Bóng đá và du lịch

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân trong cuộc họp tìm cách phát triển du lịch đã ví von: Bóng đá Việt Nam đã thắng Thái Lan, không lý gì du lịch lại để thua.

Mới nghe có vẻ xuôi tai nhưng chỉ một khắc sau người nghe chợt nhận ra cách đặt vấn đề của ông Bình là khập khiễng và vô căn cứ. Một khác biệt rất lớn: Bóng đá làm nhân dân phấn khích nhưng du lịch làm cho nhân dân giàu có. Phấn khích không nằm trong chính sách của bất cứ chính phủ nào nhưng sự giàu có của người dân là mục tiêu không thể thiếu đối với một chính phủ tử tế.

Bóng đá là một môn thể thao đòi hỏi sự luyện tập, đầu tư kể cả chuyện hên xui trong một trận đấu. Bóng đá Thái Lan dẫn trước Việt Nam nhiều thập niên qua cho tới khi ông Pak Hang-seo về làm Huấn luyện viên thì Việt Nam mới có vẻ khởi sắc một chút nhưng không ai dám chắc rằng bóng đá Việt sẽ mãi mãi dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á vì lẽ cố nhiên Thái Lan sẽ không đứng yên chịu để cho Việt Nam dẫn dắt.

Thái Lan là nước có kỹ nghệ du lịch nhất nhì thế giới, trước đại dịch Covid mỗi năm có khoảng 60 triệu lượt khách ngoại quốc tới thăm và kỹ nghệ không khói là thu nhập quan trọng của đất nước này. Để đạt tới mức đó là cả một thời gian dài phấn đấu của cả nước chứ không riêng một cộng đồng nào. Chính phủ Thái đã khôn ngoan khai thác tài nguyên thiên nhiên của quốc gia mình vào du lịch và nghiên cứu cách phát triển du lịch dài hơi.

Từ quảng bá tới bán những gói du lịch trọn gói giá rẻ tới việc mở cửa cho việc hợp pháp hóa chuyện sex tour đã làm cho việc du lịch của quốc gia này ngày một hoàn thiện. Bên cạnh đó là đóng góp của người dân Thái, với bản tính hiền hòa lương thiện, người Thái đã chinh phục khách du lịch không mấy khó khăn. Không ai chặt chém cũng không có ăn cắp vặt và nhất là chuyện giựt dọc ngoài đường phố lại càng hiếm thấy. Mỗi một điểm du lịch đều có cảnh sát du lịch kiểm soát và vì vậy ăn mày, trộm cắp, du thủ du thực hầu như không có. Khách du lịch không hề bận tâm chuyện này và vì vậy họ đồn đãi trong cộng đồng của họ khiến ngày một nhiều người hơn đến Thái.

Còn Việt Nam thì sao?

Trái ngược hoàn toàn với Thái Lan, du khách ngoại quốc mới đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã gặp cảnh lạnh lùng đáng ghét của những người có trách nhiệm. Vào trình passport gặp ngay những câu hỏi không liên quan, chẳng hạn tới Việt Nam mấy lần, ở đâu, có bà con gì ở Việt Nam không? Tất cả những thông tin được kê khai trong tờ giấy nhập cảnh đã nêu rõ nhưng nhân viên hải quan hầu như không nhìn thấy, họ bận nhìn người đối diện với cặp mắt thiếu thiện cảm và sẵn sàng hỏi tiếp nếu thấy mất cảm tình của người bị hỏi.

Rời khỏi quầy xét visa, khách còn bị tra tấn ở nơi kế tiếp khi lấy hành lý. Không hiểu sao người ta lại ồn ào thiếu điều tranh nhau chiếm chỗ gần nhất của hệ thống chuyền hành lý. Sân bay không hề chú ý tới việc này mà thật ra vốn là bổn phận của sân bay. Nếu có một vạch vàng cách ly khách với đường chuyền thì sẽ không có vấn đề giành chỗ đứng của nhau, đó là chưa nói nạn rạch thùng hành lý của khách đã và đang xảy ra không phương cứu chữa.

Trong thời đại 4.0 nhưng việc phóng uế, xả rác tại Việt Nam hầu như 10.0! Những căn nhà cao tầng giành chỗ đứng bất kể bên dưới chân của chúng là bao nylon là giấy báo, vỏ chai, nước tiểu… tất cả hợp nhau lại như tố cáo nạn vô trách nhiệm của chính quyền đối với vệ sinh công cộng. Khách vừa tới đây đã nản chí, mọi háo hức gần như nguội lạnh và tâm lý của họ là mau mau rời khỏi chốn này. Hài hước thay cái nơi mà họ tính đến sau khi chán nản lại là Thái Lan, vì vậy Việt Nam đã vô tình làm chất đệm cho du lịch của Thái.

Không hẳn lúc nào cũng vậy nhưng lực cản khiến khách ngoại quốc vào Việt Nam ngày một ít dần chính là chính sách cấp phát visa cho người ngoại quốc. Trong khi Singapore, Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia và vùng lãnh thổ; Philippines là 157, Thái Lan là 67 thì Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một trở ngại khác cho du khách là thời hạn tạm trú tại Việt Nam chỉ 15 ngày cho du khách từ các nước châu Âu khiến nhiều người dù muốn sang thăm Việt Nam cũng bỏ cuộc vì thời gian quá ngắn. Tuy nhiên đối với người Việt hải ngoại lại khác, nhà nước có vẻ ưu tiên cho họ hơn khi visa được thời hạn rất dài và thời gian tạm trú lên đến 30 ngày. Đây là nguyên nhân khiến Việt kiều luôn là con số cao nhất khi du lịch Việt Nam.

Trong khi Việt kiều về thăm nhà không quan tâm mấy đến các nơi vui chơi giải trí thì khách du lịch ngoại quốc rất cần đến mảng này. Sống trong môi trường nhà cửa thành phố hoàn hảo, họ hoàn toàn không chút ấn tượng gì khi thăm những nơi như Bà Nà, Sapa, hay Vinpearl những nơi thu hút khách Việt hơn là du khách ngoại quốc.

Du lịch là lấy tiền du khách từ sự tiêu xài của họ nhưng xem ra Việt Nam không chú ý đến mảng giải trí của du khách nước ngoài. Những bar rượu về đêm, những show trình diễn lạ mắt những cửa hàng phục vụ sức khỏe như massage hoàn toàn thiếu vắng tại những nơi đáng ra phải có. Nhà nước cảm thấy bất an khi nghĩ đến những khu đèn đỏ nhưng những sinh hoạt hoàn toàn trong sáng như massage vẫn bị dòm ngó là một rào cản khó vượt qua.

Những bar rượu nho nhỏ tập trung trên một con đường như ở khu Khao San của Bangkok hoàn toàn có thể thành lập được ở Nha Trang, Sapa hay Đà Nẵng, Sài Gòn nhưng không ai để ý tới. Muốn thành lập một khu vực như vậy phải có tay của nhà nước quy hoạch và tổ chức. Mô hình này không thực hiện được đang làm mất đi không biết bao nhiêu là thuế thu nhập và góp phần chỉnh trang lại khuôn mặt du lịch Việt Nam vốn buồn bã và đơn điệu.

Chỗ nào người Việt cũng muốn buôn bán vì vậy du lịch Việt Nam thiếu vắng những khu yên tĩnh cho du khách muốn tìm sự nghỉ ngơi. Nếu Thái Lan có Krabi, Indonesia có Bali, Malaysia có Malacca thì Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng những mô hình du lịch như các nước này. Bất cứ nơi nào có quang cảnh đẹp, yên tĩnh đều bị doanh nghiệp tấn công bằng mọi hình thức. Không resort thì cũng villa cao tầng… ngóc ngách nào cũng có con buôn, xó xỉnh nào cũng có hàng rong đánh giày, vé số.

Nếu bóng đá cần huấn luyện viên tài năng thì du lịch cần một nhà nước có kế hoạch đầu tư phát triển thỏa đáng. Nếu bóng đá cần cầu thủ giỏi thì du lịch cần một đội ngũ nhân dân và cơ quan tổ chức du lịch có trách nhiệm và tự trọng. Nếu bóng đá cần cổ động viên thì du lịch cần kế hoạch quảng bá thông minh và hữu hiệu. Nếu bóng đá cần sân cỏ tốt, hiện đại thì du lịch cần cơ sở hạ tầng hiện đại đúng theo nghĩa đen: Đầy đủ những gì du khách cần thiết.

Việt Nam không hề thiếu thắng cảnh thậm chí còn hơn cả Thái Lan, Singapore, Indonesia hay Malaysia nhưng cái Việt Nam thiếu nhất hiện nay là thật tâm xây dựng trên lợi thế thiên nhiên những gì phù hợp chứ không phải ăn xổi ở thì như Phú Quốc hiện nay.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: