California ra luật chống bao bì nhựa

Tại một góc phố ở San Francisco, California, người dân vẫn có thói quen dùng bao nhựa để đựng các sản phẩm mua được khi đi chợ. Luật mới của tiểu bang nhắm chấm dứt tình trạng này. Ảnh Justin Sullivan/Getty Images

California là tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ đặt ra các quy tắc cứng rắn nhất để giảm thiểu sự lan tràn của các sản phẩm nhựa gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho mọi sinh vật, kể cả con người.

Làm gương cho các tiểu bang khác

Để sản phẩm của mình được bày trên các kệ hàng ở tiểu bang California, các công ty sản xuất dầu gội đầu, thực phẩm và các mặt hàng dùng bao bì, chai lọ hay túi làm bằng nhựa phải giảm đáng kể vật liệu gây ô nhiễm này trong vòng mười năm nữa.

Thống đốc Gavin Newsom vừa ký ban hành một luật mới vào ngày 30 Tháng Sáu nhằm giảm đáng kể lượng bao bì nhựa sử dụng một lần tại tiểu bang và thúc đẩy tăng mạnh việc tái chế số bao bì nhựa còn lưu hành. Theo luật mới, các nhà sản xuất đồ nhựa sẽ phải giảm 10% số sản phẩm sử dụng một lần (như túi nhựa) vào năm 2027 và giảm 25% vào năm 2032. Việc giảm lượng nhựa sản xuất có thể thực hiện bằng cách giảm kích thước bao bì hoặc chuyển sang vật liệu khác dễ tái sử dụng và tái chế. Cũng vào năm 2032, tỷ lệ nhựa tái chế phải đạt 65%, bước nhảy vọt so với hiện nay (Quy định này không áp dụng với chai nước giải khát nhựa, vì có quy tắc tái chế riêng).

Bằng việc đặt ra các qui định nghiêm ngặt nhất nước Mỹ đối với bao bì nhựa, các nhà lập pháp California cho biết họ hy vọng luật mới sẽ tạo “tiền lệ” cho các bang khác noi theo. “Chúng ta đang hủy hoại hành tinh và chúng ta phải thay đổi nó!”, Thượng nghị sĩ Dân Chủ Bob Hertzberg của Thượng Viện tiểu bang nhận định trước khi bỏ phiếu thông qua dự luật.  

Tuy nhiên, vật liệu nhựa vẫn còn phổ biến trong nhiều sản phẩm tiêu dùng, từ bột giặt, chai đựng chất tẩy rửa đến túi nhựa đựng rau, thịt…và hộp nhựa đựng thức ăn. Hầu hết các sản phẩm nhựa ở Mỹ (trừ chai nước) không được tái chế; hàng triệu tấn đồ dùng bằng nhựa đổ vào các bãi rác và cả xuống biển. Trên thế giới cũng vậy. Rác thải nhựa gây hại cho thuỷ hải sản, động vật hoang dã và tìm thấy trong nước uống dưới dạng vi nhựa. Bà Amy Wolfram, Giám đốc cấp cao về chính sách đại dương của California tại thủy cung Monterey Bay Aquarium, cho biết các loài động vật biển sống ngoài khơi Thái Bình Dương từ cua đến cá voi đang ăn phải nhựa thải ra môi trường biển. Bà gọi luật mới là “Một khởi đầu tuyệt vời để giải quyết một vấn đề lớn!”.

Cùng quan điểm như vậy, Anja Brandon, nhà phân tích chính sách tại Ocean Conservancy, một nhóm bảo vệ môi trường phi lợi nhuận, nhận định: “Chúng tôi biết để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa, chúng ta phải sản xuất ít nhựa hơn và tái sử dụng nhiều nhựa hơn. Đây là dự luật đầu tiên tại Mỹ giúp giải quyết cả hai vấn đề”.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Allen thuộc đơn vị bầu cử Santa Monica, người cầm đầu nhóm soạn thảo dự luật, cho biết luật mới nên được xem là “một ví dụ về việc hai nhóm thường mâu thuẫn nhau tìm được tiếng nói chung: một bên là các nhà bảo vệ môi trường, một bên là ngành công nghiệp nhựa. Hai bên đã tìm được cách để tạo ra sự thay đổi tích cực. Theo tôi, đây là một thỏa hiệp mạnh mẽ, có ý nghĩa tích cực và sẽ đưa California lên vị trí đầu trong việc giải quyết một vấn đề toàn cầu lớn. Đã quá lâu, rác thải nhựa là gánh nặng đối với con người, động vật, nước, đất và không khí mà chúng ta cần để tồn tại” – ông nói.

Ô nhiễm rác thải nhựa là mối đe dọa lớn nhất cho môi trường nhiều nước trên thế giới. Ảnh một con sông ở Tây Java, Indonesia bị rác nhựa phủ kín. Mỗi năm thế giới thải ra đại dương từ 1.15 đến 2.41 triệu tấn rác nhựa; trong số đó Indonesia “đóng góp” khoảng 200,000 tấn, chỉ sau Trung Quốc! Ảnh Andrew Gal/NurPhoto via Getty Images)

Con đường chông gai

Các nỗ lực hạn chế bao bì nhựa đã thất bại tại Quốc hội tiểu bang trong nhiều năm qua. Nhưng sau khi một số dân biểu, nghị sĩ đe dọa đưa vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ra trưng cầu dân ý vào tháng Mười Một, các doanh nghiệp nhựa đã phải ngồi vào bàn đàm phán. Ba người ủng hộ chính cho cuộc trưng cầu dân ý – gồm các ông bà Linda Escalante thuộc Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (Natural Resources Defense Council); Michael Sangiacomo, cựu giám đốc công ty quản lý chất thải Recology; và Caryl Hart, thành viên của Ủy ban Duyên hải California – đã rút lại ý kiến sau khi dự luật mới được thông qua, dù họ bày tỏ lo ngại ngành công nghiệp nhựa sẽ luồn lách để làm suy yếu các quy định của luật. 

Luật mới của California là luật thứ tư về hạn chế sản phẩm nhựa được cấp tiểu bang thông qua – trước đó ba tiểu bang Maine, Oregon và Colorado đã ban hành các luật tương tự – nhưng các chuyên gia cho rằng luật California là quyết liệt nhất vì nó đi xa hơn trong việc yêu cầu các nhà sản xuất vừa sản xuất ít nhựa hơn vừa bảo đảm tất cả sản phẩm sử dụng đều có thể tái chế hoặc có thể phân hủy.

Mùa hè năm ngoái, hai tiểu bang Maine và Oregon đã thông qua luật đầu tiên của nước Mỹ về vấn đề này, được gọi là “luật trách nhiệm của nhà sản xuất”. Nguyên tắc chính của luật là chi phí cho cơ sở hạ tầng tái chế, nhà máy tái chế và cơ sở thu gom, phân loại rác nhựa phải được chuyển sang các nhà sản xuất bao bì nhựa chứ không phải lấy từ tiền đóng thuế như trước. Luật mới của California cũng buộc các nhà sản xuất bao bì phải trả tiền cho việc tái chế và giảm hoặc loại bỏ bao bì nhựa sử dụng một lần.

Về phần mình, các doanh nghiệp nhựa cho biết sẽ họ thành lập nhóm hành động để phát triển một kế hoạch chung nhằm đáp ứng các quy định của luật mới. Nhưng kế hoạch cần được cơ quan phụ trách tái chế của tiểu bang chấp thuận. Trước mắt, cơ quan này sẽ thu $500 triệu mỗi năm từ các nhà sản xuất để sung vào quỹ loại bỏ ô nhiễm nhựa. 

Tác động toàn cầu

California có nền kinh tế lớn nhất so với bất kỳ tiểu bang nào và lớn hơn nền kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới. Do tính chất toàn cầu và quốc gia của tiểu bang, các nhà phân tích tái chế tin rằng luật mới sẽ có tác động dây chuyền đến toàn nước Mỹ và thế giới. 

Tái chế rất quan trọng trong lĩnh vực môi trường và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Có những lo ngại thị trường toàn cầu ngày càng “đói” nhựa chế biến từ nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, ngành công nghiệp nhựa dự kiến ​​sẽ tiêu thụ 20% tổng lượng dầu thô được sản xuất. Theo ước tính của nhóm nghiên cứu do Brandon phụ trách tại Ocean Conservancy, luật mới của California sẽ giúp loại bỏ 23 triệu tấn nhựa trong 10 năm tới. 

Tuy vậy, giải quyết bài toán ô nhiễm rác nhựa cần một hành động phối hợp đồng bộ ở quy mô quốc gia và toàn cầu. Dylan de Thomas, phụ trách nhóm chính sách tại The Recycling Partnership, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc cải thiện hệ thống tái chế, nhận định: “Các nhà sản xuất không sản xuất bao bì nhựa cho một tiểu bang duy nhất mà còn cho những nơi khác”.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: