Trung Quốc lắp đặt radar trên đảo Tri Tôn, thách thức VN ở Biển Đông

Đảo Tri Tôn. (Hình minh họa: panoramio/Wikipedia.org)

Theo báo cáo của Chatham House, Trung Quốc có thể đã lắp đặt một hệ thống radar mới trên đảo Tri Tôn có vị trí chiến lược, chỉ cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý (240km), thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.

Hệ thống này được cho là có khả năng quét một vùng biển rộng lớn, từ đảo Hải Nam đến đá Subi khiến việc lắp đặt radar càng trở nên đáng lo ngại về mặt an ninh. Đây có thể được coi là một động thái có thể gây hạn chế các hoạt động của Việt Nam trong khu vực.

Việc triển khai hệ thống radar có thể mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế. Đầu tiên, nó giúp Bắc Kinh giám sát chặt chẽ hơn vùng biển ven bờ miền Trung Việt Nam, nơi tập trung các căn cứ quân sự chiến lược của Việt Nam. Thứ hai, khả năng tác chiến điện tử và tình báo của Trung Quốc cũng được tăng cường đáng kể. Cuối cùng, việc giám sát các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa cũng trở nên dễ dàng hơn.

Hơn nữa, khả năng phát hiện hoạt động của Việt Nam trong phạm vi radar bao phủ tạo ra một dạng “quyền kiểm soát trên thực tế” của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam, buộc Hà Nội phải tìm cách cân bằng giữa việc khẳng định chủ quyền và tránh leo thang xung đột, đặc biệt khi Trung Quốc đã kiểm soát quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974.

Trong bối cảnh rộng hơn, việc lắp đặt radar trên đảo Tri Tôn là một minh chứng cho sự mất cân bằng quân sự ngày càng tăng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam. Hệ thống này được dự báo sẽ củng cố đáng kể khả năng giám sát của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, bao gồm khả năng phát hiện, theo dõi và nhắm mục tiêu cho các cuộc tấn công tầm xa – một yếu tố quan trọng trong các kịch bản xung đột.

Hà Nội đang theo đuổi chính sách “ngoại giao cây tre” với Bắc Kinh trong việc xử lý căng thẳng trên biển, nhưng với những lo ngại an ninh ngày càng gia tăng, liệu Ba Đình sẽ tiếp tục duy trì chính sách “linh hoạt” với Bắc Kinh bằng cách tìm kiếm các biện pháp đối phó khác, hay cân nhắc một sự thay đổi chiến lược trong bối cảnh an ninh khu vực ngày càng phức tạp?

‘Bất đối xứng’ về khả năng quân sự

Dù chênh lệch về sức mạnh quân sự với Trung Quốc, Việt Nam đã từng thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ví dụ như việc điều động tàu cá và tàu cảnh sát biển đối đầu trực tiếp với Trung Quốc tại sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014. Hay việc kiên trì duy trì sự hiện diện tại Bãi Tư Chính năm 2019 bất chấp chiến thuật “bắp cải” khi Trung Quốc sử dụng nhiều lớp tàu để vây ép và quấy rối nhằm ngăn chặn hoạt động của phía Việt Nam và dần dần chiếm quyền kiểm soát khu vực mà không cần đến xung đột quân sự quy mô lớn.

Những phản ứng cứng rắn này cho thấy Việt Nam sẵn sàng hành động để bảo vệ lợi ích trên Biển Đông, buộc Trung Quốc phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong các hành động tiếp theo và tìm ra biện pháp đối phó với sự kiên quyết của Việt Nam.

Tuy nhiên, sự kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền không đồng nghĩa với việc đóng băng quan hệ ngoại giao. Trên thực tế, Việt Nam vẫn theo đuổi mối quan hệ song phương ổn định với Trung Quốc, sử dụng các kênh liên lạc giữa lãnh đạo hai nước để giải quyết bất đồng một cách kín đáo. Việc ký kết 10 thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường tới Hà Nội gần đây, ngay cả khi Việt Nam công khai lên án hành động của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đối với ngư dân, chính là minh chứng rõ ràng nhất cho chính sách ngoại giao linh hoạt này.

Dù vậy, việc Trung Quốc lắp đặt hệ thống radar trên đảo Tri Tôn được dự báo sẽ thúc đẩy Việt Nam đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự để đối phó với nguy cơ bị giám sát ngày càng cao. Việt Nam có thể sẽ tiếp tục các hoạt động bồi đắp đất ở Biển Đông, dựa vào sự “im lặng” từ phía Trung Quốc trước các hoạt động tương tự trước đây, đồng thời mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines để tăng cường khả năng răn đe.

Sự việc lắp đặt radar trên đảo Tri Tôn khó lòng tạo ra một bước ngoặt trực diện và mạnh mẽ từ phía Việt Nam trong quan hệ song phương khi Hà Nội có khả năng vẫn sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận linh hoạt, cân bằng giữa việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông và việc duy trì quan hệ kinh tế – chính trị ổn định với Trung Quốc. Nói cách khác, Việt Nam đang theo đuổi một chiến lược đa chiều: vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vừa củng cố quốc phòng, vừa tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.

Tuy nhiên, bất lực để Trung Quốc xây dựng radar trên Đảo Tri Tôn có khiến Việt Nam duy trì được chiến lược đa chiều hay không khi bản thân hệ thống radar này không chỉ đơn thuần là một công trình riêng lẻ, mà còn là một mắt xích trong mạng lưới giám sát rộng lớn hơn của Trung Quốc, được thiết kế để đối phó với các phương tiện quân sự của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là máy bay ném bom tàng hình Northrop B-2 Spirit.

Sự hiện diện của hệ thống radar này có thể tạo ra những rào cản đáng kể cho việc hợp tác an ninh giữa Việt Nam và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Phi cơ chở Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tránh bay qua Biển Đông trong chuyến thăm Đài Loan năm 2022 cho thấy Mỹ hoàn toàn ý thức được khả năng giám sát ngày càng tăng của Trung Quốc – một yếu tố có thể khiến các đối tác an ninh của Việt Nam e ngại hơn trong việc triển khai các hoạt động quân sự chung.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: