Mỹ – Trung cạnh tranh cung cấp vaccine ở Đông Nam Á 

Mỹ đẩy mạnh viện trợ vaccine “không ràng buộc” trong khi Trung Quốc lên án “chính trị hóa khoa học”
Vaccine Moderna do Hoa Kỳ viện trợ về tới Việt Nam. Ảnh UNICEF, U.S. Mission Vietnam.

Các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang nhanh chóng biến thành sân khấu cho cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc – ngay trong công cuộc chống lại đại dịch COVID-19.

Trung Quốc và Hoa Kỳ đã “mặt đối mặt” tại hội nghị trực tuyến ASEAN và các nước đối thoại vào tối hôm qua Thứ Tư ngày 4 Tháng Tám. Trong số những vấn đề cấp bách mà hội nghị bàn thảo, nổi bật lên chuyện kiểm soát đại dịch COVID-19 khi biến thể Delta của coronavirus đang hoành hành dữ dội ở khu vực này; số bị nhiễm và tử vong vì dịch tăng rất nhanh ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. 

Vấn đề đại dịch COVID-19 cũng bộc lộ cuộc tranh giành ảnh hưởng rất gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nước nào cũng muốn chiếm lĩnh “khối óc và trái tim” của cộng đồng Đông Nam Á vì quyền lợi địa chính trị của mình. Cuộc cạnh tranh đó giúp các nước Đông Nam Á hưởng lợi, nhưng cũng phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn.

Ngay từ cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến lược “ngoại giao vaccine” ở Đông Nam Á để đánh bóng hình ảnh và che giấu những sai lầm của Trung Quốc để cho virus lan tràn thành đại dịch toàn cầu. Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã công du đến chín trong 10 nước thành viên ASEAN để thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc mà “miếng mồi” là các nước này sẽ được viện trợ và ưu tiên mua các loại vaccine do Trung Quốc bào chế.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho đến nay Trung Quốc đã cung cấp cho các thành viên ASEAN hơn 190 triệu liều vaccine “cây nhà lá vườn” do các công ty quốc doanh Sinovac và Sinopharm sản xuất. Trong số này, có 7 triệu liều là hàng viện trợ miễn phí cho các nước thân cận với Bắc Kinh như Lào, Cambodia và Philippines.

Trong cuộc họp ASEAN-Trung Quốc hôm Thứ Ba, ông Vương Nghị nói Bắc Kinh sẵn sàng “hỗ trợ toàn diện cho các nước ASEAN trong việc xây dựng một trung tâm sản xuất và phân phối vắc-xin trong khu vực và thúc đẩy đầy đủ việc thực hiện các sáng kiến ​​hợp tác y tế công cộng Trung Quốc-ASEAN.”

So với Trung Quốc, Hoa Kỳ chậm chân hơn; viện trợ vaccine của Mỹ cho các nước Đông Nam Á chỉ mới bắt đầu gần đây, sau khi Hoa Kỳ căn bản đã yên tâm về sự lây lan của dịch bệnh trong mùa hè. Vì xuất phát sau nên Hoa Kỳ đang đẩy mạnh nỗ lực viện trợ, thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong việc khống chế đại dịch.

Tại khu vực Đông Nam Á, trong một tuyên bố được đưa ra ngay trước hội nghị ASEAN, Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng họ “đã cung cấp hơn 23 triệu liều vaccine và hơn $158 triệu hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho các thành viên ASEAN để chống lại COVID-19”. Trong số 28 triệu liều vaccine viện trợ này, Indonesia được nhận nhiều nhất với 8 triệu liều, Việt Nam xếp thứ hai với 5 triệu liều. 

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã cung cấp những liều vaccine này miễn phí và không có ràng buộc về chính trị hoặc kinh tế”. “Hoa Kỳ là một đối tác đáng tin cậy” trong cuộc chiến chống đại dịch, quan chức này nói thêm và cho biết Hoa Kỳ có kế hoạch cung cấp tài trợ cho Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN do các nước thành viên thành lập.

***

Biến thể Delta đã biến Đông Nam Á thành một “tâm chấn” mới của đại dịch. Đông Nam Á chỉ chiếm 8% dân số toàn cầu nhưng có đến 15% số ca nhiễm COVID-19. Tính đến Chủ Nhật vừa qua, khu vực này có số người chết vì dịch trung bình là 2,500 người mỗi ngày, bằng một phần tư số tử vong trên toàn cầu; riêng Indonesia đã có trên 100,000 người tử vong và 20% số tử vong mỗi ngày trên toàn thế giới.

Trong khi đó, do thiếu thốn vaccine nên sáu trong 10 nước ASEAN có tỷ lệ tiêm chủng cho người dân chỉ dưới mức 10% dân số (Việt Nam 6.96%) , thấp xa so với tỷ lệ bình quân 29.4% của thế giới. Do đó, nhu cầu cấp bách nhất của các nước Đông Nam Á hiện nay là vaccine và phương tiện bảo quản vaccine.

Theo Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke, tính đến ngày 23 Tháng Bảy, các nước ASEAN đã đặt mua tổng cộng 238 triệu liều vaccine của Trung Quốc – xấp xỉ 30% tổng số thỏa thuận 773 triệu liều mà Trung Quốc đã ký được hợp đồng cung cấp. 

Tuy nhiên sự tràn lan của biến thể Delta làm bộc lộ hiệu quả yếu kém của các loại vaccine Trung Quốc và buộc nhiều nước phải tính toán lại chương trình tiêm chủng quốc gia của mình. Nhà chức trách y tế Thái Lan tháng trước đã quyết định cho phép những người được tiêm mũi Sinovac của Trung Quốc được tiêm mũi thứ hai bằng vaccine AstraZeneca. Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này sẽ ngừng cung cấp vaccine Sinovac sau khi nguồn dự trữ kết thúc, hoặc khi họ có đủ lượng thuốc thay thế như Pfizer-BioNTech. Ở Trung Đông, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nơi cung cấp vaccine Sinopharm cho dân số của họ, đã bắt đầu cung cấp vaccine Pfizer-BioNTech sau những đợt truyền nhiễm mới.

Nhưng nỗi nghi ngờ đối với vaccine Trung Quốc đã khiến cư dân thành phố Sài Gòn ở Việt Nam lên tiếng phản đối vaccine Sinopharm, buộc nhà cầm quyền phải đình hoãn việc tiêm chủng bằng loại vaccine này dù đã mua 5 triệu liều, trong đó đã nhận được 1 triệu liều và tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng tại thành phố lớn nhất Việt Nam.

Các quan chức Trung Quốc vẫn luôn khẳng định vaccine của họ có hiệu quả. Trong cuộc họp ASEAN – Trung Quốc hôm Thứ Ba, ông Vương Nghị cũng lên tiếng “phản đối việc chính trị hóa các vấn đề khoa học”. Có điều, vaccine có hiệu quả chống lại biến thể Delta mới hay không, hiệu quả tới mức nào là những vấn đề thuần túy khoa học chứ không hẳn là chính trị. 

Chính từ vấn đề khoa học về hiệu quả của vaccine đối với sức khỏe người dân mà phần lớn các nước ASEAN đều đang thận trọng khi lựa chọn loại vaccine để tiêm chủng và hầu như đều mong ngóng nhận được, hoặc mua được các loại vaccine do phương Tây bào chế. 

Bắt mạch được tâm lý mong ngóng này, Hoa Kỳ đã đẩy mạnh việc cung cấp miễn phí các loại vaccine Moderna, Pfizer, cùng với hỗ trợ kỹ thuật và tiền mặt cho chương trình tiêm chủng của các nước và có kế hoạch cùng với nhóm Bộ Tứ (Quad) cung cấp một tỷ liều vaccine COVID-19 cho thế giới, trọng tâm là các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Riêng tại Việt Nam, tính đến nay Hoa Kỳ, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID), Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC) và Bộ Quốc phòng đã trao tặng cho Việt Nam $20.9 triệu, 5 triệu liều vaccine Moderna, 2 máy PCR và thiết bị kèm theo dùng trong xét nghiệm COVID-19 lưu động, 2 máy giải trình tự gene ADN để xác định các biến thể của coronavirus, cùng nhiều trang bị y tế quan trọng khác. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng thông báo tặng Việt Nam 77 tủ giữ nhiệt âm sâu để tồn trữ vaccine, sẽ được giao vào đầu Tháng Chín tới.

***

Cuộc ganh đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong việc chống dịch COVID-19 rõ ràng đang mang lại lợi ích thiết thực cho các nước ASEAN. Từ lâu ASEAN vẫn có lập trường không đứng về bên nào trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, không muốn phải “chọn” Mỹ hay Trung Quốc. Nhưng ngoài những vấn đề an ninh và thương mại, đại dịch COVID-19 cũng làm cho giới chính trị gia khu vực nhận ra được đâu là đối tác tin cậy trong cơn hoạn nạn và có sự lựa chọn đúng đắn hơn, phù hợp với lợi ích quốc gia và mong muốn của người dân.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: