H.C.
Tân thủ tướng Yoshihide Suga có kế hoạch thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong cương vị người lãnh đạo Nhật Bản.
Chuyến công du, dự định vào trung tuần tháng Mười, được cho là nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh giữa Tokyo với hai đồng minh gần gũi nhất ở Đông Nam Á. Ông Suga, nhậm chức thủ tướng Nhật ngày 16 tháng Chín vừa qua, dự tính sẽ gặp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Các nhà quan sát chính trị từng dự đoán thủ tướng Suga sẽ theo bước chân của những nhà lãnh đạo tiền nhiệm, sẽ dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên để đến thủ đô Washington và nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ có từ năm 1945. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang trong cuộc bầu cử tổng thống “hỗn loạn” nhất từ trước tới nay và Nhật không muốn bị lôi kéo vào những vấn đề chính trị của Mỹ. Một chuyến công du Hoa Kỳ sau bầu cử, khi đã xác định ai là nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong bốn năm kế tiếp, sẽ thuận lợi hơn cho tân thủ tướng Nhật Bản.
Theo nhà báo Julian Ryall của báo South China Morning Post tại Hong Kong, việc ông Suga chọn hai nước Đông Nam Á đang có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông làm điểm viếng thăm đầu tiên cho thấy ông nhấn mạnh vào tầm quan trọng của các nước này trong chiến lược khu vực của Nhật Bản đối phó với Bắc Kinh. Đồng thời nó thể hiện ước muốn giữ khoảng cách giữa Nhật Bản và các cuộc tranh cãi chính trị ồn ào tại Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng sau.
Ông Suga, vốn là chánh văn phòng nội các chính phủ Nhật Bản thời thủ tướng Shinzo Abe, chủ yếu phụ trách những công việc đối nội, được cho là người có ít kinh nghiệm về quan hệ quốc tế, Các phân tích gia nói Việt Nam và Indonesia là hai nước “thẳng thắn và cởi mở”, là những địa điểm thích hợp cho chuyến công du hải ngoại đầu tiên của ông với tư cách thủ tướng.
Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á của Đại học Temple phân hiệu Tokyo, nhận định: “Đây là hai nước mà Nhật Bản thấy đang chia sẻ mối quan tâm của Tokyo về Trung Quốc và ủng hộ tầm nhìn của Nhật Bản về “vùng châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Mối quan tâm giống nhau có thể là chất xúc tác để gắn kết Nhật Bản với Việt Nam, Indonesia và với Đông Nam Á nói chung.
*
Nhật Bản đã cung cấp nhiều khoản viện trợ cho xây dựng hạ tầng đường sá ở Indonesia, nổi bật là tuyến đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Jakarta và thành phố Surabaya ở Đông Java.
Các dự án đường sắt đã lên trang nhất của báo chí Indonesia gần đây khi tuyến đường nối Jakarta với Bandung do một tổ hợp các công ty Trung Quốc xây dựng bị chậm tiến độ và đội vốn lên nhiều lần, dự tính hoàn tất vào năm 2019 mà đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.
Với dự án đường sắt Jakarta – Surabaya,chính phủ Indonesia lúc đầu bác bỏ đề nghị của các nhà thầu Nhật Bản để chọn nhà thầu Trung Quốc có giá thấp hơn, nhưng cuối cùng đã phải nhờ Nhật Bản thực hiện dự án. Dư luận Indonesia phẫn nộ với tình hình ở dự án đường sắt Jakarta – Bandung, với việc nhà thầu Trung Quốc đưa công nhân từ Hoa Lục sang làm việc thay vì tuyển dụng công nhân địa phương, nguy cơ mắc vào bẫy nợ của Bắc Kinh và các hiểm họa môi trường do cách làm ăn tắc trách của nhà thầu Trung Quốc.
*
Việt Nam là nước nhận được nhiều viện trợ của Nhật Bản nhất trong 20 năm qua. Mới đây, hồi tháng Tám, chính phủ Nhật đã ký hợp đồng tín dụng cung cấp cho Hà Nội 348 triệu Mỹ kim để đóng sáu tàu tuần duyên tối tân trang bị cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Hợp đồng viện trợ này được coi là sự ủng hộ ngầm của Tokyo với lập trường của Hà Nội trong cuộc tranh chấp đang diễn ra với Trung Quốc về quyền kiểm soát các thực thể địa lý ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cựu thủ tướng Shinzo Abe cũng đã từng đi thăm Việt Nam đầu tiên khi bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của ông, vào tháng Mười Hai năm 2012, coi Việt Nam là thành tố chính trong chính sách đối ngoại khu vực của Nhật Bản.
Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Đối tác Kinh tế năm 2006 và dần dần nâng cấp thành quan hệ đồng minh chiến lược trong những năm gần đây. Từ 2014 đến 2018, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam 280 triệu Mỹ kim để phát triển hạ tầng đường sá, quản lý nguồn nhân lực, quản lý môi trường và cải thiện quản trị hành chánh. Đối lại, Việt Nam trở thành điểm đến ưu tiên cho vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản trong xu thế chuyển dần sản xuất ra ngoài Trung Quốc.
*
Việc thủ tướng Suga chọn Việt Nam và Indonesia – chứ không phải Hoa Kỳ – để đến thăm trong chuyến công du hải ngoại đầu tiên, rõ ràng phát đi một tín hiệu về ưu tiên mới trong chính sách ngoại giao của Nhật là hướng về khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh với ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc ở khu vực này.
Tuy nhiên, sự chuyển hướng ưu tiên đó của ông Suga không đi ngược quan hệ đồng minh giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Sáng kiến “châu Á Thái Bình Dương tự do và rộng mở” tuy được đề xướng bởi cựu thủ tướng Shinzo Abe nhưng nay đã trở thành chiến lược chung của khối Quad (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc), trong đó Hoa Kỳ có vai trò trung tâm. Một hội nghị cấp cao của bốn nước nhóm Quad sẽ diễn ra ở Tokyo trong tuần sau, ngay trước chuyến công du hải ngoại đầu tiên của ông Suga.
Thủ tướng Suga cũng đã điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều nhà lãnh đạo quốc gia khác, kể cả tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Anh Boris Johnson và tổng thống Pháp Emmanuel Macron.