Bóng ma vỡ nợ lại ám ảnh nước Mỹ

Câu chuyện thứ Năm
Các nghị sĩ Dân chủ trong Thượng viện Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi Lãnh đạo Đa số Charles Schumer (Dân chủ – New York) thảo luận về các khoản cắt giảm ngân sách liên bang mà Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đề nghị như là điều kiện để nâng trần nợ, tại một cuộc họp báo ở Quốc hội hôm nay 15 tháng Hai 2023. Ảnh Tom Williams/CQ-Roll Call, Inc via Getty Images

Hoa Kỳ có thể sẽ không trả được tất cả các khoản nợ vào một lúc nào đó giữa tháng Bảy và tháng Chín; các nhà lập pháp chỉ còn vài tháng để đạt được thỏa thuận về nâng giới hạn nợ và tránh một vụ vỡ nợ quốc gia gây tác hại trầm trọng cho uy tín của nước Mỹ và cho nền kinh tế toàn cầu.

Cảnh báo u ám trên được Văn phòng Ngân sách Quốc hội (Congressional Budget Office – CBO) – một cơ quan nghiên cứu phi đảng phái – đưa ra trong báo cáo phát hành hôm thứ Tư 15 tháng Hai 2023. “Nếu giới hạn nợ không được nâng lên, chính phủ sẽ không thể hoàn tất các nghĩa vụ tài chính. Kết quả là chính phủ hoặc phải hoãn thanh toán các khoản chi cho một số hoạt động hoặc không thanh toán các nghĩa vụ nợ, hoặc cả hai”, báo cáo của CBO viết.

Nếu không trả được nợ thì bị coi là “vỡ nợ”. Nếu nước Mỹ bị “vỡ nợ” thì điều đó không chỉ ảnh hưởng tới uy tín một siêu cường quốc, tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân Mỹ mà còn tác động dây chuyền đến toàn bộ các quốc gia khác, đẩy kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới. Để tránh kết cục đen tối này, Quốc hội Mỹ phải sớm thông qua luật nâng “trần nợ” (debt ceiling, debt limit).

“Trần nợ” là khái niệm được đặt ra để chỉ mức nợ tối đa mà chính phủ liên bang được phép vay mượn thông qua việc phát hành trái phiếu (Treasure Bond, T-Bond) cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước Mỹ. Do số chi ra nhiều hơn số thu nên nước Mỹ gần như phải thường xuyên bán trái phiếu để bù đắp khiếm hụt. Người mua trái phiếu được lãnh tiền lời theo lãi suất đã công bố, được nhận lại tiền vốn khi đáo hạn; trái phiếu cũng được trao đổi mua bán trên thị trường chứng khoán. 

Quốc hội Mỹ khóa trước đặt ra mức “trần nợ” là $31.381 ngàn tỷ, tức là giới hạn tối đa giá trị trái phiếu mà chính phủ được phép phát hành. Tháng trước, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nói rằng nước Mỹ đã đụng trần nợ vào ngày Thứ Năm 19 tháng Giêng, 2023. Trong khi chờ Quốc hội xem xét nâng trần nợ, Bộ Tài chính sẽ áp dụng các “biện pháp đặc biệt” để vẫn có tiền chi dùng, nhưng chỉ có thể cầm cự tới hết tháng Sáu năm nay. Nếu đến thời điểm đó, mà giới phân tích kinh tế gọi là “X-date”, mà Quốc hội vẫn chưa cho nâng trần nợ thì Mỹ có nguy cơ không có tiền trả cho người sở hữu trái phiếu, trả lương cho quân đội và người về hưu, bị coi là “vỡ nợ” hoặc “phá sản”.

Trong ước tính vào thứ Tư, CBO cho biết cái gọi là các biện pháp đặc biệt cũng sẽ hết trước tháng Bảy. Nâng “trần nợ” là cách duy nhất để chính phủ có tiền trả tiền lời và tiền vốn của các khoản nợ hiện hữu, tránh vỡ nợ. Chủ tịch Ngân hàng trung ương (Fed) Jerome Powell khẳng định hôm thứ Tư 1 tháng Hai: “Chỉ có một con đường tiến lên duy nhất là Quốc hội nâng trần nợ, cho phép chính phủ Mỹ có thể thanh toán các nghĩa vụ tài chính của mình. Đi ra ngoài con đường đó là hết sức rủi ro”. 

Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang bất đồng sâu sắc trong việc nâng trần nợ hay không. Tổng thống Biden và đảng Dân chủ đề nghị Quốc hội thông qua luật nâng trần nợ mà không có điều kiện ràng buộc để tránh một vụ sụp đổ kinh tế trong khi đảng Cộng hòa – nắm quyền kiểm soát Hạ viện, tức là nắm hầu bao của quốc gia – từ chối nâng trần nợ trừ khi chính quyền Biden chấp nhận cắt giảm nhiều khoản chi trong ngân sách liên bang.

Hôm thứ Tư ngày 1 tháng Hai 2023, Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy (Cộng hòa – California) đã có một cuộc thương thảo hơn một tiếng đồng hồ trong phòng kín về nâng “trần nợ” nhưng hai nhà lãnh đạo đã không đạt được thỏa thuận, khiến cả nước Mỹ bị ám ảnh bởi nỗi lo “vỡ nợ”. Nếu Hoa Kỳ không thanh toán đúng hạn các hóa đơn tài chính thì thị trường tài chính sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn và nền kinh tế toàn cầu sẽ bị tàn phá.

Vào năm 2011, lần đầu tiên Hoa Kỳ bị tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s tước mức xếp hạng tín dụng AAA sau khi Bộ Tài chính bị trễ vài ngày trong việc thanh toán một số khoản nợ nhất định.

Nợ quốc gia của Mỹ đã chạm “trần $31.4 ngàn tỷ vào ngày 19 tháng Một 2023. Nếu Quốc hội không nâng trần nợ trong một vài tháng tới, nước Mỹ có thể bị vỡ nợ. Ảnh Fatih Aktas/Anadolu Agency via Getty Images)

Nợ và trần nợ có liên quan nhân quả với tình trạng chi tiêu của chính phủ: tiêu nhiều thì ngân sách thâm thủng nhiều, thâm thủng nhiều thì phải gia tăng vay mượn, không cần phải là chuyên viên kinh tế cũng biết như vậy.  

Chính phủ Mỹ, dưới sự lãnh đạo của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong những thập niên gần đây, đã liên tục “vung tay quá trán”, thâm hụt và vay mượn triền miên; đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump, việc chi tiêu cho phòng chống đại dịch COVID đã đẩy tổng mức chi tiêu của chính phủ tăng gấp đôi, từ $4.77 ngàn tỷ năm 2018 lên đến $7.34 ngàn tỷ năm 2020; số thâm hụt ngân sách cũng gia tăng tương ứng, từ $0.9 ngàn tỷ năm 2018 lên đến $3.49 ngàn tỷ năm 2020. Thời ông Trump, Quốc hội Mỹ đã ba lần nâng mức “trần nợ” và khi ông Biden nhậm chức tổng thống, số nợ quốc gia đã lên tới $30.05 ngàn tỷ.

Trong hai năm qua, thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang đã giảm đáng kể, từ mức $3.4 ngàn tỷ năm 2020 xuống còn $1.4 ngàn tỷ năm 2022 do không phải chi tiêu nhiều cho việc chống COVID. Tòa Bạch ốc và đảng Dân chủ cho rằng việc giảm thâm hụt ngân sách là một thành tích điều hành kinh tế của chính quyền Biden song phía Cộng hòa đối lập không đồng ý như vậy.

Trong hai năm qua, Quốc hội Mỹ đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng với các khoản đầu tư lớn từ ngân sách liên bang. Các đạo luật Đầu tư Cơ sở Hạ tầng, Giảm Lạm Phát, CHIPS và Khoa học, đặc biệt là luật chăm sóc sức khỏe cho cựu chiến binh… đều dự toán chi tiêu hàng ngàn tỷ đô la trong những năm tới. Ngoài ra, trong năm 2022 và đầu năm 2023, Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) đã tám lần tăng lãi suất căn bản, từ 0% lên 4.75%/năm để kiềm chế lạm phát. Tăng lãi suất cũng có nghĩa là số tiền ngân sách phải dùng để trả tiền lời cho món nợ hơn $31 ngàn tỷ của quốc gia cũng tăng thêm.

Hôm thứ Tư 15 tháng Hai, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đăng một tweet bày tỏ lo ngại về số tiền mà chính phủ liên bang sẽ chi để trả nợ và cho rằng Quốc hội cần phải kiềm chế chi tiêu. “Chi tiêu nhiều hơn sẽ phá hủy đất nước chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đàm phán về việc tăng giới hạn nợ có trách nhiệm để đưa nền tài chính của chúng ta trở lại trật tự,” ông McCarthy viết trên Twitter.  

Ông Biden thì lo ngại cắt giảm chi tiêu công sẽ ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của người dân, nên ông chủ trương tăng thu, tăng thuế đối với các công ty tập đoàn và người giàu, cùng với nỗ lực làm giảm chi phí mua thuốc kê toa mà hiện chính phủ phải đài thọ cho các chương trình y tế như Medicare.

Ông Phillip L. Swagel, Giám đốc CBO, họp báo công bố bản báo cáo kinh tế mới của Văn phòng Ngân sách Quốc hội hôm 15 tháng Hai 2023, trong đó dự báo nợ công của Mỹ sẽ tăng thêm $3 ngàn tỷ trong vài năm tới. Ảnh Alex Wong/Getty Images

Báo cáo của CBO hôm thứ Tư dự báo rằng thâm hụt của chính phủ Mỹ sẽ ổn định phần lớn trong năm tài chính này ở mức khoảng $1.4 ngàn tỷ trước khi gia tăng trong thập niên tới, lên mức bình quân $2 ngàn tỷ mỗi năm do chi phí cao hơn cho An sinh xã hội, Medicare và trả lãi từ nợ làm tăng chi tiêu. Chi tiêu liên bang mới từ luật pháp, chẳng hạn như mở rộng lợi ích của cựu chiến binh, cũng như chi phí lãi suất cao hơn do lạm phát cao, đã khiến CBO dự kiến khoản nợ sẽ tăng thêm $3 ngàn tỷ trong thời gian tới. CBO dự báo tổng số nợ của Mỹ sẽ ngang bằng với tổng sản lượng quốc gia vào năm 2024 và bằng 118% vào năm 2033.

Tăng thuế để tăng thu hay cắt giảm chi tiêu để cân bằng ngân sách – đó là bài toán khó mà cả hai đảng chưa tìm được đáp số chung. Nhưng bóng ma chính phủ Mỹ hết tiền, vỡ nợ thì đã cận kề – đòi hỏi Tòa Bạch Ốc và Hạ Viện phải nhanh chóng tìm được sự thỏa hiệp, nâng trần nợ để chính phủ có thể tiếp tục vay tiền thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong lúc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho bài toán ngân sách, giải quyết tình trạng thâm hụt triền miên của nền tài chính quốc gia.  

Đọc thêm: 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: