Chiến tranh Nga và Ukraine trước hết là cuộc đối đầu sinh tử giữa người Nga và người Ukraine. Nhưng trong bối cảnh địa chính trị hiện đại, nó không đơn thuần là chiến tranh giữa hai nước láng giềng có chung biên giới mà đã có dáng dấp một cuộc xung đột toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các nước khác.
Ukraine: Nhìn lại 100 ngày lửa khói 100 ngày kinh hoàng của người Việt ở Ukraine trong cuộc chiến của Putin |
Như đã trình bày trong bài trước, ngay sau khi Nga nổ súng xâm lược Ukraine, các đồng minh phương Tây đã nhanh chóng phản ứng bằng các lệnh trừng phạt kinh tế hết sức khắc nghiệt nhằm làm tiêu hao nguồn tài trợ chiến tranh của Nga. Nhưng đáng chú ý hơn cả là phương Tây, dẫn đầu bởi Hoa Kỳ cùng với NATO, đã liên tục viện trợ cho Ukraine nhiều loại vũ khí tối tân, huấn luyện binh sĩ, chia sẻ thông tin tình báo bí mật để giúp Ukraine ngăn cản có hiệu quả các cuộc tấn công của Nga và gây thương vong nặng nề cho quân đội Nga.
Cuộc chiến Nga-Ukraine: Trật tự và luật pháp quốc tế bị xâm phạm
Có thể khẳng định trong 100 ngày chiến tranh, viện trợ quân sự của phương Tây đã làm thay đổi tình hình chiến sự theo hướng có lợi cho Ukraine; nếu không có viện trợ quân sự kịp thời và đầy đủ của phương Tây, quân đội Ukraine khó có thể giành được những thành tích lớn lao như đẩy lùi quân Nga khỏi vùng thủ đô Kyiv và Kharkiv và giữ vững được đến hôm nay nhiều vùng lãnh thổ quan trọng của đất nước.
Chỉ có hai điều mà phương Tây chưa làm cho Ukraine là cử quân đội chính quy đến tham chiến và thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine để loại không quân Nga ra khỏi vòng chiến. Lý do để phương Tây không làm hai chuyện này là vì Ukraine không phải là thành viên của Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để có thể được tập thể bảo vệ theo Điều 5 của Hiến chương NATO và NATO không muốn trực tiếp đối đầu với Nga, một cường quốc quân sự có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Nhưng với sự hỗ trợ vũ khí và tình báo hầu như chưa có tiền lệ như vậy, vô hình chung Hoa Kỳ và rộng hơn là NATO đã đặt một chân vào cuộc xung đột dù các nhà lãnh đạo Mỹ trước sau đều nói rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là không trái với luật pháp quốc tế và NATO không phải là một bên xung đột.
Trong bài giải thích cho dân chúng Mỹ ngày 31 tháng Năm về những việc Hoa Kỳ sẽ làm và sẽ không làm ở Ukraine, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh ông không tìm kiếm một cuộc chiến tranh giữa NATO và Nga. “Chừng nào Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của chúng tôi không bị tấn công, chúng tôi sẽ không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này, sẽ không gửi quân đội Mỹ đến chiến đấu ở Ukraine và sẽ không tấn công lực lượng Nga. Chúng tôi không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho Ukraine tấn công bên ngoài biên giới của họ. Chúng tôi không muốn kéo dài chiến tranh chỉ để gieo rắc đau thương cho nước Nga.”
Thế thì tại sao phải viện trợ cấp tập cho Ukraine cả về quân sự lẫn kinh tế, trong đó riêng Hoa Kỳ đã chuẩn chi $40 tỷ và giao cho Ukraine những phương tiện chiến tranh tối tân nhất của Mỹ? Trong chuyến công du châu Á tuần trước, ông Biden phát biểu tại Tokyo rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine là “một vấn đề toàn cầu”, “cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia”. “Đây không chỉ là vấn đề của châu Âu mà là vấn đề toàn cầu”, ông Biden nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida.
Căn cứ cho lập luận của ông Biden là khi tấn công Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xâm lược một quốc gia độc lập, có chủ quyền và như thế là vi phạm luật pháp được minh định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, vi phạm trật tự quốc tế mà Hoa Kỳ và các nước khác có trách nhiệm bảo vệ. “Luật pháp quốc tế, nhân quyền phải luôn được bảo vệ bất kể chúng bị vi phạm ở đâu trên thế giới”, Tổng thống Biden nói trong diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ Tứ (QUAD) tại Tokyo.
Thông điệp cho Trung Quốc: Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh
Phát biểu đó của ông Biden được đưa ra ở Đông Á, nơi Trung Quốc đang theo dõi sát tình hình ở Ukraine để tính toán những bước đi tương lai của họ. Cũng như ông Putin của Nga, ông Tập Cận Bình của Trung Quốc đang nuôi mộng khôi phục “đế chế Trung Hoa vĩ đại”, và liên tục chèn ép, cưỡng bức các nước láng giềng nhỏ bé hơn. Ông Biden cho rằng, ông Putin hiện “phải trả giá rất đắt cho hành động tàn bạo của ông ta tại Ukraine” là để Trung Quốc và các nước khác hiểu rằng, một hành động xâm lược như vậy là không thể chấp nhận được.
Trong bài giải thích với dân chúng Mỹ, ông Biden còn quyết liệt hơn: “Lợi ích quốc gia thiết yếu của chúng ta là bảo đảm một châu Âu hòa bình và ổn định và làm rõ rằng lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh. Nếu Nga không phải trả giá đắt cho hành động của mình, nó sẽ gửi một thông điệp tới những kẻ xâm lược khác rằng họ cũng có thể chiếm lãnh thổ và khuất phục các quốc gia khác. Nó sẽ đặt sự tồn vong của các nền dân chủ hòa bình khác vào vùng nguy hiểm. Và nó có thể đánh dấu sự kết thúc của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và mở cánh cửa cho sự xâm lược ở những nơi khác, với hậu quả thảm khốc trên toàn thế giới.”
Và ông dứt khoát: “Người Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Ukraine vì chúng tôi hiểu rằng tự do không phải là miễn phí. Đó là những gì chúng tôi luôn làm bất cứ khi nào những kẻ thù của tự do tìm cách bắt nạt và áp bức những người vô tội, và đó là những gì chúng tôi đang làm bây giờ.”
Như vậy, từ quan điểm của chính quyền Hoa Kỳ, Ukraine không chỉ là Ukraine mà là vấn đề toàn cầu; Hoa Kỳ giúp Ukraine không chỉ vì độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Đông Âu này mà còn để bảo vệ trật tự và pháp luật quốc tế.
Quan điểm đó phù hợp với quan điểm của chính các nhà lãnh đạo Ukraine. Phát biểu qua video với Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ thứ Hai tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp toàn cầu rằng thế giới phải gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga để ngăn chặn các quốc gia khác sử dụng vũ lực cho mục đích của họ.
Phái đoàn Ukraine tại Davos đi xa hơn khi “đóng khung” cuộc xung đột Nga-Ukraine là một cuộc “chiến tranh ý thức hệ”, bảo vệ Ukraine là bảo vệ tất cả các xã hội tự do và dân chủ; ngược lại chiến thắng của Nga sẽ đánh dấu chiến thắng của sức mạnh đối với lẽ phải, của độc tài chuyên chế đối với thượng tôn pháp luật. Bà Yulia Klymenko, nghị sĩ quốc hội Ukraine nói với các nhà báo tại Davos: “Các bạn không cần phải chết cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi đang chết cho các bạn đấy”, theo tường thuật của phóng viên The Washington Post.
Mối nguy Ukraine: Phương Tây chống Nga?
Không phải ai cũng đồng ý với quan điểm của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Ukraine.
Trong vài tuần gần đây đã có khá nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới ngoại giao và học thuật cho rằng Hoa Kỳ và phương Tây hào phóng viện trợ quân sự cho Ukraine là góp phần thổi bùng một cuộc xung đột địa phương, bi thảm thành một tai họa tiềm tàng cho toàn thế giới. Có người phản đối cuộc xâm lược Ukraine của Putin nhưng đồng thời lên án Hoa Kỳ.
Henri Guaino, cựu cố vấn của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, cảnh cáo các quốc gia châu Âu, đi theo “sự lãnh đạo thiển cận của Hoa Kỳ”, đang “mộng du” vào một cuộc chiến với Nga. Quan điểm của ông Guaino được tác giả Christopher Caldwell tán thành và triển khai thành một bài bình luận dài trên báo The New York Times, cho rằng Hoa Kỳ “có nghĩa vụ chính trị và đạo đức” phải làm giảm căng thẳng và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh.
Nhà ngoại giao kỳ nổi tiếng và tai tiếng Henry Kissinger năm nay 99 tuổi, cũng vào cuộc tranh luận và khuyến cáo Ukraine nên nhượng một phần lãnh thổ cho Nga để đổi lấy hòa bình trước khi quá muộn. Tại diễn đàn Davos, Kissinger cảnh báo: “Phương Tây đừng bao giờ quên tầm quan trọng của Nga đối với châu Âu. Các cuộc đàm phán phải bắt đầu trong hai tháng tới, trước khi cục diện tạo ra những biến động và căng thẳng không dễ vượt qua. Lý tưởng nhất, đường phân chia nên trở lại nguyên trạng trước đây. Theo đuổi cuộc chiến quá thời điểm đó sẽ không còn liên quan đến quyền tự do của Ukraine, mà là một cuộc chiến mới chống lại Nga,” theo trích dẫn trên tờ Telegraph của Anh.
Những người này cũng cho rằng, quan điểm phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng trực tiếp tham chiến nên không phải là một bên xung đột là một lý do “giả tạo”, không thể che giấu một cuộc chiến mới chống lại Nga. Và phương Tây không nên tiếp tục viện trợ như thế mà hãy để cho người Nga và người Ukraine giải quyết với nhau những vấn đề của họ.
Châu Âu: Putin là Hitler thế kỷ 21
Nhưng việc đóng khung cuộc chiến tranh vào xung đột giữa Nga và Ukraine, bỏ qua tác động toàn cầu của nó là hoàn toàn không hợp lý.
Nhà bình luận Thomas Friedman thú nhận khi ngồi trong tòa báo The New York Times ở Mỹ, ông đã sai lầm khi nghĩ rằng ông Putin xâm lược Ukraine nhưng khi đặt chân đến châu Âu mới đây ông nhận ra Putin đã xâm lược châu Âu và trong tâm trí người châu Âu hành động đó của Putin sánh ngang với cuộc xâm lược của Adolf Hitler vào Ba Lan, mở màn cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
“Cuộc xâm lược – với binh lính Nga pháo kích bừa bãi vào các tòa chúng cư, bệnh viện Ukraine, sát hại thường dân, hôi của, hãm hiếp phụ nữ và tạo ra cuộc di tản lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai – ngày càng được coi như là sự tái diễn trong thế kỷ 21 cuộc tàn sát của Hitler đối với phần còn lại của châu Âu, bắt đầu từ vụ phát xít Đức xâm chiếm Ba Lan tháng Chín năm 1939”, ông Friedman viết.
Chỉ có hiểu được cảm xúc đó của người châu Âu thì mới giải thích được tại sao các nước Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Ba Lan nhanh chóng “xoay trục” từ chỗ trung lập hoặc thân thiện với Nga sang vị thế sát cánh cùng Ukraine chống lại Nga, tại sao Liên minh châu Âu – vốn yếu ớt chia rẽ trong nhiều vấn đề – lại nhanh chóng đoàn kết và đưa ra sáu gói trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đối với Nga dù những biện pháp trừng phạt đó cũng gây không ít khó khăn và thiệt hại cho chính châu Âu.
Cựu ngoại trưởng Đức Joschka Fischer nhận định cuộc chiến của Putin, dù chỉ mới diễn ra 100 ngày, đã làm cho châu Âu thay đổi tận gốc, không còn có thể quay lại với ngày xưa nữa. “Bạn đã thấy một sự thay đổi khủng khiếp ở châu Âu trong ứng xử với nước Nga – không phải do áp lực của người Mỹ mà do quan niệm về mối đe dọa của Nga ngày nay đã hoàn toàn khác: Chúng tôi hiểu Putin không chỉ nói về Ukraine mà về tất cả chúng tôi, về sự tự do của chúng tôi”.
Rõ ràng, cuộc chiến Nga-Ukraine không chỉ là chuyện riêng của Ukraine với Nga mà là vấn đề của cả châu Âu, vấn đề toàn cầu. Nó có mở màn cho một cuộc chiến tranh hạt nhân hay không, có trở thành Thế Chiến thứ Ba hay không là chuyện chưa khẳng định được nhưng nó không thể giải quyết một cách đơn giản bằng công thức “đổi đất lấy hòa bình” như Kissinger đề nghị.
Đọc thêm: