Đức Giáo Hoàng xin lỗi người bản xứ Canada vì những sai lầm lịch sử

Thay mặt Giáo hội Công Giáo, hôm 25 Tháng Bảy 2022, Đức Giáo Hoàng Francis đã đọc lời xin lỗi các tộc người bản địa Canada vì vai trò của Giáo hội trong những hành vi lạm dụng, cưỡng bức và tiêu diệt văn hóa bản địa của họ suốt một thế kỷ qua. Ảnh Cole Burston/Getty Images.

Hôm Thứ Hai 25 Tháng Bảy, Đức Giáo Hoàng Francis đã đưa ra lời xin lỗi xúc động với những người bản xứ Canada trên đất của họ về vai trò của Giáo hội trong các trường học nơi trẻ em bản địa bị lạm dụng, bị cưỡng bức đồng hóa văn hóa suốt một thế kỷ mà ngài gọi là một “điều xấu xa đáng trách”“một sai lầm tai hại.”

Lời xin lỗi chân thành

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo xin lỗi về sự ủng hộ của Giáo hội  với “não trạng thực dân” thời ấy; ngài kêu gọi một cuộc điều tra “nghiêm túc” về các trường học để giúp những người sống sót và con cháu họ được chữa lành vết thương tinh thần. “Với sự xấu hổ và rõ ràng, tôi khiêm tốn cầu xin sự tha thứ cho tội ác của rất nhiều Cơ Đốc nhân chống lại người dân bản địa,” Giáo Hoàng Francis nói trước đại diện của những tộc người Metis và người Inuit bản xứ tại một địa điểm gần hai trường học cũ ở Maskwacis, Alberta, Canada. 

Dù đang phải ngồi xe lăn do bị gãy xương đầu gối, Đức Giáo Hoàng, năm nay 85 tuổi, vẫn công du tới Canada và đưa ra lời xin lỗi đầu tiên trên đất đai của người bản xứ như một phần của công việc chữa lành những vết thương sâu trong tâm hồn họ sau khi người Canada phát hiện những ngôi mộ không dấu vết tại các trường học nội trú vào năm ngoái. Hồi Tháng Tư năm nay, Giáo Hoàng đã đưa ra lời xin lỗi tương tự khi đón tiếp phái đoàn của những tộc người bản xứ Canada đến thăm Tòa thánh Vatican.

Nghi lễ đón tiếp Đức Giáo Hoàng đã diễn ra tại Bear Park Pow-Wow Grounds – một phần lãnh thổ của tổ tiên các bộ lạc Cree, Dene, Blackfoot, Saulteaux và Nakota Sioux. Các nhà lãnh đạo các tộc người bản địa mặc y phục truyền thống, đội những chiếc mũ chiến có lông chim đại bàng, đã đón tiếp Giáo Hoàng như với một tù trưởng thân thiện, đồng thời chào đón ngài bằng cách tụng kinh, đánh trống, khiêu vũ và hát các bài hát quân hành.

Sau khi Giáo hoàng phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha, dịch sang tiếng Anh, tù trưởng Wilton Littlechild của bộ lạc Ermineskin Cree Nation đã đặt một chiếc mũ lông vũ lên đầu Giáo hoàng. Đức Giáo Hoàng Francis đứng khỏi ghế và đội nó một lúc trước một đám đông vỗ tay vang dội.

Một tấm biểu ngữ màu đỏ ghi tên của những đứa trẻ mất tích đã được mang tới trước mặt Giáo hoàng và ngài đã hôn nó.

Trước khi diễn thuyết, Đức Giáo Hoàng đã lặng lẽ cầu nguyện trên cánh đồng thập giá trong nghĩa trang của một nhà thờ dành cho người bản xứ và đi ngang qua một bia đá tưởng niệm nơi từng là hai ngôi trường nội trú trong khu vực.

Đức Giáo Hoàng Francis đội chiếc mũ lông chim đại bàng truyền thống mà đại diện của các tộc người bản xứ tặng cho ngài ở Canada hôm thứ Hai 25 tháng Bảy 2022. Ảnh Cole Burston/Getty Images.

Tiêu diệt văn hóa bản địa

Từ năm 1881 đến năm 1996, hơn 150,000 trẻ em các bộ lạc người bản xứ Canada đã bị tách khỏi gia đình và được đưa đến các trường nội trú do Giáo hội Công Giáo phụ trách. Nhiều trẻ em bị bỏ đói, bị đánh đập vì nói tiếng mẹ đẻ của chúng và bị lạm dụng tình dục trong một hệ thống mà Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada gọi là “tội ác diệt chủng văn hóa”

“Đặc biệt, tôi cầu xin sự tha thứ đối với cách thức mà nhiều thành viên của Giáo Hội và các cộng đồng tôn giáo đã hợp tác, không chỉ thông qua sự thờ ơ của họ, vào các dự án phá hủy văn hóa và đồng hóa cưỡng bức do các chính phủ thời đó thúc đẩy, mà đỉnh điểm là hệ thống các trường nội trú”, Giáo Hoàng nói.

Hầu hết các trường học được điều hành bởi các dòng tu Công giáo La Mã của các linh mục và nữ tu thay mặt cho chính phủ.

Năm ngoái, hài cốt của 215 trẻ em tại một trường nội trú cũ ở British Columbia được phát hiện. Kể từ đó, hài cốt nghi là của hàng trăm trẻ em khác đã được phát hiện tại các trường nội trú cũ khác trên khắp đất nước.

Nhiều người sống sót và các nhà lãnh đạo bản địa nói rằng họ không chỉ muốn một lời xin lỗi. Họ muốn được bồi thường tài chính, trả lại các đồ tạo tác mà cha ông họ tạo nên nhưng đã bị các nhà truyền giáo gửi đến Vatican. Ho cũng muốn được hỗ trợ để đưa một kẻ bị cáo buộc là kẻ lạm dụng hiện đang sống ở Pháp ra trước công lý và công bố các hồ sơ do các dòng tu điều hành trường học nắm giữ.

Một số người cũng đã kêu gọi Giáo Hội Công Giáo bãi bỏ những giáo lệnh của giáo hoàng thế kỷ 15, biện minh cho việc các thế lực thuộc địa tước đoạt đất đai của người bản địa.

Đối với ông Wallace Yellowface, 78 tuổi, một học sinh nội trú còn sống sót tại Khu bảo tồn Quốc gia Pikanni ở miền nam Alberta, thông điệp của Giáo Hoàng được đưa ra quá ít và quá muộn. “Đã quá muộn cho một lời xin lỗi và tôi không nghĩ điều đó có ích gì cho tôi”, ông nói và thêm rằng ông vẫn đang cố tìm hiểu điều gì đã xảy ra với em gái của mình, người đã theo học một trường nội trú.

Tuy vậy, nhiều người dân bản địa trong đám đông đã công khai khóc lóc hoặc vỗ tay mỗi khi Giáo Hoàng nói ông lấy làm tiếc hoặc lên án các chính sách xóa sổ các nền văn hóa bản địa. Ông Cam Bird, 42 tuổi, một học sinh nội trú sống sót từ khu bảo tồn Little Red River ở Saskatchewan nói: “[Lời xin lỗi] là chân thành và tốt đẹp. Chúng tôi tin ông ấy”.

Hồi Tháng Giêng năm nay, chính phủ Canada đã đồng ý dành ra 40 tỷ đô la Canada ($31,5 tỷ) để bồi thường cho các trẻ em các bộ lạc bản xứ bị bắt khỏi gia đình. Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada đã hứa quyên góp 30 triệu đô la Canada để chữa bệnh và các sáng kiến khác. Cho đến nay, quỹ đã huy động được 4.6 triệu đô la Canada.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: