Ngày 21 Tháng Tư năm 2023, dưới sự đề nghị với đa số tuyệt đối của Hội đồng Giải Cino-Del-Duca Thế giới, do bà Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký Thường trực của Viện Hàn lâm Pháp làm Chủ tịch, Ủy ban Quỹ Del Duca, do Xavier Darcos, Đổng lý văn phòng của Institut de France, thuộc Viện Hàn lâm Pháp, đã trao Giải thưởng Thế giới 2023, trị giá 200,000 €, cho bà Dương Thu Hương, nhà văn Việt Nam đang sống tại Pháp.
Trước đó ngày 6 Tháng Sáu 2012 Giáo sư thiên văn học kiêm nhà văn Trịnh Xuân Thuận cũng từng nhận được giải này nhưng lúc đó sự hưng phấn hãnh diện trong cộng đồng người Việt khắp thế giới không sôi động bằng lần trao giải này cho nhà văn Dương Thu Hương, bởi lẽ giải được trao vào ngày 21 Tháng Tư chỉ còn 9 ngày là đúng dịp kỷ niệm ngày 30 Tháng Tư, ngày mà theo như ông cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói khiến triệu người vui và cũng có triệu người buồn.
Không biết Viện Hàn Lâm Pháp có chủ ý gì hay không nhưng người Việt vẫn tin rằng giải thưởng này không những vinh danh bà Dương Thu Hương vì những đóng góp của bà trong các tác phẩm nảy lửa lên án chế độ Cộng sản Việt Nam, nơi bà từng phục vụ như một cán bộ, một nhà văn và cả khi là một tù nhân lương tâm vì dám một mình chống lại cả guồng máy khi bà nhận ra rằng cái guồng máy ấy, cái chế độ ấy đã cướp mất thanh xuân của bà cũng như trấn lột người dân Việt cả hai miền Nam Bắc bằng chiêu bài giải phóng dân tộc.
Sau năm 1975 thế giới biết được Việt Nam qua các cuộc vượt biển đầy máu và nước mắt. Những trại cải tạo nhằm trả thù người lính VNCH và các cuộc tấn công vào thành phần tư sản mại bản. Thế giới rất lờ mờ về bên thắng cuộc, chỉ hiểu rất sơ sài về những gì mà miền Bắc muốn cho thế giới biết. Những anh hùng trong chiến tranh và sự dã man của đế quốc Mỹ.
Thế giới không biết rằng đằng sau chiến thắng thần thánh ấy là sự lừa dối tận cùng của guồng máy chiến tranh, che phủ tất cả mọi sự thật bên kia chiến tuyến để chiến thắng bằng bất cứ giá nào cho tới khi Dương Thu Hương thảng thốt nhận ra điều mà bà nói:
“Khi vào đến Sài Gòn tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc cấu trúc của nó là cấu trúc man rợ. Trong cái xã hội ấy con người bị đày ải bị bó buộc như con trâu con bò, mỗi tháng nhà nước phát cho từng bó cỏ. Trong xã hội đấy người công dân bị cấm chỉ không được liên lạc với ai, cấm chỉ không được nghe đài báo nước ngoài không có phương tiện nào để người ta hiểu. Tóm lại đó là xã hội ngu dân và tìm cách ngu dân để trị, Không những ngu dân mà còn khốn nạn hơn nữa là đày đọa dân như những con chó, con bò mỗi tháng phát cho sinh viên một lạng đường còn cán bộ thì hai lạng rưỡi . Khi con người bị đói khát quá bị sỉ nhục như thế thì người không là người nữa.”
Cũng bắt đầu từ đó, một nhà văn phản kháng đến từng chân tóc được hình thành từ ngòi bút Dương Thu Hương. Cũng bắt đầu từ đó bà không để mình tiếp tục bị lừa bằng những phần thưởng mà chế độ ban phát cho bên thắng cuộc. Bà phủ nhận mọi “thành quả” của cách mạng, nơi mà bà từng bỏ cả thời thanh xuân phục vụ cho nó. Bà gào thét trong bóng tối nhà tù rồi khi được ra ánh sáng bà tiếp tục gào thét bằng tác phẩm của mình cho cả thế giới biết.
Bà không âm thầm mà lớn tiếng đến ngạc nhiên. Để trả lời những câu hỏi bà đặt ra, chế độ đã bắt giam bà vào năm 1991 vì kêu gọi cải tổ dân chủ và chỉ được cho sang Pháp nhận Huân chương Văn hóa Nghệ thuật Chevalier des Arts et des Lettres được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp, ông Jacques Toubon, trao tặng, sau khi có sự can thiệp của phu nhân tổng thống Pháp hồi đó, bà Danielle Mitterrand năm 1994.
Duyên nợ của bà với nước Pháp xem ra khá nặng, từ nơi đây nhiều tác phẩm của bà đã được dịch và xuất bản tại Pháp, Đức, Anh… khiến thế giới biết được Việt Nam qua ngòi bút sắc sảo và nghiêm khắc đến từng dấu phẩy của bà. Dương Thu Hương là tác giả Việt Nam có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài vào loại nhiều nhất.
Có đến sáu tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức trong đó có “Đỉnh cao chói lọi”, trực tiếp đem ông Hồ Chí Minh ra làm đề tài, không phải để khen hay chê mà để bóc tách từng mảng lịch sử bao quanh ông ta trong hơn nửa thế kỷ để thế giới không còn ngộ nhận một chân dung được lộng kiếng nhằm che cái dị tật của thứ cách mạng ngoại lai kéo dài mãi tận bây giờ.
Nhiều người đọc không thấy cái tinh tế giữa hai làn chữ của tác giả nhưng khi trả lời phỏng vấn của BBC bà cho biết: “Đó chính là vị trí của ông Hồ. Người ta đặt ông trên đỉnh cao chói lọi như một vị thánh. Nhưng quá trình tìm hiểu, tôi thấy đó không phải là ông thánh mà là một con người tả tơi đau khổ, tâm hồn rách nát vì bị giằng xé giữa rất nhiều thứ.”
“Chính vì thế tôi nghĩ ông là người đáng được khâm phục. Ông ấy đáng khâm phục không phải vì sự thắng lợi mà chính vì sự thất bại của ông. Cuộc đời con người này đầy rẫy sự thất bại.”
Trong cái thất bại ấy có cả thất bại của đảng cầm quyền. Nó đã dựng lên một hình tượng không có thật và tô trét lên đấy thứ hào quang của chiếc đèn Neon mờ nhạt giữa đêm đen của thế kỷ trước và kéo dài đến tận bây giờ bất kể sự lầm than cơ cực của dân chúng, thành phần mà ông Hồ từng chùi nước mắt trong cải cách ruộng đất và im lặng không nói nên lời nào nữa cho đến ngày nhắm mắt.
Giải thưởng Cino Del Duca không những trao cho Dương Thu Hương mà cả những người chưa hề biết tới nó cũng có quyền kỳ vọng. Nó như một đốm sáng giữa đêm đen tuyệt vọng, như một tiếng chuông nguyện vào cuối ngày hay một cánh chim trắng tung vào chân trời tự do. Nó xuất hiện vào ngay dịp 30 Tháng Tư nên ý nghĩa càng lớn lao hơn, nó cho thấy cộng đồng những người tử tế vẫn còn nhiều, họ sẽ mở mắt của những kẻ cơ hội, vô cảm ra để mà nhìn thấy một đất nước vừa oằn mình mưu sinh vừa thiết tha với thứ tự do mà họ chưa bao giờ nhận lãnh.
Nếu trong chiến tranh, văn nghệ sĩ miền Bắc không được ủy mị khóc than hay sướt mướt tự tình thì trong hòa bình họ cũng không có quyền cười lớn một cách thoải mái khi nhận được tin vui của một nhà văn gốc Việt. Sự im lặng đồng loạt của báo chí chỉ có thể diễn giải bằng nỗi lo mất đi phần đất mà Đảng đang chiếm giữ. Cấm cười hay cấm khóc là thuộc tính của một hệ thống luôn luôn sợ hãi, cho dù nguyên nhân sự sợ hãi ấy chỉ từ một người đàn bà. Vậy họ có mạnh không?
48 năm đã trôi qua từ ngày được gọi là “giải phóng”, trong từng ấy năm không biết bao nhiêu sinh linh đã không còn hiện hữu nữa để mà oán hờn hay căm giận. Năm nay Cino Del Duca mở bức màn u ám ấy cho thế giới thấy phần nào sự thật há không phải là niềm vui cho cái ngày đen tối ấy sao?