Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi (Dân Chủ – California) dự tính công du năm nước châu Á và ghé thăm đảo quốc Đài Loan vào đầu Tháng Tám để thể hiện sự ủng hộ các nền dân chủ non trẻ. Và như dự đoán, lãnh đạo Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trước thông tin chuyến đi và đe dọa “phản ứng quân sự” nếu bà Pelosi tiếp tục ý định của mình.
“Cảnh báo riêng tư”
The Financial Times (FT) của Anh quốc là tờ báo đầu tiên đưa tin hôm 18 Tháng Bảy về chuyến đi thăm Đài Loan của bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ như là một chặng trong chuyến công du của bà tới Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Malaysia và Đài Loan. Ngay sau đó đã có Bắc Kinh đã có tuyên bố phản đối gay gắt. Nhưng đến thứ Bảy 23 tháng Bảy thì Trung Quốc đã đưa ra những lời “cảnh báo riêng tư” (private warnings) tới chính quyền Biden, gióng hồi chuông báo động trong cơ quan hành pháp cao nhất nước Mỹ.
Tờ báo dẫn nguồn từ sáu quan chức ẩn danh nói rằng “cảnh báo riêng tư” của Bắc Kinh mạnh mẽ hơn nhiều so với những lời đe dọa mà Trung Quốc đưa ra trước đây khi họ bất bình với hành động hoặc chính sách của Hoa Kỳ trong vấn đề Đài Loan. Một ngày sau khi bản tin của FT được đăng lên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng chuyến thăm Đài Loan của Pelosi sẽ phá hoại nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, và Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu hậu quả của hành động đáp trả của mình. Nhưng các quan chức cho biết “cảnh báo riêng tư” của Bắc Kinh vừa đưa ra thể hiện “sự phản đối mạnh mẽ hơn nhiều” nếu chuyến đi của bà Pelosi tiếp tục như dự tính.
Báo FT cho biết Bắc Kinh không nói rõ phản ứng của họ có thể là gì nhưng tờ báo đoán rằng quân đội Trung Quốc có thể cố ngăn chặn phi cơ của bà Pelosi đáp xuống Đài Loan hoặc có những hành động cản đường phi cơ quân sự Hoa Kỳ chở bà chủ tịch Hạ Viện.
Thủ đoạn “miệng hố chiến tranh” (brinkmanship)
Tòa Bạch Ốc đang đánh giá xem lời cảnh báo của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng thật sự hay chỉ là thủ đoạn “trên miệng hố chiến tranh” nhằm gây áp lực buộc bà Pelosi phải hủy bỏ chuyến đi.
Theo các quan chức am hiểu, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và các quan chức cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) phản đối chuyến thăm Đài Loan của bà chủ tịch Hạ Viện vì rủi ro leo thang căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Tuy nhiên NSC không can ngăn bà chủ tịch mà chỉ cung cấp “bối cảnh, dữ kiện và các thông tin địa chính trị liên quan” để bà chủ tịch tự quyết định. Dù tổng thống Biden và chủ tịch Pelosi đều là người của đảng Dân Chủ nhưng theo cơ chế phân quyền của Hoa Kỳ, Tòa Bạch Ốc không có quyền ngăn cản chuyến đi của nhà lãnh đạo Quốc Hội.
Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng đã báo cáo cho bà Pelosi những tình huống có thể xảy ra trong chuyến đi của bà tới Đài Bắc. Sau cuộc họp với Bộ Quốc Phòng, tổng thống Joe Biden nói với phóng viên rằng “giới quân sự nghĩ rằng ngay lúc này [chuyến đi] không phải là một ý tưởng tốt”.
Tranh cãi chung quanh chuyến đi cũng khơi dậy mối quan tâm trong các đồng minh của Hoa Kỳ. Họ lo ngại nó có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong một diễn biến cho thấy mối quan tâm đang lên cao, đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns đã đột ngột rút ngắn chuyến làm việc ở thủ đô Washington trong tuần này để trở lại Bắc Kinh, một phần vì lo lắng cho vấn đề Đài Loan, một phần vì chuẩn bị cho cuộc điện đàm giữa tổng thống Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này. Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung dự kiến sẽ bàn về Đài Loan, điểm nóng nhất hiện nay trong quan hệ giữa hai nước.
Thời điểm nhạy cảm của Trung Quốc
Từ khi ông Biden lên làm tổng thống Mỹ, Trung Quốc đã liên tục tăng số lượng các phi vụ bay vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan nhằm gây áp lực lên chính phủ được bầu cử dân chủ ở đó chấp nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Chính phủ Đài Loan cho biết chỉ có 23 triệu dân của hòn đảo mới có quyền quyết định tương lai của họ, và trong khi họ muốn hòa bình, họ sẽ tự bảo vệ nếu bị tấn công.
Hồi tháng Năm, tổng thống Biden đã nói Hoa Kỳ sẽ can thiệp bằng quân sự để bảo vệ Đài Loan chống lại việc tấn công quân sự của Trung Quốc. Nhưng hôm thứ Bảy 23 Tháng Bảy, Cố vấn Jake Sullivan nhắc lại chính sách đối với Đài Loan của Mỹ vẫn không có gì thay đổi và Mỹ vẫn duy trì “sự mơ hồ chiến lược” đã có mấy chục năm nay.
Chuyến đi của bà Pelosi được lên kế hoạch vào một thời điểm nhạy cảm của Trung Quốc. Tháng Tám là thời gian kỷ niệm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, ngày 1 Tháng Tám, cũng là thời gian giới lãnh đạo cao cấp nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc tập trung về khu nghỉ mát Bắc Đới Hà (Beidaihe) để thảo luận các vấn đề chính sách và nhân sự lãnh đạo của đảng sẽ đưa ra trong đại hội đảng toàn quốc lần thứ 20 sắp diễn ra vào Tháng Mười Một năm nay. Trong thời gian trước đại hội, ông Tập Cận Bình sẽ làm mọi việc để chứng tỏ rằng Trung Quốc vẫn mạnh mẽ ngay cả khi ông phải đối mặt với những rắc rối ở trong nước.
Kinh tế Trung Quốc đang đi vào vùng bão: GDP sáu tháng đầu năm 2022 gần như không tăng (0.4%), thị trường bất động sản tê liệt và hệ thống ngân hàng lao đao với những núi nợ khổng lồ. Theo thói quen “hướng xung đột ra ngoài” có thể Trung Quốc sẽ tìm cớ gây sự với láng giềng để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những chuyện bất ổn trong nước.
Lo ngại tình huống xấu
Nếu chuyến đi của bà Pelosi được thực hiện như dự tính thì bà là chính trị gia cao cấp nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ sau chuyến đi của cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich của đảng Cộng Hòa vào năm 1997. Bắc Kinh luôn phản đối mọi động tác của Mỹ ủng hộ nền độc lập của Đài Loan hoặc chính thức hóa mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc.
Văn phòng của chủ tịch Pelosi không trả lời yêu cầu bình luận của báo chí nhưng trong cuộc họp báo hôm 21 Tháng Bảy, bà Pelosi nói tổng thống Biden có vẻ như lo ngại một vài tình huống xấu sẽ xảy ra trong chuyến đi Đài Loan của bà. “Tôi nghĩ tổng thống muốn nói rằng, giới quân sự lo ngại phi cơ của tôi có thể bị Trung Quốc bắn hạ hoặc đại loại như vậy. Tôi thỉnh thoảng cũng nghe vậy nhưng tôi không nghe tổng thống nói như thế”, bà Pelosi nói với báo chí.
Các quan chức Đài Loan lo về các vấn đề an ninh quốc gia thì cho rằng, rủi ro nằm ở chỗ, để ứng phó với chuyến đi của bà Pelosi, Bắc Kinh có tăng tốc đáng kể cuộc xâm lược quân sự ở Đài Loan so với những lời đe dọa trước đây. “Trước đây thì tên cướp còn mặc áo vest, nhưng bây giờ thì hắn đã thò lưỡi dao ra,” một quan chức cao cấp Đài Loan, nhận xét.
Đọc thêm: