Hội Quần Vợt Nữ Thế giới (WTA) can đảm đối đầu với Bắc Kinh

Quần vợt nữ thế giới đang công khai thách thức chính phủ Trung Quốc, và không có dấu hiệu cho thấy nó sẽ lùi bước.

Quả bom làm rúng động toàn cầu

Khi ngôi sao quần vợt Peng Shuai (Bành Soái) đưa ra cáo buộc “bùng nổ” #MeToo chống lại một cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vào đầu tháng này, chính phủ Trung Quốc ngay lập tức phản ứng theo phong cách quen thuộc, làm “câm miệng” cô bằng… kiểm duyệt trắng! 

Nay, đã hơn hai tuần trôi qua, Bắc Kinh đang phải đối mặt với một cơn bão do chính nó tạo ra: cộng đồng quần vợt nữ toàn cầu lên tiếng tố cáo chính quyền Trung Quốc “không làm gì” để bảo vệ một trong những đồng nghiệp của họ. 

Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 2 Tháng Mười Một, Peng 35 tuổi, cựu vô địch Grand Slam hai lần, đột ngột biến mất khỏi công chúng sau khi cô tiết lộ cựu Phó thủ tướng Zhang Gaoli, hiện 75 tuổi, từng ép cô quan hệ tình dục tại nhà của ông ta. Bài đăng bị xóa. Kể từ đó, kiểm duyệt Trung Quốc bắt đầu rà soát tên Peng và tất cả những gợi ý mơ hồ nhất về cáo buộc của Peng trên internet. 

Nhưng chiến dịch “bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận” không thể mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc. Trong vài ngày qua, Hội Quần vợt nữ thế giới (Women’s Tennis Association-WTA) và một số ngôi sao lớn nhất của môn thể thao này, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, đã lên tiếng đoàn kết với Peng, yêu cầu được biết nơi cô đang ở. Mối quan tâm tăng cao hơn sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố ảnh chụp màn hình một email được cho là của Peng gửi cho WTA, tuyên bố rút lại các cáo buộc tình dục của cô và cho biết “mọi thứ đều ổn”! 

WTA và quyết định can đảm

Trong cuộc phỏng vấn dành cho truyền thông, Giám đốc WTA Steve Simon xem email là một “kiểu dàn dựng” và tuyên bố Hội đang ở “ngã ba đường” với Trung Quốc, đồng thời dọa rút tất cả hoạt động ra khỏi đất nước này bất chấp mất doanh thu hàng triệu đôla “nếu sự an toàn của Peng không được bảo đảm và các cáo buộc của cô không được điều tra công bằng”. 

Những phản hồi của thể thao thế giới không dừng lại ở quần vợt nữ mà có cả các tay vợt nam cũng tham gia chiến dịch #WhereIsPengShuai trên mạng xã hội Twitter và nhiều ngôi sao bóng đá khác. 

Còn chưa đầy ba tháng nữa diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, nên theo các nhà phân tích, nếu vụ tranh cãi không được giải quyết đến nơi đến chốn thì cuộc thi ném banh tuyết có thể trở thành cuộc đọ sức chưa từng có giữa cộng đồng thể thao rộng hơn của thế giới và chính quyền Bắc Kinh. 

“Hàng tỷ người hâm mộ thể thao thế giới rất quan tâm đến câu chuyện này, cả bây giờ và trong tương lai” – William Nee, điều phối viên nghiên cứu và vận động tại Tổ chức Phi chính phủ Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (NGO Chinese Human Rights Defenders-CHRD) nói. “Vụ Peng có nguy cơ trở thành một thảm họa đối với chính phủ Trung Quốc. Càng đến gần Thế Vận Hội Mùa Đông, thảm họa càng lớn nếu họ không nghiêm túc giải quyết tố cáo của Peng”. 

Thực tế, Thế Vận Hội Mùa Đông dự kiến ​​diễn ra vào Tháng Hai, đã phải đối mặt với lời kêu gọi tẩy chay ngày càng nhiều vì hành động đàn áp của đảng Cộng sản Trung Quốc tại các lãnh thổ Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. “Sự phản đối kịch liệt trên toàn cầu về sự biến mất của Peng (người đã tham gia ba kỳ Thế vận hội) sẽ ‘đổ thêm dầu’ vào chiến dịch tẩy chay” – Nee nói. 

Trong khi đó, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) quyết định không bình luận về vụ việc và đề nghị nên có “sự tiếp cận ngoại giao”. 

Thói quen dùng tiền bịt mồm các doanh nghiệp phương Tây

Việc một bài đăng trên mạng xã hội bị kiểm duyệt khiến cho cả thế giới quần vợt đứng lên chống lại Bắc Kinh, có thể gây bất ngờ cho chính phủ Trung Quốc, vì trong nhiều năm gần đây, đảng Cộng sản Trung Quốc rất thành công trong việc ngăn chặn không chỉ những tiếng nói đối lập trong nước mà còn ngăn chặn thành công nhiều các công ty và ngành công nghiệp phương Tây vào làm giàu trên thị trường Trung Quốc béo bở, từ Hollywood đến NBA (Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ). 

“Nhưng WTA không bị cấm mà là từ chối chơi tại Trung Quốc! – Simon nhận định – Có quá nhiều lần khi bị vướng vào những tranh cãi như thế này, chúng ta thường nghiêng về kinh doanh, chính trị và tiền bạc khi quyết định đúng, sai! Nay, chúng ta phải bắt đầu thay đổi dựa trên chuẩn mực mới: không thỏa hiệp với sai trái. Chúng tôi không chỉ đe doạ mà sẵn sàng đưa hoạt động kinh doanh ra ngoài Trung Quốc và chịu trách nhiệm về tất cả hệ quả của quyết định này, bởi vì nó xứng đáng hơn lợi nhuận”. 

Bằng cách chuẩn bị quay lưng với thị trường Trung Quốc (kể cả kết thúc sớm thỏa thuận kéo dài 10 năm tổ chức một giải quần vợt hàng năm tại thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc) WTA đã trực tiếp đối với Bắc Kinh mà không hề nao núng. 

Trong quá khứ Bắc Kinh thường xuyên sử dụng miếng mồi thị trường rộng lớn để buộc các doanh nghiệp phương Tây phải che giấu các vi phạm nhân quyền của nó và không can thiệp vào các vấn đề chính trị nhạy cảm như Đài Loan và Hồng Kông. Hầu như lần nào nó cũng chiến thắng.

Nữ quyền không có ranh giới quốc gia

Nhưng trong trường hợp của WTA, chiến thuật này không còn hiệu quả. “Cho đến nay, đứng trên góc độ kinh doanh và nhân quyền, phản ứng của WTA tốt hơn nhiều so với hầu hết các công ty phương Tây từng bị Trung Quốc nắn gân. Đây là tín hiệu đáng mừng” – Nee nói. Mareike Ohlberg, thành viên cấp cao tại Chương trình Châu Á của Quỹ Marshall Đức (German Marshall Fund’s Asia Program) bổ sung: “Bước đi táo bạo của WTA là đúng đắn và cần làm. Những tổ chức và doanh nghiệp khác cũng nên noi theo. Đừng sợ Trung Quốc nữa, đừng sợ họ trừng phạt nữa! Chúng ta còn có những lý tưởng và ưu tiên khác” – bà nói. 

Bản chất các cáo buộc của Peng cũng đưa cô vượt lên trên những tranh cãi chính trị quen thuộc trước đây liên quan đến đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. Bắc Kinh thường nổi giận trả đũa các công ty phương Tây khi chính phủ họ “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Peng khác ở chỗ, phong trào nữ quyền không có ranh giới quốc gia. 

Đến nay, nhà nước độc tài Trung Quốc đã ngăn chặn thành công cuộc vận động #MeToo trong nước bằng cách giam giữ, đe dọa và bịt miệng các nhà hoạt động nữ quyền và những người ủng hộ họ. Bắc Kinh cũng huy động bộ máy tuyên truyền khổng lồ để “định nghĩa lại” chủ nghĩa nữ quyền theo ý mình và triệt hạ làn sóng ảnh hưởng của phương Tây mà nó cho là “được thiết kế để làm suy yếu Trung Quốc”. 

“Nhưng nay, chiến thuật quen thuộc này đã phản tác dụng, vì phong trào #MeToo mang tính toàn cầu đã kêu gọi thế giới chú ý đến trường hợp của Peng – Ohlberg nói – Đây là một phong trào xuyên quốc gia, không có biên giới, thể hiện sự đoàn kết và sẵn sàng nói thay những gì phụ nữ Trung Quốc không dám nói. Bắc Kinh không thể ngăn chặn được tiếng nói bên ngoài Trung Quốc”. 

Thế tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh

Bằng cách làm câm họng Peng, Bắc Kinh đang phải đối mặt với một tình thế khó xử bất thường. Nếu Peng xuất hiện trên truyền hình nhà nước, các nhà phân tích nghĩ ngay cô bị áp lực rút lại lời buộc tội, vì thế giới đã quá quen thuộc với cách làm này của chính phủ và truyền thông nhà nước Trung Quốc đối với những người bị giam giữ vô pháp. 

Zhang không phải là một lãnh đạo bình thường. Ông ta từng có chân trong Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị (Politburo) gồm bảy thành viên của đảng Cộng sản, cơ quan lãnh đạo tối cao của đất nước, cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình. Cách duy nhất để một lãnh đạo cấp cao bị thất sủng là bị kỷ luật bởi chính đảng Cộng sản, như một số đã bị trong chiến dịch chống tham nhũng diện rộng của ông Tập, chứ không phải từ tố cáo của một công dân! 

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn từ chối bình luận về trường hợp Peng. Phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 18 Tháng Mười Một, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết “Cáo buộc này không phải là một vấn đề ngoại giao!” và từ chối trả lời. Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc cũng không bình luận. 

Sự nhạy cảm chính trị có lẽ được thể hiện rõ nhất trong một dòng tweet của Hu Xijin, Tổng biên tập tộc Global Times, tờ báo lá cải theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Hu là lãnh đạo truyền thông nhà nước cấp cao duy nhất đưa ra bình luận về trường hợp của Peng trước công chúng trên Twitter, một nền tảng bị cấm ở Trung Quốc nhưng tờ báo dành cho độc giả phương Tây này có tài khoản. “Là một người quen thuộc với hệ thống, tôi không tin Peng đã bị trả đũa hay bị đàn áp như truyền thông nước ngoài suy đoán từ những gì cô ta nói”. 

Có điều, Hu không dám nêu tên người bị tố cáo và nội dung cáo buộc hoặc bản chất của vụ việc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: