Nước Mỹ sẽ không vỡ nợ

Tại sao nước Mỹ sẽ không bao giờ vỡ nợ?
Tổng thống Joe Biden họp với lãnh đạo Quốc hội (Mitch McConnell, Kevin McCarthy và Chuck Schumer tại phòng Bầu Dục chiều ngày 9 tháng Năm 2023 để khai thông bế tắc về trần nợ, tránh nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ vào đầu tháng Sáu. Cuộc họp không đi đến kết quả và các bên sẽ họp lại vào thứ Sáu. Ảnh Anna Moneymaker/Getty Images

Tin “Nước Mỹ sắp vỡ nợ” lan nhanh khắp thế giới như đám cháy rừng, làm dấy lên một nỗi lo lắng hợp lý. Nhưng bình tĩnh suy nghĩ thì dù nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ là có thật, có điều nó sẽ không bao giờ xảy ra, nói cách khác là nước Mỹ sẽ không bao giờ vỡ nợ. Tại sao vậy?

Vỡ nợ, hay phá sản là khi người vay tiền không trả được tiền lời và tiền vốn những khoản đã vay. Chính phủ Mỹ thường chi tiêu nhiều tiền hơn số thu được vào ngân sách nên thường bị thâm hụt. Để bù vào khoản thâm hụt đó, chính phủ phải vay tiền bằng cách phát hành trái phiếu kho bạc, tức là Treasury Bond, gọi tắt là T-Bond. Người Mỹ và người ngoại quốc, đặc biệt là các ngân hàng quốc gia nước ngoài, bỏ tiền mua T-Bond, coi đó là cách đầu tư an toàn nhất, vừa được hưởng tiền lời, vừa bảo đảm không mất vốn vì họ tin nước Mỹ sẽ luôn luôn trả tiền vốn và tiền lời sòng phẳng. 

Hiện nước Mỹ mắc nợ khoảng $31.4 ngàn tỷ, tương đương 133% tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Mỹ. Số nợ $31.4 ngàn tỷ này đã được Quốc hội duyệt, gọi là “trần nợ” (debt ceiling) hay “giới hạn nợ” (debt limit). Nếu chính phủ muốn vay thêm ngoài con số đó thì phải được Quốc hội chấp thuận, gọi là “nâng trần nợ”.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhiều lần cho biết Mỹ đã đụng trần nợ vào ngày thứ Năm 19 tháng Giêng, 2023. Trong khi chờ Quốc hội xem xét nâng trần nợ, Bộ Tài chính đã áp dụng các “biện pháp đặc biệt” để vẫn có tiền chi dùng, nhưng chỉ có thể cầm cự tới hết tháng này. Nếu đến thời điểm đó, mà giới phân tích kinh tế gọi là “X-date”, Quốc hội chưa nâng trần nợ thì chính phủ Mỹ sẽ không có tiền trả cho người sở hữu trái phiếu, trả lương cho quân đội và người về hưu, bị coi là “vỡ nợ” hoặc “phá sản”.

Trong một bức thư gửi ông Kevin McCarthy, Chủ tịch Hạ Viện mới đây, bà Yellen nói Quốc hội phải hành động tích cực trong việc nâng trần nợ vì hậu quả sẽ gây tổn hại đến vị thế lãnh đạo toàn cầu và đặt ra câu hỏi về khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ.

Nhưng đến nay Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số chưa đồng ý nâng trần nợ, tức là chưa cho phép chính phủ của Tổng thống Joe Biden, đảng Dân chủ, phát hành thêm trái phiếu mới để có tiền trả các khoản nợ hiện hữu. Hạ viện đặt điều kiện, muốn nâng trần nợ thì chính phủ phải cắt giảm chi tiêu; một dự luật được Hạ viện đưa ra cuối tháng trước đòi cắt giảm khoảng $4,500 tỷ chi tiêu ngân sách trong mười năm tới. 

Trong khi đó, quan điểm của Tổng thống Biden và đảng Dân chủ là tách biệt vấn đề nâng trần nợ và giảm chi tiêu ngân sách thành hai chuyện riêng rẽ: Trước mắt hãy nâng trần nợ để tránh một cuộc vỡ nợ mang tính thảm họa rồi sau đó hai bên sẽ thảo luận vấn đề giảm chi tiêu ngân sách. Tổng thống Biden nhiều lần nói ông sẵn sàng đàm phán với Chủ tịch Hạ viện McCarthy của đảng Cộng hòa về cắt giảm chi tiêu ngân sách của chính phủ nhưng không coi đó là một điều kiện cho việc nâng trần nợ. 

 Hôm thứ Ba 9 tháng Năm 2023, Tổng thống Biden đã mời bốn nhà lãnh đạo Thượng và Hạ viện, thuộc hai đảng, đến Tòa Bạch Ốc để bàn bạc, tìm cách vượt qua sự bất đồng quan điểm, nhưng cuộc họp đã kết thúc mà không có kết quả như mong đợi. Các lãnh đạo sẽ họp lại lần nữa vào thứ Sáu, từ nay đến đó các phụ tá của hai bên sẽ tiếp tục bàn bạc, tháo gỡ những điểm bất đồng để có thể đạt được một thỏa thuận làm căn bản để Quốc hội thông qua một đạo luật mới về nâng trần nợ.

Như vậy, nguy cơ Mỹ vỡ nợ không phải do nước Mỹ không có tiền trả nợ mà do bế tắc chính trị chung quanh vấn đề trần nợ. Một khi bế tắc được khai thông, trần nợ được nâng lên thì câu chuyện vỡ nợ sẽ trôi vào quá khứ như nó từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ.

Hai nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa: Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và trưởng khối thiểu số Thượng viện Mitch McConnell bị báo chí truy vấn sau cuộc họp về trần nợ với Tổng thống Biden tại Tòa Bạch Ốc chiều ngày 9 tháng Năm 2023. Ảnh Win McNamee/Getty Images

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy trần nợ của Mỹ sẽ được nâng lên gần như tự động mà không kèm theo điều kiện ràng buộc nào khi Hạ viện và Tòa Bạch ốc đều do cùng một đảng kiểm soát. Từ năm 1960 đến nay, Quốc hội Mỹ đã 78 lần ra luật nâng trần nợ, trong đó có 49 lần nâng trần nợ dưới thời các tổng thống Cộng hòa và 29 lần dưới thời các tổng thống Dân chủ. Thời cựu Tổng thống Donald Trump (2017-2020) chẳng hạn, Quốc hội Mỹ đã ba lần ra luật nâng trần nợ, vào các năm 2017, 2018 và 2019 mà không có vấn đề gì. 

Ngược lại, nếu Hạ viện và Tòa Bạch ốc thuộc về hai đảng thì vấn đề trần nợ sẽ biến thành công cụ chính trị để đảng này buộc đảng kia phải nhượng bộ một số yêu cầu của họ, dẫn tới những cuộc đối đầu gay gắt. Tình hình đó đã xảy ra năm 2011 khi Tổng thống Barack Obama (Dân chủ) ngồi trong Tòa Bạch ốc và Dân biểu John Boehner (Cộng hòa) làm chủ tịch Hạ viện. Bây giờ nó tái diễn thành cuộc đối đầu giữa Tổng thống Joe Biden (Dân chủ) và Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng hòa).

Năm 2011, ông Obama đã nhượng bộ chỉ hai ngày trước thời hạn chót. Tuy lúc đó Mỹ tránh được vụ vỡ nợ lần đầu tiên nhưng giá cổ phiếu sụt giảm mạnh và dẫn đến việc lần đầu tiên Hoa Kỳ bị hạ cấp tín nhiệm tín dụng. Lần này, Chủ tịch Hạ viện McCarthy lại sử dụng thủ đoạn chính trị để “bắt bí” Tổng thống Biden, đe dọa sẽ để cho nước Mỹ vỡ nợ vào lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn do lạm phát cao, bất ổn ngân hàng và chiến tranh ở Ukraine làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế. Nhưng cho đến nay, ông Biden chưa tỏ dấu hiệu sẽ nhượng bộ.

Đảng Dân chủ cũng chỉ ra rằng thẩm quyền vay nợ của chính phủ phải được nâng lên, vì Quốc hội có nghĩa vụ chi trả cho những khoản mà họ đã phê duyệt trong các đạo luật. Nghĩa vụ đó còn được quy định tại Điều 4 Tu Chính Án số 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, được thông qua vào tháng Bảy 1868. Tu Chính Án số 14 viết rằng “Giá trị pháp lý của những khoản nợ công của Hoa Kỳ, được luật pháp bảo đảm… sẽ không bị nghi vấn.” 

Các chuyên gia pháp lý giải thích việc bảo đảm thanh toán nợ công đã được quy định trong Tu Chính Án số 14, có vay thì phải trả, không thể để cho nước Mỹ vỡ nợ vì bất cứ lý do gì. Và do vị trí pháp lý của Hiến pháp là tối thượng, cao hơn tất cả các đạo luật của Quốc hội nên đạo luật về trần nợ ban hành năm 1917 không thể vượt qua nghĩa vụ quy định trong Hiến pháp. Điều đó có nghĩa là chính phủ có thể tiếp tục phát hành trái phiếu vay nợ để thanh toán các khoản nợ hiện hành mà không cần phải được Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, hành động như vậy của chính phủ Biden sẽ dẫn tới những cuộc tranh tụng pháp lý kéo dài tại tòa án, tại Tối cao Pháp viện hiện do phe bảo thủ cầm chịch. Và đó là lý do ông Biden cho rằng viện dẫn Tu Chính Án số 14 là con đường rủi ro, ông không loại trừ khả năng đó nhưng chỉ coi đó là giải pháp cuối cùng khi không còn cách nào khác để vượt qua sự chống đối của đảng Cộng hòa và cứu nước Mỹ khỏi một vụ phá sản nhục nhã.

Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy, sau những cuộc mặc cả căng thẳng, hai đảng sẽ phải thỏa thuận nâng trần nợ vào những ngày cuối cùng, giờ cuối trước X-day, để tránh một thảm họa tài chính cho nước Mỹ và thế giới. Hy vọng lần này cũng sẽ như vậy. Rốt cuộc, nguy cơ nước Mỹ bị vỡ nợ thật ra chỉ là một con ngáo ộp, một bóng ma mà đảng Cộng hòa làm sống lại để mặc cả, để theo đuổi những mục tiêu chính trị, lợi dụng lúc Cộng hòa đang chiếm đa số mong manh tại Hạ viện mà thôi.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: