Các công ty Mỹ đang mua ít hơn từ Trung Quốc (TQ) khi quan hệ hai bên vẫn căng thẳng. Theo Cục điều tra dân số Mỹ, trong 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu vào Mỹ từ TQ đã giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, và Mexico hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ.
Các công ty Mỹ đang tăng cường nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp TQ, ngay cả khi Washington và Bắc Kinh tìm cách tạo không khí hữu hảo mới cho mối quan hệ đang xuống dốc.
Giảm lệ thuộc Trung Quốc, chưa ‘ly hôn kinh tế’
Các công ty như HP, Stanley Black & Decker và Lego nằm trong số những công ty đã định vị lại dây chuyền cung ứng cho người tiêu dùng Mỹ, để tránh nguy cơ bị TQ chèn ép hoặc nằm trong chiến lược dài hạn: Đưa việc sản xuất hàng hóa đến gần khách hàng hơn. Dù vì nguyên nhân nào, vai trò trung tâm sản xuất toàn cầu của TQ – “công xưởng của thế giới” – đang đối mặt với thách thức khó khăn nhất kể từ khi nước này gia nhập hệ thống thương mại thế giới cách nay hơn hai thập niên và và hưởng lợi nhiều nhất từ khẩu hiệu “toàn cầu hoá”.
Mexico, Việt Nam và Thái Lan đang tranh chia phần với TQ ở quy mô và cơ sở hạ tầng không tốt bằng. Rõ ràng, sự kết hợp giữa xung khắc địa-chính trị và cạnh tranh kinh tế đang thúc đẩy quá trình thay đổi chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ. Thuế quan đánh vào khoảng 2/3 hàng hóa TQ được áp đặt dưới thời chính quyền Trump cũng góp phần cắt giảm các đơn đặt hàng mới cho TQ.
Tiền lương công nhân nhà máy TQ tăng dần làm xói mòn một lợi thế cạnh tranh. Chiến lược kinh tế lấy nhà nước làm trung tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình với việc đàn áp các công ty tư nhân và tiếp cận thận trọng đối với chính quyền Biden đã khiến quan hệ thương mại giữa hai quốc gia càng thêm lạnh nhạt trong khi Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Adam Slater, nhà kinh tế hàng đầu của Oxford Economics ở London, nhận định: “Hành vi, lập trường đối đầu và thù địch của hai chính phủ đang bắt đầu ảnh hưởng đến việc ra quyết định của khu vực tư nhân khi rủi ro càng lúc càng lớn”.
Theo dữ liệu của Oxford, các sản phẩm của TQ chiếm khoảng 1/6 tổng số tiền mà người dân Mỹ dùng để mua hàng nhập khẩu, giảm so với gần 1/4 trước đại dịch. Nhật Bản cũng đang mua ít hơn từ TQ. Nhưng các nước châu Âu như Đức và Pháp phần lớn vẫn như cũ.
Trong khi các nhà đầu tư ngoại quốc xây dựng ít nhà máy mới ở TQ hơn thì một số nước châu Á tiếp tục tăng thị phần hàng nhập khẩu vào Mỹ để bù lại suy giảm từ TQ. Theo dữ liệu của Oxford, đầu tư nước ngoài vào TQ đã giảm từ khoảng $100 tỷ của năm 2010 xuống còn $50 tỷ vào năm 2019. Đến năm 2022 chỉ còn 18 tỷ! Slater nói: “Mỹ sẽ tiếp tục giảm lệ thuộc vào TQ. Chỉ còn vấn đề, giảm đến bao xa?”.
Một mặt, chính quyền Biden đã và đang tạo ra sự thay đổi tích cực đối với thương mại Mỹ-Trung theo hướng độc lập hơn, một mặt vẫn trấn an chính phủ TQ là phía Mỹ chỉ muốn “giảm thiểu rủi ro” cho các mối quan hệ thương mại bằng cách chuyển các tuyến cung ứng quan trọng về nước hoặc sang các nước đồng minh chứ không có chủ trương “ly hôn kinh tế”.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh lo ngại về an ninh quốc gia tăng, chính quyền Biden đã hạn chế xuất sang TQ các chất bán dẫn tiên tiến nhất và sẽ sớm công bố các giới hạn mới đối với đầu tư của Hoa Kỳ vào khu vực công nghệ dễ bị ăn cắp chất xám ở TQ. Thật ra, trước khi lượng hàng Mỹ mua từ TQ giảm trong năm nay, thương mại giữa hai nước đã bị thu hẹp, tính cả trên giá trị hiện tại và được điều chỉnh theo lạm phát.
Theo tính toán của Alfredo Carrillo Obregon, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Cato, do giá tăng, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ còn $690 tỷ vào năm ngoái, thấp hơn 7% so với trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại năm 2018. Giá trị (đã điều chỉnh theo lạm phát) của số hàng nhập từ TQ vào Mỹ trong năm 2022 đã giảm 12% so với 5 năm trước.
Đầu năm nay, Mexico đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ. Mexico, Canada và TQ thay nhau chiếm vị trí số 1 hàng nhập vào Mỹ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại 2018. Việt Nam và Thái Lan nổi lên như những lựa chọn thay thế hàng đầu cho các công ty muốn đa dạng hóa ra khỏi TQ, nhưng vẫn còn trong khu vực châu Á-Thái Bình dương. Ấn Độ cũng đang thu hút các nhà sản xuất như Apple, vốn có kế hoạch tăng cường sản xuất iPhone ở đó. Dẫn đầu phong trào chuyển địa điểm sản xuất là ngành công nghiệp điện tử.
Theo S&P Global Market Intelligence, về nhập khẩu máy tính cá nhân vào Mỹ, thị phần của TQ chỉ còn 45% vào năm ngoái so với 61% của năm 2016. Trong cùng thời kỳ, thị phần nhập khẩu máy in của TQ vào Mỹ củng giảm từ 48% xuống còn 23%.
Các công ty đi trước, chính phủ theo sau
Rõ ràng, chính các quyết định được đưa ra trong các phòng họp công ty chứ không phải trong Toà Bạch Ốc, đã tạo ra sự thay đổi chuỗi cung ứng và “thoát” Trung. “Chính phủ không hướng dẫn reshoring (định vị lại) mà chính các công ty tự thực hiện nó” – Chris Rogers, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chuỗi cung ứng của S&P Global Market Intelligence, nhận xét.
Công ty HP đang có kế hoạch sản xuất nhiều máy tính xách tay dành cho doanh nghiệp hơn ở Mexico đồng thời đẩy mạnh sản xuất các mẫu máy tiêu dùng ở Thái Lan. Trong một tuyên bố được đăng trên trang web của hãng vào tháng trước, HP cho biết đang mở thêm cơ sở sản xuất máy tính xách tay tại Mexico để đáp ứng nhu cầu khu vực và hy vọng sẽ mở rộng cơ sở sản xuất máy in hiện có ở Corvallis thuộc tiểu bang Oregon. Tuy nhiên, với mạng lưới 12,000 nhà cung cấp linh kiện ở TQ và một trung tâm nghiên cứu phát triển hàng đầu ở Thượng Hải, công ty không thể rời bỏ đất nước này.
“Chúng tôi luôn tìm cách cải thiện khả năng phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu. Một trong những bài học quan trọng trong ba năm qua là cần phải tăng tính linh hoạt và sản xuất tại những quốc gia khác nhau” – Người phát ngôn của HP nhấn mạnh trong email trả lời tờ The Washington Post.
Stanley Black & Decker đang thiết kế lại chuỗi cung ứng để có thể giảm $1.5 tỷ chi phí hàng năm từ năm 2025. Nhà sản xuất công cụ đã đóng cửa một nhà máy sản xuất dụng cụ điện ở Thâm Quyến ba năm trước. Phục vụ thị trường Bắc Mỹ hiện nay là một nhà máy ở Mexico.
Nhà sản xuất đồ chơi Lego cũng đã giảm các chuyến hàng từ TQ sang Mỹ. Từ 2015-2017, trung bình hàng năm có gần 18% sản phẩm Logo nhập từ TQ, nhưng năm 2022 chỉ còn 3%. Mexico, nơi từ lâu đã cung cấp hơn một nửa số đồ chơi Logo tại Mỹ, gồm cả những sản phẩm phổ biến nhất, hiện chiếm đến 70% thị phần.
Lego có một nhà máy ở Gia Hưng để phục vụ thị trường TQ và dự kiến mở một nhà máy $1 tỷ ở Việt Nam vào năm tới để phục vụ khu vực châu Á đang bắt đầu yêu thích Lego. Công ty còn có kế hoạch mở một nhà máy mới ở Richmond vào năm 2025 để phục vụ châu Mỹ.
Cuộc chiến thương mại vẫn chưa ‘kéo màn’
Tuy nhiên, TQ vẫn là công xưởng của thế giới, chiếm 31% giá trị sản xuất toàn cầu, so với 17% của Hoa Kỳ, xếp thứ 2. Có sẵn các hải cảng, đường cao tốc, đường sắt cao tốc hiện đại, cùng với các cụm nhà máy có thể nhanh chóng thích ứng với các thay đổi, TQ vẫn giữ được nhiều lợi thế mà không quốc gia nào sánh kịp
S&P Global cho biết các nhà cung cấp TQ vẫn thống trị thị trường đối với các hàng hóa như pin xe điện, đồ dùng nhà bếp, khung cửa sổ và cửa nhôm. Nhà kinh tế Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại quốc tế tại Đại học Cornell, nhận định: “Các quốc gia như Mexico, Ấn Độ và Việt Nam đang tận dụng lợi thế của việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu để giảm vai trò của TQ trong ‘công xưởng sản xuất của thế giới’.
Tuy nhiên, vai trò đầu tầu của TQ sẽ không sớm bị lấy mất. Thực tế là không có nền kinh tế nào có thể mạnh bằng TQ khi nói đến sản xuất”. Một số nhà kinh tế cho rằng sự sụt giảm hàng xuất của TQ vào Mỹ có thể không nghiêm trọng như dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ.
Báo cáo của chính phủ TQ cho thấy sự suy giảm nhỏ hơn. Số liệu thống kê thương mại của Hoa Kỳ và TQ từ lâu đã chênh nhau, một phần vì khác cách hạch toán các chuyến hàng. Cuộc chiến thương mại càng làm chênh nhiều hơn nữa. Theo một nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) năm 2021, các công ty Mỹ dường như khai báo thiếu số hàng nhập khẩu của họ từ TQ để né thuế quan do chính quyền Trump áp đặt. “Ngoài ra một số sản phẩm có nguồn gốc từ TQ được gửi đến Việt Nam để hoàn thiện vài công đoạn nhỏ rồi xuất sang Hoa Kỳ. Một dạng trá hình, đội lốt hàng Việt Nam nhưng thực sự là hàng TQ để né thuế” – nhà kinh tế học Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (Council on Foreign Relations) lưu ý.
Nhưng theo Steve Lamar, Chủ tịch hội American Apparel and Footwear Association, kể từ khi chương trình cho phép hàng hóa từ nhiều quốc gia đang phát triển vào Mỹ được miễn thuế hết hạn cách đây 3 năm, các công ty không còn động lực để chuyển đơn đặt hàng từ TQ sang những địa điểm như Việt Nam để hưởng lợi về thuế. Một chương trình tương tự dành cho hàng chục quốc gia châu Phi cũng sẽ hết hiệu lực vào năm 2025.