Washington tái thiết kế công thức chính sách để “chống lưng” cho Đài Loan

Sau chuyến công du lịch sử của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi ngày 2 Tháng Tám 2022, các nghị sĩ Mỹ liên tục đến Đài Loan. Trong ảnh là chuyến kinh lý Đài Bắc của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn ngày 27 Tháng Tám 2022 (ảnh: Văn phòng Tổng thống Đài Loan)

Trong quá trình tìm cách hỗ trợ Đài Loan, Mỹ phải khéo léo tạo ra một thế cân bằng vững chắc với Trung Quốc thay vì đối đầu – một xã luận ký “Ban biên tập” (Editorial Board) của The Washington Post viết…

Đã gần một tháng kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ-California) đến thăm Đài Loan, thể hiện tình đoàn kết với hòn đảo dân chủ tự quản này đồng thời “chọc giận” Đảng Cộng sản Trung Quốc, quốc gia luôn tuyên bố Đài Loan là của riêng mình. “Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ tư” theo cách nói của một số người (ba cuộc khủng hoảng trước vào năm 1954, 1958 và 1995) chưa cho thấy điểm dừng. Bắc Kinh phản ứng “dữ dội trong giới hạn cho phép” bằng một cuộc tập trận hải quân qui mô lớn phong tỏa Đài Loan và các cuộc tập trận quân sự nhỏ hơn, khi các nhà lập pháp Mỹ từ cả hai đảng vẫn tiếp tục các chuyến thăm đảo mà gần đây nhất là Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng hoà-Tennessee).

Rõ ràng, kể từ khi Washington chính thức công nhận Bắc Kinh vào năm 1979, căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng dân chủ (không chỉ có Đài Loan mà còn Nhật Bản, Hàn Quốc) đang gia tăng, cũng như áp lực đối với chính sách “một Trung Quốc” (được xem là khuôn khổ chiến lược để Hoa Kỳ duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực). Những thực tế mới, trong đó quan trọng nhất là sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc, cùng với tư thế hiếu chiến không che giấu của nhà độc tài Tập Cận Bình, đòi hỏi Mỹ phải có đối sách thích ứng.

Tổng thống Joe Biden đã ba lần cam kết Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự, dù các phụ tá khẳng định cam kết này về cơ bản “không có gì mới hay chống lại chính sách một Trung Quốc”. Đòi hỏi “sự rõ ràng về chiến lược” theo sau tuyên bố của Biden và “bớt đi sự mơ hồ về chiến lược” của chính sách một Trung Quốc là tiền đề của một dự luật sẽ được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thảo luận vào ngày 14 Tháng Chín.

Gọi là Đạo luật Chính sách Đài Loan (Taiwan Policy Act-TPA) do Thượng nghị sĩ Robert Menendez (Dân chủ-New Jersey) và Thượng nghị sĩ Lindsey O. Graham (Cộng hoà-South Carolina) đồng bảo trợ, dự luật này là thay thế quan trọng nhất kể từ khi Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act-TRA) được ban hành năm 1979 để Mỹ duy trì quan hệ ngoại giao trên thực tế và bán vũ khí với hòn đảo này.

Về nội dung, điều khoản đáng chú ý nhất của dự luật TPA là viện trợ quân sự $4.5 tỷ cho Đài Loan và cho phép dùng số tiền này mua “những vũ khí có lợi cho việc ngăn chặn các hành động xâm lược của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA)”, trái ngược với ngôn ngữ mơ hồ của TRA. Nói rõ hơn, dự luật mới đã bước thêm một bước, chính thức hóa tư cách “đồng minh lớn không thuộc NATO” mà Đài Loan đang được hưởng một cách không chính thức và đổi tên “đại sứ quán trên thực tế” của Đài Loan ở Washington thành “Văn phòng Đại diện Đài Loan” (Taiwan Representative Office) thay cho “Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc” (Taipei Economic and Cultural Representative Office). Chắc chắn Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận TPA. Xét về cơ bản, phần ít gây tranh cãi nhất và hữu ích nhất là viện trợ quân sự bổ sung có thể đưa vào dự luật chính sách quốc phòng sau này nếu TPA không được thông qua.

Cuộc tranh luận về TPA đã đặt ra những câu hỏi quan trọng mà sớm muộn gì chính phủ và Quốc hội Mỹ cũng phải giải quyết mà không thể né tránh. Trong vấn đề Đài Loan, ưu tiên của Mỹ vẫn là “tối đa hóa khả năng răn đe của Đài Loan và tối thiểu hoá các hành động khiêu khích Trung Quốc không cần thiết”. Các tác giả của dự luật đã đúng khi cho rằng lịch sử gần đây (đặc biệt là cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine) cho thấy sự “xoa dịu” không có tác dụng gì nhưng “sự khiêu khích” cũng là cái cớ để kẻ xâm lược phát động chiến tranh. Những cân nhắc đó sẽ là sự điều hướng nhắm đến sự cân bằng mà Thượng viện và chính quyền Biden phải đối mặt trong các chính sách tương lai về Đài Loan và Trung Quốc.

___________

-Các nghị sĩ Mỹ vẫn đến Đài Loan bất chấp đe dọa của Trung Quốc

-Đài Loan và cuộc song đấu Mỹ – Trung

-Bà Pelosi đến Đài Loan – Ván bài lật ngửa

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: