Mỹ thử thành công hỏa tiễn siêu thanh của Raytheon

Hoa Kỳ lập hệ thống vệ tinh phát hiện và theo dõi vũ khí siêu thanh
Tham vọng bá chủ của Trung Quốc khiến Hoa Kỳ tăng tốc chế tạo vũ khí siêu thanh và lập hệ thống vệ tinh theo dõi vũ khí siêu thanh. Ảnh minh họa: Hỏa tiễn đạn đạo tầm trung Đông Phong 17 (DF-17) của Trung Quốc được gắn một tên lửa dạng trượt (glide vehicle) có thể đạt tới tốc độ siêu thanh, được trưng bày trong cuộc diễn hành kỷ niệm 70 năm thành lập Trung Quốc 1-10-2019. Ảnh Zoya Rusinova\TASS via Getty Images

Quân đội Mỹ đã thử thành công vũ khí siêu thanh do hãng Raytheon Technologies Corp. chế tạo, có thể bay nhanh hơn năm lần so với tốc độ của âm thanh và đây là lần thử thành công thứ ba loại vũ khí này kể từ năm 2013, thông cáo của Bộ Quốc phòng đưa ra hôm Thứ Hai 18 Tháng Bảy 2022 cho biết.

Chương trình phát triển vũ khí siêu thanh có tên Hypersonic Air-breathing Weapon Concept (HAWC) do  Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Mỹ (DARPA) điều hành. Hiện hai nhà thầu quân sự lớn nhất là Raytheon và Lockheed Martin Corp. đang cạnh tranh nhau để giành hợp đồng chế tạo hỏa tiễn siêu thanh cho quân đội Mỹ.

Cách đây vài hôm, quân đội Mỹ cũng đã thử thành công Vũ Khí Phản Ứng Nhanh Phóng Từ Trên Không (Air-Launched Rapid Response Weapon), gọi tắt là ARRW do hãng Lockheed Martin chế tạo. 

Hoa Kỳ cùng các đối thủ đang gia tăng nỗ lực chế tạo vũ khí siêu thanh – thế hệ vũ khí mới rút ngắn thời gian bay tới mục tiêu làm cho đối phương không đủ thời gian phản ứng và tránh các hệ thống đánh chặn hiện có. Để được coi là vũ khí siêu thanh, hỏa tiễn phải bay được ở tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh, khoảng 6,200 km hoặc 3,853 dặm mỗi giờ trong thượng tầng của bầu khí quyển. 

***

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm Thứ Hai 18 Tháng Bảy cho biết sẽ đầu tư $1.3 tỷ để lập một hệ thống vệ tinh tân tiến có khả năng theo dõi các mối đe dọa của hỏa tiễn siêu thanh từ năm 2025 và bộ đã công bố hai hợp đồng thực hiện dự án này.

Ông Derek Tournear, Giám đốc Cơ quan Phát triển Không gian của Bộ Quốc phòng, nói hai hợp đồng sẽ cung cấp cho quân đội 28 vệ tinh trong giai đoạn đầu.

Theo ông Tournear, về mặt lịch sử, Hoa Kỳ chưa bao giờ phóng lên quỹ đạo các vệ tinh được thiết kế để phát hiện và theo dõi các vũ khí siêu thanh có khả năng cao trong việc thay đổi đường bay, còn hiện nay, tuy không phải Mỹ không có khả năng nhưng chỉ có khả năng hạn chế trong công việc này. Những vệ tinh mới sẽ giúp Mỹ nhanh chóng phát hiện các vụ phóng hỏa tiễn siêu thanh, theo dõi khi nó thay đổi đường bay, tính toán nơi mà nó nhắm đến và cung cấp dữ liệu cho các đơn vị phòng thủ để tung ra hỏa tiễn đánh chặn.

Hai hợp đồng đã được ký kết với công ty L3Harris Technologies, Inc. ở Florida và Northrop Grumman Strategic Space Systems ở California. L3Harris sẽ chế tạo 14 vệ tinh với chi phí $700 triệu, và Northrop sẽ chế tạo 14 vệ tinh với giá $617 triệu. Tổng chi phí của giai đoạn này, kể cả chi phí phóng vệ tinh, trung tâm kiểm soát và hỗ trợ ở mặt đất, sẽ vào khoảng $2.5 tỷ. 

Giai đoạn hai của chương trình sẽ có thêm 54 vệ tinh nữa tham gia cùng 28 vệ tinh giai đoạn đầu.

Các vệ tinh chia thành hai nhóm, một nhóm bay ở độ cao 1,000 km cách mặt đất, còn một nhóm bay ở độ cao từ 10,000 đến 20,000 km. 

Hồi đầu năm nay, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc (AUKUS) đã công bố sẽ hợp tác phát triển vũ khí siêu thanh trước mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga, đặc biệt là do mối lo ngại ngày càng tăng trước sự hung hăng và leo thang quân sự của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương. 

Năm ngoái Trung Quốc đã thử cái mà các quan chức Mỹ gọi là hỏa tiễn siêu thanh, còn Nga đã sử dụng loại hỏa tiễn như vậy trong chiến tranh ở Ukraine. “Nga và Trung Quốc đang phát triển và thử nghiệm “xe trượt siêu thanh” (hypersonic glide vehicles – HGV) – tức là loại hỏa tiễn tân tiến có khả năng cao trong việc thay đổi đường bay. Các vệ tinh mới được thiết kế đặc biệt để đuổi theo các phiên bản thế hệ mới của mối đe dọa đó, sao cho chúng ta có thể phát hiện và theo dõi các HGV và dự báo được điểm tấn công của chúng,” ông Tournear nói.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: