Hạ Viện Hoa Kỳ tối nay Thứ Sáu ngày 5 Tháng Mười Một đã thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá $1,000 tỷ sau một ngày tranh cãi căng thẳng; dự luật đã sẵn sàng gửi tới Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật.
Đạo luật cơ sở hạ tầng sẽ quy định đầu tư của chính phủ liên bang vào hệ thống đường cao tốc, đường truyền internet băng thông rộng và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác. Đây được coi là kế hoạch quan trọng nhất của chính quyền Biden và đảng Dân Chủ trong lĩnh vực kinh tế đối nội, nhằm gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau một ngày tranh luận căng thẳng, có lúc bế tắc, giữa những dân biểu thuộc nhóm ôn hòa và những dân biểu có quan điểm cấp tiến – một sự bất đồng quan điểm đang gây chia rẽ đảng Dân Chủ, cản trở nhiều kế hoạch khác của Tổng thống Biden và làm cho cử tri Mỹ chán nản với sự điều hành của đảng này.
Dự luật được thông qua với kết quả bỏ phiếu 228-206, theo gần đúng lằn ranh đảng phái; có 13 dân biểu Cộng Hòa, chủ yếu là người ôn hòa, ủng hộ đạo luật này trong khi sáu thành viên cực tả của đảng Dân Chủ – bao gồm cả Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez của New York và Cori Bush của Missouri – phản đối, theo tin của hãng AP.
Việc thực thi đạo luật cơ sở hạ tầng dự tính sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người dân Mỹ và cải thiện tình trạng đường sá cầu cống vốn, mạng lưới cấp nước và thoát nước đã cũ kỹ và hư hỏng ở nhiều nơi.
Dự luật cơ sở hạ tầng đã được Thượng Viện thông qua trước đây nhưng bị chặn lại ở Hạ Viện, nơi những dân biểu có quan điểm cấp tiến đòi hỏi hai dự luật lớn – dự luật cơ sở hạ tầng và dự luật thúc đẩy các chương trình y tế, gia đình và biến đổi khí hậu, gọi chung là Build Back Better (3B) kéo dài 10 năm và tiêu tốn $1.85 nghìn tỷ – phải được xem xét thông qua cùng một lúc. Ý đồ của những người cấp tiến, theo giới phân tích, là để gây áp lực lên những người ôn hòa, buộc họ phải ủng hộ dự luật 3B nếu muốn được ủng hộ dự luật cơ sở hạ tầng.
Thế nhưng dự luật 3B, với chi phí dự tính ban đầu lên tới $3.5 ngàn tỷ, vấp phải sự phản đối gay gắt của các nghị sĩ Joe Manchin của West Virginia và Kyrsten Sinema của Arizona, đã gây tranh luận kéo dài trong nội bộ đảng Dân Chủ, đến nay vẫn chưa thỏa hiệp được dù các bên đã đồng ý giảm quy mô chi tiêu của dự luật xuống còn $1.85 ngàn tỷ. Để dự luật 3B có thể được thông qua theo thủ tục hòa giải (reconciliation) – tức là thông qua Thượng Viện với đa số phiếu đơn giản mà không cần phải hội đủ túc số 60-40 – thì tất cả các thượng nghị sĩ Dân Chủ phải bỏ phiếu thuận. Sự phản đối của hai nghị sĩ Manchin và Sinema đã buộc đảng Dân Chủ không đưa dự luật ra Thượng Viện bỏ phiếu mà tiếp tục thương lượng trong nội bộ. Điều đó khiến dự luật cơ sở hạ tầng cũng bị “mắc kẹt” theo.
Thông tin về các dự luật chi tiêu của chính phủ và cuộc tranh cãi bất tận giữa phe cấp tiến và phe ôn hòa trong nội bộ đảng Dân Chủ đã được loan tải chi tiết trên truyền thông, làm cho nhiều cử tri Mỹ bất mãn sau khi chính quyền Biden đã không thúc đẩy được các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội sau gần một năm cầm quyền, nắm cả lưỡng viện Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc. Tâm lý thất vọng đó đã giáng một đòn nặng vào uy tín của đảng Dân Chủ khi ứng cử viên của đảng này – cựu Thống đốc Terry McAuliffe – bị thất bại trước ứng cử viên Cộng Hòa Glenn Youngkin trong cuộc bầu cử thống đốc tiểu bang Virginia hôm Thứ Ba vừa qua.
Thất bại ở Virginia đã khiến các nhà lãnh đạo đảng Dân Chủ – cả những đảng viên ôn hòa và tiến bộ – hết sức lo lắng trước cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ vào cuối năm tới, 2022. Nếu tình trạng phân liệt trong nội bộ đảng Dân Chủ không được giải quyết, đảng này có nguy cơ mất vị thế đa số ở Thượng Viện và Hạ Viện trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tổng thống Joe Biden hôm nay đã phải hủy bỏ chuyến đi về nhà ở Delaware để đi tới Quốc Hội, cùng với Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) thuyết phục các dân biểu bỏ phiếu thuận cho các dự luật chi tiêu.
Theo thỏa thuận vào phút cuối, dự luật cơ sở hạ tầng trị giá $1,000 tỷ đã được thông qua như vừa nói trên và dự luật 3B dự tính sẽ được đem ra bỏ phiếu vào ngày 15 Tháng Mười Một, sau khi có các số liệu phân tích chi tiết về chi phí thực hiện các điều khoản của dự luật từ Văn phòng Ngân sách Quốc Hội (CBO).
Nếu được thông qua, dự luật chi tiêu xã hội 3B sẽ hỗ trợ cho một số lượng lớn người Mỹ chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cái và chăm sóc người già tại nhà, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch hơn và xe điện. Mới đây đảng Dân Chủ đã bổ sung thêm các điều khoản về chương trình nghỉ phép được hưởng lương mới cho người phụ nữ sinh con, người đau ốm v.v…
Phần lớn chi phí của các chương trình chi tiêu xã hội này sẽ được trả bằng việc đánh thuế cao hơn đối với những người Mỹ giàu có và các tập đoàn lớn.
“Tôi kêu gọi tất cả các thành viên bỏ phiếu cho cả quy tắc xem xét Đạo luật Xây dựng lại Tốt hơn và thông qua bản cuối cùng của dự luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng vào tối nay. Tôi tin tưởng trong tuần của ngày 15 Tháng Mười Một, Hạ Viện sẽ thông qua Đạo luật Xây dựng lại Tốt hơn,” Tổng thống Biden phát biểu ngay trước cuộc bỏ phiếu của Hạ Viện.
Vẫn chưa rõ trong vòng 10 ngày tới nội dung của dự luật sẽ thay đổi như thế nào và nó có được thông qua như dự tính hay không. Nếu Quốc Hội thông qua được cả dự luật về cơ sở hạ tầng và dự luật 3B về chi tiêu xã hội trong Tháng Mười Một này thì đó là một thắng lợi chính trị quan trọng của Tổng thống Biden trước khi kết thúc năm cầm quyền đầu tiên và vực dậy chỉ số ủng hộ ông mà hiện đã xuống thấp.
Đọc thêm:
- Thượng Viện thông qua dự luật cơ sở hạ tầng $1,000 tỷ
- Hoa Kỳ: thỏa thuận cơ sở hạ tầng, ai buồn ai vui?
- Lưỡng đảng đạt thỏa thuận về dự luật cơ sở hạ tầng $1.2 ngàn tỷ
- Ông Trump dọa các nghị sĩ Cộng Hòa, ngăn cản dự luật cơ sở hạ tầng
- Tổng thống và lưỡng đảng đạt thỏa thuận về kế hoạch cơ sở hạ tầng