Ít nhất bốn phi cơ được thuê để di tản vài trăm người tìm cách thoát khỏi chế độ Taliban ở Afghanistan đã không thể rời khỏi đất nước trong nhiều ngày, một số quan chức cho biết hôm Chủ nhật, và áp lực đang gia tăng buộc Hoa Kỳ phải giúp những người bị bỏ lại này ra đi.
Tuy nhiên theo hãng tin AP, thông tin về lý do tại sao các phi cơ này không cất cánh được lại mâu thuẫn với nhau.
Một quan chức Afghanistan tại phi trường thành phố Mazar-e-Sharif ở phía bắc Kabul nói có bốn phi cơ thuê và hành khách là người Afghanistan, nhiều người trong số họ không có hộ chiếu (passport) hoặc thị thực (visa), do đó không thể rời khỏi đất nước. Ông nói các hành khách đó đã rời sân bay và tình hình đã được giải quyết ổn thỏa.
Tuy nhiên, một dân biểu Cộng Hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ nói nhóm hành khách này bao gồm cả người Mỹ và họ đang ngồi trên máy bay nhưng Taliban không cho phi cơ cất cánh để “bắt họ làm con tin”. Trong chương trình “Fox News Sunday” hôm nay Chủ nhật 05 tháng Chín, Dân biểu Michael McCaul của Texas nói rằng các công dân Mỹ và nhiều thông dịch viên người Afghanistan đang bị giữ trên sáu chiếc phi cơ. “Taliban sẽ không để họ ra đi”, ông nói và thêm rằng ông lo lắng “Taliban sẽ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, hoặc đòi tiền mặt hoặc đòi công nhận tính hợp pháp của họ với tư cách là chính phủ Afghanistan.” Ông McCaul không cho biết thông tin đó đến từ đâu và không cung cấp thêm chi tiết.
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm của Mỹ ở Afghanistan kết thúc bằng một cuộc không vận đáng kinh ngạc tại phi trường Kabul để di tản hàng chục nghìn người, gồm người Mỹ và cộng tác viên. Tuy nhiên, khi những binh sĩ cuối cùng rút đi vào ngày 30 tháng Tám, nhiều người vẫn còn bị kẹt lại.
Chính phủ Mỹ cam kết sẽ tiếp tục làm việc với những kẻ cầm quyền mới của Afghanistan để đưa ra nước ngoài những người muốn ra đi; và Taliban đã cam kết sẽ cho phép bất kỳ ai có đủ giấy tờ hợp pháp rời đi.
Quan chức Afghanistan ẩn danh cho biết có bốn chiếc phi cơ và hành khách dự định ra đi đang ở tại các khách sạn trong khi chờ nhà chức trách quyết định xem liệu họ có thể rời khỏi đất nước hay không. Ông chỉ ra điểm mấu chốt của vụ trục trặc là nhiều người không có giấy tờ tùy thân.
Theo AP, cư dân thành phố Mazar-e-Sharif cũng cho biết các hành khách đã không còn ở phi trường. Họ cho biết, có ít nhất 10 gia đình đã được nhìn thấy tại một khách sạn địa phương để chờ quyết định về số phận của họ. Không ai trong số họ có hộ chiếu hoặc thị thực nhưng nói rằng họ đã làm việc cho các công ty liên minh với quân đội Mỹ hoặc Đức. Những người khác đã được nhìn thấy tại các tiệm ăn.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không có cách nào đáng tin cậy để xác nhận thông tin về các chuyến bay thuê như vậy, bao gồm cả số công dân Mỹ có thể có trên phi cơ, vì Bộ không còn nhân viên ở đó, theo một quan chức Mỹ ẩn danh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ buộc Taliban giữ đúng cam kết để mọi người tự do đi lại, quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao nói.
Phi trường nhỏ ở Mazar-e-Sharif chỉ mới bắt đầu tiếp nhận các chuyến bay quốc tế và cho đến nay chỉ có các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ. Các phi cơ được đề cập ở trên dự định bay đến Doha, Qatar, quan chức Afghanistan cho biết. Không rõ ai đã thuê phi cơ hoặc tại sao họ lại đợi ở thành phố Mazar-e-Sharif ở phía bắc mà không đến phi trường Kabul. Cuộc không vận lớn đã xảy ra tại phi trường quốc tế của Kabul; phi trường đã đóng cửa sau khi Hoa Kỳ rút quân nhưng các chuyến bay nội địa đã được nối lại.
Trong số những lời hứa mà Taliban đưa ra có cam kết rằng một khi các phi trường của đất nước được hoạt động trở lại, những người Afghanistan có hộ chiếu và thị thực sẽ được phép đi ra nước ngoài. Hơn 100 quốc gia đã đưa ra một tuyên bố cho biết họ sẽ theo dõi để xem các nhà cầm quyền mới của Afghanistan có thực hiện đúng cam kết hay không.
Các đội chuyên viên kỹ thuật từ Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Kabul trong những ngày gần đây và đang làm việc để đưa phi trường dân dụng hoạt động trở lại.
Hôm qua thứ Bảy 04 tháng Chín, hãng hàng không Ariana quốc doanh của Afghanistan đã thực hiện các chuyến bay nội địa đầu tiên từ Kabul đến thành phố Kandahar, các chuyến bay được tiếp tục vào Chủ Nhật. Một quan chức Kabul cho biết sân bay không có các thiết bị radar, vì vậy các chuyến bay chỉ có thể cất cánh hạ cánh vào ban ngày.
Một số quốc gia cũng đã cung cấp các nguồn viện trợ nhân đạo. Qatar – một quốc gia vùng Vịnh Ba Tư với thủ đô là Doha, nơi Taliban duy trì văn phòng chính trị từ năm 2013 – đang thực hiện các chuyến bay hàng ngày đến Kabul, cung cấp viện trợ nhân đạo cho quốc gia kiệt quệ vì chiến tranh. Bahrain, một quốc gia vùng Vịnh khác, cũng công bố các đợt hỗ trợ nhân đạo.
(theo AP)
Đọc thêm: