Lật lại hồ sơ vụ ám sát Bill Clinton

Tổng thống Bill Clinton trong một chuyến kinh lý Manila dự Hội nghị APEC (ảnh: Dirck Halstead/Getty Images)

Ngày 23 Tháng Mười Một 1996, khi chiếc Air Force One chở Tổng thống Bill Clinton và Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton trên đường tới Manila (Philippines), cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ (Secret Service) nhận được tin tình báo chấn động: Một thiết bị nổ đã được cài trên tuyến đường mà đoàn xe Tổng thống Hoa Kỳ dự kiến vào thủ đô Philippines…

Trong bài báo ngày 23 Tháng Ba 2024, Reuters đã kể lại nhiều chi tiết trước nay chưa được nói đến…

Ngay sau khi nhận được tin tình báo, phản ứng cực nhanh, Mật vụ Hoa Kỳ chuyển sang tuyến đường dự phòng, chặn đứng kế hoạch mưu sát Bill Clinton của tổ chức khủng bố Al-Qaeda khi ông đến dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) thường niên. Cùng lúc, lực lượng an ninh Philippines gỡ quả bom cực mạnh trên cây cầu mà đoàn xe lẽ ra đi qua. Tại đó, người ta thấy có một chiếc SUV bị bỏ lại, với vài khẩu AK-47. Vụ mưu sát từng được kể sơ trong vài quyển sách ấn hành năm 2010 và 2019. Giờ đây, tám nhân viên mật vụ nghỉ hưu – bảy người trong số họ ở Manila – đã cung cấp cho Reuters thêm một số thông tin chi tiết hơn.

“Tôi luôn tự hỏi tại sao tôi không bị giữ lại ở Manila để theo dõi bất kỳ cuộc điều tra nào liên quan vụ việc”, phát biểu của Gregory Glod, người đứng đầu nhóm tình báo của SS làm việc tại Manila thời điểm đó và là một trong bảy đặc vụ lần đầu tiên lên tiếng. “Thay vào đó, họ đưa tôi đi một ngày sau khi Clinton rời đi.” Đề cập đến sự kiện 1996, người phát ngôn SS Anthony Guglielmi mới đây khi được Reuters hỏi chỉ nói rằng: “Đã xảy ra sự cố. Và điều này vẫn chưa được giải mật”. Anthony Guglielmi từ chối không cung cấp bất kỳ gì thêm và không nói rõ vào thời điểm đó, Mỹ đã hành động cụ thể những gì. Cựu giám đốc CIA Leon Panetta, chánh văn phòng Clinton thời điểm 1996, cho biết ông… không biết về vụ việc và âm mưu ám sát tổng thống cần được điều tra.

“Với tư cách là cựu chánh văn phòng, tôi rất muốn tìm hiểu xem liệu có ai đó đã gạt thông tin này sang một bên và không thu hút sự chú ý của những người lẽ ra phải biết rằng điều gì đó như vậy đã xảy ra như thế nào.” Theo một điều luật năm 1986, hành động mà một tổ chức cực đoan nước ngoài có âm mưu giết bất kỳ công dân Hoa Kỳ nào ở nước ngoài được xem là tội phạm; và việc truy tố cần có sự cho phép của Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Janet Reno lúc đó (Janet Reno mất năm 2016) và chỉ khi được bật đèn xanh như vậy thì FBI mới có thể mở cuộc điều tra.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Phần mình, khi mới đây được Reuters cật vấn, FBI đã từ chối trả lời về vụ ưu sát Bill Clinton ở Manila. Bốn cựu viên chức cấp cao Mỹ, trong đó có viên đại sứ tại Manila vào thời điểm đó, Thomas Hubbard, đã xác nhận rằng vụ việc là có thật, rằng kế hoạch mưu sát bất thành. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng họ không thấy bất kỳ cuộc điều tra hoặc hành động tiếp theo nào của Mỹ sau đó.

13 năm sau cái chết của Osama bin Laden, Al-Qaeda bây giờ gần như tan rã. Tuy nhiên, thời điểm thập niên 1990, Al-Qaeda là tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới. Gregory Glod, người đứng đầu nhóm tình báo của SS làm việc tại Manila thời điểm đó, thuật rằng, sau này, khi điều tra kỹ hơn, tình báo Mỹ biết được rằng kế hoạch mưu sát Bill Clinton được các thành viên Al-Qaeda cùng lên kịch bản với Abu Sayyaf (nhóm Hồi giáo cực đoan Philippines), theo lệnh của ông trùm Osama bin Laden. Gregory Glod không nói rõ rằng “cơ quan tình báo” nào đưa ra kết quả điều tra này. CIA cũng từ chối trả lời, tương tự Văn phòng tổng thống Philippines, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Philippines.

Bốn trong số nhân viên Mật vụ kể với Reuters rằng, bọn Al-Qaeda từng lên kế hoạch ám sát Bill Clinton vào hai năm trước đó. Vài ngày trước chuyến công du Manila năm 1994 của Clinton, Ramzi Yousef đã có mặt ở thủ đô Philippines. Ramzi Yousef chính là kẻ chủ mưu vụ khủng bố Trung tâm Thương mại Thế giới lần đầu tiên tại New York năm 1993 và là cháu của Khalid Sheikh Mohammed, kẻ được xem là “kiến trúc sư” vụ khủng bố 11 Tháng Chín. Ramzi Yousef hiện thụ án chung thân tại một nhà tù liên bang ở Colorado.

Tên khủng bố khét tiếng một thời Ramzi Ahmed Yousef (ảnh: Rick Maiman/Sygma via Getty Images)

Bản ghi nhớ FBI về cuộc phỏng vấn đầu tiên với Ramzi Yousef sau khi hắn bị bắt năm 1995 cho biết, hắn đã khảo sát loạt địa điểm ở Manila mà truyền thông đưa tin Tổng thống Bill Clinton dự kiến đến trong chuyến công du năm 1994. Bản ghi nhớ cho biết, Yousef kết luận rằng có quá nhiều biện pháp bảo mật và không đủ thời gian cho một cuộc tấn công; do vậy, hắn dời kế hoạch vào thời điểm Philippines tổ chức Hội nghị APEC 1996.

Đó cũng là thời gian mà Philippines rối rắm đối phó loạt phá hoại của cộng sản lẫn Hồi giáo cực đoan. Cảnh sát nước này đã phát hiện một quả bom tại sân bay Manila và một quả bom khác tại trung tâm hội nghị thượng đỉnh ở Vịnh Subic vài ngày trước khi vợ chồng Clinton đến. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lúc đó cũng cảnh báo những mối đe dọa nhắm vào giới chức ngoại giao Mỹ ở Manila một ngày trước khi vợ chồng Tổng thống Clinton đến. Mức độ nguy hiểm được đề cập rất rõ trong các báo cáo tình báo thường nhật dành cho tổng thống (President’s Daily Briefs) – theo lời kể của tùy viên quân sự, (cựu) Trung tá Không quân Hoa Kỳ Robert “Buzz” Patterson, người đi cùng Clinton trong chuyến Manila.

Trời chạng vạng sẩm tối khi vợ chồng Clinton hạ cánh xuống Manila. Ngay khi chiếc Air Force One đáp xuống phi trường, nhân viên Mật vụ Daniel Lewis đã chuyển thông tin tình báo cho đội SS tại sân bay, thông báo về một “thiết bị trên cầu” trên tuyến đường chính đưa Bill Clinton về Khách sạn Manila (The Manila Hotel). Lewis Merletti, người đứng đầu đội bảo vệ Clinton và sau này trở thành giám đốc Sở Mật vụ, cũng biết chuyện, sau cuộc gọi từ một sĩ quan tình báo Mỹ mà ông không biết tên, tiết lộ về một cuộc liên lạc bị chặn và nghe được, đề cập đến một “đám cưới qua cầu”. Lewis Merletti kể rằng, trong một báo cáo tình báo vài năm trước, từ “đám cưới” mà bọn khủng bố dùng chính là mật mã ám chỉ một vụ ám sát.

Tuyến đường mà đoàn xe tổng thống dự tính đi theo kế hoạch có ba cây cầu. Phản ứng tức thì của nhóm bảo vệ tổng thống là đổi sang lộ trình khác. Quả bom được cài để giết Bill Clinton được tìm thấy trên một hộp điện của một cây cầu. Để phá thiết bị bom, các chuyên gia nối dây thuốc nổ vào bên hông hộp điện và kích nổ nó.

Tại hiện trường, lực lượng an ninh Philippines cũng phát hiện một chiếc Mitsubishi Pajero màu đỏ ở đầu cầu; trong đó có nhiều khẩu AK-47. Sáng hôm sau, nhóm đặc vụ bảo vệ tổng thống được một quan chức tình báo Mỹ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ thông báo tóm tắt về âm mưu và cho xem những bức ảnh về quả bom. Đó là những quả lựu đạn đặt trên một chiếc hộp chứa thuốc nổ TNT được nối với một điện thoại Nokia thiết kế như một ngòi nổ.

Năm 1995, Tổng thống Bill Clinton ban hành Sắc lệnh tổng thống số 39 (Presidential Decision Directive 39), cam kết “ngăn chặn, đánh bại và đáp trả mạnh mẽ mọi cuộc tấn công khủng bố” nhằm vào người Mỹ trong và ngoài nước, đồng thời “bắt và truy tố” những kẻ chịu trách nhiệm. Mãi cho đến sau khi xảy ra vụ đánh bom của Al-Qaeda vào đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania vào Tháng Tám 1998 khiến 220 người chết, Clinton mới thật sự đáp trả dữ dội…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: