Kim Jong Un đã củng cố quyền lực bằng những cuộc sát hại các phụ tá tin cậy nhất của cha mình, nhưng sau 10 năm cầm quyền của Kim, người dân Bắc Hàn vẫn đang chết đói.
Mười năm sau cái chết của Kim Chính Nhật (Kim Jong Il), người cha cầm quyền lâu đời của Triều Tiên, con trai út của ông là Kim Jong Un đã củng cố được chế độ cai trị độc tài của một người, nhưng Kim đã thất bại thảm hại trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đại đa số dân chúng trong đất nước nghèo đói của ông ta.
Khi ông Kim Chính Nhật đột ngột qua đời ở tuổi 70 vào ngày 17 tháng Mười Hai năm 2011, cậu bé Kim Jong Un chỉ mới 27 tuổi và hầu như không có kinh nghiệm gì, được đưa lên nối ngôi. Những người hoài nghi bàng hoàng, họ không tin cậu thanh niên này có đủ khả năng đảm đương việc trị nước và chắc chắn rằng cậu sẽ sớm mất hết ân sủng và quyền lực. Nhưng thực tế đã không phải như thế, Kim Jong Un nhanh chóng gạt người thân và các phụ tá của cha sang một bên, tự mình khẳng định quyền kiểm soát đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền và các lực lượng vũ trang khổng lồ của nó.
Năm nay 37 tuổi, đang vào độ tuổi trung niên, Kim Jong Un có thể phải nhìn lại một thập niên qua. Trong suốt 10 năm, ông ta đã xử tử hàng trăm đối thủ, quan chức và sĩ quan quân đội bị coi là mối đe dọa cho chế độ kìm kẹp hà khắc trong một triều đại mà Liên Xô đã dựng lên khi Thế Chiến thứ Hai kết thúc năm 1945 và trao cho ông nội của ông ta là ông Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) cai quản.
Trên đường củng cố quyền lực, Kim Jong Un đã thực hiện bốn vụ thử vũ khí hạt nhân và hàng chục vụ thử hỏa tiễn, kể cả hỏa tiễn liên lục địa. Những hành động đó xác định Kim Jong Un không chỉ là hung thần của 25.6 triệu dân Bắc Hàn mà còn là mối đe dọa đối với cả các nước láng giềng gần nhất là Nam Hàn, Nhật Bản cũng như các mục tiêu ở Mỹ.
Nhưng Kim có thể tiếp tục phát triển thứ vũ khí đáng sợ như vậy bao lâu nữa trong khi sức khỏe của ông ta suy giảm và đất nước đã rơi xuống đáy vực kinh tế?
Choi Jin-wook, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Văn hóa (Center for Strategic and Cultural Studies) ở Seoul, cho biết: “Ông Kim khá thành công trong bốn hoặc năm năm đầu tiên. Còn bây giờ ông ta đang cố gắng thoát ra khỏi khó khăn kinh tế. Ông ta đang cố gắng làm hài lòng người của mình, nhưng không thể làm được vì kinh tế quá khó khăn.” ông Choi nói với báo The Daily Beast.
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đầu năm ngoái, Kim đã ra lệnh đóng cửa biên giới với Trung Quốc trên sống Áp Lục (Yalu) và sông Tumen, làm cho thương mại giữa hai nước chỉ còn 10% so với những năm trước “Dầu và thức ăn hầu như không có nữa. Ông ta đã thất bại theo mọi nghĩa”, ông Choi nói.
Tuy nhiên, để duy trì quyền lực, Kim đã thẳng tay xóa sổ bất kỳ ai đặt nghi vấn – hoặc dám thách thức – ông ta.
Cuộc thanh trừng bắt đầu từ hai phụ tá cao cấp nhất của cha ông. Tướng Ri Yong Ho, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Bắc Hàn, bị cách chức và bị xử tử vào tháng Bảy năm 2012. Tháng Mười Hai năm 2013, ông Jang Song Thaek, dượng của Kim, chồng cô em gái của Kim Chính Nhật, bị lôi ra khỏi một cuộc họp bộ chính trị và bị đánh đập trước khi bị hành quyết với nhiều tội danh, chủ yếu là liên quan đến tham nhũng. Cả Ri và Jang là người đã đi bộ cùng với Kim Jong Un trong ba giờ đồng hồ vào một ngày tuyết rơi dày tháng Mười Hai năm 2011 bên cạnh chiếc xe tang chở quan tài của Kim Chính Nhật và được cho là những người đang hướng dẫn nhà lãnh đạo trẻ cách cai trị đất nước.
Sau đó, đáng kinh ngạc nhất là anh trai cùng cha khác mẹ của Kim, Kim Jong Nam, bị sát hại vào tháng Hai năm 2017 tại phi trường Kuala Lumpur ở Malaysia. Các đặc vụ Bắc Hàn đã trả những khoản tiền nhỏ cho hai phụ nữ trẻ, trong đó có một cô gái Việt Nam, để xịt vào mặt Kim Jong Nam một thứ chất lỏng như một trò đùa. Chất lỏng đó hóa ra là chất độc thần kinh VX.
Ba cái chết này tiêu biểu cho việc giết hàng loạt những người khác – những người gần gũi với ông ta.
Theo lệnh của Kim, chế độ Bắc Hàn cũng đã tìm đủ cách để tiêu diệt cái mà ông gọi là “căn bệnh ung thư hiểm nghèo” của văn hóa đại chúng Nam Hàn – chẳng hạn như nhạc trẻ K-Pop hoặc phim Squid Game – đang thâm nhập vào đất nước Bắc Hàn bất chấp những rủi ro nghiêm trọng cho những người lén xem chúng.
Trong tuần này, Nhóm Công tác Tư pháp Chuyển tiếp (Transitional Justice Working Group) có trụ sở tại Seoul cho biết nhiều người trong số những người bị bắt quả tang “đang xem hoặc phát tán video của Nam Hàn” đã bị hành quyết. Từ các cuộc phỏng vấn 683 người trốn thoát khỏi Bắc Hàn, báo cáo liệt kê 27 khu chôn cất chính thức và nêu chi tiết 23 vụ hành quyết. “Các cuộc phỏng vấn cho thấy việc đối xử vô nhân đạo với bị cáo trước khi hành quyết — được sử dụng như một lời cảnh báo cho công chúng — vẫn tồn tại dưới thời Kim Jong Un” mặc dù “trong một số trường hợp, các lệnh ân xá đã được ban hành” để thể hiện sự “nhân từ” của ông ta.
Các cuộc hành quyết, thường diễn ra ở nơi công cộng, đã trở thành thông lệ trong suốt triều đại của gia tộc họ Kim, từ thời Kim Nhật Thành, người qua đời năm 1994 và sau đó là Kim Chính Nhật, nhưng “sau khi Kim Jong Un lên nắm quyền, nó trở nên tồi tệ hơn”, theo Ji Seung-ho, người trốn khỏi Triều Tiên vào năm 2006. Ông Ji, hiện là đại biểu Quốc hội Nam Hàn, nói với các thành viên của Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Seoul rằng nhà lãnh đạo mới, chưa đầy 30 tuổi, “bắt đầu nhắm vào tầng lớp quan chức thượng lưu để thể hiện sức mạnh của mình.”
Đồng thời, lo sợ về ảnh hưởng khó có thể kiềm chế của quân đội, Kim Jong Un đã tìm cách đề cao vai trò của đảng Lao động Triều Tiên lên trên các lực lượng vũ trang – một đội quân khoảng 1.2 triệu người, bao gồm hàng chục nghìn người đóng trong phạm vi vài dặm quanh khu vực phi quân sự giữa Bắc và Nam Hàn.
Ji cho biết, trước khi Kim Jong Un lên nắm quyền, thì “quân đội là trên hết”. “Ông ấy đã chuyển sang đặt cho đảng nhiều quyền lực hơn,” tự bổ nhiệm mình làm tổng bí thư đảng đồng thời là chủ tịch ủy ban các vấn đề nhà nước.
Robert Collins, tác giả các cuốn sách và nghiên cứu về các cuộc tranh giành quyền lực ở Bắc Hàn, cho rằng việc đề cao quyền kiểm soát của Ban Tổ chức và Hướng dẫn của đảng (Organization and Guidance Department) là “thành tựu lớn nhất” của ông Kim. Dưới quyền của em gái ông ta, bà Kim Yo Jong, phó trưởng ban, cơ quan đó là “tháp canh của chế độ”, qua đó người anh lớn nắm giữ “mọi định chế ở Bắc Hàn, bao gồm cả quân đội và các sở an ninh. Sự kiểm soát như vậy là rất quan trọng cho việc tiếp tục cai trị của ông ấy,” ông Collins nói với The Daily Beast.
Sau khi Kim nổi lên như một người cai trị đầy quyền lực theo kiểu của mình, ông ta đã xuất hiện hoành tráng trong con mắt của thế giới. Năm 2017, năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, cựu Tổng thống Donald Trump đã gọi Kim Jong Un là “người tên lửa” (rocket man), lên án các vụ thử hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn và đe dọa sẽ “tiêu diệt hoàn toàn” ông ta trong một bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc.
Những lời nói giận dữ đó bị đảo ngược hoàn toàn khi hai người này gặp nhau tại Singapore vào tháng Sáu năm 2018, trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn. Ông Trump, cố thuyết phục ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân sau khi hai bên ký vào một tuyên bố chung cam kết làm việc vì “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, sau đó nói rằng họ đã “yêu nhau” (!).
Tuy nhiên, niềm đam mê vào ông Kim đã phai nhạt khi Trump bước ra khỏi hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim tiếp theo ở Hà Nội vào tháng Hai năm 2019 sau khi Kim từ chối nhượng bộ các yêu cầu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và Hoa Kỳ không chịu bãi bỏ các lệnh trừng phạt.
Tổ hợp chế tạo vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn tại Yongbyon hiện vẫn đang hoạt động để chế tạo đầu đạn và hỏa tiễn, theo 38 North, một tổ chức tư vấn chuyên theo dõi Bắc Hàn từ Washington.
Năm nay, ông Kim năm nay đã ra lệnh thử hỏa tiễn siêu thanh và hỏa tiễn đạn đạo phóng từ tàu ngầm nhưng kể từ tháng Chín 2017 đến nay Bắc Hàn không còn thử bom hạt nhân nữa.
Giờ đây, ông Kim phải đối mặt với những thách thức kinh tế liên quan nhiều đến việc chuyển trọng tâm quyền lực từ quân đội sang đảng Lao động Triều Tiên. Theo chuyên gia Bruce Bennett của RAND Corporation, trên thực tế, “trong một khoảng thời gian đáng kể, Kim dường như mất quyền kiểm soát nền kinh tế Bắc Hàn. Các doanh nhân Bắc Hàn đã phát triển hình thức chủ nghĩa tư bản của riêng họ khiến nhiều cá nhân trở nên giàu có và có thể hối lộ các quan chức chính phủ, tránh sự kiểm soát của Kim ”.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là nạn đói hàng loạt gợi nhớ đến nạn đói những năm 1990 đã cướp đi sinh mạng của khoảng hai triệu người Bắc Hàn.
Chuyên gia Bennett nói với The Daily Beast: “Khó khăn của Bắc Hàn trong việc nuôi sống người dân, và đặc biệt là giới tinh hoa của họ, là một thất bại lớn đối với Kim. Ông ta đã hy vọng kích thích hành động yêu nước sẽ làm tăng năng suất cây trồng và đáp ứng nhu cầu lương thực, đồng thời cũng tăng năng suất của phần còn lại của nền kinh tế Bắc Hàn. Nhưng ông ấy dường như không thành công nhiều trong việc này – nếu không nói đó là một thất bại lớn.”
Triển vọng tương lai của Bắc Hàn rất âm u nhưng không thể phủ nhận Kim Jong Un đã chứng tỏ bản lĩnh của một nhà độc tài khát máu. Evans Revere, một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, người đã theo dõi chặt chẽ sự phát triển của Kim Jong Un từ Seoul và Washington, nhận xét: “Những người hoài nghi đã đánh giá thấp mức độ mà Kim Chính Nhật chuẩn bị cho con trai mình lên nối ngôi lãnh đạo và đã chọn con trai thứ hai chính vì người đàn ông trẻ tuổi này khét tiếng gian xảo và tàn nhẫn”.
Revere nói sau khi “củng cố quyền lực của mình một cách tàn bạo”, ông Kim đã “lấp đầy các cơ quan cấp trên của đảng, bộ máy an ninh và quân đội bằng một nhóm trẻ trung thành hơn.” Hiện tại, sau khi “đã nắm quyền kiểm soát vững chắc, mối đe dọa thực sự duy nhất đối với sự cai trị của ông ta dường như là một lối sống phóng túng và những gen xấu đang lan tỏa trong giới trẻ Bắc Hàn”.
Người dân Triều Tiên đã phải trả giá cho sự tàn bạo của Kim. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) có trụ sở tại New York, cáo buộc rằng Kim đã “mở rộng sự giám sát và đàn áp người dân Bắc Hàn; từ chối quyền tự do đi lại của người dân trong nước và xuyên biên giới, đồng thời phản ứng với đại dịch COVID-19 không hợp lý dẫn tới tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng và nạn đói trên diện rộng”. HRW cho biết trong khi ông ta “mở cửa nền kinh tế và giảm các cuộc đàn áp lớn đối với các thị trường của thương nhân thì việc vượt biên trái phép gần như không thể xảy ra, các hành vi tham nhũng đã được bình thường hóa và việc chính phủ “yêu cầu” người dân lao động không công đã tăng lên”.
Thật vậy, “người dân Bắc Hàn phải trả giá rất đắt” cho việc Kim nắm quyền lực tuyệt đối, ông Daniel Pinkston, nhà phân tích lâu năm về Bắc Hàn tại Đại học Troy, Nam Hàn, cho biết. Kim “và bè đảng của ông ta là những người rất tàn nhẫn; họ tức giận và muốn trút cái giá phải trả cho sự tồn tại của chế độ lên các thành phần dân chúng Bắc Hàn.”
Tuy nhiên, sức khỏe của Kim Jong Un là “một biến số thú vị”, ông Pinkston nói. Gần đây Kim đã giảm khoảng 45 pound (20.4kg). Ông ta chỉ còn nặng khoảng 265 pound (120kg), dựa trên các bức ảnh được phân phối từ Bình Nhưỡng. Ông ta trông khá ổn nhưng không ai biết ông ta sẽ còn mạnh khỏe được bao lâu.
“Nếu Kim không còn là nhà lãnh đạo, liệu có ai đó không phải là một thành viên gia tộc Kim có thể bước lên và sử dụng cái huyền thoại ca ngợi nhà họ Kim trong hơn nửa thế kỷ qua hay không?” ông Pinkston đặt câu hỏi. “Tôi nghi ngờ chuyện đó. Việc giảm cân gần đây của Kim có phải do bệnh tật không? Hay đó là một sự lựa chọn có chủ ý để cải thiện sức khỏe? Nếu ông ta bị bệnh tật và ông ta không thể cầm quyền lâu dài, thì khả năng xảy ra bất ổn cho đảng và nhà nước Bắc Hàn là lớn hơn rất nhiều”.
Tham khảo The Daily Beast
Đọc thêm: