Vũ khí mới trong cuộc thương chiến Mỹ-EU

Khí đốt trở thành vũ vũ khí trong cuộc thương chiến Mỹ-EU. (Hình minh họa: onaprsc.com.vn)

Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump tuyên bố ông sẽ giáng đòn “thuế quan” (tariff) lên hàng hóa của Liên Âu (EU) nếu khối này không tăng mua dầu và khí thiên nhiên hóa lỏng (liquefied natural gas – LNG) của Mỹ để cân bằng thương mại.

Tuyên bố của ông Trump không bất ngờ và chưa biết Âu Châu sẽ phản ứng ra sao nhưng bóng ma một cuộc thương chiến Mỹ-EU đang quay trở lại.

Sáng sớm Thứ Sáu, 20 Tháng Mười Hai, ông Trump viết trên mạng Truth Social rằng ông đã “bảo Liên Âu phải giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ bằng cách mua số lượng lớn dầu và khí đốt của chúng tôi. Nếu không thì TARIFFS sẽ đến!!!” Ông Trump tự nhận mình là một “tariff-man” nên việc ông sử dụng “tariff” như một thứ vũ khí vạn năng để ép các đối thủ, và cả các đồng minh, là chuyện không gây ngạc nhiên. Ngay sau khi có kết quả thắng cử tổng thống, ông đã tuyên bố sẽ đánh thuế 25% lên hàng hóa nhập cảng từ Canada và Mexico, thêm 10% lên hàng hóa Trung Quốc, và nay thì ông dọa sẽ đánh thuế nặng lên hàng hóa EU dù ông chưa nói mức thuế sẽ là bao nhiêu.

Vì sao khí đốt trở thành vũ khí?

Quyết định vừa công bố của ông Trump là một mũi tên nhắm nhiều đích. Một là ông thực hiện lời hứa khi tranh cử với các công ty khai thác dầu khí Mỹ. Trong thời gian vận động tranh cử ông Trump nêu khẩu hiệu “Drill, baby, drill” (“Khoan đi cưng, khoan đi!” – khẩu hiệu bày tỏ sự ủng hộ việc tăng cường khai thác dầu khí làm nguồn năng lượng bổ sung) khuyến khích các công ty đẩy mạnh khoan dầu và khí đốt. Ông đã hứa nếu các công ty dầu khí lớn đóng góp $1 tỷ vào quỹ tranh cử của ông thì khi lên cầm quyền, ông sẽ bãi bỏ những chính sách hạn chế khai thác và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch mà chính quyền Joe Biden đang áp đặt lên các công ty này.

Ngoài ra, ông Trump cho rằng, nếu Mỹ khai thác và cung cấp nhiều dầu khí cho thị trường thì giá dầu khí sẽ giảm, kinh tế Nga sẽ lụn bại và ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, sẽ không có đủ tiền để gây chiến tranh xâm lược.

Khai thác nhiều dầu khí đòi hỏi phải mở rộng thị trường tiêu thụ, và đó là lý do ông mong muốn, thậm chí ép buộc, các bạn hàng của Mỹ, kể cả Việt Nam, phải tăng mua dầu và khí đốt của Mỹ.

Hai là, ông Trump thúc đẩy xuất cảng dầu và khí đốt để “đảo ngược” chính sách hiện hành của chính quyền Biden mà ông ghét. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã khởi xướng cái gọi là “freedom gas,” “giải phóng” Âu Châu khỏi lệ thuộc vào các đường ống dẫn khí đốt của Nga. Mỗi năm Nga bán cho EU tới 16 triệu tấn LNG qua các đường ống.

Khi ông Putin xâm lược Ukraine, nguồn năng lượng này bị cắt, Tổng Thống Biden đã nhân cơ hội để thúc đẩy xuất cảng khí đốt của Mỹ, vừa triệt hạ Nga, giúp đồng minh, vừa hỗ trợ các công ty dầu khí Mỹ. Lượng khí LNG xuất cảng của Mỹ đạt mức kỷ lục 46 triệu tấn vào năm ngoái, nhiều gấp bốn lần năm 2015, thậm chí không có đủ khí đốt để bán cho các bạn hàng Á Châu. Khí đốt của Mỹ đã cứu Âu Châu khỏi một cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài, nhất là vào những tháng mùa Đông lạnh giá.

Tuy nhiên Tháng Giêng, 2024, do bị phản đối mạnh từ các tổ chức môi trường trong một năm bầu cử căng thẳng, ông Biden đột ngột quyết định tạm ngừng các dự án xây hải cảng phục vụ xuất cảng khí LNG. Lý do được đưa ra là xuất cảng LNG gây hại cho môi trường toàn cầu, rủi ro về an ninh và làm giá khí đốt ở Mỹ tăng lên khoảng 30%, mỗi gia đình Mỹ tốn thêm khoảng $100 mỗi năm để nấu nướng và sưởi ấm.

Tuy nhiên nhiều nghiên cứu khác chứng minh những lý do này không thuyết phục, nếu không nói là sai lầm và Washington không nên tiếp tục hạn chế xuất cảng LNG, tạo chỗ trống thị trường cho các nước khác như Qatar, Úc và Canada chiếm lấy. Trong bối cảnh như vậy, thúc đẩy xuất cảng dầu và LNG như tuyên bố của ông Trump là hợp lý và chắc chắn chính quyền mới sẽ sớm bãi bỏ lệnh hạn chế của chính quyền Biden.

Bóng ma thương chiến Mỹ-EU trở lại

Vấn đề là ở chỗ ông Trump đã dùng thuế quan để “gây chiến” với Âu Châu – đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Mỹ vào thời điểm mà châu lục này đang chao đảo vì những rối loạn chính trị và kinh tế nội bộ, đặc biệt trầm trọng ở hai quốc gia lớn nhất EU là Đức và Pháp.

Cho đến nay, Mỹ và EU là hai nền kinh tế gắn bó với nhau mật thiết. Cùng nhau, Mỹ và EU đóng góp 30% thương mại toàn cầu, 43% tổng GDP toàn cầu. Năm 2023, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ trao đổi giữa hai bên đã vượt mức $1,540 tỷ; Mỹ mua 16.7% hàng hóa mà 27 nước EU xuất cảng trong khi EU mua lại 18.6% hàng hóa của Mỹ. Một cuộc chiến thuế quan xuyên Đại Tây Dương chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho mối quan hệ thương mại đặc biệt này.

Nhưng cán cân thương mại Mỹ-EU luôn mất cân bằng với phần thặng dư (surplus) thuộc về Âu Châu còn Mỹ bị thâm hụt (deficit) trầm trọng; năm 2023 Mỹ bị thâm hụt $208.7 tỷ với EU. Xét như một nền kinh tế thống nhất thì EU chỉ sau Trung Quốc ($242 tỷ) nhưng nhiều hơn Mexico và Việt Nam về chênh lệch thương mại với Mỹ. Thâm hụt thương mại là nỗi nhức nhối của ông Trump – đôi khi ông hiểu lầm thâm hụt thương mại với tiền trợ cấp không hoàn lại (subsidize) – và ông tìm cách “trừng phạt.” EU không là ngoại lệ và sớm muộn ông Trump cũng phát động cuộc chiến thuế quan chống EU.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã đánh thuế 25% lên mặt hàng thép, 10% lên mặt hàng nhôm nhập cảng từ EU – việc đánh thuế chỉ bị ngưng sau khi ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch EU khi đó, đạt được một thỏa thuận với ông Trump, theo đó Mỹ và EU sẽ mở cuộc đàm phán vào Tháng Tư, 2019, tiến tới một hiệp định tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương để tránh chiến tranh thuế quan. Tuy vậy, suốt nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chưa có phiên đàm phán chính thức nào được thực hiện và sang thời ông Biden cũng vậy.

Lần này, ông Trump lại tuyên bố sử dụng “tariff” với EU; và ông ông chọn khí LNG làm mặt hàng “mặc cả.”

EU đối phó thế nào?

Các giới chức EU ở Brussels, Bỉ, và Quốc Hội các nước thành viên đã bắt đầu vắt óc suy nghĩ tìm cách đối phó, hoặc tăng thuế lên hàng hóa Mỹ nhập cảng để trả đũa, hoặc tìm các thị trường khác. Nhưng EU khó đạt được một sự thống nhất 27 thành viên để chống đỡ thương chiến của Mỹ, và Brussels cũng chưa sẵn sàng đối phó khi chưa biết cụ thể và chính xác ý định của ông Trump là gì.

Nếu chọn cách trả đũa, Brussels trước hết phải xác định những mặt hàng nào, ngành nào có thể bị ông Trump đánh thuế trừng phạt, những mặt hàng nhập cảng nào có thể đánh thuế trả đũa và tác động kinh tế của trò chơi “ăn miếng trả miếng” sẽ ra sao.

Nếu chọn cách thương lượng như ông Juncker đã làm trước đây thì tốt nhất EU nên bắt đầu bằng việc gia tăng nhập cảng dầu và LNG của Mỹ như đòi hỏi của ông Trump. Cả bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Âu Châu (EC), và bà Christine Lagarde, chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu (ECB), đều đề nghị EU gia tăng nhập cảng hàng hóa và dịch vụ của Mỹ để lấy lòng ông Trump thay vì trả đũa.

Suy cho cùng, khí LNG – cùng với vũ khí và thiết bị quân sự Mỹ – vẫn là những mặt hàng vô cùng thiết yếu cho an ninh, kinh tế và đời sống của Âu Châu. Làm vừa lòng ông Trump, EU có thể bị coi là nhu nhược, nhưng tăng mua khí đốt LNG của Mỹ là đúng và sẽ có hai điều lợi, vừa né được thuế quan, tránh được thương chiến Mỹ-EU, vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết của chính EU.

Từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi Tháng Hai, 2022, EU đã dần trở thành khách hàng tiêu thụ nhiều nhất khí LNG xuất cảng của Mỹ. Theo phân tích của Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (IEA), từ năm 2021 đến 2023, xuất cảng khí đốt từ Mỹ sang Hòa Lan đã tăng từ 5% tổng khối lượng lên 14%, sang Pháp từ 4% lên 11% và sang Đức từ 0% lên 5% – ba nước EU này hiện tiêu thụ đến 30% lượng khí đốt xuất cảng của Mỹ. Xu hướng đó còn tiếp tục tăng cao trong những năm tới, chừng nào súng còn nổ ở Ukraine và ngành dầu khí Nga còn bị quốc tế cấm vận.

EU còn một lối thoát khác là đa dạng hóa thị trường khi cánh cửa vào Mỹ bị hẹp lại do thuế quan. Tuy vậy, thúc đẩy xuất cảng hàng hóa Âu Châu sang các thị trường ngoài Mỹ không dễ như người ta tưởng, phần quan trọng vì Trung Quốc đang ráo riết đẩy hàng hoá ra nước ngoài, gây ngập lụt thị trường thế giới bằng hàng hoá giá rẻ “made in China.” Ngay EU cũng đang chật vật đối phó với làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ đe dọa bóp chết nền công nghiệp của chính EU thì triển vọng cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường toàn cầu xem ra khá bấp bênh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: