Bắc Hàn thử nghiệm hỏa tiễn hành trình tầm xa

Màn hình ti vi ở nhà ga xe lửa trung tâm Seoul, Nam Hàn đưa tin Bắc Hàn phóng thử hai hỏa tiễn tầm ngắn vào ngày 31 tháng Mười 2019 – sự kiện làm nguội lạnh quan hệ liên Triều và gây bế tắc cho cuộc đàm phán giữa Bắc Hàn với Hoa Kỳ và Nam Hàn. Ảnh Woohae Cho/Getty Images

Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm thành công loại hỏa tiễn hành trình tầm xa mới, được coi là có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, trong hai ngày cuối tuần này, truyền thông nhà nước Bắc Hàn loan tin vào sáng Thứ Hai 13 Tháng Chín, giờ địa phương. 

Hãng tin nhà nước Bắc Hàn KCNA cho biết, các hỏa tiễn đã bay được 1,500 cây số (930 dặm), đánh trúng mục tiêu và rơi xuống vùng biển của nước này trong các cuộc thử nghiệm hôm Thứ Bảy và Chủ Nhật.

Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của đảng Công nhân cầm quyền ở Bắc Hàn, đã đăng các bức ảnh về hỏa tiễn hành trình mới đang bay sau khi được bắn ra từ một thiết bị vận chuyển và phóng hỏa tiễn.

Vụ thử hỏa tiễn mang lại “một phương tiện răn đe hiệu quả khác để đảm bảo an ninh của quốc gia chúng ta một cách đáng tin cậy hơn và ngăn chặn mạnh mẽ các hoạt động diễn tập quân sự của các thế lực thù địch”, KCNA cho biết.

Vụ thử nghiệm hỏa tiễn hành trình (cruise missile) đánh dấu một bước tiến trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng trong lúc các cuộc đàm phán nhằm loại bỏ chương trình vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile) của nước này, đổi lấy việc Mỹ và quốc tế bãi bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế vẫn bị bế tắc kể từ năm 2019.

Việc Bắc Hàn thử nghiệm hỏa tiễn hành trình không bị cấm như hỏa tiễn đạn đạo, theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Hiện chưa rõ Bắc Hàn đã làm chủ được công nghệ cần thiết để chế tạo đầu đạn nguyên tử đủ nhỏ để gắn vào hỏa tiễn hành trình hay chưa, nhưng hồi đầu năm nay lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un nói rằng phát triển đầu đạn nguyên tử nhỏ hơn nữa là mục tiêu hàng đầu của chính quyền Bắc Hàn.

Hai miền Nam Bắc Hàn đang tăng tốc trong một cuộc chạy đua vũ trang mà các nhà phân tích lo ngại sẽ khiến cho khu vực này tràn ngập các loại hỏa tiễn mới và mạnh mẽ.

Quân đội Nam Hàn không tiết lộ liệu họ có phát hiện ra các vụ thử hỏa tiễn mới nhất của Bắc Hàn hay không, nhưng nói họ đang hợp tác với Hoa Kỳ để phân tích chi tiết các thông số của vụ thử nghiệm.

Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM) của quân đội Mỹ nói họ đã biết về các báo cáo và đang phối hợp với các đồng minh và đối tác của mình. “Hoạt động này [thử nghiệm hỏa tiễn] cho thấy Bắc Hàn tiếp tục tập trung phát triển chương trình quân sự và các mối đe dọa gây ra cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế”, INDOPACOM cho biết trong một tuyên bố.

Đây được coi là vụ phóng hỏa tiễn đầu tiên của Bắc Hàn sau khi nước này thử nghiệm một hỏa tiễn đạn đạo chiến thuật tầm ngắn vào Tháng Ba. Bình Nhưỡng cũng đã thực hiện một vụ thử tên lửa hành trình chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào cuối Tháng Giêng.

Theo các chuyên gia, hỏa tiễn hành trình đất đối đất tầm trung là mối đe dọa không thua kém hỏa tiễn đạn đạo vì chúng được thiết kế để bay dưới tầm phát hiện của các radar phòng thủ hỏa tiễn. Hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, và trong trường hợp xảy ra xung đột đối phương thường khó đối phó vì không rõ chúng đang mang loại đầu đạn nào. 

Việc Bắc Hàn sở hữu các loại hỏa tiễn có thể mang đầu đạn hạt nhân là một mối nguy cho Mỹ và các đồng minh trong khu vực như Nam Hàn và Nhật Bản.

***

Bắc Hàn từ lâu đã cáo buộc Hoa Kỳ và Nam Hàn có “chính sách thù địch” đối với Bình Nhưỡng.

Vụ thử hỏa tiễn được công bố chỉ một ngày trước khi các nhà đàm phán chính của Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản gặp nhau tại Tokyo để tìm cách phá vỡ tình thế bế tắc trong giao dịch với Bắc Hàn.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, cũng sẽ đến ​​thăm Seoul vào Thứ Ba để hội đàm với người đồng cấp Chung Eui-yong mà vấn đề Bắc Hàn được cho là một trong những nội dung chính.

Đại sứ Sung Kim, Đặc phái viên Hoa Kỳ về Bắc Hàn, cho biết ông sẵn sàng gặp các quan chức Bắc Hàn “bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào” để thảo luận về quan hệ giữa hai nước. Chính quyền của Tổng thống Biden nói họ muốn đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao để đạt được mục tiêu bán đảo Triều Tiên không có vũ khí nguyên tử, nhưng không cho thấy Washington sẵn sàng giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.

Việc nối lại các đường dây nóng liên Triều vào Tháng Bảy đã làm dấy lên hy vọng về một cuộc tái khởi động các cuộc đàm phán, nhưng Triều Tiên đã ngừng trả lời các cuộc gọi từ Nam Hàn sau khi các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Nam Hàn bắt đầu vào tháng trước; Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận hàng năm này là âm mưu xâm lược.

Trong những tuần gần đây, Nam Hàn cũng đã trở thành quốc gia phi hạt nhân hóa đầu tiên phát triển và thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

(theo Reuters)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: