giải quyết vấn đề đó, đã có sẵn các thiết bị điện tử đánh thức có thể giúp người ngủ chuyển sang tư thế khác nếu họ lăn qua tư thế nằm ngửa. Các bác sỹ cho biết đối với hầu hết mọi người, nếu họ bị ngưng thở khi ngủ, hay ngáy ngủ, ngủ nghiêng trong hầu hết các trường hợp có thể rất hữu ích.

Theo AHA, hầu hết người lớn nên ngủ trung bình từ bảy đến chín tiếng mỗi đêm. Ngủ đủ giấc tác động đến mọi hệ thống trong cơ thể, bao gồm cả tim và não, và tác động đến sức khỏe của mạch máu, sức khỏe của hệ thống miễn dịch cùng nhiều tác động khác nữa.

Mọi người thường ngại thử nghiệm các tư thế khác nhau để có giấc ngủ ngon hơn, nhưng Salas khuyến khích họ làm như vậy. Bà cho biết một thay đổi đơn giản như thay chiếc gối đã dùng hàng chục năm, hoặc kẹp một chiếc khăn tắm cuộn giữa hai đầu gối để giảm đau lưng cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Nếu bạn không tìm được tư thế thoải mái thì đừng bỏ qua điều đó. Nếu bệnh nhân nói với bác sĩ rằng họ không thở được khi nằm ngửa, hoặc phải ngủ trên ghế ngả, thì đó là dấu hiệu cho thấy chắc chắn có điều gì đó nghiêm trọng hơn đang xảy ra.

Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy mình ngủ đủ giấc vào ban đêm nhưng vẫn ngủ gật trong khi họp hoặc xem phim, hãy nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Đó rất có thể là do chất lượng của giấc ngủ không đạt.

(theo Japan Today)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: