12-03-20: Ngày đen tối của thị trường chứng khoán

Trên thị trường chứng khoán New York sáng 12-03-2020. WSJ

H.C.

Cuộc tháo chạy tán loạn trên thị trường chứng khoán Mỹ đã đẩy chỉ số trung bình Dow Jones và các chỉ số chính khác vào cơn “cuồng loạn” hôm thứ Năm 12-03, do đại dịch cúm Vũ Hán đe dọa gây thiệt hại trầm trọng cho kinh tế toàn cầu.

Tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch lúc 16:00 giờ New York, Dow Jones đã giảm hơn 2.377 điểm, tương đương giảm 10,9% so với lúc mở cửa 9:30 sáng nay; các chỉ số chính khác cũng giảm tương tự, S&P500 giảm 9,5%, Nasdaq giảm 9,43%.

Diễn biến của chỉ số Dow Jones hôm 12-03-2020

Đà giảm quá mạnh của các chỉ số đã kích hoạt “cầu dao tự động” (circuit-breaker), thị trường ngừng giao dịch trong 15 phút để nhà đầu tư lấy lại bình tĩnh, nhưng khi phiên giao dịch tiếp tục trở lại, sự sụt giảm còn mạnh hơn trước. Đây là lần thứ hai trong tuần này, thị trường chứng khoán New York tạm ngừng giao dịch do thị trường giảm quá ngưỡng.

Ngân hàng Dự trữ liên bang Fed công bố sẽ bơm thêm 1.500 tỷ USD vốn ngắn hạn vào thị trường tài chính nhưng vẫn không trấn an được nhà đầu tư.

Cuộc hỗn loạn sáng 12-03 tiếp theo một đêm bất an khi giá giao dịch tương lai (futures) của cả ba chỉ số chứng khoán chính đều giảm hết biên độ -5%, tác động xấu đến tình hình thị trường sáng nay.

Tối hôm qua, Tổng thống Donald Trump thông báo lệnh cấm nhập cảnh đối với khách đến Mỹ từ châu Âu trong 30 ngày, bắt đầu từ đêm mai thứ Sáu 13-03.

Ngay lập tức các thị trường chứng khoán châu Âu “đỏ rực”, và có một phiên giao dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Các thị trường chứng khoán châu Âu lao dốc mạnh. WSJ

Chỉ số chung châu Âu Stoxx Europe 600 giảm tới 11,48%, kéo theo chỉ số của các nền kinh tế khác của châu lục như DAX của Đức giảm 12,24%, CAC 40 của Pháp giảm 12,28% và FTSE MIB của Anh giảm 16,92% – tất cả đều giảm sâu chưa từng thấy.

Đến sáng nay thì các thị trường chứng khoán Mỹ bị kéo theo châu Âu. “Thị trường không biết bước tiếp theo là gì, đại dịch cúm Vũ Hán sẽ diễn biến ra sao. Chúng tôi chỉ nhìn thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị giảm mạnh trong quý 1 và quý 2 năm nay mà các biện pháp tài khoá không hỗ trợ được,” Edward Park, phụ trách đầu tư của tập đoàn Brooks Macdonald than thở với báo Wall Street Journal.

Ngành hàng không và du lịch tàu biển bị thiệt hại nặng nhất. Cổ phiếu hai hãng hàng không lớn nhất của Mỹ Delta Airlines và United Airlines giảm 13%, của hãng tàu biển Royal Caribbean Cruises và hãng Norweigian Cruises Line giảm hơn 25%.

Ngành ngân hàng cũng thê thảm, cổ phiếu các ngân hàng Barclays (Anh), Deutsche Bank (Đức), ING Groep (Hà Lan), Commerzbank và Santander (Tây Ban Nha) đều giảm mạnh.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo giảm  4,4%, đi vào vùng thị trường co cụm (bear market) vì đã giảm hơn 20% trong những ngày qua.

“Cái mà thị trường cần vào lúc này không phải là tiền mà là lòng tin. Thị trường cần được thông tin đầy đủ và chi tiết về những gì nhà đầu tư đang nhìn thấy và tin rằng có một giải pháp toàn diện đang được thực thi”, Hani Redha, quản lý danh mục đầu tư của tập đoàn PineBridge Investment ở London nhận xét.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: