Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tới Kyiv vào sáng sớm thứ Ba giờ địa phương để hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trùng thời gian với chuyến thăm Moscow của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Kishida sẽ “thể hiện sự tôn trọng lòng dũng cảm và sự kiên nhẫn của người dân Ukraine, những người đang đứng lên bảo vệ quê hương của họ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Zelensky, đồng thời thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ vững chắc đối với Ukraine với tư cách là người đứng đầu Nhật Bản và chủ tịch G-7,” Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo về chuyến đi của ông Kishida tới Kiev.
Tại các cuộc đàm phán, Kishida sẽ thể hiện “sự phản đối tuyệt đối đối với việc Nga đơn phương thay đổi hiện trạng bằng xâm lược và vũ lực, đồng thời khẳng định cam kết bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, tuyên bố cho biết thêm.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở Moscow. Tổng thống Nga Vladimir Putin nồng nhiệt chào đón ông Tập tới Điện Kremlin trong chuyến thăm mà cả hai quốc gia mô tả là cơ hội để làm sâu sắc thêm “tình hữu nghị không giới hạn” của họ.
Đài truyền hình công cộng NHK của Nhật chiếu cảnh Kishida đi tàu lửa từ Ba Lan đến thủ đô Kyiv. Chuyến đi bất ngờ của ông Kishida đến Ukraine diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở New Delhi. Đoạn phim truyền hình trên NHK cho thấy ông Kishida đã lên một chuyến tàu từ nhà ga Przemysl của Ba Lan gần biên giới với Ukraine, cùng với một số quan chức.
Thủ tướng Kishida, người sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G-7 vào tháng Năm, là nhà lãnh đạo G-7 duy nhất chưa đến thăm Ukraine và chịu áp lực phải làm điều đó. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thực hiện một lộ trình tương tự đến thăm Kyiv vào tháng trước, ngay trước lễ kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine.
Do những hạn chế của hiến pháp hòa bình Nhật Bản, chuyến đi của ông Kishida đã được sắp xếp trong vòng bí mật. Ông Kishida là nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản thời hậu chiến bước vào vùng chiến sự.
Nhật Bản đã cùng với Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu trừng phạt Nga về cuộc xâm lược của nước này đồng thời cung cấp hỗ trợ nhân đạo và kinh tế cho Ukraine.
Nhật Bản đã nhanh chóng phản ứng vì lo ngại tác động của cuộc chiến Ukraine có thể kích động của một cuộc chiến ở Đông Á, nơi quân đội Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán và làm leo thang căng thẳng xung quanh đảo Đài Loan tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Do các nguyên tắc hòa bình của hiến pháp Nhật Bản, sự hỗ trợ của nước này cho Ukraine bị giới hạn ở các thiết bị quân sự phi chiến đấu như mũ bảo hiểm, áo chống đạn và máy bay không người lái, cũng như các nguồn cung cấp nhân đạo bao gồm cả máy phát điện.
Nhật Bản đã đóng góp cho Ukraine hơn $7 tỷ, đồng thời tiếp nhận hơn 2,000 người Ukraine tản cư và giúp họ hỗ trợ nhà ở, việc làm và giáo dục – một hành động hiếm có ở một quốc gia nổi tiếng với chính sách nhập cư nghiêm ngặt.
Đọc thêm