Coronavirus từ đâu ra? Những gì ta biết thật đáng lo

Càng ngày càng có nhiều mối hoài nghi về vai trò của các phòng thí nghiệm và nghiên cứu khoa học trong việc gây ra đại dịch.
Hình minh họa: Fusion Medical Animation/Unsplash.

New York, Hoa Kỳ – Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ra lệnh cho cộng đồng tình báo quốc gia nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của coronavirus gây đại dịch COVID-19 và báo cáo kết quả trong 90 ngày. Cho đến nay, những gì mọi người đã biết về con virus này và xuất xứ của nó thật đáng lo ngại, như cảnh báo trong bài viết dưới đây của Tiến sĩ Zeynep Tufekci.

Tiến sĩ Zeynep Tufekci – người Thổ Nhĩ Kỳ, phó giáo sư xã hội học Đại học North Carolina và Đại học Harvard, cũng là cây bút quen thuộc trên các báo The New York Times, The Atlantic, WiredScientific American. Bà chuyên nghiên cứu về tác động xã hội của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data) cũng như thách thức xã hội của đại dịch COVID-19, sử dụng phương pháp tư duy dựa trên hệ thống. Bài bình luận dưới đây đặt lại vấn đề về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, diễn biến và các bài học rút ra, nhằm tránh một thảm họa tương tự trong tương lai.

Từ dịch cúm H1N1…

Đại dịch cúm H1N1 năm 1977-78 có những đặc điểm gây tò mò. Dịch bùng phát ở Đông Bắc Á và giết chết khoảng 700.000 người trên khắp thế giới. Một điều lạ là nó hầu như chỉ ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi ngoài 20 trở xuống. Các nhà khoa học đã phát hiện ra một điều kỳ lạ khác có thể giải thích cho điều đầu tiên: nó gần như giống hệt với một chủng virus H1N1 đã lưu hành vào những năm 1950. Những người sinh ra trước đó đã có khả năng miễn dịch bảo vệ, còn những người trẻ hơn thì không.

Nhưng làm thế quái nào mà virus H1N1 vẫn ổn định về mặt di truyền như vậy, vì virus liên tục biến đổi? Các nhà khoa học đoán rằng virus đã bị đóng băng trong phòng thí nghiệm. Khoa học cho rằng virus nhạy cảm với nhiệt độ, và đóng băng virus để nghiên cứu vaccine là chuyện thường thấy.

Phải đến năm 2004, một nhà virus học nổi tiếng, ông Peter Palese, mới viết ra rằng ông Chu Chí Minh (Chi-Ming Chu), một nhà virus học đáng kính và là cựu thành viên của Viện Khoa học Trung Quốc, nói với ông: “sự ra đời của loại virus H1N1 năm 1977” thực sự là do các thử nghiệm vaccine liên quan đến “thử nghiệm virus H1N1 sống ở vài nghìn tân binh [Trung Quốc?]”.

Lần đầu tiên, người ta có thể thấy dường như chính khoa học đã gây ra đại dịch trong khi cố gắng chuẩn bị chống lại nó.

Bây giờ, lần thứ hai trong vòng 50 năm, lại có những câu hỏi liệu chúng ta có đang đối phó với một đại dịch do nghiên cứu khoa học gây ra hay không.

Sự ngăn cản của chính phủ Trung Quốc có thể khiến chúng ta không thể biết chắc chắn liệu virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 là trực tiếp đến từ tự nhiên hay thông qua một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nếu nó có liên quan đến thí nghiệm di truyền thì những gì chúng ta biết là đã rất đáng lo ngại.

Sau nhiều năm nghiên cứu về sự nguy hiểm của coronavirus, và lịch sử rộng hơn của các tai nạn cùng những lầm lỗi trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, nhiều nhà khoa học có lý do để thận trọng khi nghiên cứu loại mầm bệnh này. Nhưng các cách thực hành an toàn đáng lo ngại vẫn tồn tại.

Tệ hơn nữa, thành công của các nhà nghiên cứu trong việc phát hiện ra các mối đe dọa mới không phải lúc nào cũng chuyển thành sự chuẩn bị sẵn sàng để đối phó.

Ngay cả khi coronavirus nhảy từ động vật sang người mà không có sự tham gia của các hoạt động nghiên cứu khoa học, thì cơ sở cho một thảm họa tiềm tàng đã được đặt ra trong nhiều năm và việc học các bài học của nó là hết sức cần thiết để ngăn chặn những thảm họa khác.

… đến dịch SARS

Cho đến khi dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát, coronavirus được coi là khá lành tính, chỉ gây cảm lạnh từ nhẹ đến trung bình. Thậm chí 5 tháng sau khi bệnh SARS xuất hiện ở miền nam Trung Quốc vào tháng 11-2002, chính phủ Trung Quốc vẫn che giấu thông tin chi tiết về mối đe dọa của nó trong khi dịch bệnh đang lan sang các nước khác.

Vào mùa hè năm 2003, dịch SARS đã bị chặn đứng, nhưng nó đã kịp lây nhiễm cho hơn 8.000 người và giết chết 774 người. Các quan chức đã có thể ngăn chặn SARS bởi vì những người bị nhiễm bệnh chỉ truyền bệnh khi họ bị ốm, giúp xác định và cách ly người bệnh dễ dàng hơn. Tuy đó là một thảm họa tránh được trong gang tấc, tỷ lệ tử vong khoảng 10% của nó cũng đã làm gióng lên hồi chuông báo động. Ngăn chặn đại dịch coronavirus tiếp theo đã trở thành một ưu tiên của khoa học.

Đến năm 2005, các nhà nghiên cứu – bao gồm tiến sĩ Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) – một nhà virus học tại Viện Virus học Vũ Hán – đã xác định loài dơi móng ngựa có thể là vật chủ chính mà từ đó bệnh SARS xuất hiện. Trong những năm sau đó, các nhà khoa học đã theo đuổi các coronavirus ở loài dơi trên thực địa và nghiên cứu chúng trong phòng thí nghiệm.

Người ta thường cho rằng virus SARS lây từ con dơi sang người qua trung gian của con cầy hương, một loài động vật có vú nhỏ đôi khi được bán tại các chợ động vật hoang dã, mặc dù từ năm 2008, người ta đã nghi ngờ rằng coronavirus dơi có thể lây nhiễm trực tiếp vào tế bào phổi của con người mà không cần động vật trung gian. Đến năm 2013, các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm của tiến sĩ Thạch cho thấy sự truyền nhiễm trực tiếp có thể xảy ra.

Thế nhưng các nhà khoa học đôi khi đã làm việc với dơi, mẫu vật từ dơi và virus dơi trong các điều kiện thiếu an toàn đáng kinh ngạc.

Nghiên cứu tăng chức năng của virus

Bản chất của virus là liên tục biến đổi, các sự cố ngẫu nhiên làm thay đổi, thêm hoặc bớt các phần của bộ gene của nó hoặc các đoạn mã di truyền được trao đổi với các virus khác – gọi là tái tổ hợp. Việc thử và sai liên tục này cho phép xuất hiện các tính năng có thể giúp virus truyền nhiễm sang một loài mới.

Để có thể lường trước những bước nhảy này, con người đã cố gắng điều khiển tiến trình biến đổi của virus. Trong một lĩnh vực đôi khi được gọi là nghiên cứu tăng chức năng (gain-of-function research), họ thao túng virus về mặt di truyền để xem chúng có thể trở nên nguy hiểm hơn như thế nào.

Trong một bài báo trên tạp chí Nature Medicine năm 2015, các nhà nghiên cứu từ hai trong số các phòng thí nghiệm coronavirus lớn trên thế giới – tiến sĩ Thạch Chính Lệ, giáo sư Ralph Baric – một giáo sư tại Đại học Bắc Carolina tại Chapel Hill (UNC), và những người khác – viết rằng họ đã “chế tạo về mặt sinh học” (bioengineer) một loại coronavirus. Công việc được thực hiện trong phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Baric tại UNC. Họ đã lấy một loại protein gai (spike protein), “chìa khóa” mà coronavirus sử dụng để mở khóa tế bào và lây nhiễm vào tế bào người, từ một loại virus dơi móng ngựa và kết hợp nó với một loại virus SARS ở người được biến đổi để thích nghi với loài chuột. Họ báo cáo rằng con virus lai ghép (“chimeric”) này có thể truyền nhiễm vào tế bào của con người, cho thấy một số virus dơi có thể “có khả năng lây nhiễm sang người mà không cần đột biến hoặc thích nghi”. Đây là lần thứ hai kể từ thí nghiệm năm 2013 của Tiến sĩ Thạch cho thấy trong phòng thí nghiệm một loại coronavirus dơi giống SARS có khả năng truyền nhiễm trực tiếp vào các tế bào đường thở của con người mà không cần vật chủ trung gian.

Kiểu thao túng di truyền này đã gây ra nhiều lo ngại, đặc biệt là sau khi các phòng thí nghiệm ở Hòa Lan và Hoa Kỳ thông báo vào năm 2011 rằng họ đã tạo ra các chủng virus cúm bằng cách sử dụng vật liệu di truyền từ virus cúm A H5N1, rất nguy hiểm nhưng nói chung là chúng không thể truyền nhiễm rộng từ con người sang con người. Những chủng virus mới này có thể lây lan qua đường không khí giữa những con chồn sương, loài vật có phổi giống người. Một cuộc náo động đã xảy ra ngay lập tức.

Để bảo vệ thí nghiệm coronavirus năm 2015 của Tiến sĩ Thạch và các đồng nghiệp của bà, Tiến sĩ Peter Daszak – người đứng đầu tổ chức EcoHealth Alliance đã hợp tác chặt chẽ với bà Thạch và đã được chính phủ Hoa Kỳ cấp hàng chục triệu đô la trong thập niên qua – nói rằng phát hiện của họ sẽ cho phép các nhà khoa học tập trung vào nguy cơ lớn nhất bởi vì nó sẽ “chuyển loại virus này từ một mầm bệnh tiềm tàng thành một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại”.

Nhưng những người khác lo lắng nhiều hơn. Ông Simon Wain-Hobson, nhà virus học tại Viện Pasteur Paris, nhận xét: “Nếu virus thoát ra ngoài, không ai có thể đoán được đường đi của nó.”

Phòng thí nghiệm không an toàn

Lịch sử gần đây cung cấp rất nhiều lý do cho mối lo ngại như vậy.

Gần như mọi trường hợp nhiễm bệnh SARS kể từ vụ dịch ban đầu đều phát sinh do rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Đã có sáu sự cố xảy ra ở ba quốc gia, trong đó có hai sự cố xảy ra trong cùng một tháng ở một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong một trường hợp, mẹ của một nhân viên phòng thí nghiệm đã chết.

Vào năm 2007, virus gây bệnh lở mồm long móng, có thể giết chết các đàn gia súc và gây ra cuộc khủng hoảng lớn ở Anh vào năm 2001, đã thoát ra từ một vụ rò rỉ đường ống thoát nước của một phòng thí nghiệm tại Anh, nơi được xếp hạng an toàn sinh học cao nhất, mức BSL-4 (biosafety level 4).

Ngay cả người cuối cùng được cho là đã chết vì bệnh đậu mùa cũng là một người bị nhiễm bệnh vì một sự cố trong phòng thí nghiệm ở Anh vào năm 1978.

Trong kết quả khảo sát được công bố lần đầu tiên vào năm 2012 về hệ thống báo cáo trong các phòng thí nghiệm làm việc với các mầm bệnh nguy hiểm ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết trong vòng sáu năm đã có 11 trường hợp nhiễm trùng do mắc phải trong phòng thí nghiệm, thường là trong các phòng thí nghiệm BSL-3 – mức an toàn bắt buộc cho các phòng thí nghiệm nghiên cứu các mầm bệnh như bệnh lao. Ở mỗi trường hợp, sự phơi nhiễm đã không được nhận ra hoặc không được báo cáo cho đến khi các nhân viên phòng thí nghiệm bị nhiễm bệnh.

Vào tháng 1 năm 2014, CDC đã làm nhiễm một mẫu virus lành tính của bệnh cúm A (H5N1) nhưng không phát hiện ra mối nguy hiểm trong nhiều tháng sau đó. Và vào tháng 6-2014, cơ quan này đã gửi nhầm mẫu vi khuẩn bệnh than đã vô hiệu hóa không đúng cách đến một phòng thí nghiệm, có khả năng làm phơi nhiễm ít nhất 62 nhân viên CDC làm việc với các mẫu đó mà không mặc đồ bảo hộ. Một tháng sau, những lọ virus đậu mùa sống được tìm thấy trong một phòng chứa đồ tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Vào tháng 10 năm 2014, sau hàng loạt sự cố tai tiếng đó, Hoa Kỳ đã tạm dừng tài trợ cho các nghiên cứu mới về tăng chức năng, trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Lệnh cấm đã được dỡ bỏ vào năm 2017.

Chẳng bao lâu sau đã nổi lên những câu hỏi nghiêm trọng hơn nhiều về an toàn trong nghiên cứu khoa học.

Bước đầu của một đại dịch

Vào ngày 30 tháng 12 năm 2019, một danh sách thư điện tử công khai do Hiệp hội Quốc tế về Bệnh Truyền Nhiễm điều hành đã cảnh báo có một “bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân” đã xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và các báo cáo liên kết các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên với chợ hải sản Hoa Nam (Huanan) của thành phố. Vào ngày 10 tháng 1 năm 2020, một nhà khoa học Trung Quốc đã đăng bộ gene của virus – sắp được đặt tên là SARS-CoV-2 – trên một kho lưu ký dữ liệu internet mở, xác nhận rằng đó là một coronavirus. Chính phủ Trung Quốc phủ nhận rằng virus truyền nhiễm từ người sang người cho đến ngày 19-01-2020; ba ngày sau, họ thông báo đóng cửa hoàn toàn Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân.

Khoảng một tuần sau vụ đóng cửa, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố một bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet xác định con dơi có thể là nguồn lây nhiễm virus. Nhưng các tác giả lưu ý đợt bùng phát dịch xảy ra vào mùa dơi ngủ đông ở địa phương và “không có con dơi nào được bày bán hoặc tìm thấy ở chợ hải sản Hoa Nam”, vì vậy họ lý luận, virus dơi có thể đã được truyền qua một động vật trung gian.

Các đợt bùng phát dịch có thể xảy ra ở xa nguồn virus. Đợt bùng phát dịch SARS năm 2002 bắt đầu ở tỉnh Quảng Đông, cách các hang động ở tỉnh Vân Nam khoảng một nghìn cây số, nơi có loài dơi móng ngựa mà từ đó bệnh SARS được cho là đã xuất hiện. Con cầy hương – được nuôi và buôn bán trên khắp Trung Quốc, thường trong điều kiện chật chội, không đảm bảo vệ sinh khiến chúng dễ bùng phát mầm bệnh – được coi là phương tiện mà virus SARS có thể đã sử dụng để đi từ Vân Nam đến Quảng Đông. Kể từ khi SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại một khu chợ nơi có thể bán động vật hoang dã còn sống, việc buôn bán động vật hoang dã ngay lập tức bị nghi ngờ.

Người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc nằm trong số những người đầu tiên đặt nghi ngờ hơn cả. Có phải dịch bệnh từ loài dơi chỉ ngẫu nhiên xảy ra ở Vũ Hán, quê hương của Viện Virus học Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology, WIV), một trong số ít cơ sở nghiên cứu virus coronavirus dơi hàng đầu thế giới? Còn Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán (WCDC), nơi cũng thực hiện nghiên cứu về dơi, cách chợ hải sản vài trăm thước thì sao?

Vào ngày 19 tháng 2 năm 2020, 27 nhà khoa học nổi tiếng đã công bố một bức thư ngỏ trên tạp chí The Lancet. Họ chỉ trích “các thuyết âm mưu cho rằng Covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên.”

Coronavirus từ hang dơi tới phòng thí nghiệm

Khi xem xét nguồn gốc của đại dịch, câu hỏi đặt ra không phải là liệu SARS-CoV-2 có thể thoát ra từ phòng thí nghiệm hay không – nhiều tai nạn đã xảy ra – mà là liệu nó có được đưa vào phòng thí nghiệm hay không và ở đó nó được xử lý như thế nào.

Ngay sau khi thành phố Vũ Hán bị đóng cửa vào tháng 1 năm 2020, đã thấy rõ ràng rằng SARS-CoV-2 có liên quan đến một loại virus mà các nhà khoa học đã biết trong nhiều năm.

Vào ngày 3 tháng 2 năm 2020, Tiến sĩ Thạch và các đồng tác giả thông báo trên tạp chí Nature rằng họ đã tìm thấy trong cơ sở dữ liệu của WIV một loại virus có tên là virus RaTG13 có trình tự bộ gene giống 96,2% với virus SARS-CoV-2. Virus RaTG13 được phát hiện trước đó ở loài dơi móng ngựa của tỉnh Vân Nam.

Các nhà điều tra đầy hoài nghi trên Internet đã lục lọi các cơ sở dữ liệu về các bộ gene và phát hiện ra rằng virus RaTG13 trùng khớp với một loại coronavirus dơi có tên là 4991 được lấy từ một hang động có liên quan đến đợt bùng phát bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân vào năm 2012 trong những người thợ thu thập phân dơi ở một khu mỏ cũ ở Vân Nam. Ba trong số sáu thợ mỏ đó đã chết.

Vào tháng 5 năm 2020, một cựu giáo viên khoa học từ Ấn Độ, có bút danh trên Twitter là TheSeeker268, đã tìm thấy một luận án thạc sĩ năm 2013 cũng như một luận án tiến sĩ năm 2016, được giám sát bởi Tiến sĩ Cao Phúc (George Fu Gao), giám đốc hiện tại của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc. Luận án thạc sĩ đưa ra giả thuyết căn bệnh của những người thợ mỏ là do nhiễm trực tiếp một loại coronavirus giống SARS từ một con dơi móng ngựa. Luận án tiến sĩ thận trọng hơn nhưng vẫn gọi vụ bùng phát dịch là “đáng chú ý”. Nó cũng tiết lộ một nhóm từ Viện Virus học Vũ Hán đã thu thập các mẫu dơi từ hang động này. Luận án lưu ý rằng cả bốn thợ mỏ được xét nghiệm đều có kháng thể SARS trong máu của họ vài tuần sau khi họ bị bệnh.

Những dữ kiện quan trọng như sự thay đổi tên gọi của virus hoặc mối liên hệ của nó với đợt bùng phát gây tử vong có thể từ một loại coronavirus giống SARS trước đó – hoàn toàn không được đề cập tới trong bài báo gốc về virus RaTG13. Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào tháng 3 năm 2020, Tiến sĩ Thạch nói nấm độc là mầm bệnh gây bệnh cho các thợ mỏ chứ không phải là một loại coronavirus.

Những mối nghi ngờ

Tháng 7 năm ngoái, Tiến sĩ Thạch xác nhận viurs RaTG13 thực sự là virus 4991 được đổi tên. Vào tháng 11 năm 2020, bài báo của bà Thạch trên tạp chí Nature cuối cùng cũng được cập nhật, bổ sung sự thừa nhận những gì mà các thám tử đã phát hiện ra: nhóm của bà đã giải trình tự gene của virus RaTG13 năm 2018. (Mối liên hệ có thể có của virus coronavirus dơi dẫn đến cái chết của thợ mỏ vẫn chưa được công nhận).

Sự thừa nhận không đầy đủ – về một loại virus có hai tên, về mối liên hệ với một đợt bùng phát chết người, dịch bệnh và những câu chuyện mâu thuẫn – càng làm dấy lên những nghi ngờ.

Một số người suy đoán liệu virus RaTG13 có bị thao túng kiểu tăng chức năng để tạo ra virus SARS-CoV-2 hay không. Nhưng RaTG13 giống một người anh em xa của SARS-CoV-2, có nghĩa là nó không có khả năng sinh ra SARS-CoV-2 thông qua quá trình tiến hóa trong tự nhiên hoặc thao tác trong phòng thí nghiệm.

Ngay cả khi RaTG13 không có vai trò gì trong đại dịch Covid-19, người ta vẫn thắc mắc tại sao Tiến sĩ Thạch và những người khác dường như không sẵn sàng nói về nó. Từ đó thêm nhiều câu hỏi nghi ngờ khác được đặt ra.

Ví dụ, nhóm thám tử internet tìm ra mối liên hệ giữa virus RaTG13 với những người thợ hốt phân dơi ở khu mỏ cũ cũng phát hiện ra rằng cơ sở dữ liệu bộ gene do Viện Virus học Vũ Hán duy trì, trong đó có thông tin về hàng nghìn mẫu vật từ con dơi và ít nhất 500 loại coronavirus dơi được phát hiện gần đây, đã bị lấy xuống khỏi mạng trực tuyến vào tháng 9 năm 2019. Lời giải thích chính thức – rằng nó được lấy xuống vì nó bị tấn công điện toán – không giải thích tại sao nó không bao giờ được chia sẻ một cách an toàn theo một cách khác với các nhà nghiên cứu độc lập có trách nhiệm. 

Những khoảng cách tiền hậu bất nhất như vậy khiến cho việc loại bỏ các kịch bản đáng lo ngại trở nên khó khăn hơn. Nếu có một tai nạn trong phòng thí nghiệm liên quan đến SARS-CoV-2 hoặc một loại virus tương tự hoặc đã được thu thập từ thế giới tự nhiên hoặc được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, thì người ta có thể đã giấu cơ sở dữ liệu để những người khác có ít bằng chứng có thể giúp họ nắm được sự việc. Các quan chức có thể đã điều tra các trường hợp xảy ra trong phòng thí nghiệm và sớm tin rằng sự việc đã rõ ràng. Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng và họ có thể đã bỏ sót một vài trường hợp nơi chuỗi truyền nhiễm bắt đầu và để cho virus lặng lẽ lây lan cho đến khi xảy ra sự kiện siêu lây lan vào tháng 12-2019.

Sự bí mật và sự che đậy đã dẫn đến một số giả thuyết điên cuồng – ví dụ, rằng virus bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm vũ khí sinh học. Giả thuyết này không có nhiều ý nghĩa, bởi vì vũ khí sinh học thường liên quan đến các mầm bệnh gây chết nhiều người hơn và người ta đã có phương pháp chữa bệnh hoặc vaccine để bảo vệ những người sử dụng chúng.

Nhưng các mối đe dọa trần tục hơn vẫn còn tiềm ẩn.

Con dơi ở đâu ra?

Công việc khoa học của Tiến sĩ Thạch phụ thuộc vào việc thu thập và phân tích hàng trăm mẫu dơi. Và chính công việc của bà cho thấy những nỗi nguy hiểm liên quan đến nỗ lực này. Bài báo năm 2013 của Tiến sĩ Thạch, Tiến sĩ Daszak và những người khác chứng tỏ một coronavirus dơi sống trong một mẫu vật ở Vân Nam có thể xâm nhập các thụ thể trong tế bào phổi của con người cho thấy “virus có thể lây nhiễm trực tiếp cho con người mà không nhất thiết phải qua các vật chủ trung gian”. Thí nghiệm gây tranh cãi năm 2015 đó do một nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm Tiến sĩ Baric và Tiến sĩ Thạch đồng tác giả, được thực hiện sau khi họ tìm thấy một loại coronavirus dơi khác mà họ nghi ngờ có thể lây nhiễm sang người, nhưng rất khó nuôi cấy. Sau đó, họ đã tạo ra một virus lai ghép chimeric bằng cách sử dụng các gai nhọn của nó. Họ cho thấy loại virus lai ghép này cũng có thể lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào đường thở của con người.

Hồi tháng Mười 2015, phòng thí nghiệm của Tiến sĩ Thạch đã lấy mẫu xét nghiệm 200 người dân sống trong phạm vi vài dặm gần hai hang động ở Vân Nam và thấy có sáu người được xác định dương tính với kháng thể chống coronavirus dơi, chứng tỏ họ đã từng bị nhiễm virus trong quá khứ. Tất cả sáu người này đều báo cáo đã nhìn thấy dơi và có 20 người trong tổng số 200 người báo cáo đã nhìn thấy dơi bay gần nhà của họ; điều đó cho thấy việc tiếp xúc với dơi sẽ tạo ra nguy cơ lây nhiễm rất lớn.

Tuy nhiên, thực tiễn nghiên cứu có thể không phải lúc nào cũng tiếp thu những bài học này.

Bất cẩn khi thực hiện nghiên cứu

Trong khi một bài báo năm 2017 của Trung Quốc ghi nhận sự thận trọng của các nhân viên Viện Virus học Vũ Hán và đăng ảnh cho thấy họ đội mũ trùm đầu và một số người đeo khẩu trang N95, cuối năm đó một phóng sự trên truyền hình nhà nước Trung Quốc về các nghiên cứu của Tiến sĩ Thạch lại cho thấy các nhà nghiên cứu xử lý mẫu dơi hoặc phân dơi bằng tay không hoặc với cánh tay lộ ra ngoài. Một người trong nhóm của bà Thạch đã ví vết dơi cắn như “bị đâm bằng kim”.

Trong một bài đăng trên blog năm 2018 sau đó bị xóa, Tiến sĩ Thạch nói rằng công việc nghiên cứu dơi “không nguy hiểm” như mọi người nghĩ. “Cơ hội lây nhiễm trực tiếp cho con người là rất nhỏ,” bà viết. “Trong phần lớn trường hợp, chỉ cần thực hiện biện pháp bảo vệ thông thường”, trừ khi người ta biết một con dơi có mang một loại virus có thể lây nhiễm sang người. Theo báo The Washington Post, bà Thạch lặp lại điều tương tự trong một video kiểu TED Talk năm 2018 minh họa bằng hình chụp các đồng nghiệp hoặc không đeo khẩu trang hoặc chỉ che mặt bằng khẩu trang y tế thông thường và thực hiện phẫu thuật bằng tay không, và lưu ý rằng “biện pháp bảo vệ đơn giản hơn” là phù hợp vì người ta tin rằng các mầm bệnh từ dơi thường cần một vật chủ trung gian mới truyền được sang con người.

Tiến sĩ Thạch khẳng định tất cả các nghiên cứu tại viện của bà đều được thực hiện theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn sinh học và phòng thí nghiệm được kiểm tra hàng năm bởi một bên thứ ba.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Vũ Hán (WCDC) được biết cũng tiến hành nghiên cứu về virus ở loài dơi. 

Một trong những nhân viên của WCDC, ông Điền Xuân Hoa (Tian Junhua), nổi tiếng về các khám phá khoa học mạo hiểm. Một bài báo năm 2013 cho biết nhóm của ông đã bắt được 155 con dơi ở tỉnh Hồ Bắc. Báo Washington Post đưa tin trong một video được phát hành ngày 10 tháng 12 năm 2019, ông Điền khoe khoang “đã đến thăm hàng chục hang dơi và nghiên cứu 300 loại vector virus”. Trước đó, ông Điền cũng kể việc từng mắc sai lầm ở hiện trường như quên trang bị bảo hộ cá nhân, bị nước tiểu của dơi tạt vào người hoặc vô tình dính máu dơi lên da, theo The Post. Thế nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng cơ quan WCDC phủ nhận việc từng lưu trữ hoặc làm việc với virus dơi trong phòng thí nghiệm trước đại dịch.

Hồi tháng Ba năm nay, WHO báo cáo rằng phòng thí nghiệm của WCDC “đã chuyển cơ sở vào ngày 2 tháng 12 năm 2019 đến một địa điểm mới gần chợ Hoa Nam”. Báo cáo của WHO cho biết “không có sự gián đoạn hoặc sự cố” trong quá trình di chuyển cơ sở. Do chính phủ Trung Quốc thiếu thành thực, điều đó làm dấy lên nghi ngờ rằng các mẫu thí nghiệm, nếu không phải là chính con dơi, đã được vận chuyển gần chợ vào thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Nhiều cách thực hành nghiên cứu này không sai lệch so với các chuẩn mực quốc tế. Một nhà nghiên cứu thực địa về dơi ở Hoa Kỳ nói với tôi rằng giờ đây cô ấy luôn đeo mặt nạ phòng độc khi vào các hang dơi nhưng trước đây đó không phải là thông lệ tiêu chuẩn.

Không phải là một ý tưởng hoang đường khi cho rằng nghiên cứu thực địa có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh. Tiến sĩ Linfa Wang, một nhà virus học người Úc gốc Hoa ở Singapore, người thường xuyên làm việc với Tiến sĩ Thạch và là người tiên phong đưa ra giả thuyết loài dơi đứng sau đại dịch SARS năm 2003, nói với Nature rằng có một khả năng nhỏ là đại dịch này được gieo mầm do một nhà nghiên cứu nào đó vô tình bị lây nhiễm một loại virus không xác định trong khi thu thập mẫu dơi trong hang động.

Phòng thí nghiệm WIV có nuôi dơi không?

Dơi có thể tạo ra nhiều rủi ro hơn nữa nếu được nuôi trong các phòng thí nghiệm, giống như rủi ro do buôn bán động vật hoang dã ở các chợ thành thị.

Vào ngày 10 tháng 12, Peter Daszak, người tổ chức bức thư đăng trên The Lancet bác bỏ nghi vấn về nguồn gốc tự nhiên của dịch Covid-19 và được công bố là thành viên đoàn chuyên gia WHO điều tra nguồn gốc của đại dịch vào mùa thu năm ngoái, khẳng định ý tưởng cho rằng có những con dơi sống trong phòng thí nghiệm mà ông đã cộng tác trong 15 năm qua là một thuyết âm mưu. “Đó không phải là cách ngành khoa học này hoạt động,” ông ta viết trong một tweet sau đó đã bị xóa. “Chúng tôi thu thập các mẫu dơi, gửi đến phòng thí nghiệm. Chúng tôi THẢ dơi ra ở nơi chúng tôi bắt được chúng!”

Nhưng người ta đã tích lũy được những bằng chứng trái ngược với tuyên bố đó. Một trợ lý nghiên cứu nói với một phóng viên rằng Tiến sĩ Thạch đảm nhận việc cho dơi ăn khi các nghiên cứu sinh đi vắng. Một bản tin khác vào năm 2018 cho biết một nhóm do một trong những thực tập sinh tiến sĩ của bà ta phụ trách “đã thu thập một đống giá gạc và đóng bao hàng chục con dơi sống để kiểm tra thêm tại phòng thí nghiệm.” Trang web của Viện Khoa học Trung Quốc đã liệt kê Viện Virus học Vũ Hán có ít nhất một chục lồng nuôi dơi, và vào năm 2018, viện này đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho một lồng nuôi dơi. Tiến sĩ Thạch đã nói về việc theo dõi các kháng thể ở dơi theo thời gian – một việc không thể thực hiện trong hang động. Gần đây đã xuất hiện một video khác cho thấy có những con dơi sống trong Viện Virus học Vũ Hán.

Mới vài tuần trước đây, Tiến sĩ Daszak đã thay đổi tuyên bố của mình. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu [Viện Virus học Vũ Hán] đang cố gắng tổ chức một đàn dơi, giống như nhiều phòng thí nghiệm virus học khác,” ông nói.

Trong khi đó, vẫn chưa tìm thấy bất kỳ loài động vật trung gian nào truyền virus từ dơi sang người dù người ta đã xét nghiệm hàng nghìn loài động vật xung quanh Vũ Hán. Tháng trước, một cựu giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), ông Scott Gottlieb, nói rằng việc không tìm thấy vật chủ trung gian đã thêm bằng chứng vào giả thuyết một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm, mặc dù Tiến sĩ Daszak đề nghị các nhà điều tra nên xem xét xa hơn, xem các trang trại động vật hoang dã ở miền nam Trung Quốc.

Nhưng nếu sự lây truyền từ dơi sang người là cách mà đại dịch đã xảy ra thì không cần động vật trung gian, mà trung gian có thể là bất kỳ ai tương tác với dơi – là một người dân làng hoặc một nhà nghiên cứu thực địa.

Bất chấp những lời khẳng định rộng rãi rằng virus dơi cần một động vật trung gian, các nghiên cứu thậm chí còn chưa giải quyết được vấn đề liệu có phải con cầy hương đã làm cho bệnh SARS lây sang người từ con dơi hay không. Chúng ta biết cầy hương đã khuếch đại dịch bệnh khi dịch SARS đến chợ ở Quảng Đông và việc lây truyền qua lại giữa người và cầy hương là có thể xảy ra. Tuy nhiên, quần thể cầy hương bị nhiễm bệnh lan rộng duy nhất mà các nhà nghiên cứu tìm thấy là quần thể ở các chợ thành thị và đôi khi ở các trang trại – nơi có người ở – chứ không phải trong tự nhiên. Chúng ta biết con người chúng ta có thể lây bệnh cho động vật. Năm ngoái, Đan Mạch đã phải giết 17 triệu con chồn sau khi chúng nhiễm virus SARS-CoV-2 từ con người. Có thể con người là vật chủ trung gian ban đầu cho cầy hương và sinh vật nhỏ bé dễ thương đó bị đổ lỗi.

SARS-CoV-2 – một chủng virus kỳ lạ

Các nguồn rủi ro khác là chính các hoạt động trong phòng thí nghiệm.

Đã có rất nhiều suy đoán rằng virus SARS-CoV-2 là kết quả của kỹ thuật di truyền. Không thể loại trừ giả thuyết này chỉ dựa trên phân tích bộ gene, và sự nghi ngờ đã tăng lên do phản ứng mù mờ của nhà chức trách Trung Quốc.

Họ đã từ chối chia sẻ trực tiếp các hồ sơ của phòng thí nghiệm. Tiến sĩ Thạch đã lặp lại lập trường từ chối này hồi tháng 5 khi một nhóm các nhà khoa học, bao gồm cả đồng tác giả của bà ta, Tiến sĩ Baric, thúc đẩy một sự minh bạch rộng rãi hơn. “Điều đó chắc chắn là không chấp nhận được”, bà Thạch đã gửi email cho một phóng viên để đáp lại yêu cầu của nhóm muốn xem hồ sơ phòng thí nghiệm của bà.

Trong khi đó, trong suốt tháng 12 năm 2019, các bác sĩ ở Vũ Hán nghi ngờ một loại virus giống SARS đã bị sổng ra và chính quyền địa phương đã bắt giữ những người cảnh báo, trong đó có ít nhất một nhân viên chăm sóc sức khỏe. Sự che đậy của các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục kéo dài cho đến khi nhà khoa học nổi tiếng về bệnh SARS, ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) đến Vũ Hán vào ngày 18-01-2020 và đưa ra lời báo động.

Có thể nói đó là bằng chứng gián tiếp làm dấy lên nghi ngờ về tuyên bố virus SARS-CoV-2 đã được tạo ra bằng kỹ thuật sinh học.

Ví dụ, các đặc tính của virus khiến một số người nghi ngờ nó đã được tạo ra bằng kỹ thuật sinh học cũng có thể là bằng chứng cho thấy virus tiến hóa một cách tự nhiên. Rất nhiều người chú ý đến một đặc điểm bất thường trên protein gai của nó, được gọi là vị trí phân cắt furin, giúp virus có thể lây nhiễm mạnh hơn vào tế bào người. Đó là một trong những đặc điểm kỳ lạ của SARS-CoV-2, kỳ lạ đến mức ngay cả các nhà virus học hoài nghi giả thuyết về vai trò của phòng thí nghiệm cũng nói với tôi rằng họ đã rất sốc khi nhìn thấy nó. Trên thực tế, ngay cả ngoài đặc điểm về vị trí phân cắt furin, SARS-CoV-2 còn là một loại virus mà các nhà khoa học chưa từng thấy trước đây. Sự tiến hóa có thể là sự tích lũy ngẫu nhiên các tính năng kỳ lạ, mới lạ. Đối với nghiên cứu về virus mà các nhà khoa học như Tiến sĩ Thạch thực hiện cho các ấn phẩm khoa học cấp cao, sự kết hợp như vậy là phi lý. Công việc của họ thường liên quan đến việc kiểm tra hoặc thay đổi một phần tử của virus tại một thời điểm để tìm hiểu xem mỗi phần tử có chức năng gì và có thể được tạo ra để làm gì. Ví dụ: nếu máy tính của bạn bị lỗi, bạn sẽ không thấy có vấn đề gì bằng cách thay đổi đồng thời nguồn điện, cáp và ổ cắm điện. Bạn phải kiểm tra từng cái riêng lẻ. Có một loạt các yếu tố bất thường dẫn đến các kết quả khó đánh giá, đó không phải là một bài báo trên Nature.

Nhưng ngay cả khi chúng ta tạm gác kỹ thuật sinh học được điều khiển sang một bên, công việc thí nghiệm thường xuyên trong các phòng thí nghiệm Vũ Hán vẫn làm dấy lên những lo ngại.

Vào năm 2016, Viện Virus học Vũ Hán đã báo cáo việc thử nghiệm một loại coronavirus dơi sống có thể lây nhiễm sang tế bào người trong phòng thí nghiệm BSL-2 – tức là độ an toàn sinh học ở cấp 2, cấp chỉ ngang với mức an toàn sinh học của phòng khám nha khoa. Ở cấp độ an toàn này thường không bắt buộc phải có đồ bảo hộ ngoài găng tay và áo khoác phòng thí nghiệm và thường không có hệ thống kiểm soát luồng gió ngăn cách khu vực làm việc và phần còn lại của tòa nhà. Michael Lin, phó giáo sư sinh học thần kinh và kỹ thuật sinh học tại Đại học Stanford, nói với tôi rằng đó là “một vụ bê bối thực tế, được ghi lại trên giấy trắng mực đen”, rằng một loại virus giống SARS có khả năng nhân lên trong tế bào người đã được thử nghiệm trong điều kiện an toàn thấp như vậy.

Chỉ cố gắng nuôi cấy virus dơi trong phòng thí nghiệm cũng đã có thể tạo ra những rủi ro mà thậm chí các nhà khoa học có thể không nhận ra được. Trong khi cố gắng và thất bại, không nuôi cấy được một chủng virus nào đó, họ có thể vô tình nuôi cấy một chủng khác mà họ thậm chí không biết. Tiến sĩ Lin nói với tôi rằng thậm chí có thể xảy ra chuyện nhiều chủng virus cùng tồn tại trong một mẫu duy nhất và âm thầm kết hợp lại, tạo ra một thứ gì đó mới lạ mà không bị phát hiện. Trong điều kiện an toàn sinh học BSL-2 hoặc thậm chí điều kiện BSL-3 cẩu thả, các nhà nghiên cứu có thể bị phơi nhiễm với mầm bệnh mà họ không biết là có tồn tại.

Các nhà khoa học thay đổi quan điểm

Một số nhà khoa học đã ký lá thư trên The Lancet bác bỏ việc xem xét bất cứ giả thuyết nào về nguồn gốc của đại dịch ngoài nguồn gốc tự nhiên, nay cho biết họ cởi mở hơn với giả thuyết về sự tham gia của phòng thí nghiệm. Một người trong số họ, giáo sư Bernard Roizman, một nhà virus học danh dự tại Đại học Chicago với bốn chức danh giáo sư danh dự của các trường đại học Trung Quốc, cho biết ông nghiêng về hướng tin rằng có một tai nạn trong phòng thí nghiệm.

“Tôi tin rằng những gì đã xảy ra là virus đã được đưa đến phòng thí nghiệm, họ bắt đầu làm việc với nó, và một số cá nhân cẩu thả đã đưa nó ra ngoài”, ông Roizman nói với báo The Wall Street Journal và cho biết thêm, “Họ không thể thừa nhận rằng họ đã làm điều gì đó ngu ngốc.”

Giáo sư Charles Calisher thuộc Đại học tiểu bang Colorado, một người ký tên khác trong bức thư đăng trên The Lancet, gần đây đã nói với đài ABC News rằng “có quá nhiều sự trùng hợp” khiến không thể bỏ qua lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm và bây giờ ông tin rằng “nhiều khả năng nó đã ra khỏi phòng thí nghiệm đó”.

Peter Palese, nhà virus học đã viết về đại dịch cúm năm 1977, nói rằng “rất nhiều thông tin đáng lo ngại đã xuất hiện kể từ khi tôi ký bức thư The Lancet” và ông muốn có một cuộc điều tra để tìm ra câu trả lời.

Các nhà khoa học khác cũng cho biết họ đã thay đổi quan điểm.

Ian Lipkin, Giám đốc Trung tâm Nhiễm trùng và Miễn dịch tại Đại học Columbia và là đồng tác giả của một bài báo có ảnh hưởng trên tạp chí Nature Medicine, từng ủng hộ giả thuyết nguồn gốc tự nhiên vào tháng Ba năm ngoái, cũng tỏ ra hoài nghi hơn. Ông nói với phóng viên khoa học Donald G. McNeil Jr. vào tháng trước: “Mọi người nên nhìn vào virus dơi trong phòng thí nghiệm BSL-2. Quan điểm của tôi đã thay đổi.”

Hồ sơ y tế của nhân viên phòng thí nghiệm có thể giúp làm rõ những câu hỏi như vậy. Tháng Bảy năm ngoái, Tiến sĩ Thạch cho biết “không có khả năng” rằng nhân viên của Viện có thể đã bị nhiễm bệnh “trong khi thu thập, lấy mẫu hoặc xử lý dơi.” Bà ấy nói thêm rằng gần đây Viện đã kiểm tra tất cả các nhân viên và sinh viên để tìm kháng thể cho thấy ai đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc các virus liên quan đến SARS và đã phát hiện ra “không ai bị nhiễm trùng” (zero infection) và khẳng định rằng bà đã có thể loại trừ khả năng nhiễm bệnh ở tất cả các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán .

Thật khó biết làm thế nào mà một nhà khoa học cẩn thận lại có thể loại bỏ khả năng lây nhiễm, dù là nhỏ nhất, ở tất cả các phòng thí nghiệm, kể cả những phòng thí nghiệm không phải của riêng bà ta. “Không nhiễm trùng” có nghĩa là trong số hàng trăm người làm việc tại viện không hề có người nào bị nhiễm, mặc dù một nghiên cứu cho thấy có tới 4,4% dân số Vũ Hán đã bị nhiễm virus.

Sau đó, nhóm điều tra của WHO đã yêu cầu cung cấp thêm thông tin về các trường hợp Covid-19 sớm nhất ở Vũ Hán, bao gồm các dữ liệu bệnh nhân ẩn danh nhưng có chi tiết bệnh lý – điều cần phải làm trong bất kỳ cuộc điều tra nguồn gốc ổ dịch nào – và đã bị từ chối.

Tất cả điều này để lại rất nhiều khả năng mở ra và rất nhiều băn khoăn.

Vì hầu hết các đại dịch là do virus sinh ra từ động vật, lây truyền từ động vật sang động vật, có lý do gì để nghi ngờ sự tham gia của phòng thí nghiệm hay không? Có lẽ có nếu ta nhìn vào toàn bộ lịch sử loài người. Khoảng thời gian so sánh tốt nhất là từ khi sinh học phân tử ra đời, khi mà các nhà khoa học có nhiều khả năng gây ra các vụ dịch hơn. Đại dịch năm 1977 gắn liền với các hoạt động nghiên cứu, trong khi hai đại dịch khác đã xảy ra kể từ đó, AIDS và cúm heo H1N1 năm 2009, thì không.

Thêm vào đó, một khi xảy ra một sự kiện hy hữu như đại dịch, người ta phải xem xét tất cả các con đường tiềm năng dẫn đến đó. Nó giống như điều tra một vụ tai nạn máy bay. Đi máy bay thường rất an toàn, nhưng khi xảy ra tai nạn, chúng ta không chỉ nói do lỗi máy móc, lỗi lầm của phi công thường không dẫn đến thảm họa và hiếm khi xảy ra khủng bố. Thay vào đó, chúng ta phải điều tra tất cả các con đường có thể xảy ra, bao gồm cả những con đường bất thường, để chúng ta tìm ra cách ngăn chặn các sự kiện tương tự.

Những câu hỏi không lời đáp

Có lẽ câu hỏi lớn nhất là phải đọc điều gì về vị trí bùng phát của đại dịch, cách nơi phát hiện được họ hàng gần nhất của virus hàng ngàn dặm nhưng lại kề cận một viện nghiên cứu hàng đầu.

Đôi khi, sự tò mò xung quanh vị trí bùng phát dịch đã bị xua tan với lời giải thích rằng các phòng thí nghiệm được thiết lập ở nơi có virus. Tuy nhiên, Viện Virus học Vũ Hán đã tồn tại ở đó từ năm 1956, thực hiện nghiên cứu vi sinh vật nông nghiệp và môi trường dưới một cái tên khác. Nó được nâng cấp và bắt đầu tập trung vào nghiên cứu coronavirus chỉ sau dịch SARS. Vũ Hán là một đại đô thị có dân số đông hơn thành phố New York, không phải là một vùng nông thôn gần hang dơi. Tiến sĩ Thạch cho biết đợt bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 12-2019 đã khiến bà ngạc nhiên vì bà “không bao giờ mong đợi chuyện này sẽ xảy ra ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc.” Khi phòng thí nghiệm của bà ta cần một quần thể dân cư ít có khả năng tiếp xúc với coronavirus dơi, họ đã sử dụng cư dân Vũ Hán vì lưu ý rằng “cư dân ít có khả năng tiếp xúc với con dơi do bối cảnh đô thị của Vũ Hán.”

Tuy nhiên, bản thân vị trí cũng không phải là bằng chứng. Các kịch bản hợp lý liên quan đến các hoạt động nghiên cứu cũng không loại trừ các lựa chọn khác.

Mới đây, giáo sư Jesse Bloom tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, nói với tôi rằng khi ông ấy phục hồi và phân tích một bộ các chuỗi gene Vũ Hán đã bị xóa khỏi kho lưu trữ gene, nó đã hỗ trợ “bằng chứng đáng kể hiện có cho thấy virus SARS -CoV-2 đã lưu hành ở Vũ Hán trước khi dịch bùng phát ở chợ hải sản.” Cả báo cáo ban đầu của các nhà khoa học Trung Quốc và báo cáo điều tra của WHO vào mùa đông năm nay cho thấy nhiều trường hợp nhiễm bệnh ban đầu không liên quan đến chợ hải sản, bao gồm cả trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận sớm nhất cho đến nay, vào ngày 08-12-2019. Vì vậy, chợ hải sản có thể không phải là địa điểm ban đầu của ổ dịch.

Cũng có thể hợp lý khi đợt bùng phát dịch có thể đã bắt đầu ở một nơi khác và được phát hiện ở Vũ Hán đơn giản vì đây là một thành phố lớn. Việc kiểm tra các ngân hàng máu khắp Trung Quốc, đặc biệt là ở các khu vực gần các trang trại động vật hoang dã và hang dơi, sẽ hữu ích, nhưng chính phủ Trung Quốc đã không thực hiện nghiên cứu như vậy – và không cho phép chia sẻ kết quả nghiên cứu nếu có.

Với rất nhiều bằng chứng bị giữ kín, thật khó để nói bất cứ điều gì về nguồn gốc của Covid-19 một cách chắc chắn và ngay cả một cuộc điều tra xác thực cũng sẽ gặp thách thức. Một số vụ bùng phát dịch chưa bao giờ được xác định nguồn gốc của chúng.

Và những bài học cho tương lai

Nhưng ngay cả khi bị từ chối câu trả lời, chúng ta vẫn có thể rút ra bài học.

Có lẽ bài học lớn nhất là chúng ta đã bị một đợt bùng phát dịch coronavirus dơi, bằng cách này hay cách khác, và nghiên cứu chứng tỏ virus có khả năng nhảy từ dơi sang người là một cảnh báo đã không được chú ý.

Các nhà khoa học và quan chức chính phủ cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy hiểm của cách chúng ta làm việc với dơi và virus, ở thực địa và trong phòng thí nghiệm, nhất là khi các khoản đầu tư y tế công cộng khác có thể làm được nhiều hơn để ngăn chặn đại dịch. Sẽ hiệu quả hơn nếu thiết lập sự giám sát nghiêm ngặt những nơi các mầm bệnh chết người được biết là sẽ phát triển mạnh và chuẩn bị tốt hơn cho các tổ chức của chúng ta để phản ứng nhanh chóng và minh bạch với dấu hiệu đầu tiên của một đợt bùng phát dịch. Nghiên cứu nên tập trung vào phản ứng hơn là dự đoán; hai việc này có chồng lên nhau nhưng không giống nhau. Tìm ra một loại virus nguy hiểm trong hang động hoặc đĩa thí nghiệm có thể hữu ích, nhưng nó giống như chọc một con gấu mà chúng ta đang cố gắng tránh.

Nghiên cứu thực địa về dơi lẽ ra phải được thực hiện cẩn thận hơn. Virus dơi không nên được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm BSL-2 và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm BSL-3 chỉ nên được thực hiện dưới sự thận trọng nghiêm ngặt nhất. Dơi nên được coi là mối đe dọa nghiêm trọng trong phòng thí nghiệm. Tương tác của con người với dơi phải được thực hiện dưới sự giám sát và quy định chặt chẽ.

Alison Young, một phóng viên điều tra từ lâu đã đưa tin về các sự cố trong phòng thí nghiệm, đã viết rằng từ năm 2015 đến năm 2019, đã xảy ra hơn 450 vụ tai nạn được báo cáo với các mầm bệnh mà chính phủ liên bang Hoa Kỳ giám sát vì sự nguy hiểm của chúng. Các phòng thí nghiệm của Anh quốc cũng có tỷ lệ sự cố tương tự – và nghiên cứu cho thấy các tai nạn trong phòng thí nghiệm thậm chí không phải lúc nào cũng được báo cáo.

Một số nhà khoa học đã đề nghị áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn và phân tích kỹ hơn lợi ích-rủi ro trong công cuộc nghiên cứu các mầm bệnh có thể vô tình gây ra đại dịch. Một số nghiên cứu có thể vẫn đáng làm, và đã có đề nghị di chuyển các phòng thí nghiệm như vậy ra ngoài các thành phố đông dân cư.

Hợp tác với Trung Quốc về những vấn đề này là rất quan trọng, bao gồm cả vấn đề an toàn trong phòng thí nghiệm và giám sát ổ dịch. Một số người cho rằng việc chỉ trích phản ứng của Trung Quốc đối với đại dịch và các hoạt động khoa học có thể dẫn tới đại dịch sẽ gây nguy hiểm cho sự hợp tác đó. Thật khó để thấy các bài bình luận đầy giận dữ đã làm cho các quan chức Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn những gì họ vốn có.

Mọi người đã lo lắng một cách dễ hiểu rằng những tuyên bố như vậy có thể khiến các nhà khoa học từ các quốc gia khác bị quy tội, đặc biệt là khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống người châu Á đã lan tràn. Nhưng tại sao kéo dài tình trạng sự kiện này lại có lợi cho họ?

Sau một tai nạn trong phòng thí nghiệm nghiên cứu vi khuẩn bệnh than ở Liên Xô năm 1979 khiến hàng chục người thiệt mạng, các nhà khoa học hàng đầu phương Tây đã chấp nhận lời bào chữa của chính phủ Liên Xô, nhưng tất cả hóa ra đều là dối trá. Điều đó đã không giúp dẫn đến các tiêu chuẩn an toàn tốt hơn, bao gồm cả những tiêu chuẩn có lợi cho các nhà khoa học ở các quốc gia độc tài.

Con đường tốt hơn để đi về phía trước là một sự hợp tác toàn cầu thực sự dựa trên lợi ích chung và có đi có lại. Bất chấp sự che giấu hiện nay, chúng ta nên cho rằng chính phủ Trung Quốc cũng không muốn tiếp tục trải qua chuyện này nữa – nhất là khi dịch SARS cũng bắt đầu từ quốc gia đó.

Điều này có nghĩa là hãy đặt lợi ích của công chúng lên trước những tham vọng cá nhân và thừa nhận rằng mặc dù nghiên cứu y sinh học có sức mạnh mang lại những điều kỳ diệu về sức mạnh của nó, nó cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm.

Để làm được như vậy, các quan chức chính phủ và các nhà khoa học cần nhìn vào bức tranh lớn: Tìm kiếm sự thân thiện và sự thật thay vì chỉ né tránh sự khó chịu. Hãy phát triển một khuôn khổ vượt ra khỏi việc đổ lỗi cho Trung Quốc, bởi vì các vấn đề nổi lên thực sự mang tính toàn cầu. Và hãy nhận ra rằng điều lớn lao tiếp theo có thể chỉ đơn giản là quan tâm đến rất nhiều chi tiết nhỏ.

Nguyên văn:  Where Did the Coronavirus Come From? What We Already Know Is Troubling. – The New York Times (nytimes.com)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: