Hôm nay Thứ Năm 16 Tháng Mười Hai, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra các hạn chế đầu tư và xuất khẩu đối với hàng chục công ty Trung Quốc, cáo buộc họ đồng lõa trong việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ thiểu số hoặc giúp đỡ quân đội Trung Quốc.
Trong số các doanh nghiệp mới bị Bộ Tài chính trừng phạt nổi bật có công ty sản xuất máy bay không người lái (drone) hàng đầu thế giới DJI.
Hãng tin Reuters cho biết, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã quy trách nhiệm cho DJI và bảy công ty công nghệ khác đã hỗ trợ “giám sát và theo dõi sinh trắc học” đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) ở tỉnh Tân Cương miền Tây Trung Quốc; thêm các công ty này vào danh sách các thực thể bị nghi ngờ có liên kết với quân đội Trung Quốc.
Tám công ty công nghệ mới thêm vào danh sách đen của Bộ Tài chính gồm có công ty Cloudwalk Technology Co.; Dawning Information Industry Co. Ltd.; Leon Technology Co. Ltd.; Megvii Technology Ltd.; Netposa Technologies Ltd.; SZ DJI Technology Co. Ltd.; Xiamen Meiya Pico Information Co. Ltd. và Yitu Ltd.
Người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ bị cấm đầu tư mua bán cổ phiếu, chứng khoán của các công ty đó dù ở các thị trường chứng khoán Mỹ hay thị trường chứng khoán nước ngoài.
Cũng hôm Thứ Năm 16 Tháng Mười Hai, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc và 11 viện nghiên cứu của học viện này vào danh sách đen thương mại, hạn chế quyền mua hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ. Bộ Thương mại cho rằng, học viện này tập trung vào việc sử dụng công nghệ sinh học để hỗ trợ quân đội Trung Quốc; sử dụng các công nghệ như sinh trắc học và vũ khí “kiểm soát não bộ” theo cách mà các quan chức Mỹ cho rằng gây đe dọa cho an ninh quốc gia. Quyết định của Bộ Thương mại cấm xuất cảng công nghệ Mỹ cho các thực thể trong danh sách đen thương mại, trừ khi nhà xuất cảng có được giấy phép đặc biệt của chính phủ.
Bộ Thương mại cũng bổ sung thêm các công ty HMN International, trước đây là Huawei Marine (hàng hải), Jiangsu Hengtong Marine Cable Systems (lắp đặt mạng cáp quang), Jiangsu Hengtong OpticElectric (cáp quang), Shanghai Aoshi Control Technology Co, Ltd và Zhongtian Technology Submarine Cable (cáp quang) vào danh sách đen, cáo buộc các công ty này tìm cách mua lại công nghệ từ Hoa Kỳ để giúp hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.
Bộ Thương mại cho rằng các công ty công nghệ cáp quang và viễn thông này hỗ trợ quân đội và tình báo Trung Quốc thu thập thông tin bí mật qua việc truyền dẫn thông tin trong mạng cáp quang biển mà họ lắp đặt cho các nước, đặc biệt là các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc họ thu thập tin tức tình báo qua mạng cáp quang.
Quyết định trừng phạt mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc là một phần trong nỗ lực ngăn chặn việc các nước khác lạm dụng tiến bộ công nghệ để theo dõi công dân, đặc biệt trong trường hợp Trung Quốc, là để thực thi sự kiểm soát xã hội trên quy mô lớn.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết: “Thành tựu khoa học trong công nghệ sinh học và sáng tạo y khoa có thể cứu sinh mạng con người. Nhưng không may, [Trung Quốc] đã chọn sử dụng công nghệ để theo đuổi việc kiểm soát nhân dân và đàn áp những cộng đồng sắc tộc và tôn giáo thiểu số. Chúng tôi không thể cho phép hàng hóa, công nghệ và phần mềm điện toán hỗ trợ khoa học y tế và sáng tạo công nghệ sinh học của Hoa Kỳ bị chuyển sang các công dụng trái với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”, theo báo Washington Post.
Trung Quốc phủ nhận các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và đã chống lại sự “can thiệp” của Hoa Kỳ vào công việc nội bộ của họ, đồng thời cam kết bảo vệ các doanh nghiệp của mình trước các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington gọi các quyết định trừng phạt của Mỹ là “đàn áp không chính đáng”, vi phạm các quy tắc thương mại tự do, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích của các công ty và tổ chức nghiên cứu Trung Quốc. “Sự phát triển công nghệ sinh học của Trung Quốc luôn vì lợi ích của nhân loại. Những tuyên bố có liên quan của phía Hoa Kỳ là hoàn toàn vô căn cứ”, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu cho biết trong một email.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ coi hành động đàn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương là hành vi “diệt chủng”, bao gồm cả việc sử dụng lao động cưỡng bức và triệt sản. Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc đã thiết lập một “hệ thống giám sát công nghệ cao” trên khắp Tân Cương “như một phần của bộ máy áp bức”. Trong hệ thống đó, nhà cầm quyền không chỉ sử dụng sinh trắc học nhận dạng khuôn mặt để giám sát hàng loạt cư dân mà còn thu thập mẫu DNA của tất cả cư dân Tân Cương từ 12 đến 65 tuổi.
Các chuyên gia và nhóm nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ước tính rằng hơn một triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, đã bị giam giữ trong một hệ thống rộng lớn các trại tập trung ở khu vực Tân Cương xa xôi.
Ngoài ra, Trung Quốc có chiến lược “kết hợp quân sự-dân sự” về công nghệ, theo đó Bắc Kinh tìm cách sử dụng công nghệ sinh học mới nổi trong lĩnh vực y tế để hỗ trợ các ứng dụng quân sự trong tương lai, bao gồm tài trợ nghiên cứu về chỉnh sửa gen, nâng cao hiệu suất của con người, giao diện tương tác giữa máy tính với não bộ và vật liệu sinh học. “Chúng tôi đã lo ngại về hoạt động của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học trong một thời gian khá dài”, một quan chức cao cấp của Mỹ cho biết.
Tuyên bố hôm Thứ Năm 16 Tháng Mười Hai cùng với lệnh của Bộ Tài chính hồi tuần trước cấm đầu tư công ty nhận dạng khuôn mặt SenseTime của Trung Quốc có thể làm xấu đi mối quan hệ vốn đã rạn nứt giữa Bắc Kinh và Washington, bất chấp việc Tổng thống Joe Biden trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi Tháng Mười Một đã cố gắng thiết lập “lan can an toàn” nhằm ngăn cản hai siêu cường đi tới xung đột.
Cũng trong ngày Thứ Năm 16 Tháng Mười Hai, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Uyghur. Tổng thống Biden nói rằng ông sẽ ký nó thành luật và luật sẽ cấm các công ty Mỹ nhập cảng hàng hóa từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc do lo ngại về lao động cưỡng bức.
Luật cũng sẽ cấm các thực thể Hoa Kỳ đầu tư vào hàng chục công ty Trung Quốc bị cáo buộc có quan hệ với các lĩnh vực công nghệ giám sát hoặc quốc phòng. Hiện có khoảng 60 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen như vậy, từ nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC đến tập đoàn dầu khí quốc gia CNOOC.
Đọc thêm: