Đối thoại Shangri-La 2022: Mỹ – Trung Quốc căng thẳng về Đài Loan

Chỉ là hòn đảo nhỏ nhưng Đài Loan là điểm nóng trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Đài tưởng niệm trận Guningtou năm 1949 trên đảo Kim Môn, Đài Loan, hòn đảo của Đài Loan nhưng chỉ cách hải cảng Hạ Môn của Trung Quốc chưa tới 5 cây số. Ảnh An Rong Xu/Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Đối thoại Shangri-La 2022
/

Phát biểu tại cuộc Đối thoại An ninh Shangri-La lần thứ 19 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd J. Austin III nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ dành cho Đài Loan, lên án những hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc gần hòn đảo dân chủ này là có tính khiêu khích, đe dọa làm thay đổi hiện trạng. 

Shangri-La là cuộc đối thoại thường niên về an ninh châu Á, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh quốc tổ chức tại khách sạn Shangri-La ở Singapore, quy tụ các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo quân sự nhiều nước trên thế giới. Mỹ và Trung Quốc đã căng thẳng với nhau nhiều lần tại các cuộc đối thoại Shangri-La trước đây.

Phát biểu của Bộ trưởng Austin được đưa ra trong phiên họp toàn thể vào sáng nay thứ Bảy 11 tháng Sáu giờ địa phương. Trước đó hôm thứ Sáu, ông Austin đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa (Wei Fenghe), tập trung vào việc ngăn chặn căng thẳng leo thang thành các cuộc khủng hoảng trong khu vực. Hai ông cũng bàn tới các tranh chấp trên các vùng biển quanh Trung Quốc và cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

Không thay đổi chính sách Đài Loan

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Columbia Diego Molano ở Washington. Ông Austin đang tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore và đã có bài phát biểu cứng rắn về tình hình Đài Loan vào sáng ngày 11 tháng Sáu 2022. Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Về vấn đề Đài Loan, ông Austin nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ là không ủng hộ một nước Đài Loan độc lập. “Chính sách của chúng tôi không thay đổi, nhưng rất tiếc điều đó dường như không đúng với Trung Quốc”, ông Austin nói. “Chúng tôi nhận thấy sự cưỡng ép ngày càng tăng từ Bắc Kinh. Chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng đều đặn các hoạt động quân sự khiêu khích và gây bất ổn gần Đài Loan”, ám chỉ các chuyến bay của phi cơ quân sự Trung Quốc diễn ra hàng ngày gần Đài Loan.

Ông Austin nói rằng hành vi đe dọa và cưỡng ép của quân đội Trung Quốc tại Đài Loan phản ánh cách thức Trung Quốc gây áp lực với các nước láng giềng, bao gồm cả Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng ông cho rằng vấn đề bất ổn nhất là tương lai của Đài Loan, hòn đảo có 24 triệu dân nằm ngay ngoài khơi bờ biển Trung Quốc mà Bắc Kinh muốn phải chấp nhận yêu cầu sáp nhập vào Trung Quốc lục địa, kể cả dùng vũ lực nếu cần thiết. 

Kể từ năm 1949, khi lực lượng Quốc dân Đảng rời Trung Quốc đến Đài Loan, hiện trạng và tương lai của hòn đảo này đã bị tranh chấp. Bắc Kinh tuyên bố đây là lãnh thổ có chủ quyền của họ trong khi hầu hết người ở Đài Loan bác bỏ tuyên bố đó và muốn tách biệt – trên thực tế, nếu không phải trên luật pháp – với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Washington từ lâu đã khẳng định rằng cả Trung Quốc và Đài Loan đều không nên đơn phương thay đổi hiện trạng; luật pháp Hoa Kỳ cho phép Mỹ hỗ trợ các hoạt động phòng thủ của hòn đảo và có thể can thiệp nếu chiến tranh nổ ra.

“Chúng tôi vẫn tập trung duy trì hòa bình, ổn định và hiện trạng ở Eo biển Đài Loan. Nhưng các hành vi của Trung Quốc đe dọa phá hủy an ninh, sự ổn định và sự thịnh vượng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”, ông Austin nói trong bài phát biểu được trích dẫn trên báo The New York Times.

Tương đồng với Ukraine

Ông chỉ ra sự tương đồng với cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, và nói rằng “một cuộc tấn công vô cớ, không biện hộ được vào một láng giềng hòa bình đã kích động cả thế giới… và nhắc chúng ta nhớ tới tất cả những mối nguy hiểm của việc phớt lờ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và lòng tôn trọng”. 

“Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ thì ở Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng quan trọng ngang với ở châu Âu,” ông Austin nhấn mạnh.

“Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine là chuyện xảy ra khi những kẻ áp bức chà đạp lên các luật lệ bảo vệ tất cả chúng ta. Đó là những gì xảy ra khi các cường quốc quyết định rằng các tham vọng đế quốc của họ thì quan trọng hơn quyền của các láng giềng hòa bình. Và đó là hình ảnh báo trước một thế giới hỗn loạn, xáo trộn mà không ai trong chúng ta muốn sống”, ông Austin nói, theo bản tin của AP.

Hình ảnh “nổi bật” và “lưu danh” vào quân sử thế giới khi nói đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine những ngày đầu năm 2022 (ảnh: Mykhaylo Palinchak/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Không nên đơn phương thay đổi hiện trạng

Trong vấn đề Đài Loan, ông Austin nói Hoa Kỳ “giữ vững nguyên tắc những sự khác biệt giữa hai bờ eo biển phải được giải quyết bằng những phương thức hòa bình” nhưng Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện các cam kết của mình với người dân Đài Loan là bảo đảm cho hòn đảo có đủ nguồn lực để tự vệ và ngăn chặn cuộc xâm lược của Trung Quốc.

Ông Austin tái khẳng định chính sách đó của Hoa Kỳ đối với Đài Loan vẫn không thay đổi, bất chấp những đồn đoán về những bình luận gần đây của Tổng thống Biden. “Chúng tôi cương quyết phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng từ cả hai phía. Chúng tôi không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan,” ông Austin nói và thêm rằng Hoa Kỳ sẽ duy trì “khả năng chống lại bất kỳ việc sử dụng vũ lực hoặc các hình thức cưỡng bức khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh, hệ thống kinh tế hoặc xã hội của người dân Đài Loan.”

Trung Quốc: Hoa Kỳ mới là kẻ gây bất ổn

Trong khi đó tại cuộc hội đàm hôm thứ Sáu 10 tháng Sáu 2022, tướng Ngụy Phương Hòa đổ lỗi cho Hoa Kỳ làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng ở Đài Loan. Ông Ngụy nói với ông Austin rằng việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho hòn đảo này “gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”, theo tóm tắt buổi hội đàm mà Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra. “Sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc sẽ không bao giờ thành công,” tướng Ngụy nói.

Trung Quốc “cương quyết phản đối và lên án mạnh mẽ” [hành động của Hoa Kỳ]. Chính phủ và quân đội Trung Quốc “sẽ đập tan mọi âm mưu độc lập của Đài Loan và cương quyết bảo vệ sự thống nhất của tổ quốc,” ông Ngụy nói với ông Austin trong cuộc họp mặt, theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc. Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc, đại tá Ngô Thiến (Wu Qian) còn đe dọa khi nói rằng Trung Quốc sẽ đối phó với mọi hành vi độc lập của Đài Loan bằng cách “đập tan nó bằng mọi giá, kể cả chiến tranh”.

Ông Ngụy dự kiến ​​sẽ phát biểu trước diễn đàn Shangri-La vào Chủ Nhật, lúc ông có cơ hội phản hồi bài phát biểu của ông Austin.

Cuộc gặp giữa ông Austin và ông Ngụy hôm thứ Sáu là cuộc gặp gỡ song phương thứ hai của họ, sau cuộc điện đàm vào tháng Tư, dù Hoa Kỳ nhiều lần cảnh báo sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai nước,  và lo ngại những tính toán sai lầm có thể dẫn đến khủng hoảng. Ông Austin “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lãnh đạo quân đội Trung Quốc tham gia đối thoại thực chất với Hoa Kỳ nhằm cải thiện thông tin liên lạc và giảm thiểu rủi ro chiến lược”, theo thông báo sau cuộc họp của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Mặc dù tranh cãi công khai về Đài Loan, cả hai bên đều đồng ý rằng cuộc hội đàm kéo dài khoảng một giờ giữa ông Austin và ông Ngụy đã đạt được một số tiến bộ. Đại tá Ngô nói với các phóng viên ở Singapore rằng nội dung cuộc đàm phán cũng bao gồm vấn đề Biển Đông – nơi mà các nước Đông Nam Á tranh chấp lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc – cũng như cuộc chiến tranh ở Ukraine.

“Trung Quốc luôn tin rằng thà gặp còn hơn không gặp và nói chuyện tốt hơn là không nói”, Đại tá Ngô nói. Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán đánh dấu một “khởi đầu rất tốt” cho việc cải thiện các mối liên lạc giữa quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Trung Quốc luôn trình diễn binh hùng tướng mạnh nhưng chưa hề trải qua kinh nghiệm thực chiến kể từ năm 1979 (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Nguy cơ đụng độ không định trước

Trung Quốc đã và đang hiện đại hóa sức mạnh quân sự của mình ở châu Á theo những cách khiến khu vực và Washington phải báo động. Trong những ngày gần đây, các đồng minh của Mỹ đã phàn nàn về việc chiến đấu cơ Trung Quốc quấy rối phi cơ của họ, bay quá gần đến mức các phi công có thể nhìn thấy nhau, hoặc thực hiện các động tác khiêu khích, mạo hiểm, chẳng hạn như thả tấm chắn kim loại trên đường bay của phi cơ Úc đang tuần tiễu trên vùng trời quần đảo Hoàng Sa.

Tháng trước, Trung Quốc và Nga đã tổ chức một cuộc tập trận chung, cử oanh tạc cơ bay trên các vùng biển ở Đông Bắc Á khi Tổng thống Joe Biden đang viếng thăm khu vực này.

Zack Cooper, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, người nghiên cứu chính sách của Hoa Kỳ ở châu Á và đang tham dự cuộc đối thoại ở Singapore, cho biết: “Có thể Trung Quốc muốn kiểm tra xem các đồng minh của Hoa Kỳ họ có lùi bước hay không, có dám chấp nhận rủi ro hay không.”

Nhưng Đài Loan có lẽ là nguồn căng thẳng lớn nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các quan chức và chỉ huy quân đội Mỹ lo rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể sẵn sàng thực hiện cuộc chiến tranh xâm chiếm Đài Loan trong những năm tới. Ông Biden đã nhiều lần nói rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ quân sự để bảo vệ Đài Loan nếu Bắc Kinh tiến hành một cuộc xâm lược. 

“Trong ngắn hạn và trung hạn, xung đột Đài Loan có nhiều khả năng xảy ra do ngẫu nhiên hơn là được tính toán trước”, một báo cáo được đưa ra tại diễn đàn Shangri-La cho biết. “Thật vậy, khi sự cưỡng ép của Trung Quốc với Đài Loan ngày càng gia tăng, nguy cơ leo thang không chủ định trước cũng tăng lên.”

Trung Quốc đã đáp trả một cách giận dữ trước sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan, cáo buộc Mỹ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trung Quốc cũng chống lại nỗ lực rộng lớn hơn của chính quyền Biden nhằm xây dựng các liên minh chung quanh Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc tố cáo một thỏa thuận an ninh giữa Úc, Anh và Mỹ năm ngoái sẽ giúp Úc trang bị đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, làm dấy lên kỳ vọng rằng Úc có thể tham gia bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào với Bắc Kinh.

Nguy cơ xung đột ngày càng gia tăng khi quân đội Trung Quốc đang trở thành đội quân lớn thứ hai thế giới, với quy mô hải quân ngang ngửa với Mỹ và khi Bắc Kinh ngày càng khó chịu với sự hiện diện quân sự của Mỹ trên khắp châu Á.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: