Cuộc chiến mới giữa cựu Tổng thống Trump và Bộ Tư pháp

Ủng hộ viên của cựu Tổng thống Trump tụ tập gần khu nghỉ dưỡng của ông ở Palm Beach, Florida để phân đối cuộc khám xét của FBI tại khu nghỉ dưỡng của ông Trum hôm qua thứ Hai 8 Tháng Tám 2022. Ảnh Eva Marie Uzcategui/Getty Images

Như tin đã đưa, hôm qua thứ Hai ngày 8 Tháng Tám, Cục Điều tra liên bang (FBI) đã khám xét dinh thự riêng của cựu Tổng thống Donald Trump ở Palm Beach, Florida. Cuộc khám xét chưa có tiền lệ trong lịch sử tổng thống Mỹ đã ngay lập tức làm bùng lên một cuộc tranh luận dữ dội, manh nha một cuộc chiến giữa cơ quan thực thi pháp luật và những ủng hộ viên của ông Trump, kể cả một số dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa trong Quốc Hội.

Cuộc khám xét của FBI diễn ra từ đầu buổi sáng Thứ Hai kéo dài đến tận 6 giờ chiều. Ông Trump không có mặt tại nhà và khi được tin đã hết sức giận dữ. “Họ thậm chí đã đột nhập vào két sắt của tôi… Ngôi nhà xinh đẹp của tôi, Mar-A-Lago ở Palm Beach, Florida, hiện đang bị bao vây, bị đột kích và bị chiếm đóng bởi một nhóm lớn các đặc vụ FBI,” ông Trump ra một tuyên bố vào tối thứ Hai. 

Rủi ro của Bộ Tư pháp

Cuộc khám xét nhà riêng ông Trump được coi là một canh bạc rủi ro cao của Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland do ông có thể bị cáo buộc rằng Bộ Tư pháp đang theo đuổi một chiến dịch chính trị chống lại ông Trump nhằm ngăn ông ta ra tranh cử tổng thống năm 2024.

Trong bốn năm tại vị, cựu Tổng thống Trump đã thực hiện một chiến lược bôi nhọ FBI và Bộ Tư pháp nhằm làm suy yếu tính hợp pháp của các cơ quan thực thi pháp luật của đất nước khi họ theo đuổi các lời tố cáo chống lại ông ta. Điều đó đã khiến việc điều tra ông Trump của Bộ Tư pháp luôn gặp phải phản ứng dữ dội từ những người ủng hộ cựu tổng thống trong một đất nước bị chia rẽ sâu sắc.

Quyết định ra lệnh khám xét hôm thứ Hai đang thử thách uy tín của Bộ Tư pháp; ông Garland đang chịu áp lực rất lớn phải biện minh cho hành động của FBI. Và nếu cuộc khám xét tìm kiếm các tài liệu mật không tìm ra bằng chứng đáng kể về hành vi vi phạm pháp luật của ông Trump, thì sự kiện này có thể là một trường hợp nữa về nỗ lực chống ông Trump bị phản tác dụng như hai lần luận tội ông ta tại Quốc Hội trước đây.

Rủi ro của ông Trump

Ông Trump cũng phải đối mặt với rủi ro lớn khi vội vã chỉ trích ông Garland và FBI, khi ông gọi cuộc khám xét hôm thứ Hai là “một cuộc tấn công chỉ có thể xảy ra ở các quốc gia thất bại thuộc Thế giới Thứ Ba”. 

Ông Trump đã không còn được bảo vệ như một tổng thống và sẽ dễ bị tổn thương hơn nhiều nếu bị phát hiện đã thủ đắc một cách bất hợp pháp thông tin tuyệt mật đe dọa an ninh quốc gia.

Theo một số nhà quan sát, ông Trump đã nhanh chóng nắm lấy sự kiện vụ khám xét để tự quảng bá mình là một nạn nhân chính trị. Ông nói ông đang bị nhắm mục tiêu để làm chệch hướng việc ông ra tranh cử tổng thống một lần nữa bằng cách “vũ khí hóa Bộ Tư pháp”. Ông than phiền rằng mình bị đối xử bất công “bởi các đảng viên Dân Chủ đang tuyệt vọng không muốn tôi tranh cử tổng thống năm 2024”.

Nhưng một phát ngôn viên của Tổng thống Joe Biden nói rằng Tòa Bạch Ốc không được báo trước về vụ khám xét. Về nguyên tắc, với tư cách một cơ quan thực thi pháp luật cao nhất của quốc gia, Bộ Tư pháp có sự độc lập tương đối với Tòa Bạch Ốc và tổng thống thường không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của bộ này.

Lực lượng Secret Service trước tư dinh ông Trump tại Mar-A-Lago ngày 8 Tháng Tám 2022 (ảnh: Eva Marie Uzcategui/Getty Images)

Khám xét – đúng hay không đúng

Một số nhà sử học nói cuộc tìm kiếm, dù bất thường nhưng có vẻ thích hợp đối với một tổng thống có thói quen ngang nhiên coi thường luật pháp, không bao giờ thừa nhận thất bại và đã dàn dựng một nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020.

Thông thường, khi nghi ngờ, tòa án có thể chỉ cần ban hành trát đòi giao nộp tài liệu. Nhưng trong trường hợp ông Trump, trát đòi của tòa thường sẽ không được ông ta tuân thủ, không có kết quả cho nên tòa đã phê chuẩn một cuộc khám xét. Những tài liệu mà FBI tìm kiếm hẳn là rất quan trọng.

Trang Bloomberg cho biết, cuộc khám xét hôm Thứ Hai liên quan tới yêu cầu của Cục Lưu trữ và Tài liệu Quốc gia, yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra việc chuyển các tài liệu của tổng thống tới khu nghỉ dưỡng Mar-A-Lago, trong đó có những tài liệu mật. Hồi Tháng Giêng, Cục Lưu trữ đã thu hồi được 15 hộp tài liệu từ khu nghỉ dưỡng này.

Các chi tiết chính của cuộc khám xét vẫn được giữ bí mật, bao gồm cả những gì FBI đang tìm kiếm và lý do tại sao nhà chức trách cảm thấy cần phải thực hiện một cuộc khám xét bất ngờ sau nhiều tháng tranh cãi pháp lý giữa chính phủ và các luật sư đối với ông Trump.

Sau cuộc khám xét, đã có những tiếng nói giận dữ từ phía cực hữu của chính trị Mỹ về một cuộc Nội Chiến khác, và nhiều đảng viên Cộng hòa chính thống đe dọa sẽ trả thù nếu họ giành được quyền kiểm soát tại Quốc Hội sau cuộc bầu cử vào mùa thu. 

Dân biểu Kevin McCarthy của California, lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, cảnh báo ông bộ trưởng Garland phải giữ gìn tài liệu vì đảng Cộng Hòa “sẽ ngay lập tức thực hiện cuộc giám sát” hoạt động của Bộ Tư pháp nếu họ giành được đa số ở Hạ Viện.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đảng Cộng hòa Florida, đã nhanh chóng phát tán một đoạn video ngắn trên Twitter cáo buộc chính quyền Biden hành động giống như chế độ của một nhà độc tài. “Đây là chuyện xảy ra ở những nơi như Nicaragua,” ông Rubio nói.

Đáng lưu ý là khi lên tiếng phản đối cuộc khám xét, các chính trị gia Cộng Hòa hầu như chưa biết rõ mục đích của cuộc khám xét và những tài liệu mà FBI thu được cũng như ý nghĩa của chúng đối với an ninh quốc gia nếu bị đưa ra ngoài Tòa Bạch Ốc một cách bất hợp pháp. Họ chỉ căn cứ vào một hiện tượng là từ trước đến nay chưa có tổng thống hoặc cựu tổng thống nào bị cơ quan công lực khám xét nhà riêng.

Luật Hồ sơ tổng thống 1978

Thực ra trong quá khứ, cựu Tổng thống Richard M. Nixon đã đấu tranh gần bốn năm sau vụ Watergate để giành quyền kiểm soát hàng triệu trang hồ sơ tổng thống và hàng trăm giờ băng ghi âm đã buộc ông phải từ chức. Một đạo luật được Quốc Hội thông qua sau khi Nixon rời nhiệm sở vào Tháng Tám năm 1974 đã buộc ông phải đưa vụ việc ra tòa và cuối cùng, ông Nixon đã thua tại Tòa án Tối cao, trong một phán quyết 7-2.

Tranh chấp của ông Nixon đã dẫn đến việc thông qua Đạo luật Hồ sơ Tổng thống (Presidential Records Act) vào năm 1978, quy định các hồ sơ của Tòa Bạch Ốc là tài sản của chính phủ liên bang, không phải của riêng của tổng thống đã tạo ra chúng. Các tổng thống và trợ lý của họ cũng phải tuân theo các luật khác liên quan đến việc xử lý thông tin bí mật. Trong những năm qua, một số quan chức liên bang hàng đầu đã bị buộc tội xử lý bất hợp pháp thông tin mật.

Tướng David H. Petraeus, vị tướng quân đội từng là giám đốc CIA dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, đã thừa nhận vào năm 2015 rằng ông đã cung cấp các văn bản tuyệt mật của mình cho người tình, nhận tội một tội danh về việc xóa và lưu giữ trái phép các tài liệu đã được phân loại.

Sandy Berger, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Tổng thống Bill Clinton, đã nộp phạt $50,000 sau khi nhận tội xóa tài liệu mật khỏi Cơ quan Lưu trữ quốc gia năm 2003 để chuẩn bị cho lời khai của mình trước Ủy ban 11/9.

Vài chuyên gia pháp lý cho rằng cuộc khám xét nhà của ông Trump có khả năng trở thành điểm xung đột trong cuộc đấu tranh giữa những người đang điều tra hành động của ông Trump và các lực lượng ủng hộ nỗ lực điên cuồng của ông cựu tổng thống nhằm duy trì quyền lực. Đây cũng là một bài trắc nghiệm tính bền vững của nền dân chủ đang bị tấn công ở Hoa Kỳ. “Chúng ta đang ở giữa một cuộc nội chiến mới trên đất nước này, một khoảnh khắc chưa hề có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ,” giáo sư Douglas Brinkley, nhà nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử các tổng thống Mỹ của Đại học Rice, nhận xét với báo The New York Times.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: