Người Mỹ có câu thành ngữ để nói về cái gọi là “quốc hồn quốc tuý” của họ: “As American as apple pie”. Muốn dịch câu này ra tiếng Việt tưởng dễ mà lại khó, bởi người mình không có bánh nướng kiểu như pie của Mỹ. Thôi thì cứ gọi là pie [pai] cho nó tiện. Mà cớ sao có câu thành ngữ “Không có gì (đúng chất Mỹ, đúng kiểu Mỹ, rặt phong cách Mỹ….) hơn là apple pie?”
Ngày xửa ngày xưa ở Bắc Mỹ không có cây táo. Chỉ ở Âu Châu và Á Châu mới có. Vào thế kỷ 17, bên Anh đã có hơn 70 giống táo. Khi những người Pilgrims đầu tiên vượt biển sang Tân-thế-giới để tránh bị ruồng bố vì lý do tôn giáo, họ mang táo theo. Hạt giống đầu tiên được trồng xuống là tại vùng đất Massachusetts vào năm 1625 và sau đó nhanh chóng lan ra khắp nơi. Đến thế kỷ 19 đã có khoảng 14,000 giống táo khác nhau khắp các vùng Bắc Mỹ. Tuy ngày nay đa số giống táo đó đã biến mất, nhưng Mỹ vẫn là một trong những nước trồng và bán nhiều táo nhất trên thế giới.
Thế còn pie thì sao? Pie cũng bắt nguồn từ Âu Châu, được người Pilgrims mang qua Mỹ bằng đường biển. Dân Anh nổi tiếng về các món pie. Khi du lịch sang Anh hay các nước từng là thuộc địa như Úc hay Tân Tây Lan, ai cũng phải ăn thử pie đặc sản của mỗi nơi. Nhưng pie của người Anh thường là nhân mặn – như nhân thịt bò, thịt nai, thịt cừu, thịt gà, gan ngỗng v.v. Lý do đơn giản bởi vì đây là cách người xưa nấu và giữ thịt để ăn ngày này qua ngày khác khi chưa có tủ lạnh. Ngày nay người ta chế ra pie mặn đủ kiểu, như Bacon & Egg pie ở New Zealand có trứng và thịt ba rọi, hay Crawfish pie ở Louisiana đã được đưa vào bản nhạc “Jambalaya” nổi tiếng.
Đó là nói về cái nhân bên trong. Còn vỏ bánh bên ngoài (crust) thì cũng thay đổi nhiều theo thời gian. Thuở ban đầu, crust chỉ là bột mì trộn với mỡ thận (suet) của bò hay cừu, cán ra xong bọc phần nhân lại rồi nướng cho chín. Cứ thế để dành được vài ba bữa mà không sợ ruồi nhặng bu. Khi cần ăn thì bẻ vỏ ra vứt đi vì nó rất cứng, ăn không ra gì. Trong buổi tiệc Thanksgiving đầu tiên của người Pilgrims năm 1621, chắc chắn chưa có mấy món pie mà chúng ta thường ăn ngày nay như Pumpkin pie hay Apple pie đâu.
Đầu thế kỷ 18, các vườn táo sinh sôi nảy nở và lan ra khắp nơi. John Chapman, mệnh danh Johnny Appleseed, là người có công mở mang bờ cõi cho ngành trồng táo, vì ông ta đi tới đâu là trồng táo tới đó. Những người di dân bắt đầu dùng táo để làm mứt, sấy khô để dành. Có người làm thức uống như apple juice, mấy ông thì làm rượu brandy. Với kinh nghiệm làm pie, mấy bà nội trợ nghĩ ra cách làm bánh pie nhân táo. Đường sữa bấy giờ không còn đắt đỏ nữa nên họ chế biến cái crust lại cho ngọt và hạp với trái cây hơn. Thế là món apple pie ra đời.
Đến thập niên 1860 thì câu “as American as apple pie” đã thấy xuất hiện trên báo chí cũng như trong các quyển tiểu thuyết. Đầu thế kỷ 20, một nhà báo ở Mỹ còn viết rằng “một dân tộc biết ăn pie không thể nào bị khuất phục!” Có thể đó chỉ là một cách cường điệu của người Mỹ, vốn hay tự hào về sức mạnh của mình, nhưng nó cũng nói lên niềm hãnh diện của họ về món ăn này.
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, binh sĩ Mỹ ở Âu Châu khi được hỏi họ đánh cho ai, họ hay trả lời: “Đánh cho mẹ và apple pie.” Không mấy chốc câu nói ấy biến thành một khẩu hiệu, và hình ảnh chiếc bánh nướng apple pie trở thành một biểu tượng của nước Mỹ. Sau chiến tranh, dân Mỹ thay thế hình tượng Mẹ trong khẩu hiệu ấy bằng baseball, tức bóng chày.
Baseball cũng là một môn thể thao có nguồn gốc từ Anh nhưng được người Mỹ chế biến lại thành trò chơi quốc hồn quốc tuý của họ. Bởi thế cho nên khi cần mô tả một cái gì đó rất độc đáo, chỉ ở Mỹ mới có, người ta hay nói: “As American as baseball and apple pie.” Giờ đây, thành ngữ đó có lẽ cần phải thêm một thứ vào nữa mới đủ bộ: Súng!