Thế là cuối cùng cả nhóm ghe tôi cũng đã bị giải về trại giam được hai ngày. Trong lúc tôi còn đang ngủ li bì thì được gọi tên đi làm việc. Tôi cảm thấy nhà cửa chao đảo, đất trời nghiêng ngửa khi lẽo đẽo theo tên chấp pháp. Bước thấp bước cao, tôi đi như người say rượu. Hóa ra ở trên ghe tôi tỉnh như sáo nhưng lên bờ tôi lại bị say đất dữ dội! Và khi vừa quẹo khỏi hành lang đến phòng thẩm vấn thì tôi thấy anh Hưng được tên công an dẫn về từ hướng ngược lại.
Đi ngang qua tôi anh len lén nhìn và lắc đầu, tay sờ má rồi gầm đầu cúi bước khiến tôi chú ý và thấy hình như mặt anh ửng đỏ và hơi sưng hơn lúc ở trên ghe thì phải. Trông anh thất vọng, bóng dáng não nề tôi bỗng tội nghiệp và chợt nhớ tới nỗi lo sợ bị thiên hạ khai là thợ máy nếu lỡ bị bắt, khi anh tự nguyện đứng ra sửa máy tàu ở trên biển hôm nào, vì điều anh lo lắng mà chúng tôi cho là vớ vẩn lại xảy ra hôm nay. Té ra anh kinh nghiệm hơn những gì chúng tôi nghĩ nhiều!
Sau khi được lệnh ngồi nơi cái ghế đẩu và khai tên tuổi, địa chỉ nhà cửa xong xuôi thì tên chấp pháp bỗng bỏ cây bút xuống, ngã người, chễm chệ tựa lưng vào thành ghế đặt ở chiếc bàn kê khá xa, ngẩng mặt lên nhìn tôi hỏi lạnh lùng:
– Tại sao mày đốt tiền mậy?
Tôi giật mình, cái đêm hôm cầu cứu tàu vớt trên biển tháng trước lại hiện rõ mồn một!
… Tiếng người kêu la mừng rỡ của tổ trực trên boong lúc thấy tàu làm tôi thức giấc, lật đật trèo lên. Gió thổi lồng lộng quất mạnh vào mặt khiến tôi tỉnh hẳn. Giữa đêm tối mịt mùng, thuyền nhấp nhô trồi lên hụp xuống theo các con sóng lớn vỗ từng cơn, tôi thấy hình dáng một chiếc tàu nhỏ xíu nhờ những ánh đèn của nó làm tôi lính quýnh, hét thằng Danh đứng kế bên lấy đồ đốt lửa làm hiệu.
Không lâu sau ở dưới hầm máy ai đó đưa lên cái nồi. Tôi đặt nó lên nóc ca-bin, thằng Huy lấy dây cột hai cái quai nồi đoạn cột đầu kia của sợi dây vào thanh ngang của ca-bin cho gió đừng thổi bay trong lúc tôi hối đưa thêm dầu, rồi sợ tàu chạy mất, tôi vội cởi áo của mình quăng vào và bật chiếc quẹt ga đang cầm trên tay. Vải ngấm dầu gặp lửa bùng lên cao, cứ thế tôi bỏ tất cả thứ gì mà thiên hạ đưa cho. Trong đen tối, giữa trùng khơi gió hú, lửa bập bùng như ánh ma trơi thật ghê rợn. Con tàu kia có lẽ đã thấy chúng tôi và dừng lại. Nhưng đợi mãi, chúng tôi sốt ruột vì nó không nhúc nhích mà lửa sắp tàn, thằng Huy la to:
– Ở dưới đưa thêm quần áo nữa đi!
Thằng Danh trao tôi một đống đồ của ai vừa chuyền tới, tôi liệng vào nồi mà mắt vẫn quan sát con tàu. Lửa lại phựt lớn lên lúc cơn gió mạnh thổi qua, chợt một mớ giấy từ trong nồi bỗng bay túa lên trời lập lòe như đom đóm trong ánh bập bùng, làm sáng cả một vùng biển, thật đẹp. Thì ra đó là tiền trong áo quần của ai đó mang theo khi đi!
Nhờ đám cháy này mà con tàu kia bắt đầu chuyển hướng về phía chúng tôi. Mọi người mừng rỡ kêu la vang vọng một góc trời. Khi nó đến gần, chúng tôi thấy đó là một chiếc tàu sắt thật to, đèn đuốc sáng choang rực rỡ và tít trên cao những ông tây bà đầm nhốn nháo chạy tới chạy lui chỉ trỏ xuống ghe bọn tôi. Rồi họ giở một chiếc xuồng thả từ từ xuống biển. Dưới này mọi người vui mừng vì sắp được cứu, ào ạt leo lên làm con thuyền tròng trành xém lật mấy lần đến độ thằng Phước “mập” phải lấy tay chặn ngang miệng hầm và hò hét răn đe:
– Đ. M. từ từ chìm tàu bây giờ!
Nhưng mặc cho nó ngăn cản, người ta vẫn cố chen lấn trèo lên. Đột nhiên chiếc xuồng con bỗng ngừng lại ở lưng chừng thật lâu. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi rồi quá nóng lòng, một số lại kêu gào giúp đỡ. Tuy nhiên mọi vật vẫn bất động và bỗng nhiên xuồng con được kéo ngược trở lên rồi tàu lớn từ từ rời xa trước sự ngơ ngác của tất cả thuyền nhân. Lúc ánh sáng nhỏ dần và tắt hẳn trả lại đại dương bao la tăm tối thì nỗi thất vọng, đau khổ tràn ngập cả con thuyền, nhiều tiếng khóc thút thít đâu đó bật ra. Cảm giác bị bỏ rơi làm tôi ê chề ngồi bệt xuống boong tàu và lúc bấy giờ chợt thấy lạnh vì ở trần. Tôi mệt mỏi nuốt nước bọt mà nghe đắng cả miệng, ngao ngán chẳng nói nên lời. Ngồi xuống cạnh tôi anh Phượng chua chát thốt: Đ.M, thế giới nó chán đám vượt biên tụi mình rồi!
… Đang miên man hồi tưởng, tôi nghe tiếng người gầm bên tai mình:
– Đ. M. sao không trả lời mậy?
Bừng tỉnh cơn mê, tôi thấy tên chấp pháp đứng sát bên mình hét. Và khi tôi chưa kịp mở miệng, hắn đã vung tay thoi mạnh vào ngực tôi một cái, khiến tôi văng khỏi ghế ngã nhào xuống nền nhà, đau điếng. Đến lúc tôi vừa lồm cồm đứng dậy thì hắn sấn tới xáng cho tôi một bạt tai khiến tôi tá hỏa, mặt nóng rát như bị bỏng. Đoạn hắn trở lại bàn, đợi tôi ngồi lên ghế xong, hắn tra khảo tiếp:
– Chủ tàu của mày tên gì, ở đâu mậy? Tổ chức của mày gồm những ai?
Lúc tôi nói tôi chỉ là khách nào có biết gì đâu thì hắn gầm gừ:
– Mày là khách à? Khách mà lúc ở trên ghe mày lại biết chia tổ, phân công cho tổ này nấu ăn, tổ kia tát nước, tổ nọ trực đêm canh tàu để cầu cứu mậy?
Tôi nhủ thầm trong bụng “à thì ra là hai ngày vừa qua, chúng lôi đám đàn bà con nít lên hỏi cung trước và biết tất cả rồi. Thế mà tôi cứ tưởng chúng thấy bọn tôi mệt nên cho nghỉ ngơi trước khi làm việc chớ!”
Nghĩ vậy tôi bình thản nói rằng tôi làm thế chỉ vì sự sinh tồn mà thôi.
Rồi hắn bắt đầu xoay quanh chuyện chúng tôi gặp tàu Thái Lan rất lâu. Mục đích là muốn tìm hiểu xem có phải thật sự là chúng tôi vượt biên hay từ hải ngoại xâm nhập về? Tuy nhiên cách trả lời thành thật của tôi lại làm thằng chấp pháp tức tối. Cho rằng tôi ngoan cố cứng đầu, hắn nhào tới đấm, đá và dộng vào mạn sườn tôi mấy cái thật mạnh làm tôi muốn nín thở. Chỉ tới khi tôi ngất ngư gục xuống thì hắn mới lôi tôi trả về phòng!
Cửa mở, tôi ôm bụng bước vô như “cái mền rách” và tiến thẳng về chỗ mình nằm nhắm mắt, không nói tiếng nào. Chiều hôm ấy anh Phượng thấy tôi khỏe đôi chút liền tới hỏi thăm tình hình. Tôi thì thào kể anh nghe buổi hỏi cung hồi sáng, anh trầm ngâm và cũng hơi lo cho số phận mình. Anh nhướng cặp lông mày dài ngoằn, rậm ri của anh lên lẩm bẩm:
– Đ.M, mấy bà và mấy đứa nhỏ “phun” mọi thứ ra hết rồi!
Hồ sơ vụ án cuối cùng cũng kết thúc và trong thời gian bị giam ở đây, ngày ngày bọn tôi bị đưa ra làm lao động xung quanh trại như trồng bắp cải nồi, trồng rau, tưới rau, trồng dưa hấu cho Tết Nguyên Đán sắp tới… hay đi xuống căn cứ Đồng Tâm lấy gạch thẻ, gạch bốn lỗ về xây công an tỉnh.
Trên đường đi bọn tôi được công an áp giải cho ghé vào chợ Giồng Nhỏ mua rau trái để “cải thiện” bữa ăn nhưng lại được các bà bán hàng trong chợ cho không, khi biết chúng tôi là tù vượt biên, khiến chúng tôi cảm động khôn lường, hoặc các ngày đi vác mía cho lò đường nơi “Hai giếng nước” gần nhà Bà Nguyễn Thị Mai Anh; cựu Đệ nhất Phu nhân của Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, thì được bà con trong quán ven đường mang cho các lon cà phê sữa. Lúc chúng tôi đi bộ lên tới Cầu Quay và khi chúng tôi băng ngang Vườn hoa Lạc Hồng thì họ lại đèo nhau trên mấy chiếc Cub rượt theo, tặng thêm mấy bao thuốc lá Hero hoặc Jet bằng cả tình thương yêu của người miền Tây sông nước, làm bọn tôi nghẹn ngào cảm động nhưng cũng không khỏi tủi thân cho cảnh “cá chậu chim lồng” của mình!
Bấy giờ trời đã vào Đông. Hằng ngày đám tù chúng tôi bị dẫn đi lao động, tay cái luôn bị cột chặt vào nhau chỉ bằng sợi dây cước nhưng rất kỹ thuật của phương pháp giam giữ mà bảo đảm nếu không biết cách thì chẳng thể nào tháo được. Cứ thế, trong không khí lành lạnh của buổi sớm mai, chúng tôi bước lầm lũi, co ro, qua phố phường giữa tiếng nhạc Noel phát ra từ quán xá hai bên đường để biết Chúa lại sắp giáng trần với tâm tư nặng trĩu.
Chiều ngày hai mươi bốn Tháng Mười Hai năm ấy, lúc lao động về ngang qua Vườn hoa Lạc Hồng, anh Phượng bẻ vội một cành dương bên đường đang rũ xuống gần bọn tôi và dấu vào trong áo, cất bước trầm tư giữa dòng người đông đúc. Đêm hôm đó, sau buổi cơm tối anh Phượng lấy nhánh dương ra ngồi tỉ mẩn làm thành “cây thông Giáng Sinh” đặt giữa phòng và treo mấy chiếc muỗng ăn cơm bằng nhựa màu đỏ lên để trang trí cho cây Giáng Sinh thêm đẹp! Ngoài ra, anh cũng chi hai ngàn đồng mua bốn bẹ nước đá do trại sản xuất, để trong thau nhôm đựng cơm, mà anh vừa xin lao động hành lang cho giữ lại. Anh đặt nó vào sát góc phòng nhằm tạo cho không gian thêm lạnh như không khí của mùa Lễ Giáng Sinh ngoài đời!
Tối đến mọi người mang bánh kẹo và quậy một ca bột ngũ cốc to ra đặt quanh cây thông và sau khi các anh em Công giáo cầu nguyện xong, bọn chúng tôi ngồi quây quần bên nhau đón Chúa Hài Đồng, mừng Người ra đời cứu chuộc nhân loại. Anh Hảo mở màn, cất tiếng hát:
– “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê-Lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng…”
Mọi người hát theo anh nhưng mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng. Khi bài ca vừa dứt thì anh Phượng hát tiếp luôn:
– “Mừng ngày Chúa sinh ra đời, là mình cùng nắm tay tươi cười… Chuông vang vang, chuông vang vang, chuông giáo đường vang lên. Chuông thanh thanh, chuông thanh thanh, chuông Giáng Sinh chạy nhanh… Đêm Noel, đêm Noel. Ta hãy cùng vui lên… Jingle Bell, Jingle bell…”
-“Non-Stop” chơi luôn! – Thằng Bửu quá phấn khích la lớn.
Cứ vậy mà bọn tôi say sưa hát hết bài này sang bài khác.
– “Con quỳ lạy Chúa trong tù, sao cho con sớm được về Chúa ơi. Đời con đau khổ đã nhiều…”, thằng Huy nhại lời bản nhạc “Con quỳ lạy Chúa” của Phạm Duy lúc thấy mọi người im lặng.
Cuộc vui kéo dài tới khuya. Bên ngoài tiếng chuông đổ của nhà thờ đâu đó lanh lảnh vang lên, vọng vào tới tận trong phòng. Rồi bánh kẹo được chúng tôi ăn sạch và uống nước đá mà ngỡ như đang uống rượu vang. Buổi “réveillon” chỉ chấm dứt khi thằng Hải “dưới” nhớ nhỏ bạn gái lên tiếng than thở:
– Kỳ này về bị con “bồ” bỏ là cái chắc, bởi Noel mà không có quà và cũng không dẫn nó đi nhà thờ!
Nghe vậy anh Hùng; nguyên là người Bắc di cư ở Hố Nai, trung sĩ nhất lính dù mũ đỏ của VNCH – mà mãi đến khi vào đây chúng tôi mới biết, bởi trên vai trái anh có xăm hình một cánh hoa dù đang bung trong gió rất đẹp – thở dài đứng dậy về chỗ mình nằm sát ở cửa phòng, miệng rên rỉ:
– Đ.M, tao thì chỉ nhớ hai đứa con thôi.
– Nhớ con hay nhớ “đ. vợ” đấy?
Cả phòng bật cười hô hố trước câu chọc ghẹo của Khanh. Anh Hùng đang nằm gác chân lên cửa, nhổm đầu lên trợn mắt trả đũa:
– Mày khéo “suy bụng ta ra bụng người!” Mày đang nhớ “đ.” con T. vợ mày chớ gì? – Anh vừa nói vừa nhướng đôi lông mày cong vút lên cao làm tôi thấy anh lúc ấy y hệt như tài tử lừng danh Louis de Funès của Pháp thuở nào vậy.
Mọi người lại cười ầm, thằng Khanh mặt đỏ bừng vì bị bắt trúng tẩy. Chợt cả đám nín bặt vì ngoài lỗ thông gió, tên Hoàng; cán bộ “đầu đinh” đang đưa mặt nhìn vào, trong khi anh Hùng thì cứ nhịp nhịp chân vào cánh cửa làm nó rung rinh liên hồi. Thấy vậy thằng Bửu gọi nhỏ:
– Anh Hùng! Anh Hùng!
Nhưng anh thì chẳng để ý gì cả. Anh Phượng gọi tiếp:
-Hùng “đại bàng!”, Ê, Hùng “đại bàng!”
Bấy giờ anh Hùng mới chú ý nhìn chúng tôi nhưng đã trễ rồi vì Hoàng “đầu đinh” đã lách cách mở cửa ra. Hắn đứng ngoài nói vọng vào, bên cạnh hắn có một tên vệ binh của trại giam mặt còn non choẹt với súng AK47 hườm sẵn:
– Chẳng có Chúa nào giáng trần ở chỗ này cứu mấy ông đâu. Đâu thằng nào là Hùng “đại bàng” đâu, ra biểu coi?
Mọi người nín thinh, im phăng phắc. Thấy không ai trả lời, Hoàng “đầu đinh” nổi đóa, gằn giọng mạnh:
– Thằng Hùng “đại bàng” đâu?
Nhận thấy tình thế có vẻ nghiêm trọng và nhắm không ổn nên anh Hùng đứng dậy bước ra.
– Dạ, thưa cán bộ tôi “nà” Hùng nhưng không phải “nà đại bàng ạ.”
– Mày không phải là “đại bàng” mà sao tụi nó lại gọi mày là “đại bàng”?
– Dạ, họ giỡn thôi ạ.
Thằng Hoàng “đầu đinh” chợt rít lên:
– Đêm nay tao cho “đại bàng gãy cánh luôn!”
Lời vừa dứt hắn liền nhào tới và đấm mạnh hai cái vào mặt anh Hùng làm anh xiểng niểng, đoạn hắn xông vào phòng nắm “cây thông” giật lên quăng xuống nền xi măng và tiện chân đá luôn cả thau nước đá làm nước chảy lênh láng trước khi đóng cửa bỏ đi. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, ngoài dự liệu của anh em, làm mọi người chưng hửng rồi ai nấy cũng đều ái ngại lúc nhìn thấy mặt anh Hùng sưng vù. Anh ôm lấy mặt một đổi thật lâu, chợt cất tiếng chì chiết:
– Đ.M, tôi có “đại bàng” khi “lào” đâu mà các ông bảo nà đại bàng cho “ló” đánh tôi?
Anh Phượng bước tới gần, vỗ vai anh Hùng phân bua:
– Cho tớ xin lỗi. Thường trong tù chỉ có “đại bàng” mới nằm gần cửa nên tớ đùa với cậu thế thôi ai ngờ thằng này sao tự dưng đêm nay “hung” quá! Đ.M, ông bà mình bảo “tù thêm tội” là thế!
Tuy không có được một cái “happy ending” như mong đợi nhưng dù sao thì bọn tôi cũng đã được đón Chúa đêm đó và có một mùa Giáng Sinh nhớ đời mà dẫu trong hoàn cảnh nào chúng tôi cũng luôn hướng về Đấng Thiêng Liêng của mình.
Ohio, mùa Lễ Giáng Sinh 2021
*****
Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.