Thượng Viện Hoa Kỳ vào tối thứ Năm 23 tháng Sáu đã thông qua một dự luật lưỡng đảng nhằm gia tăng an toàn súng đạn, khai thông một sự bế tắc chính trị giữa hai đảng sau nhiều vụ thảm sát làm chấn động cả nước gần đây.
Dự luật có tên Luật Lưỡng Đảng về Cộng Đồng An Toàn Hơn (Bipartisan Safer Communities Act) được thông qua với 65 phiếu thuận, 33 phiếu chống; trong đó 15 nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu thuận cùng với toàn bộ 50 nghị sĩ Dân Chủ, 33 nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu chống và 2 nghị sĩ Cộng Hòa vắng mặt. Số phiếu thuận 65 phiếu đã giúp dự luật vượt quá túc số 60/40 để được phê chuẩn theo thủ tục của Thượng Viện.
Một sự thỏa hiệp nửa vời
Về nội dung, để có thể vượt qua sự chống đối kéo dài suốt 24 năm qua của đảng Cộng Hòa đối với những nỗ lực pháp lý về an toàn súng đạn của đảng Dân Chủ, dự luật có tính chất “nửa vời”, không thiên tả mà cũng không thiên hữu.
Dự luật dài 80 trang yêu cầu chính quyền tăng cường kiểm tra lý lịch những người muốn mua súng ở độ tuổi từ 18 đến 21, lần đầu tiên xem xét hồ sơ vị thành niên, bao gồm cả hồ sơ sức khỏe tâm thần từ năm 16 tuổi; những người không hội đủ tiêu chuẩn sẽ bị từ chối quyền mua súng. Dự luật khuyến khích các tiểu bang thông qua luật “cờ đỏ” (red flag) cho phép tạm thời tịch thu súng của những người bị tòa án cho là nguy hiểm, có thể dùng súng để gây hại cho bản thân và người khác. Dự luật sẽ thắt chặt một lệnh cấm liên bang đối với những kẻ lạm dụng súng đạn trong bạo hành gia đình, và tăng cường luật chống lại việc mua súng đạn giùm cho kẻ khác và buôn lậu súng.
Ngoài những biện pháp hạn chế, dự luật đề ra khoản chi ngân sách $15 tỷ để tài trợ các chương trình sức khỏe tâm thần và tăng cường an ninh trong trường học.
Tuy nhiên, dự luật không có những điều khoản mà đảng Dân Chủ luôn theo đuổi như cấm buôn bán và sử dụng các loại súng tiểu liên, súng trường tấn công và cấm các loại băng đạn có sức chứa lớn. Trong đa số các vụ thảm sát bằng súng xảy ra gần đây, hung thủ thường sử dụng các loại súng tiểu liên kiểu AR-15 dùng trong quân đội và băng đạn có thể chứa tới 30 viên.
“Quốc Hội đã hành động”!
Ngay sau vụ xả súng giết chết 19 học sinh và hai giáo viên trường tiểu học Robb Elementary ở thị trấn Uvalde, Texas, các dân biểu và nghị sĩ đã bị công chúng thúc đẩy phải hành động. Hạ Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát đã thông qua một dự luật với những điều khoản kiểm soát súng gay gắt hơn nhưng Thượng Viện thay vì biểu quyết dự luật của Hạ Viện đã tổ chức biên soạn một dự luật riêng, có sự đồng thuận lưỡng đảng. Một nhóm 10 nghị sĩ của hai đảng, do Thượng nghị sĩ Christopher S. Murphy (Dân Chủ – Connecticut) và Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa – Texas) phụ trách, đã họp với nhau nhiều phiên để soạn thảo dự luật. Trong các cuộc họp cả hai đảng đều đã nhân nhượng một phần để đạt được một thỏa hiệp như trên.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ – New York), lãnh đạo phe đa số nhận định: “Đây không phải là liều thuốc chữa trị tất cả các cách mà bạo lực súng đạn ảnh hưởng đến quốc gia chúng ta, nhưng là một bước lẽ ra phải có từ lâu về một hướng đi đúng đắn. Nó rất quan trọng – nó sẽ cứu sống nhiều người”.
Sau cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện vào tối thứ Năm, Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Dân Chủ – California) thông báo rằng Hạ Viện sẽ bỏ phiếu phê chuẩn dự luật vào sáng mai thứ Sáu 24 tháng Sáu, sau đó dự luật sẽ được chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden. Lãnh đạo khối thiểu số Cộng Hòa tại Hạ Viện đã chỉ đạo các đảng viên của mình bỏ phiếu chống lại dự luật, nhưng do đảng Dân Chủ chiếm đa số nên dự luật vẫn có thể được thông qua mà không cần có phiếu thuận của các dân biểu đảng Cộng Hòa.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Biden sẽ ký ban hành luật.“Các gia đình ở Uvalde, Texas và Buffalo, New York cũng như nạn nhân nhiều vụ thảm sát trước đó, yêu cầu phải hành động. Và tối nay chúng ta đã hành động,” ông Biden nói và nhấn mạnh “Nhờ có luật, trẻ em trong các trường học và các cộng đồng sẽ được an toàn hơn,”.
Tối Cao Pháp Viện lội ngược dòng
Thỏa hiệp lưỡng đảng về kiểm soát súng đạn diễn ra cùng ngày khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hủy bỏ một đạo luật có từ năm 1913 của tiểu bang New York đặt ra giới hạn nghiêm ngặt đối với việc mang súng ra ngoài nhà ở, chẳng hạn quy định người mang súng ra khỏi nhà phải chứng tỏ là người có tư cách tốt và có lý do chính đáng để làm việc đó. Với số phiếu 8-1, Tối Cao Pháp Viện thông qua một phán quyết do Thẩm phán bảo thủ Clarence Thomas soạn thảo nói rằng đạo luật của New York vi phạm Tu Chính Án thứ hai của Hiến Pháp Hoa Kỳ, bảo vệ “quyền của cá nhân được mang súng để tự vệ bên ngoài ngôi nhà của mình”.
Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện và dự luật của Thượng Viện phản ánh sự khác biệt rõ rệt giữa tòa án theo khuynh hướng bảo thủ và Quốc Hội do đảng Dân Chủ kiểm soát về một trong những những vấn đề phức tạp nhất về chính trị trong nước.
Trong khi có tới 33 thượng nghị sĩ Cộng Hòa phản đối dự luật về súng đạn của Thượng Viện thì Hiệp hội Súng trường Toàn quốc (NRA) ra tuyên bố hoan nghênh phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. “Đây là chiến thắng có tính lịch sử cho các thành viên NRA và những người sở hữu súng đạn trong cả nước. Phán quyết sẽ mở đường cho việc thay đổi một cách đúng đắn luật lệ của bảy tiểu bang còn lại, hiện vẫn không công nhận quyền mang súng để tự vệ của cá nhân,” ông Jason Ouimet, giám đốc điều hành Viện Hành động Pháp lý của Hiệp hội Súng NRA ra tuyên bố cho biết, hãng tin Reuters dẫn lại.
Đảng Dân Chủ cảnh cáo rằng phán quyết hôm thứ Năm 23 tháng Sáu của Tối Cao Pháp Viện sẽ có hậu quả nghiêm trọng cho an toàn súng đạn trong cả nước. “Tối Cao Pháp Viện đã sai. Tôi hết sức lo ngại về ý định của tòa tước bỏ thẩm quyền của các cơ quan dân cử trong việc bảo vệ cử tri và gây ra những tác hại thật sự trầm trọng cho sự an toàn của đất nước chúng ta,” Thượng nghị sĩ Chris Murphy nói trong cuộc phỏng vấn về dự luật an toàn súng đạn chiều nay.
Mỹ là nước có số lượng súng đạn so với dân số lớn nhất thế giới, cũng là nước có nhiều vụ thảm sát, nhiều người chết vì súng đạn nhất so với các nước phát triển khác. Từ đầu năm 2022 đến nay đã có hơn 28,000 người Mỹ bị giết vì súng đạn – kể cả người bị giết và người tự tử – theo số liệu của Gun Violence Archive – một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận.
Đọc thêm: