TikTok: Hoặc bán cổ phần hoặc bị cấm tại Mỹ

TikTok vẫn được coi là mạng xã hội bị ảnh hưởng và kiểm soát theo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc. (Hình: Nikolas Kokovlis/NurPhoto via Getty Images)

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden yêu cầu các chủ sở hữu của TikTok hoặc bán cổ phần trong ứng dụng chia sẻ video hoặc có thể đối mặt với lệnh cấm hoạt động tại Hoa Kỳ, bản tin độc quyền của báo Wall Street Journal ngày 15 Tháng Ba 2023 cho biết.

TikTok là một ứng dụng mạng xã hội chia sẻ các đoạn video ngắn được giới trẻ ưa thích do một công ty Trung Quốc là ByteDance Ltd. đưa ra vào năm 2012 tại Bắc Kinh như một phiên bản quốc tế của ứng dụng Douyin lưu hành tại Trung Quốc. Đến nay, TikTok có khoảng 1.8 tỷ người sử dụng trên toàn cầu, trong đó riêng tại Mỹ có khoảng 113 triệu người.

Nhưng chính quyền Mỹ từ lâu đã lo ngại việc TikTok thu thập dữ liệu cá nhân của người Mỹ và quảng bá những thông tin có lợi cho chính sách tuyên truyền của Trung Quốc. Cuộc tranh luận có nên cấm TikTok hay không đã kéo dài trong chính giới Mỹ suốt ba năm qua.

Yêu cầu của chính quyền Biden lần này thể hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách của chính phủ, một phần do bị chỉ trích từ một số nghị sĩ Cộng hòa – những người cho rằng chính phủ Mỹ đã không đủ cứng rắn trong việc giải quyết mối đe dọa an ninh từ mạng TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh. .

Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ, gọi tắt là CFIUS – một cơ quan đặc nhiệm liên bang chuyên giám sát các rủi ro an ninh quốc gia trong các khoản đầu tư xuyên biên giới – gần đây đã đưa ra yêu cầu TikTok hoặc bán quyền sở hữu hoặc bị cấm hoạt động.

Các giám đốc điều hành của TikTok nói rằng 60% cổ phần của ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư quốc tế, 20% thuộc sở hữu của nhân viên và 20% thuộc sở hữu của những người Trung Quốc sáng lập mặc dù cổ phần của những người sáng lập có quyền biểu quyết lớn hơn.

Đại diện của TikTok nói hôm thứ Tư rằng việc bán cổ phần sẽ không giải quyết được rủi ro bảo mật đồng thời cho biết công ty đã cam kết chi $1.5 tỷ cho một chương trình bảo vệ dữ liệu và nội dung của người dùng Mỹ khỏi sự truy cập hoặc ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc. 

TikTok cho biết kế hoạch bảo mật trị giá $1.5 tỷ của họ về cơ bản sẽ tách riêng các hoạt động tại Mỹ, và dữ liệu được lưu trữ Mỹ. Kế hoạch này cũng cung cấp cho một công ty Hoa Kỳ, tập đoàn Oracle Corp., khả năng truy cập thuật toán của công ty và báo cáo các vấn đề cho các thanh tra viên của chính phủ.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp Hoa Kỳ vẫn không tin. Các cuộc đàm phán với CFIUS về bảo mật dữ liệu của TikTok đã diễn ra trong hơn hai năm và đã đi vào bế tắc, các đại diện của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp Mỹ nằm trong số những người ủng hộ việc buộc TikTok phải chuyển quyền sở hữu.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lisa Monaco và các quan chức cấp cao khác đã nhiều lần viện dẫn luật an ninh quốc gia của Trung Quốc, trong đó yêu cầu các công ty phải cung cấp dữ liệu khách hàng nếu được yêu cầu, càng làm tăng thêm mối lo ngại của họ. “Cộng đồng tình báo của chúng tôi đã chứng minh rất rõ ràng những nỗ lực và ý định của chính quyền Trung Quốc nhằm uốn nắn việc sử dụng công nghệ, sử dụng dữ liệu trong một thế giới quan hoàn toàn không phù hợp với thế giới quan của chúng tôi,” bà Monaco nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.

Hiện vẫn chưa rõ bước tiếp theo của Hoa Kỳ là gì và những người quen thuộc với vấn đề nói rằng có thể mất vài tháng nữa mới có giải pháp. Giám đốc điều hành của TikTok, Shou Zi Chew, dự kiến ​​sẽ ra trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện vào tuần tới để trả lời các câu hỏi của các nhà lập pháp về các vấn đề an ninh.

Các quan chức cao cấp về an ninh quốc gia ra điều trần trước Hạ Viện hôm 09 Tháng Ba 2023 về nhiều vấn đề, từ Trung Quốc, Nga, nguồn gốc Covid và mạng TikTok. Từ phải qua trái: Giám đốc FBI Christopher Wray, Giám đốc CIA William Burns, Giám đốc Tình báo quốc gia, bà Avril Haines và Giám đốc Sở An ninh quốc gia, tướng Paul Nakasone. Ảnh Win McNamee/Getty Images

Vào năm 2020, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã buộc TikTok phải bán phần lớn quyền sở hữu cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ, dựa trên những lo ngại tương tự về an ninh quốc gia. Nhưng nỗ lực đó cuối cùng đã bị bế tắc khi TikTok và ByteDance yêu cầu tòa án ngăn chặn lệnh của chính quyền liên bang với lập luận rằng lệnh cấm vi phạm điều luật Berman, theo đó các hoạt động truyền thông xuyên biên giới được nằm ngoài quyền hạn của tổng thống nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Hành động chống lại TikTok của chính quyền Biden cũng có thể phải đối mặt với một con đường dài và gập ghềnh tương tự và có thể bị cáo buộc vi phạm Tu Chính Án thứ Nhất về quyền tự do ngôn luận.

Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã cấm tiệt các mạng xã hội của Mỹ như Facebook, YouTube, Twitter mà không bị ai phản đối cả.

Yêu cầu của CFIUS đối với TikTok được đưa ra cùng lúc với việc các nhà lập pháp Thượng Viện đang bàn luận một dự luật củng cố quyền hạn của chính phủ trong việc đối phó với các mối đe dọa từ các ứng dụng điện toán do nước ngoài sở hữu.

Dự luật do Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân chủ – Virginia), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện và Thượng nghị sĩ John Thune (Cộng hòa – South Dakota) bảo trợ, sẽ yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ thiết lập các thủ tục để giảm thiểu rủi ro và có khả năng cấm công nghệ nước ngoài. Đạo luật có thể dẫn đến lệnh cấm một nền tảng hoặc dịch vụ cụ thể. 

“Nếu được ban hành, luật này sẽ trao quyền cho chính phủ Hoa Kỳ ngăn chặn một số chính phủ nước ngoài khai thác các dịch vụ công nghệ đang hoạt động tại Mỹ theo cách gây rủi ro cho dữ liệu nhạy cảm của người Mỹ và an ninh quốc gia của chúng ta,” Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết trong một tuyên bố.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: