Người đàn bà thép và sự kiên định với “sói lang” Trung Quốc

Chuyến thăm Đài Loan gây sóng gió của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là đỉnh cao của nhiều thập niên bà thách thức Trung Quốc.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi trong buổi họp báo với nhà dân chủ Hong Kong Hoàng Chi Phong tại Washington DC ngày 18 Tháng Chín 2019 (ảnh: Aurora Samperio/NurPhoto via Getty Images)

Trải qua nhiều đời chính quyền Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi luôn đưa ra các quan điểm không được lòng ngay cả các đồng nghiệp Dân chủ, và lập trường của bà đôi khi bị xem là “không có lợi cho quan hệ Mỹ-Trung”. Năm 1991, Dân biểu Nancy Pelosi từng đứng tại nơi mà hai năm trước đó Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đàn áp thô bạo các sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn.

Sự đối đầu của Nancy Pelosi với Trung Quốc đã trở lại điểm nóng thời sự vào ngày 2 Tháng Tám 2022 khi bà đến Đài Loan. “Đối mặt với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tăng tốc gây hấn, chuyến thăm của phái đoàn Quốc hội chúng tôi nên được xem như một tuyên bố dứt khoát: Mỹ đứng cùng Đài Loan, một đối tác dân chủ, một đất nước biết bảo vệ bản thân và tự do mình” – Pelosi viết trong chuyên mục xã luận của tờ The Washington Post. Chuyến đi đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp 35 năm của một chính trị gia không ngại chỉ trích Trung Quốc.

Như nhà bình luận Marianna Sotomayor viết trên The Washington Post ngày 2 Tháng Tám 2022, lập trường kiên trì với Trung Quốc của bà Nancy Pelosi kéo dài trong nhiều thập niên đôi khi bị xem là bất lợi và có thể làm gián đoạn mối quan hệ Mỹ-Trung. Bà luôn bác bỏ lời kêu gọi đừng làm người Trung Quốc phật lòng.

Bà không hề quan tâm đến việc làm phiền lòng người Trung Quốc. Trong chuyến đi đến Đài Loan lần này, Đảng Cộng hòa (GOP) lẫn Dân chủ đều ủng hộ hành động của bà Pelosi. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hoà-Kentucky) và 25 thượng nghị sĩ GOP ra tuyên bố ngay sau khi Pelosi hạ cánh xuống Đài Loan, ca ngợi sự thách thức của bà với Trung Quốc.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Dương Kiến Lợi (Yang Jianli) trong buổi họp báo công bố tượng Người Xe Tăng (the Tank Man) nhân 30 năm sự kiện Thiên An Môn, ngày 4 Tháng Sáu 2019 tại khu vực West Lawn của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ (Alex Wong/Getty Images)

Vụ thảm sát dã man tại Quảng trường Thiên An Môn là nền móng cho thái độ chống Trung Quốc của bà Nancy Pelosi. Carolyn Bartholomew, ủy viên đánh giá an ninh và kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc và là Cựu chánh văn phòng của Pelosi, nhận định: “Chính vụ thảm sát Thiên An Môn là động lực thực sự và là sự khởi đầu cho lập trường của bà ấy về Trung Quốc”.

Năm 1991, cùng với hai dân biểu Ben Jones (Dân chủ-Georgia) và John Miller (Cộng hoà-Washington), bà Pelosi đến Thiên An Môn, tay cầm biểu ngữ ghi: “Tưởng nhớ những người đã chết vì dân chủ ở Trung Quốc”. Biểu ngữ được mục sư Chu Diệu Minh (Chu Yiu-ming) trao cho Pelosi khi ông tiếp bà ở Hong Kong.  Khi trở về Washington, Pelosi bắt đầu theo đuổi một đạo luật giúp các sinh viên Trung Quốc chạy trốn đàn áp chính trị trở thành công dân Mỹ dễ dàng hơn.

Pelosi không ngại đối đầu các lãnh đạo của cả hai đảng. Bà từng phản đối Tổng thống Cộng hoà George H.W. Bush khi ông phủ quyết dự luật lưỡng đảng nhằm ràng buộc quy chế “Tối huệ quốc” (MFN) của Trung Quốc với lao động cưỡng bức, nêu lý do “Trung Quốc đã cải thiện nhân quyền”. Tổng thống Bill Clinton cũng phải “nhỏ nhẹ” với bà khi tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Quốc hội đối với cuộc tranh luận MFN. Cuộc chiến kế tiếp Clinton-Pelosi diễn ra cuối thập niên 1990 khi Trung Quốc gửi đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Pelosi đã ký vào đạo luật kêu gọi Mỹ rút khỏi WTO nếu Trung Quốc được chấp nhận mà không có sự đồng ý đầy đủ của Hoa Kỳ.

Thủ lĩnh phe đa số Thượng viện George Mitchell (trái) và Dân biểu Nancy Pelosi chứng kiến Tổng thống Bill Clinton ký gia hạn Qui chế Tối huệ quốc cho Trung Quốc, Washington DC ngày 28 Tháng Năm 1993 (ảnh: White House/Consolidated News Pictures/Getty Images)

“Để Trung Quốc vào WTO sẽ gây tổn hại rất lớn cho sự thống nhất của Đảng Dân chủ – Pelosi nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1999 với The Washington Post khi chính quyền Clinton đồng ý các điều khoản cho phép Trung Quốc gia nhập WTO – Clinton đang cố lấy chính sách Trung Quốc thất bại của mình làm di sản nhiệm kỳ!”. Sau đó, Pelosi được giao xúc tiến thành lập Ủy ban Hành pháp Quốc hội về Trung Quốc (Congressional-Executive Commission on China) để tiện giám sát đầy đủ chính phủ.

Dù Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, bà Pelosi đã đóng một vai trò tích cực trong việc nhắc nhở thế giới về “cách Trung Quốc áp bức các tù nhân chính trị”. Năm 1995, bà vận động quyết liệt nhằm có thể mang lại tự do cho nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc Ngô Hoằng Đạt (Harry Wu) đang bị chính quyền Trung Quốc giam giữ. Bà tham gia mọi bước đi của chiến dịch đòi thả Ngô Hoằng Đạt.

Dalai Lama trong một chuyến công du đến Washington, và được tiếp bởi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Thượng nghị sĩ Robert Byrd và Tổng thống George W. Bush (ảnh: Tom Williams/Roll Call/Getty Images)

Trong chuyến thăm của Phó Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Washington năm 2002, Pelosi đã trao cho ông bốn lá thư từ các dân biểu Quốc hội Mỹ, yêu cầu ông thừa nhận có trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm nhân quyền, trong đó có cả việc đối xử tàn bạo với tù nhân chính trị. Bảy năm sau, Pelosi thực hiện tương tự một lần nữa khi đến Trung Quốc với tư cách nữ chủ tịch đầu tiên của Hạ viện Hoa Kỳ, yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho các tù nhân chính trị bị giam giữ lâu năm.

20 năm qua, Pelosi thường xuyên phản đối việc Trung Quốc đăng cai Thế vận hội. Năm ngoái, bà điều trần trước Ủy ban Hành Pháp-Quốc hội về Trung Quốc (CEC), trước khi diễn ra Thế vận hội Mùa Đông ở Bắc Kinh, và trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ kêu gọi tẩy chay Thế vận hội này. Nhưng phải đến chín tháng sau, chính quyền Biden mới đồng ý, qua một tuyên bố vào Tháng Mười Hai. Pelosi nói trong tuyên bố mở đầu phiên điều trần CEC năm nay:

“Nếu chúng ta không lên tiếng về các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc vì lợi ích thương mại, chúng ta sẽ mất tư cách đạo đức để lên tiếng chống lại các vi phạm nhân quyền ở bất kỳ đâu!”.

Lần thứ hai bà trở thành Chủ tịch Hạ viện trùng hợp với việc Chủ tịch Tập Cận Bình thắt chặt vòng kềm kẹp Hong Kong và tiếp tục đàn áp cộng đồng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Với sự giúp đỡ của Dân biểu Christopher H. Smith (Cộng hoà-New Jersey), Pelosi đã giúp thông qua dự luật lưỡng đảng vào năm 2019, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới chức Trung Quốc liên quan vi phạm nhân quyền.

Bà Nancy Pelosi được Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trao Huân chương Khanh Vân hạng nhất (Order of Propitious Clouds, 卿雲勳章), Đài Bắc, ngày 3 Tháng Tám 2022 – ảnh: Handout/Getty Images

Hai năm sau, bà giám sát thông qua các dự luật khác. Biện pháp trừng phạt những kẻ bức hại người Duy Ngô Nhĩ được đưa ra. Hàng hoá từ Tân Cương chỉ được nhập vào Mỹ nếu công ty nhập khẩu chứng minh chúng không được làm bằng lao động cưỡng bức. Chuyến đi Đài Loan của bà Nancy Pelosi tuần này cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi cả hai viện Quốc hội thông qua đạo luật trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước và đầu tư hàng tỷ đôla đổi mới khoa học và công nghệ, nhằm hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc.

Những người chỉ trích nói rằng chuyến đi Đài Bắc của bà Nancy Pelosi chỉ đơn thuần là sô diễn khi sự nghiệp chính trị của bà sắp hạ màn. Tuy nhiên, việc đến Đài Loan không phải là một màn trình diễn ngẫu hứng. Nó là sự kiện tất yếu của một người luôn công khai đối đầu Bắc Kinh suốt nhiều thập niên. Đây là bước đi hoàn toàn phù hợp khi xét đến chủ trương của bà đối với Trung Quốc gần 30 năm qua.

______

-Bà Pelosi đến Đài Loan – Ván bài lật ngửa

-Tại sao tôi dẫn phái đoàn Quốc Hội đến Đài Loan

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: