Trung Quốc tuyên bố Đài Loan không có quyền gia nhập Liên Hiệp Quốc (LHQ), sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken kêu gọi cộng đồng quốc tế để cho hòn đảo dân chủ này tham gia nhiều hơn vào các định chế quốc tế.
Nghị quyết 2758 của Đại Hội Đồng LHQ, được thông qua vào ngày 25 Tháng Mười năm 1971, tuyên bố rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.”
Nghị quyết đã loại bỏ vai trò đại diện Trung Quốc tại LHQ khỏi Trung Hoa Dân Quốc của chính phủ Đài Loan – một trong những thành viên sáng lập LHQ và giữ vai trò ủy viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ – 22 năm sau ngày chính phủ đó thua cuộc trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng và phải chạy đến đảo Đài Loan năm 1949.
***
Trong một tuyên bố đánh dấu 50 năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết 2758, Ngoại trưởng Mỹ Blinken hôm Thứ Ba nói ông lấy làm tiếc vì Đài Loan ngày càng bị loại ra trên trường thế giới. Đặc biệt, Đài Loan gần đây đã không được phép tham gia Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), và vắng mặt trong Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), ông Blinken lưu ý.
“Đài Loan đã trở thành một câu chuyện dân chủ thành công. Mô hình của nó ủng hộ sự minh bạch, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền – những giá trị phù hợp với những giá trị của LHQ,” Ngoại trưởng Blinken nói.
“Khi cộng đồng quốc tế phải đối mặt với vô số vấn đề phức tạp và toàn cầu chưa từng có, điều thiết yếu là tất cả các bên liên quan phải giúp giải quyết những vấn đề này, bao gồm 24 triệu người sống ở Đài Loan,” ông nói.
“Sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào hệ thống LHQ không phải là một vấn đề chính trị, mà là một vấn đề thực dụng. Đó là lý do tại sao chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên LHQ cùng chúng tôi hỗ trợ sự tham gia mạnh mẽ và có ý nghĩa của Đài Loan vào hệ thống LHQ và cộng đồng quốc tế,” ông Blinken đề nghị.
Tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Blinken làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chung quanh vấn đề Đài Loan. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh cần được thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết mặc dù từ trước đến nay, đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ chiếm được hoặc áp đặt sự cai trị của mình lên lãnh thổ Đài Loan và trong hơn 70 năm qua, hòn đảo này vẫn phát triển một cách độc lập, theo một thể chế chính trị hoàn toàn khác với Trung Quốc lục địa.
***
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi việc “thâu tóm” Đài Loan là một nhiệm vụ tối quan trọng để thực hiện giấc mộng Trung Hoa của ông ta. Thời gian gần đây Trung Quốc thường xuyên lập kỷ lục về số chuyến bay bằng máy bay chiến đấu xâm nhập vùng nhận diện phòng không của đảo Đài Loan để đe dọa và gây chiến tranh tâm lý trong dân chúng Đài Loan.
Mỹ chuyển sang công nhận Bắc Kinh vào năm 1979 nhưng Quốc Hội đồng thời thông qua Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relation Act), trong đó bắt buộc chính phủ Mỹ cung cấp vũ khí tự vệ cho hòn đảo này để chống lại âm mưu xâm lược của Trung Quốc. Lập trường “một Trung Quốc” của Mỹ thường được diễn giải là Mỹ công nhận một nước Trung Hoa với điều kiện Bắc Kinh và Đài Bắc phải tìm được phương thức sáp nhập lãnh thổ trong hòa bình, theo ý chí và nguyện vọng của người dân Đài Loan.
Tuần trước Tổng thống Mỹ, Joe Biden đã nói trên một diễn đàn truyền hình rằng Hoa Kỳ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ cuộc xâm lược nào của Trung Quốc. Lời bình luận đó nhanh chóng được Tòa Bạch Ốc xoa dịu đi trong bối cảnh Mỹ tiếp tục chiến lược mập mờ về việc Mỹ có can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công hay không.
Mỹ từ lâu đã kêu gọi Đài Loan tham gia vào các hoạt động của LHQ, nhất là sau khi Đài Loan khá thành công trong việc khống chế đại dịch COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Điều đó có căn cứ pháp lý hay không? Giáo sư Margaret Lewis của Trường Luật, Đại học Seton Hall nói với đài Al Jazeera, mặc dù Nghị quyết 2758 của LHQ ban đầu chỉ liên quan đến quyền đại diện Trung Quốc tại LHQ, nó đã được Bắc Kinh quảng bá là sự ủng hộ các tuyên bố của Trung Quốc đối với Đài Loan và cô lập nền dân chủ Đài Loan trên toàn thế giới. “Thực tế, chính phủ CHND Trung Hoa đã ngăn chặn có hiệu quả sự tham gia của Đài Loan vào các thực thể liên kết của LHQ. Nhưng điều này không được quy định bởi Nghị quyết 2758 – nghị quyết là về đại diện, không phải sự tham gia”, bà Lewis nói. “Sự tham dự có ý nghĩa của Đài Loan vào các thực thể liên kết của LHQ là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 2758.”
***
Đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken, Trung Quốc nhấn mạnh lập trường của mình rằng chính phủ Đài Loan không có chỗ đứng trên sân khấu ngoại giao toàn cầu. Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang), phát ngôn viên Văn phòng Các vấn đề Đài Loan ở Bắc Kinh, tuyên bố: “Đài Loan không có quyền gia nhập LHQ. LHQ là một tổ chức chính phủ quốc tế bao gồm các quốc gia có chủ quyền mà Đài Loan chỉ là một phần của Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) hôm Thứ Hai kêu gọi Hoa Kỳ “ngừng liên lạc chính thức với Đài Loan” và “kiềm chế không gửi tín hiệu sai cho lực lượng đòi độc lập của Đài Loan dưới mọi hình thức.”
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, Joseph Wu, cảm ơn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ: “Chúng tôi đánh giá rất cao về điều đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền của mình trong các tổ chức quốc tế.” Ông cho biết tình hình ngày càng nguy hiểm hơn khi Trung Quốc tiếp tục đưa quân vào eo biển Đài Loan. “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ mình,” Wu nói.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) hoan nghênh ý kiến của Ngoại trưởng Blinken. “Biết ơn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong việc mở rộng sự tham gia của Đài Loan trên trường quốc tế”, bà viết trên Twitter. “Chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả các đối tác cùng chí hướng để đóng góp chuyên môn của mình vào các tổ chức, cơ chế và sự kiện quốc tế.” Hồi đầu tháng này, nhân kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi 1911, Tổng thống Thái tái khẳng định rằng chính phủ của bà sẽ không “cúi đầu trước áp lực” từ Bắc Kinh.
***
Chiều 27 Tháng Mười giờ địa phương, trận đá banh vòng loại giải bóng đá châu Á giữa đội tuyển Đài Loan và đội tuyển Việt Nam đã diễn ra tại Kyrgyzstan, đội Việt Nam thắng chật vật 1-0. Nhưng khi truyền hình Việt Nam VTV tường thuật trận đấu trên sóng truyền hình, nhà đài đã cắt bỏ phần chào cờ và quốc ca Đài Loan; báo chí trong nước đều dùng cụm từ “đội U23 Đài Loan (Trung Quốc)” theo đúng chỉ đạo của Bắc Kinh. Việc tường thuật thiên lệch như vậy trên báo chí dòng chính của Việt Nam đang gây bất bình trên các mạng xã hội ở trong nước.
Đọc thêm: