Khi các ngân hàng chết chùm theo các công ty công nghệ

Trụ sở Silicon Valley Bank (SVB) chính thức đóng cửa vào ngày 11 Tháng Ba 2023 (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Các ngân hàng mất hàng tỷ giá trị sau khi SVB sụp đổ theo đà lao dốc của các công ty công nghệ, kể cả các công ty khởi nghiệp (start-up), đối tượng cho vay chính của các ngân hàng này. Đây là vụ sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử ngân hàng Mỹ. Lớn nhất là vụ Washington Mutual Bank năm 2008.

Chết sau 36 giờ được khẳng định còn lành mạnh

Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã sụp đổ vào thứ Sáu 10 Tháng Ba trong vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ, sau khi cuộc rút tháo tiền gửi (deposit) đã làm hỏng kế hoạch huy động vốn mới của ngân hàng tập trung vào công nghệ này.

Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (Federal Deposit Insurance Corp-FDIC) cho biết họ đã nắm quyền kiểm soát ngân hàng thông qua một thực thể mới được thành lập có tên là Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara (Deposit Insurance National Bank of Santa Clara). Tất cả các khoản tiền gửi của SVB đã được chuyển sang ngân hàng mới.

FDIC cho biết những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có quyền truy cập vào quỹ của họ vào sáng thứ Hai 13 Tháng Ba. Những người gửi có số tiền vượt quá giới hạn bảo hiểm sẽ nhận được chứng chỉ nhận tiền (receivership certificates) đối với số dư không được bảo hiểm của họ, có nghĩa là các doanh nghiệp có số tiền gửi lớn bị mắc kẹt tại ngân hàng sẽ khó có thể rút được tiền sớm.

SVB là ngân hàng này lớn thứ 16 tại Hoa Kỳ, với khoảng $209 tỷ tài sản (asset) tính đến ngày 31 Tháng Mười Hai, theo Cơ quan Dự trữ Liên bang (Fed). Cho đến nay, đây là ngân hàng phá sản lớn nhất kể từ khi hệ thống tài chính gần như sụp đổ vào năm 2008, chỉ đứng sau sự sụp đổ trong thời kỳ khủng hoảng của Washington Mutual Inc.

Hồ sơ của Cơ quan quản lý cho biết chỉ riêng trong ngày thứ Năm, các khách hàng đã cố gắng rút $42 tỷ, khoảng một phần tư tổng số tiền gửi của ngân hàng. Lũ rút tiền đã làm cạn kiệt tài chính của ngân hàng. Vào cuối ngày thứ Năm, nó có số dư tiền mặt âm gần $1 tỷ và không thể hoàn thành các khoản thanh toán đến hạn tại Fed. Đây là bất ngờ vì ngày hôm trước, cơ quan quản lý cho biết ngân hàng đang ở trong tình trạng tài chính lành mạnh vào thứ Tư, nhưng một ngày sau bị vỡ nợ.

Các công ty khởi nghiệp công nghệ và các doanh nghiệp khác đang chạy đua để sắp xếp các nguồn tiền mặt cho bảng lương và những nhu cầu tức thời khác sau khi tiền gửi của họ tại SVB đã bị khóa, khi chính quyền liên bang nắm quyền kiểm soát vào sáng thứ Sáu.

Theo các nhà đầu tư khởi nghiệp lâu năm, sự sụp đổ của SVB có thể sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển đổi khỏi các chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ và rủi ro cao mà các công ty khởi nghiệp đã áp dụng trong suốt nhiều thập niên qua. Rick Heitzmann, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm FirstMark Capital, cho biết: “Nếu SVB, trụ cột trong 40 năm qua của hệ sinh thái khởi nghiệp có thể biến mất chỉ sau 36 giờ tưởng vẫn lànnh mạnh, thì còn điều tồi tệ nào sẽ xảy ra nữa?”

Garry Tan, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator (YC), một công ty tăng tốc khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, cho biết rất nhiều trong khoảng 3,000 công ty đang hoạt động của họ có mối quan hệ với SVB. YC đã khảo sát các công ty đó vào sáng thứ Sáu và đến chiều thứ Sáu, gần 400 công ty cho biết họ đã gặp rủi ro và hơn 100 công ty lo lắng không thể trả lương trong 30 ngày tới nếu không có giải pháp nhanh chóng cho ngân hàng.

Các công ty công nghệ đang nằm dưới nhiều áp lực, từ giảm ngân sách đầu tư đến những tác động bên ngoài từ hệ thống các ngân hàng cho vay. Trong ảnh là tổng hành dinh của Meta (Facebook) tại Menlo Park, California (ảnh: Tayfun Coskun / Anadolu Agency / Getty Images)

Chuyện gì đã thật sự xảy ra?

SVB, có trụ sở tại Santa Clara, California phục vụ cho các công ty công nghệ, đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân; và phát triển nhanh chóng cùng với các ngành đó. Tổng tiền gửi tăng 86% vào năm 2021 lên $189 tỷ và đạt đỉnh $198 tỷ một quý sau đó, nhưng đã giảm 13% trong ba quý cuối cùng của năm 2022 và tiếp tục giảm vào Tháng Một và Tháng Hai, một phần là do sự tập trung vào tiền gửi của các công ty công nghệ.

Bốn ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã mất $52 tỷ giá trị thị trường vào ngày 9 Tháng Ba. Chỉ số Ngân hàng Nasdaq KBW (KBW Nasdaq Bank Index) ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch làm chao đảo thị trường gần ba năm trước. Cổ phiếu của SVB giảm 80%. Trước khi SVB sụp đổ, cổ phiếu của các ngân hàng lớn và nhỏ đã giảm mạnh. PacWest Bancorp giảm 25% và First Republic Bank mất 17%. Charles Schwab Corp giảm 13%, trong khi U.S. Bancorp mất 7%. Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, JPMorgan Chase & Co cũng mất 5.4%. Đợt giảm ngày 8 Tháng Ba là một hậu quả khác từ chiến dịch của Fed nhằm kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, việc một số ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn trong tuần này đã làm dấy lên lo ngại các ngân hàng khác có thể buộc phải chấp nhận thua lỗ để huy động tiền mặt. Tài sản (asset) và tiền gửi của SVB đã tăng gần gấp đôi vào năm 2021 và một lượng lớn tiền không cho vay hết đã đổ vào các kho bạc Hoa Kỳ (U.S. Treasury) và các chứng khoán nợ (debt securities) khác do chính phủ tài trợ. Nhưng đà tiến như “chẻ tre” bị quay ngược đầu ngay khi Fed bắt đầu tăng lãi suất làm điêu đứng các công ty khởi nghiệp công nghệ và các công ty đầu tư mạo hiểm (venture-capital), những đối tượng cho vay chính của SVB, gây ra sự sụt giảm tiền gửi nhanh hơn dự kiến và tiếp tục giảm.

Không ai còn muốn dính dáng hệ thống cho vay liên quan lĩnh vực công nghệ

Các ngân hàng Hoa Kỳ đang phải gánh chịu hậu quả của sự bùng nổ tiền gửi thời đại Covid, khiến họ ngập ngụa trong đống tiền mặt quá mức cần thiết. Dữ liệu của FDIC cho thấy tiền gửi (deposit) trong nước tại các ngân hàng được liên bang bảo hiểm đã tăng 38% từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2021. Theo dữ liệu của Fed, các ngân hàng thương mại Mỹ nắm giữ trái phiếu chính phủ đã tăng 53% so với cùng kỳ, lên $4.58 ngàn tỷ.

Trong báo cáo thường niên, Bank of America cho biết giá trị thị trường hợp lý của chứng khoán nợ giữ đến ngày đáo hạn là $524 tỷ tính đến ngày 31 Tháng Mười Hai, 2022, thấp hơn $109 tỷ so với giá trị mà nó thể hiện trên bảng cân đối kế toán. Bank of America và các siêu ngân hàng khác có đủ khả năng chịu đựng đợt rút ồ ạt tiền gửi. Bank of America rút vốn từ nhiều nguồn khác nhau và có nhiều khoản vay dài hạn hơn nên chỉ có 69% khoản đến hạn thanh toán của nó là tiền gửi. Không giống như SVB và Silvergate, các siêu ngân hàng nắm giữ nhiều loại tài sản (asset, cổ phiếu) và phục vụ nhiều công ty lớn trong toàn bộ nền kinh tế nên giảm thiểu được rủi ro từ sự suy thoái so với bất kỳ ngành nào khác.

Rủi ro là nghiêm trọng nhất đối với những người cho vay nhỏ. Các ngân hàng nhỏ hơn thường phải trả lãi suất tiền gửi cao hơn để thu hút khách hàng so với các ngân hàng lớn với công nghệ hào nhoáng và mạng lưới chi nhánh rộng khắp. Bank of America chỉ trả lãi suất tiền gửi trung bình là 0.96% trong quý IV, so với mức 1.17% của toàn ngành trong khi SVB trả 2.33%. Trước tình hình hiện nay, có rất ít nhà đầu tư mạo hiểm đặt cược vào các công ty cho vay tập trung vào lĩnh vực công nghệ, vì rất bấp bênh.

_________

Chấn động: Ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ sụp đổ

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: