LHQ: Vi phạm nhân quyền ở Tân Cương là tội ác chống loài người

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc xác định Vi phạm nhân quyền ở Tân Cương là tội ác chống loài người
Người Uyghurs biểu tình trước Tòa Bạch Ốc hôm 5-7-2022 nhân kỷ niệm 13 năm ngày diễn ra vụ tàn sát Urumqi (thủ phủ tỉnh Tân Cương). Họ kêu gọi các chính phủ ủng hộ quyền tự quyết và công nhận nước Cộng hòa Đông Turkistan (trước khi bị Trung Quốc thâu tóm và đổi tên thành Tân Cương) là một lãnh thổ bị chiếm đóng. Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Việc giam giữ có tính phân biệt đối xử với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) và các nhóm dân tộc thiểu số theo Hồi Giáo khác ở tỉnh Tân Cương phía Tây Trung Quốc có thể cấu thành tội ác chống lại loài người, Văn phòng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) khẳng định.

Văn phòng Nhân quyền LHQ hôm thứ Tư 31 Tháng Tám đã công bố bản báo cáo được chờ đợi từ lâu, nêu bật những hành vi vi phạm nhân quyền “nghiêm trọng” và những hình thức tra tấn mà Trung Quốc áp dụng đối với người Duy Ngô Nhĩ và những sắc tộc thiểu số theo Hồi Giáo những năm gần đây.

Báo cáo yêu cầu có “sự chú ý khẩn cấp” của LHQ và cộng đồng thế giới đối với hành vi vi phạm nhân quyền trong các chiến dịch mà Bắc Kinh nói là nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.

Báo cáo được coi là kết quả chuyến kinh lý của Cao ủy Nhân quyền LHQ, bà Michelle Bachelet, tại Trung Quốc hồi Tháng Năm năm nay – một chuyến đi được Trung Quốc dàn dựng cẩn thận.

Các nhà ngoại giao phương Tây và các quan chức LHQ cho biết báo cáo đã hoàn thành vài tháng và bị Trung Quốc gây áp lực không công bố, vì Bắc Kinh cho rằng nó là một phần trong chiến dịch của phương Tây nhằm bôi nhọ danh tiếng của Trung Quốc. Cuối cùng, Cao ủy Nhân quyền Bachelet đã cho công bố báo cáo chỉ vài phút trước khi nhiệm kỳ bốn năm của bà kết thúc vào hôm nay 31 Tháng Tám 2022. 

Một “phạm nhân” bị ngồi trên ghế tra tấn, gọi là “ghế hổ” trong một trại giam ở Tân Cương. Ảnh từ hồ sơ cảnh sát Tân Cương (Xianjiang Police Files) bị rò rỉ ra ngoài.

Báo cáo dài 48 trang khẳng định “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” đã được thực hiện ở Tân Cương theo các chính sách mà Trung Quốc cho là nhằm chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong các cộng đồng Hồi Giáo từ năm 2017 đến năm 2019.

Ngoài việc củng cố các phát hiện sâu rộng mà các nhóm hoạt động nhân quyền độc lập và các nhà báo đã ghi nhận trong nhiều năm qua về tình trạng nhân quyền bị vi phạm trầm trọng ở Tân Cương, báo cáo cho thấy sự hậu thuẫn của LHQ cho nỗi phẫn nộ của các nạn nhân và gia đình họ đối với những chính sách của Trung Quốc ở khu vực này trong nhiều năm qua.

Báo cáo trích dẫn “các hình thức tra tấn” bên trong cái mà Bắc Kinh gọi là các trung tâm dạy nghề – một phần trong kế hoạch nổi tiếng của họ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực – và chỉ ra những cáo buộc “đáng tin cậy” về hành vi tra tấn hoặc đối xử tệ bạc, bao gồm cả các trường hợp bạo lực tình dục.

Báo cáo cảnh báo rằng “việc giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử” đối với các nhóm thiểu số như vậy ở Tân Cương, thông qua các hành động tước bỏ các quyền cơ bản… của họ có thể cấu thành tội ác quốc tế, đặc biệt là tội ác chống lại loài người”.

Một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, đã tố cáo Bắc Kinh phạm tội diệt chủng ở Tân Cương. Báo cáo của LHQ không đề cập đến nạn diệt chủng.

Báo cáo được rút ra một phần từ các cuộc phỏng vấn với những người từng bị giam giữ và những người khác biết về điều kiện tại tám trung tâm giam giữ riêng biệt trong khu vực Tân Cương. Các tác giả của báo cáo nói rằng Trung Quốc không sẵn sàng cung cấp thông tin, các yêu cầu về một số thông tin cụ thể “không nhận được phản hồi chính thức.”

Văn phòng Nhân quyền cho biết họ không thể xác nhận có bao nhiêu người bị giam giữ trong các trại giam ở Tân Cương, nhưng nói thêm rằng “mô hình giam giữ tùy tiện quy mô lớn đã xảy ra” ít nhất là từ năm 2017 đến năm 2019.

Theo thông tin thu thập được trong các cuộc điều tra của các nhà báo và giám sát nhân quyền khác, chiến dịch bắt bớ hàng loạt của chính phủ Trung Quốc ở Tân Cương đã giam giữ ước tính khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc khác trong một mạng lưới nhà tù và trại giam suốt năm năm qua. Bắc Kinh đã đóng cửa nhiều trại, nhưng hàng trăm ngàn người vẫn tiếp tục sống mòn mỏi trong tù vì những lời buộc tội bí mật và mơ hồ.

Ngoài các trại giam, báo cáo cũng xem xét các thông tin về sự gia tăng đáng kể các vụ bắt giữ và các bản án tù kéo dài trong khu vực.

Báo cáo cho biết: “Có một mối quan tâm đặc biệt do các định nghĩa mơ hồ về chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và các tội liên quan đến an ninh công cộng theo luật hình sự trong nước” mà báo cáo nói rằng có thể dẫn đến các bản án dài, “kể cả các tội nhẹ hoặc các hành vi được luật nhân quyền quốc tế bảo vệ.”

Quan chức Trung Quốc dùng một lá cờ đỏ lớn để che những người biểu tình giương khẩu hiệu “TQ: Hơn 1 triệu người bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương”. Cuộc biểu tình nhằm phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới The Hague của Hà Lan tháng 10-2018. Ảnh Pierre Crom/Getty Images

Các tổ chức nhân quyền quốc tế ủng hộ việc công bố báo cáo của Văn phòng Nhân quyền LHQ. “Những lời phủ nhận lặp đi lặp lại của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Tân Cương ngày càng trở nên trống rỗng sau khi LHQ ghi nhận thêm bằng chứng về những tội ác chống lại loài người đang diễn ra và các vi phạm nhân quyền khác trong khu vực,” Agnes Callamard, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), nói trong một bản phúc trình.

Trung Quốc phản pháo lại, nói Văn phòng Nhân quyền LHQ đã phớt lờ những thành tựu nhân quyền mà các nhóm dân tộc ở Tân Cương đã cùng tạo ra. “Dựa trên những thông tin sai lệch, dối trá và bịa đặt bởi các lực lượng chống Trung Quốc, cái gọi là ‘sự đánh giá’ đã xuyên tạc luật pháp Trung Quốc, cố ý bôi nhọ và vu khống Trung Quốc, và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc,” một bức thư của phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại Geneva cho biết, đáp lại báo cáo của LHQ.

***

Bà Bachelet – nguyên là Tổng thống Chile – cho biết trong những tháng gần đây, bà đã bị áp lực từ cả hai phía về việc công bố hoặc không công bố bản báo cáo.

Bà Bachelet đã để ý đến Tân Cương khi nhậm chức vào Tháng Chín năm 2018, nhưng các nhà ngoại giao phương Tây lo ngại, bà không đủ sức đương đầu với thách thức của Trung Quốc khi các cơ quan giám sát nhân quyền khác đã chỉ ra những hành vi lạm dụng đối với người Duy Ngô Nhĩ và những sắc tộc khác ở Tân Cương.

Chuyến đi của bà đến Trung Quốc hồi Tháng Năm đã bị các nhóm nhân quyền, chính quyền Hoa Kỳ và nhiều chính phủ khác chỉ trích là phục vụ cho chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc.

Hồi Tháng Sáu, bà Bachelet nói bà sẽ không tìm kiếm một nhiệm kỳ mới với tư cách là người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ và hứa rằng báo cáo sẽ được công bố vào ngày ra đi của bà. 

Những người chỉ trích nói việc không công bố bản báo cáo sẽ là một vết đen rõ ràng trong nhiệm kỳ của bà Bachelet trong khi áp lực các quốc gia ở cả hai phía khiến công việc của bà trở nên khó khăn hơn.

Bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ (United Nations High Commissioner for Human Rights) trong một cuộc họp báo ở Dhaka hôm 17 Tháng Tám 2022. Ảnh Ahmed Salahuddin/NurPhoto via Getty Images.

“Tôi đã nói tôi sẽ xuất bản báo cáo trước khi nhiệm vụ của tôi kết thúc và tôi đã làm,” bà Bachelet nói sau khi báo cáo được xuất bản vài phút trước khi nhiệm kỳ của bà chính thức kết thúc.

Vài giờ trước khi công bố báo cáo, phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Stephane Dujarric, cho biết người đứng đầu LHQ “không tham gia” soạn thảo hoặc xử lý báo cáo, và tôn trọng sự độc lập của bà Bachelet.

Sophie Richardson, Giám đốc Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), cho biết “những phát hiện đáng kinh tởm của bà Bachelet giải thích lý do tại sao chính phủ Trung Quốc đã ra sức ngăn chặn việc công bố bản báo cáo Tân Cương của bà ấy”. Richardson thúc giục Hội đồng Nhân quyền LHQ gồm 47 thành viên, tại phiên họp tiếp theo vào Tháng Chín, phải điều tra các cáo buộc và truy cứu trách nhiệm của những người gây ra cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Tân Cương được ghi nhận trong báo cáo.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: