Người dân Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Tây mấy ngày nay phải xếp hàng nhiều giờ trước các cây xăng; có người chạy lòng vòng qua năm bảy cây xăng mà vẫn không mua được xăng do nhiều cửa hàng treo bảng “nghỉ bán”, “hết xăng”. Lâu nay người dân vẫn than phiền xăng dầu tăng giá vô tội vạ, nhưng nay có tiền, chịu trả giá cao cũng không có xăng mà mua. Hiện tượng khan hiếm xăng dầu, vì đâu nên nỗi?
20% số cây xăng đóng cửa
Trang tin VNExpress dẫn nguồn từ Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết tới chiều Thứ Hai ngày 10 Tháng Mười, Sài Gòn có 121/550 cửa hàng không còn xăng, nhiều nơi đã đăng ký mua nhưng đầu mối cung cấp vẫn chưa giao hàng. Hiện Sài Gòn có 15 đầu mối kinh doanh xuất nhập cảng xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 550 cửa hàng bán lẻ. Số 121 cửa hàng không còn xăng chiếm khoảng 20% số cửa hàng toàn thành phố, tập trung ở quận huyện vùng ven như Bình Chánh (8 cửa hàng), Bình Tân (15 cửa hàng), Thủ Đức (21 cửa hàng)… Quy mô các cửa hàng này ở mức vừa và nhỏ.
Chuyện thiếu xăng dầu đã râm ran từ vài tháng trước; hồi Tháng Sáu, ngư dân nhiều tỉnh duyên hải đã phải cho tàu nằm bờ vì không mua được xăng dầu. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã mạnh miệng khẳng định trên báo Biên Phòng: “Từ đầu năm tới nay, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu; bằng mọi cách, Bộ Công thương sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước”.
Chẳng hiểu ông Diên và Bộ Công Thương bảo đảm thế nào mà đến bây giờ tình trạng thiếu xăng dầu càng lúc càng trầm trọng. Trên mạng xã hội, người dân đăng đầy hình ảnh các cây xăng đông nghẹt người và xe gắn máy, cùng những lời chê trách nặng nề cung cách điều hành kinh tế của chính phủ Hà Nội. Chuyện thiếu xăng cũng đã lan tới Ba Đình. VNExpress tường thuật: “Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng báo cáo về tình hình [xăng dầu] chưa phản ánh đầy đủ những bức xúc của người dân liên quan đến giá xăng dầu”. “Một số cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa vì càng kinh doanh càng lỗ, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của dân, có chỗ chỉ bán cho dân 50.000 đồng tiền xăng mỗi lần”, ông Thanh nêu vấn đề.
Cách điều hành thị trường “tập trung” lạc hậu…
Thị trường xăng dầu ở Việt Nam chịu sự điều hành của hai bộ Công Thương và Tài Chính. Hai bộ này lập ra một Tổ Điều hành Liên Bộ, chịu trách nhiệm tính toán, điều hành việc lập kế hoạch nhập cảng xăng dầu, phân chia khối lượng mà các công ty nhập cảng đầu mối được mua về để phân chia lại cho các “cửa hàng đại lý” và thậm chí ấn định cả giá bán lẻ xăng dầu trong mỗi chu kỳ 15 ngày. Cách điều hành theo “kế hoạch tập trung” này chính là nguyên nhân gây bất ổn thị trường xăng dầu, thiệt thòi cho người dân và dẫn tới cuộc khủng hoảng xăng dầu hiện nay.
Như SGN đã nhiều lần phân tích, giá xăng ở Việt Nam, ngoài giá nhập cảng còn phải chịu nhiều sắc thuế như thuế nhập cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường và lợi nhuận định mức.
Lợi nhuận định mức, còn gọi là chi phí định mức, là phần tiền mà các công ty đầu mối nhập cảng xăng dầu được hưởng theo một tỷ lệ nhất định, khoảng 5% giá bán xăng; giá xăng càng cao thì các công ty đầu mối càng có lời.
Việt Nam hiện có 38 công ty đầu mối nhập cảng xăng dầu, phần lớn là doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 15 công ty hoạt động tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Các công ty đầu mối cung cấp xăng dầu cho các thương nhân là chủ các cây xăng mà từ ngữ trong nước gọi là “cửa hàng đại lý”. Do giá bán lẻ xăng dầu được Liên Bộ ấn định, bán quá giá sẽ bị phạt nặng nên tiền lời của chủ cây xăng là khoản chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá bán sỉ do công ty đầu mối ấn định, từ ngữ trong nước gọi là “hoa hồng chiết khấu”.
Các công ty đầu mối nhập cảng được hưởng cái gọi là lợi nhuận định mức, đồng thời được tùy tiện ấn định mức “chiết khấu” cho các cây xăng bán lẻ. Giá xăng bán lẻ dù lên cao thì phần tiền lời của các cây xăng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào mức “chiết khấu” mà công ty đầu mối quy định.
Từ đầu năm đến nay mức chiết khấu giảm mạnh làm cho nhiều chủ cây xăng phải ngừng hoạt động hoặc bán cầm chừng vì không đủ bù chi phí, cây xăng càng bán càng lỗ. Một bản tin trên báo Tiền Phong cho biết: “Theo các đại lý kinh doanh xăng dầu, để đảm bảo hòa vốn, mức chiết khấu phải từ 1,000 – 1,200 đồng/lít, bởi có rất nhiều chi phí như vận chuyển, thuê mặt bằng, nhân công, điện nước… Trong khi đó, mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối thời gian qua chỉ từ 100 – 150 đồng/lít, thậm chí có lúc chỉ còn 80 đồng/lít”.
Một số cây xăng cho biết, tình trạng mức chiết khấu thấp kéo dài từ đầu năm đến nay làm cho họ liên tục bị lỗ vốn. Đến đầu Tháng Chín này, một số thương nhân không còn chịu nổi thua lỗ, ngừng mua xăng dầu và hậu quả là trong tuần qua số cây xăng đóng cửa, treo bảng “hết xăng” tăng nhanh. Người dân nhiều nơi không mua được xăng dầu. Đã có khách hàng nóng tính, chờ đợi lâu mà không mua được xăng, đã vác dao rượt chém nhân viên cây xăng ở Sài Gòn, may mà nhân viên này chạy thoát được.
… Trong một thế giới biến động nhanh
Vì sao các công ty đầu mối giảm “hoa hồng chiết khấu” để các cây xăng phải chọn cách ngừng bán?
Quan sát thị trường thế giới, dễ thấy rằng từ đầu năm đến nay giá xăng dầu thế giới đã có một đợt tăng rất mạnh rồi sau đó giảm dần và hiện đang có vẻ muốn tăng trở lại do tác động từ cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, cùng với các biện pháp trừng phạt của Phương Tây và nhu cầu xăng dầu tăng mạnh sau thời đại dịch COVID. Giá dầu thô Brent tăng từ mức $65.57/thùng ngày 1 Tháng Mười Hai 2021 lên $123.70/thùng ngày 8 Tháng Ba 2022, nửa tháng sau ngày chiến tranh bùng nổ, rồi giảm dần xuống mức $76.71 ngày 30 Tháng Chín vừa qua.
Tại Việt Nam, các công ty đầu mối nhập cảng xăng với giá cao. Giá xăng ở Việt Nam lên tới đỉnh điểm vào ngày 21 Tháng Sáu 2022, xăng A95 bán ra có giá 32,873 đồng/lít, mang lại cho các công ty đầu mối khoản lợi nhuận định mức hơn 1,550 đồng mỗi lít. Do lo sợ giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng, các công ty đầu mối đã nhập cảng xăng dầu với số lượng rất lớn. Bất đồ, giá thế giới giảm mạnh và áp lực của người tiêu dùng trong nước, buộc liên bộ Công Thương – Tài Chính phải giảm giá bán lẻ xăng dầu, tới ngày 3 Tháng Mười vừa qua, giá xăng A95 chỉ còn 21,440 đồng/lít.
Các công ty đầu mối đã lỡ nhập xăng giá cao, nay phải bán giá thấp hơn, họ đã chuyển một phần khoản lỗ đó cho các đại lý, là các cây xăng – khoản chiết khấu cho cây xăng do vậy đã bị cắt giảm, có lúc còn 0 đồng, có lúc “chiết khấu âm”, nghĩa là giá mua xăng từ công ty đầu mối cao hơn giá bán lẻ được ấn định. Có công ty đầu mối lách luật bằng cách bán sỉ xăng dầu cho đại lý theo giá thấp hơn giá bán lẻ, nhưng lại tách chi phí vận chuyển xăng dầu từ công ty đến cây xăng thành một khoản thu khác, cộng chung lại thì cây xăng phải chịu “chiết khấu âm”. Hiện tượng này đã hai lần bị 36 công ty kinh doanh xăng dầu ở Sài Gòn gửi đơn lên Thủ tướng Việt Nam tố cáo cách điều hành xăng dầu của liên bộ Công Thương – Tài Chính thời gian qua gây bất lợi cho doanh nghiệp và bất ổn trên thị trường.
Thông tin mới nhất là từ chiều mai 11 Tháng Mười giờ Việt Nam, giá xăng có thể tăng trở lại, tăng 200-300 đồng một lít, dầu tăng khoảng 1,600-1,900 đồng một lít và chính sách “chiết khấu” có thể thay đổi. Nhiều đại lý cho biết nếu chính sách chiết khấu không thay đổi họ sẽ chỉ bán hết hàng tồn và có thể ngừng kinh doanh trong tuần tới.
Vẫn cố bao biện
Phản ứng với hiện tượng người dân ùn ùn đi mua xăng và hàng loạt cây xăng ở Sài Gòn, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương… phải đóng cửa, Bộ Công thương cho rằng đây “không phải phổ biến, bởi chỉ có trên 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động trên cả nước”.
Mặt khác, báo chí trong nước cho biết Bộ Công thương đã huy động các lực lượng trấn áp của mình và phối hợp với Bộ Công an, như các Cục Chống buôn lậu, Cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát kinh tế, Cục Kiểm tra Đo lường Chất lượng “đồng loạt ra quân” kiểm tra các cây xăng, xử phạt các trường hợp găm hàng, đầu cơ tích trữ chờ giá lên mới bán ra.
Vấn đề thiếu nguồn cung xăng dầu, chính sách lợi nhuận định mức, ấn định giá bán lẻ và tỷ lệ chiết khấu cho các cây xăng thì không thấy các quan chức của bộ này đề cập tới.
Xem ra, Bộ Công Thương và rộng hơn là chính phủ Việt Nam vẫn chưa chịu nhìn nhận cung cách điều hành thị trường xăng dầu của họ, như trình bày trên, là sai lầm cần phải được cải cách theo hướng cạnh tranh thị trường mà vẫn cố bao biện và dùng những biện pháp hành chính, trấn áp để giải quyết khủng hoảng.
Tất nhiên, họ sẽ không thể giải quyết được hoặc chỉ có thể tạm thời xoa dịu tình hình. Và người dân trong nước còn phải khốn khổ khốn nạn vì một mặt hàng hết sức thiết yếu cho cuộc sống của mọi người vẫn do một nhóm quan chức điều hành một cách tùy tiện, miễn sao thu được nhiều tiền cho kho bạc nhà nước và tăng được lợi nhuận cho các công ty đầu mối xăng dầu sân sau của họ.
Đọc thêm: