Sau bầu cử, Mỹ có thay đổi chính sách đối ngoại?

Tuy đảng Cộng hòa có thể kiểm soát Quốc hội sau bầu cử nhưng Tổng thống Biden vẫn cho rằng ngày Bầu cử là ngày tốt cho nền dân chủ và đường lối đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ không có thay đổi căn bản. Ảnh ông Biden đến dự một cuộc meeting của đảng Dân Chủ tối ngày 10-11-22 khi phiếu bầu đang được kiểm đếm. Ảnh Nathan Posner/Anadolu Agency via Getty Images.

Khi ngôi sao MAGA mờ dần, các nhà phân tích dự đoán sau bầu cử giữa kỳ Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine và NATO và có thể gây áp lực mạnh hơn với Trung Quốc. Báo The New York Times ghi nhận ý kiến các chuyên gia.

Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử giữa kỳ cho thấy đảng Cộng Hòa dường như đang có một chiến thắng sít sao tại Hạ Viện, còn số phận của Thượng Viện chưa chắc chắn. Các nhà ngoại giao và phân tích chính sách đã bắt đầu tìm hiểu xem, tình hình đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với chính sách của Mỹ ủng hộ cuộc chiến của Ukraine chống Nga, đối với NATO và đối với Trung Quốc.

Chính sách với châu Âu sẽ không thay đổi 

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (trái) giới thiệu Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska phát biểu trước toàn thể Quốc hội Mỹ về nạn nhân chiến tranh ở Ukraine. Chính sách hỗ trợ Ukraine của Mỹ dự kiến sẽ không có sự thay đổi lớn sau bầu cử. Ảnh Jabin Botsford – Pool/Getty Images

Các nhà phân tích cho rằng ít nhất châu Âu cũng sẽ bị nhiều áp lực phải tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine hơn nữa. 

Michael Gahler, một thành viên bảo thủ người Đức của Nghị viện Châu Âu nhận xét: “Tôi tin phần lớn đảng Cộng Hòa không có thiện cảm với Nga, và về bản chất, tôi không thấy có sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine.”

Ủng hộ NATO là một trong số ít sự đồng thuận lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ và dự kiến điều đó ​​sẽ tiếp tục, đặc biệt là trước thách thức của Nga đối với toàn bộ trật tự an ninh xuyên Đại Tây Dương.

Nathalie Tocci, Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế của Ý, đồng ý như vậy. “Một điều chúng tôi biết là đã không có ‘làn sóng đỏ’ mà mọi người sợ hãi và nhiều đảng viên Cộng hòa MAGA đã không được bầu”, bà Tocci đề cập đến khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) của ông Trump.

Bà Tocci nói: “Bất kể kết quả chính xác ra sao, tôi không nghĩ bây giờ sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đặc biệt là về Ukraine. Những người Cộng hòa sẽ không có một nòng cốt đủ mạnh để ngăn cản việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.”

Leslie Vinjamuri, người điều hành Chương trình Hoa Kỳ và Châu Mỹ của Viện nghiên cứu uy tín Chatham House ở London, nói rằng đối với châu Âu, điều quan trọng về cuộc bầu cử giữa kỳ là kết quả “không tốt cho Donald Trump và cho cả nước Mỹ mà số phận đã gắn chặt với số phận của Trump, đây không phải là chuyện nhỏ”. 

Nhưng bà Vinjamuri nhận định thắng lợi của đảng Cộng hòa không đủ lớn để có thể tạo ra một sự thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ. “Nếu tổng thống bị áp lực phải giảm sự ủng hộ Ukraine, thì nhiều khả năng áp lực đó đến từ các đối tác quốc tế của Mỹ hơn là từ Quốc hội”. 

Sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc

Vấn đề Trung Quốc và cách Hoa Kỳ nhìn nhận Đài Loan, một hòn đảo dân chủ tự trị, có thể sẽ thay đổi một chút nhưng không căn bản – đó là nhận định của bà Bonnie S. Glaser, Giám đốc chương trình châu Á của Quỹ Marshall Đức, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington. 

Bà Glaser nhận định: “Vấn đề duy nhất có được sự ủng hộ đầy đủ của cả hai đảng là Trung Quốc”. “Tôi không nghĩ sẽ có sự thay đổi lớn. Nếu có điều gì thay đổi thì đó là đối với Trung Quốc, đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ mạnh hơn cho đường lối ‘rõ ràng về chiến lược’ (strategic clarity) khi cam kết bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự thay vì chính sách mơ hồ chiến lược (strategic ambiguity) hiện nay”.

Theo bà Glaser hiện có những lĩnh vực tiềm ẩn xung đột. Dân biểu Kevin McCarthy của California, lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa trong Hạ viện hiện nay và là người có tham vọng thay thế bà Nancy Pelosi làm lãnh đạo Hạ viện nếu Cộng hòa giành được đa số, đã nói rằng ông ta sẽ đi thăm Đài Loan. Chuyến đi Đài Bắc của bà Pelosi hồi Tháng Tám đã gây ra một cuộc khủng hoảng, do Trung Quốc thực hiện các cuộc tập trận bắn đạn thật để trả đũa. “Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ với một chuyến thăm khác như vậy, và họ muốn làm một điều gì đó chưa từng có”, bà Glaser nói.

“Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo cùng một quỹ đạo, sẽ không có thay đổi đáng kể. Nhưng đảng Cộng hòa có xu hướng thích những lời hùng biện cứng rắn về mọi thứ”, bà Oriana Skylar Mastro, thành viên Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Stanford, nhận định. 

Chính quyền của Tổng thống Biden đã coi việc quản lý mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh là “phép thử địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21” và xác định phần lớn cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc trong tinh thần đó, tập trung vào các mối quan tâm về nhân quyền, an ninh quốc gia và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.

Làm ăn giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ bị hạn chế

Một cửa hàng giới thiệu và bán xe Tesla ở Thượng Hải, Trung Quốc. Quan hệ thương mại Mỹ-Trung được cho là sẽ hạn chế hơn trong thời gian tới, Ảnh CFOTO/Future Publishing via Getty Images

Một Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể làm cứng rắn thêm lập trường vốn đã cứng rắn đối với các công ty Mỹ bằng cách hạn chế xuất cảng sang khu vực Tân Cương, nơi Bắc Kinh bị cáo buộc giam giữ trong các trại cải tạo hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc khác theo Hồi giáo.

Isaac Stone Fish, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Strategy Risks, cho biết điều đó có thể khiến các công ty như Tesla của Elon Musk rơi vào thế khó. Tesla đã bị chỉ trích vì đã mở đại lý bán xe ở Tân Cương, nhưng điều đó không bị luật pháp Hoa Kỳ hạn chế. Một Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát có thể thay đổi các luật lệ đó.

Đảng Cộng hòa cũng có thể thúc đẩy việc gia tăng hạn chế sự tham gia của Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Phố Wall, trong các công ty Mỹ và trong khuôn viên các trường đại học. “Đảng Cộng hòa cảm thấy thoải mái hơn trong việc hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ và hạn chế khả năng của các học giả và nhà khoa học Trung Quốc ở đây”, ông Stone Fish nói. 

Amanda Hsiao, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại International Crisis Group, cho biết các thông điệp và hành động đối kháng nhau của các nhà lập pháp Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan, khiến Trung Quốc dễ hiểu lầm và có những phản ứng thái quá.

Nhìn rộng hơn, tỷ lệ sít sao giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Thượng viện có thể cho ông Biden có thêm không gian rộng rãi hơn để làm dịu căng thẳng với Trung Quốc và thực hiện một số điều chỉnh trong mối quan hệ mà trước đây từng bị đảng Cộng hòa chỉ trích trong các cuộc vận động bầu cử, ông Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận xét.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: