Chuyến thăm Trung Quốc thất bại của Cao ủy Nhân quyền LHQ

Các tổ chức nhân quyền và một số chính phủ rất thất vọng về chuyến thăm Trung Quốc của Cao ủy Nhân quyền LHQ
Trong cuộc điện đàm video với bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ, Chủ tịch Trung Quốc cảnh cáo rằng Trung Quốc không cần người ngoài rao giảng cho họ về nhân quyền. Ảnh Yue Yuewei/Xinhua via Getty Images.

Cao ủy về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ), bà Michelle Bachelet, vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc sáu ngày và hôm qua thứ Bảy 28 tháng Năm 2022 văn phòng của bà đã đưa ra một bản thông cáo báo chí mà các nhà hoạt động nhân quyền và một số chính phủ phương Tây hết sức thất vọng, thậm chí có người nói rằng bà đã bị biến thành công cụ tuyên truyền của Bắc Kinh. 

Chuyến thăm Trung Quốc của bà Bachelet là theo lời mời của chính phủ Bắc Kinh, và là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ tới nước này trong 17 năm qua. Nhưng trước chuyến đi, chính quyền Biden và các tổ chức nhân quyền đã cảnh báo bà không nên để cho Trung Quốc lợi dụng chuyến thăm làm một cơ hội tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc. Bà Bachelet đã phớt lờ những lời cảnh báo đó và chuyến đi của bà thực sự đã giúp Trung Quốc phủ nhận vụ diệt chủng mà Bắc Kinh thực hiện chống lại người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) theo Hồi Giáo ở Tân Cương cùng những chính sách đàn áp khác của chế độ toàn trị Trung Quốc.

Dù đến Trung Quốc theo lời mời của lãnh đạo nước này, nhưng phái đoàn của bà Bachelet vẫn bị cách ly chống Covid 21 ngày trong khách sạn và chỉ trao đổi ý kiến với các quan chức nước chủ nhà qua mạng video. Thông cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OCHCR) nói, bà Bachelet đã có cuộc gặp trực tiếp với Quốc vụ khanh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhưng chỉ tiếp xúc với Chủ tịch Tập Cận Bình qua video.

“Không phải cuộc điều tra nhân quyền” 

Thông cáo của bà Bachelet đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời cho những vấn đề mà công luận quốc tế kỳ vọng trong chuyến đi của bà. Bà Bachelet khẳng định, chuyến thăm Trung Quốc không phải là một cuộc điều tra về thực trạng nhân quyền của nước này mà chỉ là “môt cơ hội để thảo luận trực tiếp với các nhà lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc về nhân quyền… giúp Trung Quốc hoàn thành nghĩa vụ của họ theo luật nhân quyền quốc tế”.

Bà Bachelet đã dành một phần lớn bản thông cáo để ca ngợi thành tích xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc, coi đó là thành quả lớn nhất về nhân quyền, đúng với quan điểm của Bắc Kinh (và Hà Nội) rằng nhân quyền là cơm ăn áo mặc chứ không phải là quyền tự do sống với phẩm giá của con người.

Bà đã dành những lời lẽ tốt đẹp để ca ngợi thành tích của Trung Quốc thiết lập được hệ thống y tế toàn dân, bảo hiểm thất nghiệp toàn dân, cải cách tư pháp và tòa án để thực hiện bình đẳng nam nữ, chống bạo hành gia đình, chống quấy rối tình dục, củng cố nhà nước pháp quyền và tôn trọng nhân quyền v.v… 

Có thể bà không biết hoặc giả vờ không biết rằng, với các chính phủ toàn trị, đặc biệt là những nơi mà đảng Cộng sản độc quyền cai trị, lời nói không bao giờ đi đôi với việc làm, luật lệ chỉ tồn tại trên giấy trong khi quyền lực thật sự nằm trong tay đội ngũ cán bộ đảng viên chỉ biết hành xử theo chỉ thị của đảng. Nhà nước pháp quyền (rule of law) là một ví dụ, là thứ không tồn tại ở một quốc gia mà đảng Cộng sản độc quyền cai trị, đứng trên luật pháp, lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, không có sự phân chia và kiểm soát quyền lực giữa các định chế hành pháp, tư pháp và lập pháp, không có báo chí tự do và độc lập để thực hiện sự giám sát của người dân và người dân cũng không có quyền bầu ra người đại diện cho mình trong guồng máy cai trị.

Trong chuyến thăm của mình, bà Bachelet chủ yếu chỉ tiếp xúc với quan chức các cấp của đảng Cộng sản và nghe họ nói mà không kiểm chứng với thực tế và dữ kiện nên khi lặp lại những tuyên bố của họ, vô hình chung bà đã tự góp phần cho công cuộc tuyên truyền của đảng Cộng sản.

Tân Cương – điểm nóng diệt chủng bị phớt lờ

Cảnh sát Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương (ảnh: Guang Niu/Getty Images)

Trọng tâm của chuyến thăm có lẽ là chuyến đi hai ngày của bà tới tỉnh Tân Cương (Xinjiang) ở miền Tây Trung Quốc – nơi cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) theo Hồi Giáo nhiều năm nay đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp tàn bạo, nhân danh chống khủng bố để triệt tiêu lối sống, văn hóa của họ – khoảng hai triệu người đã bị giam giữ vô cớ trong các trại tập trung cải tạo mà Bắc Kinh gọi là trung tâm dạy nghề (VETC). Các chính phủ Hoa Kỳ, Canada, Anh quốc, châu Âu đã gọi chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương là “tội diệt chủng”, đã áp đặt các biện pháp cấm vận lên các quan chức Trung Quốc tiếp tay thực hiện hành vi diệt chủng đó và cấm nhập cảng những sản phẩm hàng hóa được làm ra từ lao động cưỡng bức của người tù ở Tân Cương.

Trong thời gian bà Bachelet thăm Trung Quốc, dư luận thế giới bàng hoàng khi “Hồ sơ Cảnh sát Tân Cương” bị tiết lộ cho 14 cơ quan truyền thông lớn ở châu Âu và Mỹ; trong đó có danh tính và hình ảnh hàng ngàn nạn nhân trong hệ thống trại tập trung, hình ảnh về các biện pháp giam giữ và tra tấn của cảnh sát Trung Quốc. Ấy vậy nhưng khi đến Tân Cương, bà Bachelet chỉ “nêu câu hỏi và mối quan tâm về việc áp dụng các biện pháp chống khủng bố và chống cực đoan hóa – đặc biệt là tác động của các biện pháp đó với quyền của người Uyghurs và các cộng đồng Hồi Giáo thiểu số khác”, thông cáo của OCHCR cho biết.

Tình cảnh và số phận của hàng trăm ngàn người Uyghurs bị giam trong các trại tập trung đã không được bà ngó ngàng tới vì “tôi không thể tiếp cận đầy đủ tới các VETC” như bà thừa nhận, “Chính phủ trấn an tôi rằng hệ thống VETC đã bị giải tán” và bà thỏa mãn với việc “Tôi khuyến khích chính phủ xem xét lại các chính sách chống khủng bố và chống cực đoan hóa để bảo đảm các chính sách đó hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, đặc biệt là không được áp dụng chúng một cách tùy tiện” (!)

Bà Bachelet được các quan chức Trung Quốc đưa đến thăm một nhà tù giam giữ những tội phạm hình sự và bà hài lòng khi thấy “việc ra vào nhà tù khá cởi mở, minh bạch” và bà có thể nói chuyện với một số người, một số tổ chức xã hội dân sự mà “không bị giám sát”. Bà không biết hay giả vờ không biết rằng hệ thống giám sát bằng công nghệ điện toán của ở Tân Cương là hết sức tinh vi, người bị giám sát không thể biết mình đang bị giám sát; tất cả những người được bà hỏi chuyện đều đã được chính quyền Trung Quốc chọn lựa rất kỹ và họ sẽ bị trừng phạt nặng nề sau này nếu trong cuộc tiếp xúc họ nói ra điều gì đó ngoài kịch bản của chính quyền.

Những vấn đề nhân quyền trầm trọng ở Tây Tạng và cuộc đàn áp dân chủ tự do ở Đặc khu Hồng Kông cũng được bà Bachelet nhắc qua theo kiểu bà đã bày tỏ mối quan tâm và đề nghị Trung Quốc xem xét lại chính sách!

Trong chuyến đi, bà Bachelet đã không phản đối hay lên án các chính sách đàn áp nhân quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc mà tin vào lập luận biện hộ của họ rằng đó là những biện pháp “chống khủng bố” (ở Tân Cương, Tây Tạng) hoặc “duy trì ổn định” (ở Hồng Kông). 

Một thất bại đáng xấu hổ

Những người phản đối bà Bachelet nói rằng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã cho phép nhà cầm quyền Trung Quốc dàn dựng chuyến thăm của bà một cách hoàn hảo để Bắc Kinh có thể sử dụng nó nhằm tránh né trách nhiệm đã hành xử một cách phi nhân.

Giám đốc tại Trung Quốc của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW), bà Sophie Richardson, nhận xét: “Nhà ngoại giao nhân quyền hàng đầu thế giới vừa thất bại trong việc thách thức chính phủ quyền lực thứ hai trên trái đất về một số tội ác nghiêm trọng nhất theo luật nhân quyền quốc tế”, trang Politico.eu tường thuật.

Một giám đốc khác của HRW, ông Louis Charbonneau, nói với báo The Washington Post: “Trong chuyến thăm Trung Quốc của Cao ủy, chúng ta không thấy có điều gì giải tỏa nỗi lo lắng của chúng ta rằng chuyến thăm sẽ được sử dụng như một thắng lợi tuyên truyền to lớn của chính phủ Trung Quốc… Bà Bachelet cần làm việc để chấm dứt chứ không phải để khuyến khích cái quan niệm rằng LHQ đang để cho Trung Quốc phủi tay, không chịu trách nhiệm gì về tình trạng lạm dụng nhân quyền khủng khiếp của họ”.

Trước chuyến đi đến Trung Quốc của bà Bachelet, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đã bày tỏ với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, cũng như trực tiếp với bà Bachelet mối lo lắng của họ rằng chuyến đi có thể bị Bắc Kinh lợi dụng, đồng thời thúc giục bà phải đòi cho bằng được cuộc đi thăm các trại tập trung ở Tân Cương. Không chỉ như vậy, chính quyền Biden đã phối hợp với các chính phủ phương Tây đưa ra một bản tuyên bố mạnh mẽ của các bộ trưởng ngoại giao khối G7 hôm 14 tháng Năm, yêu cầu chính phủ Trung Quốc cho phép “các quan sát viên quốc tế, kể cả Cao ủy Nhân quyền LHQ được tiếp cận ngay lập tức, có ý nghĩa và không bị cản trở tới Tân Cương và Tây Tạng”. Nhưng dù vậy, phái đoàn của bà Bachelet vẫn bị cách ly 21 ngày và không được báo chí tháp tùng trong các chuyến đi đến các địa phương.

Giữa những lời chỉ trích, bà Bachelet nói bà hy vọng chuyến đi của mình sẽ tạo ra sự thay đổi ở Bắc Kinh. “Tôi hy vọng chuyến thăm của tôi sẽ khuyến khích chính phủ [Trung Quốc] xem xét lại một số chính sách để bảo đảm các quyền con người sẽ được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ,” bà nói.

Đó là một niềm hy vọng hão huyền. Trong cuộc điện đàm qua video với bà Cao ủy hôm 25 tháng Năm, ông Tập Cận Bình đã cảnh cáo bà rằng Trung Quốc không cần người bên ngoài dạy dỗ cho họ. “Khi nói đến các vấn đề nhân quyền, không có cái gọi là thế giới không tưởng hoàn hảo… Các quốc gia không cần những bài giảng trịch thượng; càng không nên để cho các vấn đề nhân quyền bị chính trị hóa và sử dụng như một công cụ để áp dụng các tiêu chuẩn kép”.

Nhà báo Josh Rogin của The Washington Post nhận định, giờ đây các nhà lãnh đạo Bắc Kinh chắc sẽ tự tin hơn mỗi khi họ thực hiện những hành vi đàn áp rộng lớn mà không sợ bị cộng đồng quốc tế bắt phải trả giá. “Khi viết sách lịch sử về thất bại của thế giới trong việc ngăn chặn cuộc diệt chủng ở Tân Cương thì chuyến đi của bà Bachelet có thể là một trong những sự kiện xấu hổ”, ông Rogin viết.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: