Giá xăng dầu: Chính sách “thân dân” hay “phản dân” 

Trong sáu tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 13 lần, hiện cao hơn giá xăng ở Mỹ. Ảnh VTC

Xăng dầu tăng giá do cuộc chiến tranh ở Ukraine và nhu cầu tiêu thu phục hồi sau hai năm đại dịch là chuyện đau đầu của các chính phủ và người tiêu dùng khắp thế giới. Mỗi chính phủ có chính sách riêng để giải quyết bài toán giá xăng dầu, tùy tình hình cụ thể của từng nước, nhưng điểm chung là các chính sách đều phản ánh mối quan hệ của chính phủ đối với người dân, “thân dân” hay “phản dân”. 

Ở Đức, chính phủ khuyến khích người dân để xe hơi ở nhà, đi xe bus và xe điện để tiết kiệm năng lượng. Không chỉ nói suông, chính phủ Đức phối hợp với các công ty hạ giá vé  giao thông công cộng từ 25 euro xuống còn 9 euro mỗi tháng trong ba tháng Hè, từ đầu Tháng Sáu và có thể gia hạn thêm. Tại Malaysia, chính phủ lấy tiền bán dầu khai thác được để trợ giá xăng cho người tiêu dùng nên giá xăng ở Malaysia thuộc loại thấp nhất thế giới. Tại một cuộc hội thảo trong nước, ông Đại sứ Việt Nam ở Malaysia thông tin giá xăng Malaysia rẻ chưa bằng một nửa của Việt Nam, kết cục là ông bị cấp trên kiểm điểm, buộc ông phải “giải trình”.

So sánh thu nhập và giá xăng dầu ở Mỹ và Việt Nam. Đồ họa của báo PLO trong nước.

Giàu có như nước Mỹ mà ông Tổng thống Joe Biden cũng đề nghị Quốc Hội cho tạm ngừng thu thuế liên bang đối với xăng và dầu diesel trong ba tháng, và kêu gọi các tiểu bang làm điều tương tự để giảm áp lực tài chính lên người dân. 

Trong khi đó ở Việt Nam, giá xăng dầu tăng không ngừng. Báo chí trong nước cho biết từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã tăng 13 lần; sau đợt tăng giá ngày 21 Tháng Sáu 2022, hiện giá xăng đang ở mức kỷ lục: xăng 95 giá 32,873 đồng/lít; xăng 92 giá 31,302 đồng/lít và dầu diesel giá 30,019 đồng/lít. Quy ra đô la Mỹ, giá xăng ở Việt Nam lên tới $5.3/gallon, tương đương với giá xăng ở California – một trong những nơi có giá xăng cao nhất nước Mỹ.

Có người sẽ nói, xăng dầu là mặt hàng toàn cầu nên giá xăng ở Việt Nam ngang với giá ở Mỹ là hợp lý, chính quyền Việt Nam vẫn thường cố gắng đưa giá cả hàng hóa ngang với giá thế giới, có chi mà thắc mắc! Nói vậy cũng đúng, chỉ xin lưu ý rằng thu nhập bình quân đầu người của người Mỹ cao gấp 18.5 lần người Việt Nam, theo so sánh của báo Pháp Luật ở trong nước, mà người dân Mỹ hiện đang “xấc bấc xang bang” với giá xăng cao thì đủ biết người Việt khốn khó đến dường nào.

Vì thế đừng ngạc nhiên khi thấy báo Sài Gòn Nhỏ liên tục báo động về tác động xấu của giá xăng dầu lên việc làm ăn của bà con trong nước: “Không chịu nổi giá xăng dầu, doanh nghiệp vận tải tính đường bán xe” (tin ngày 26 Tháng Sáu); “Khủng hoảng giá xăng dầu, gần một nửa tàu cá phải nằm bờ” (tin ngày 25 Tháng Sáu). Còn vô số những thông tin u ám khác có liên quan mà chúng tôi chưa tường thuật hầu quý vị bạn đọc như các hãng taxi sống dở chết dở, các bà nội trợ đau xót khi thịt cá rau củ đều tăng giá do giá vận chuyển tăng v.v…

Không cần phải là chuyên gia kinh tế cũng biết, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu thật sự quan tâm tới đời sống của dân thì các chính phủ phải giảm thuế xăng dầu để kéo giá xuống; giàu có hơn thì chính phủ xuất tiền kho bạc trợ giá xăng dầu, coi đó là biện pháp chính để ngăn chặn lạm phát. 

Tại Mỹ, trong mỗi gallon xăng bán ra, thuế liên bang chiếm $0.184, thuế tiểu bang khoảng $0.30 – tính chung tiền thuế chiếm chưa tới 10% giá xăng và chính phủ liên bang thu mỗi năm khoảng $36.5 tỷ từ thuế xăng dầu để chi cho việc bảo dưỡng đường sá, cầu cống. Đề nghị ngưng thu thuế xăng dầu trong ba tháng của ông Biden làm cho ngân sách quốc gia Mỹ bị hụt khoảng $10 tỷ. Thà chính phủ giảm thu một chút mà người dân cảm thấy dễ thở hơn, thấy người đóng thuế được quan tâm hơn thì cũng tốt.

Tại Việt Nam, thuế và phí chiếm tới 34%-35% giá xăng, nghĩa là trong số tiền mà người dân bỏ ra mua xăng dầu, có tới hơn một phần ba chảy vào túi của nhà nước. Để bóc lột người dân – mà một quan chức cao cấp của Hà Nội ví như nhổ lông vịt và dạy cho đám quan chức đàn em phải làm thật khéo sao cho vịt bị nhổ lông mà không kêu – chính quyền Hà Nội đặt ra rất nhiều sắc thuế, thậm chí phi lý. Một lít xăng nhập cảng từ Singapore về Sài Gòn phải đóng 10% thuế nhập cảng tính theo giá mua; 10% thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo giá đã có thuế nhập cảng; 10% thuế giá trị gia tăng (VAT = value added tax) tính theo giá đã có thuế tiêu thụ đặc biệt; cộng thêm 2,000 đồng phí bảo vệ môi trường và một số khoản trời ơi khác như phí “lợi nhuận định mức” cho người buôn xăng dầu (người buôn xăng dầu không được phép… lỗ) hoặc “quỹ bình ổn giá” 300 đồng/lít. Gánh một đống thuế và phí như vậy, giá xăng ở Việt Nam không cao mới là chuyện lạ!

Phi lý nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt 10%. Thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế được nhiều nước áp dụng để hạn chế việc tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu và có hại cho sức khỏe cộng đồng như rượu, bia, thuốc lá. Nhưng áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng dầu – thứ hết sức thiết yếu cho sinh hoạt của người dân và hoạt động của nền kinh tế – là chuyện chỉ có ở Việt Nam.

Thuế và phí các loại chiếm tới 34%-35% giá xăng ở Việt Nam. Đồ họa của báo VNExpress.

Ngày 25 Tháng Sáu, thông tin trên báo Tiền Phong cho biết các chuyên gia đề nghị nhà nước bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạ nhiệt giá xăng, giúp ổn định cuộc sống của người dân, vì xăng tăng giá thì đồng loạt hàng hóa cũng tăng theo. Tuy nhiên, phía Bộ Tài chính đang chần chừ không muốn bỏ, bởi theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, “giảm giá xăng dầu thì sẽ làm cho tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới sẽ phức tạp” (xem: Dân muốn bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, Bộ Tài chính chần chừ!).

Khoan trách ông Bộ trưởng Phớc. Cái lý do mà ông ta viện dẫn có thể chỉ là cái cớ để che đậy một sự thật khác mà ông không được phép nói ra. Là người nắm hầu bao của chế độ, ông bộ trưởng phải lo tận thu để có tiền cho guồng máy cai trị chi tiêu; giảm thuế dẫn tới giảm thu là chuyện ông không bao giờ nghĩ tới. Việc của ông là nhổ lông vịt, càng nhiều càng tốt. Mà cái chế độ của ông thì chi tiêu vô tội vạ, không chỉ chi tiêu cho chính quyền từ phường xã tới trung ương, cho bộ máy công an quân đội bảo vệ nó, ông còn phải chi tiền cho guồng máy đảng Cộng sản song trùng với guồng máy nhà nước, cho vô số những hội đoàn ăn không ngồi rồi đông như kiến cỏ nữa. 

Mới đây có chuyện Hội Nhà Văn – hội của những văn nô chuyên ca tụng đảng và chế độ – tổ chức một hội nghị “nhà văn trẻ” ở Hà Nội mà các “nhà văn trẻ” không được Bộ Tài chính đài thọ vé máy bay đi và về đã trở thành chuyện lùm xùm trên báo chí và mạng xã hội. Một ví dụ như thế đủ thấy, chi tiêu kiểu chính quyền cộng sản thì đến cát trong sa mạc cũng có ngày cạn kiệt. Người dân chỉ có nai lưng ra làm lụng và đóng thuế, việc chi tiêu như thế nào những đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt đó thì không được quyền hỏi tới. Ông bộ trưởng có cái tên khó đọc, khó viết kia không thể làm gì khác, không thể bỏ thuế xăng dầu như mong muốn của người dân.

Vả lại, những quan chức đảng và chính phủ đâu cần phải để tâm tới giá xăng dầu, họ đi xe do nhà nước cấp, có tài xế riêng do chính phủ trả lương, đổ xăng có tiền ngân sách trả; thậm chí con họ đến trường, vợ họ đi chùa cầu phước cũng có xe công đưa rước, chuyện giá xăng dầu chỉ là nỗi lo của kẻ thường dân.

Qua chuyện giá xăng dầu và thuế khóa, người dân trong nước có thêm một cơ hội để thấm thía về cái bánh vẽ gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt, cái nhà nước “của dân, do dân và vì dân” mà Hà Nội vẫn tuyên truyền.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: