Quan hệ Mỹ-Trung xuống vực sau chuyến đi của bà Pelosi

Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ nhưng không phải vì chuyến đi gây tranh cãi của bà Pelosi
Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu, trái) tiễn Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi ra máy bay rời Đài Loan sáng ngày 4 Tháng Tám 2022. Ảnh Taiwan Ministry of Foreign Affairs.

Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Nhưng sự sụp đổ này có căn nguyên lâu dài, không phải vì chuyến đi gây tranh cãi của bà Pelosi.

Chủ tịch Pelosi đã được chào đón nồng nhiệt ở Đài Bắc; được hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ở thủ đô Washington, dù chính quyền Biden không thoải mái lắm. Nhưng chuyến đi của bà khiến cho Bắc Kinh và những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc phẫn nộ và sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng ngay cả sau khi bà rời đi.

Trung Quốc hiện đã chuẩn bị các cuộc phô trương vũ lực mới ở eo biển Đài Loan để làm rõ các yêu sách chủ quyền của họ đối với hòn đảo là không thể thương lượng; Đài Loan vẫn bị Bắc Kinh coi là một tỉnh nổi loạn cho dù đảng cộng sản và nhà cầm quyền Hoa Lục chưa bao giờ chiếm được, đặt chân được tới hòn đảo dân chủ này.

Yêu sách chủ quyền ngang ngược đó mâu thuẫn với chính sách của Hoa Kỳ, ủng hộ Đài Loan về ngoại giao và cung cấp vũ khí cho hòn đảo này là gốc rễ của quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về Đài Loan, nguy cơ đối đầu quân sự ngày càng tăng dù có chủ ý hay không.

Chuyến đi của bà Pelosi có thể làm xáo trộn thêm mối quan hệ vốn đã phức tạp vì những khác biệt về thương mại, cuộc chiến ở Ukraine, nhân quyền v.v… giữa Washington với Bắc Kinh nhưng dù không có chuyến đi gây tranh cãi của bà Chủ tịch Hạ Viện thì tình hình cũng không yên ổn hơn.

Lo lắng với phản ứng của Trung Quốc, chính quyền Biden đã can ngăn nhưng không ngăn cản bà Pelosi đến thăm Đài Loan. Washington đã nhấn mạnh với Bắc Kinh rằng Chủ tịch Hạ viện không phải là thành viên của cơ quan hành pháp và chuyến thăm của bà không thể hiện sự thay đổi trong chính sách “một Trung Quốc” của Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên lý lẽ đó không làm cho Trung Quốc thoải mái vì một là, thể chế đảng Cộng sản toàn trị của họ không hề có sự phân chia quyền lực giữa hành pháp và lập pháp, và hai là thực tế bà Pelosi – người sẽ lên làm tổng thống Mỹ nếu xảy ra tình huống mà cả tổng thống và phó tổng thống đều không thể tiếp tục điều hành đất nước – đến đâu cũng được đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia. Tại Đài Loan, bà Pelosi đã tiếp xúc và đàm đạo với những nhân vật lớn nhất của đảo quốc, từ Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đến Chủ tịch Quốc Hội Đài Loan Chen Chu, các nhà lập pháp cấp cao và các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng.

Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (trái) và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp gỡ hôm 3 Tháng Tám 2022 tại Đài Bắc. Ảnh Taiwan Ministry of Foreign Affairs .

Sự phẫn nộ của Trung Quốc là dễ hiểu. Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là “hành động khiêu khích nguy hiểm vì lợi ích chính trị cá nhân”. “Việc mà Pelosi đã làm dứt khoát không phải là bảo vệ và duy trì dân chủ mà chỉ là hành vi gây hấn và xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc,” bà Hoa nói trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 3 Tháng Tám tại Bắc Kinh, lặp lại những lời cảnh báo đao to búa lớn mà Bắc Kinh đã lải nhải suốt tuần qua.

Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ hơn bình thường có thể vì chuyến đi của bà Pelosi diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm về chính trị của Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 20 vào Tháng Mười Một, ở đó ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ được bầu làm lãnh đạo nhiệm kỳ thứ ba, một việc chưa có tiền lệ. Nhưng ông ta đang gặp rất nhiều thách thức ở trong nước: kinh tế chậm lụt, thất nghiệp tăng cao, thị trường bất động sản ngấp nghé phá sản và nợ nần chồng chất.

Chính sách “zero-COVID” của ông ta càng ngày càng bị người dân phản đối vì nó giam hãm cuộc sống và sinh hoạt của họ. Theo “cẩm nang cai trị” có từ thời binh pháp Tôn Tử, mỗi khi nội bộ Trung Quốc có vấn đề, nhà cầm quyền thường “xuất cảng xung đột” ra bên ngoài để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng. Thời điểm này, ông Tập đang muốn chứng tỏ sức mạnh bằng cách gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng để khỏa lấp những thất bại trong nước. Hành động đi thăm Đài Loan của bà Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ bỗng dưng trở thành cái cớ rất tốt để Bắc Kinh lên gân và chơi trò tháu cáy với Washington.

Cho đến lúc này, sau khi phái đoàn của Hạ Viện Hoa Kỳ do bà Chủ tịch Pelosi dẫn đầu đã rời Đài Loan, phản ứng gây lo ngại nhất là Bộ Quốc Phòng Trung Quốc thông báo sẽ thực hiện một loạt “các chiến dịch quân sự có mục tiêu” (targeted military operations), gồm những cuộc tập trận Hải Quân và Không Quân kết hợp cùng với tập bắn đạn thật và hỏa tiễn tầm xa ở sáu khu vực chung quanh đảo Đài Loan từ ngày 4 đến 7 Tháng Tám.

“Chiến dịch quân sự có mục tiêu” nghe quen quen – nó giống cụm từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà ông Vladimir Putin của Nga đặt ra để che đậy cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine cách đây hơn năm tháng. Bây giờ, ông Tập có lặp lại thủ đoạn của Putin, xâm lược Đài Loan hay không? Các quan sát viên đều cho rằng Tập “khôn” hơn Putin và sẽ không liều lĩnh như vậy; đánh Đài Loan, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được và hành động diễu võ giương oai của ông ta chẳng qua là để thỏa mãn tâm lý dân tộc chủ nghĩa của dân chúng trong nước hơn là để gây ra một cuộc xung đột quân sự thực sự với Đài Loan – có sự yểm trợ của Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (đứng) giới thiệu Chủ tịch Pelosi và phái đoàn Hạ Viện Hoa Kỳ với các nhà lập pháp và quan chức cao cấp Đài Loan. Ảnh Taiwan Ministry of Foreign Affairs

Tuy vậy, Tòa Bạch Ốc không thể khinh suất với những cái đầu nóng máu phiêu lưu ở Trung Nam Hải. Bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao để nghe những lời phàn nàn của Trung Quốc, Đại sứ Hoa Kỳ Nicholas Burns khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch Pelosi chỉ là thông lệ.

“Hoa Kỳ không leo thang và sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để ngăn chặn hoàn toàn sự leo thang”, ông Burns nói, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Từ thủ đô Washington, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói chuyến thăm của bà Pelosi “không thay đổi bất cứ điều gì” trong quan điểm của Hoa Kỳ về Trung Quốc và Đài Loan và Hoa Kỳ đã mong đợi phản ứng gay gắt của Trung Quốc, cho dù đó là sự phản ứng không chính đáng.

Hôm thứ Tư 3 Tháng Tám, các ngoại trưởng của Nhóm 7 nền dân chủ công nghiệp (G7) đã đưa ra một tuyên bố yêu cầu Trung Quốc hãy bình tĩnh. Các bộ trưởng G7 cho biết: “Việc các nhà lập pháp từ các nước chúng tôi công du quốc tế là chuyện bình thường và thường xuyên. Phản ứng leo thang của CHND Trung Hoa có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và gây mất ổn định khu vực. Chúng tôi kêu gọi CHND Trung Hoa không đơn phương thay đổi hiện trạng của khu vực bằng vũ lực và giải quyết những sự khác biệt ở hai bên eo biển bằng các biện pháp hòa bình”.

Chừng nào Trung Quốc vẫn quyết thâu tóm Đài Loan, chừng nào dân Đài Loan vẫn quyết giữ độc lập tự do và Hoa Kỳ vẫn ủng hộ Đài Loan theo Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan 1979 thì nguy cơ xung đột vẫn nóng. Câu hỏi không phải là có xảy ra xung đột Mỹ-Trung hay không mà là bao giờ nó sẽ xảy ra.

“Bắc Kinh và Washington càng ngày càng khó đồng ý với nhau về Đài Loan,” ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư danh dự tại Đại học Baptist Hong Kong, nhận định. “Họ [Trung Quốc] sẽ thử thách người Mỹ và người Đài Loan”, và do đó sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực là hết sức cần thiết. “Phía Hoa Kỳ phải làm gì đó để vạch ra những lằn ranh đỏ, ngăn chặn Trung Quốc đi quá xa”, ông Cabestan nói với AP.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: