Vụ truy tố Steve Bannon cho thấy điều gì?

Steve Bannon
Cựu chiến lược gia Tòa Bạch ốc Steve Bannon từng bị buộc tội lừa đảo nhà tài trợ khi huy động $25 triệu xây dựng bức tường biên giới. Ông ta được ân xá trong ngày cuối cùng ông Trump làm tổng thống. Ảnh Pablo Monsalve/VIEWpress via Getty Images

Như tin đã đưa, hôm nay Thứ Năm 21 Tháng Mười, Hạ Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu yêu cầu truy tố hình sự ông Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia của Tổng thống Donald Trump, về tội khinh thường Quốc Hội và cản trở cuộc điều tra vụ bạo loạn tấn công tòa nhà Quốc Hội hôm 6 Tháng Giêng 2021. Sự chia rẽ giữa Dân Chủ và Cộng Hòa trong cuộc bỏ phiếu này nói lên điều gì?

Ông Bannon đã từ chối thi hành một trát đòi của Ủy ban Lựa chọn Hạ Viện điều tra sự kiện ngày 6 Tháng Giêng, từ chối cung cấp lời khai và tài liệu cho Ủy ban. Vì thế toàn thể Ủy ban Lựa chọn Hạ Viện đã bỏ phiếu 9-0 đề nghị truy tố hình sự ông Steve Bannon và hôm nay Thứ Năm phiên họp toàn thể Hạ Viện đã phê chuẩn đề nghị đó với số phiếu 229 thuận và 202 chống. Chỉ có chín dân biểu Cộng Hòa bỏ phiếu thuận cùng với các dân biểu Dân Chủ đề nghị truy tố ông Bannon và khẳng định hiệu lực của các trát đòi của Hạ Viện, theo các hãng truyền thông.

Vụ việc bây giờ được chuyển sang Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và bộ này sẽ quyết định xem có truy tố ông ta hay không – một quyết định có thể gây ra một cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài nhiều tháng. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Pháp luật Hạ Viện hôm nay, khi được hỏi về hành động của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Merrick B. Garland từ chối trả lời dứt khoát ông có thúc đẩy vụ truy tố Steve Bannon hay không. “Chúng tôi sẽ áp dụng các dữ kiện theo luật và đưa ra quyết định phù hợp với các nguyên tắc tố tụng”, Bộ trưởng Garland nói. 

Theo luật liên bang, bất kỳ ai được triệu tập làm nhân chứng trước Quốc Hội mà từ chối thi hành thì có thể bị xử tội tiểu hình, bị phạt từ $100 đến $100,000 và bị tù giam từ một tháng đến một năm.

Vì sao ông Bannon bị đề nghị truy tố hình sự?

Ông Stephen K. Bannon là cố vấn thân cận của cựu Tổng thống Trump, là chủ của mạng truyền thông cánh hữu Breitbart News, từng giữ vai trò cố vấn chiến lược cho tổng thống, đã bị cách chức vào giữa năm 2017 nhưng vẫn có mối liên lạc mật thiết với gia đình Tổng thống Trump. Hồi năm ngoái, ông Bannon đã từng bị truy tố về tội lường gạt người đóng góp tiền xây bức tường biên giới để thủ lợi cho cá nhân; nhưng ông được Tổng thống Trump ân xá trước khi ông Trump rời khỏi Tòa Bạch ốc.

Các thành viên của Ủy ban điều tra tin rằng ông Bannon nắm được những thông tin rất quan trọng về vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, về kế hoạch ngăn chặn chiến thắng của ông Joe Biden. Ông Bannon đã có nhiều cuộc trò chuyện với ông Trump, trong đó ông thúc giục ông tổng thống tập trung nỗ lực vào sự kiện ngày 6 Tháng Giêng. Ủy ban cũng tin rằng ông Bannon biết trước những biến cố sẽ xảy ra. Một ngày trước đó, ngày 5 Tháng Giêng, ông Bannon có một cuộc họp với các đồng minh của ông Trump ở khách sạn Willard Hotel ở Washington. Sau đó trong ngày ông ta tiết lộ trong chương trình phát thanh của mình rằng “ngày mai tất cả cửa địa ngục sẽ bị phá”

Ông Robert J. Costello, luật sư của ông Bannon hồi đầu tháng này đã thông báo cho Ủy ban Hạ viện rằng thân chủ của ông ta không thi hành trát triệu tập của Hạ Viện vì ông Trump có chỉ thị cho các cựu cố vấn và phụ tá sử dụng quyền miễn trừ để không nộp tài liệu hoặc lời khai với Quốc Hội theo quy định về đặc quyền hành pháp. 

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, lập luận này không có căn cứ vì khi vụ bạo loạn xảy ra ông Bannon không còn là viên chức chính phủ. Quyền miễn trừ của ông cựu tổng thống đối với các trát đòi của Quốc Hội thường chỉ mở rộng sang các cố vấn cao cấp nhất của Tòa Bạch Ốc chứ không áp dụng cho một thường dân tự do như Bannon. 

Dân biểu Peter Meijer (Cộng Hòa – Michigan), thành viên Ủy ban điều tra nhận xét: “Không có sự giải thích hợp lý nào cho cái đặc quyền hành pháp áp dụng cho một cá nhân bên ngoài guồng máy chính phủ câu kết với các quan chức hành chính cao cấp trong những vấn đề không chính thức”.

Tại sao ông Trump ra lệnh cho các đồng sự cũ không hợp tác với cuộc điều tra của Hạ Viện? Dân biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming), Phó chủ tịch Ủy ban điều tra, nhận định việc ông Trump nhấn mạnh vào đặc quyền hành pháp là bằng chứng cho thấy ông ta dính dấp sâu vào âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống khi Quốc Hội họp toàn thể vào ngày 6 Tháng Giêng. “Luận cứ về đặc quyền hành pháp mà ông Bannon và ông Trump dựa vào chỉ tiết lộ một điều: Tổng thống Trump có dính dáng cá nhân tới việc lập kế hoạch và thực hiện sự kiện ngày 6 Tháng Giêng. Và chúng ta sẽ đi đến tận cùng sự việc đó”, bà Cheney nói. 

Bạo loạn hay chỉ là biểu tình phản đối?

Dân Chủ và Cộng Hòa có ý kiến trái ngược nhau sâu sắc về Vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc Hội trên đồi Capitol Hill ngày 6-1-2021 (Hình: Cát Linh/ SGN)

Tuy nhiên, trong vụ việc này vấn đề quan trọng không phải là có nên truy tố hình sự ông Stephen Bannon hay không mà là sự đối kháng hết sức gay gắt giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ở Quốc Hội.

Các nghị sĩ Dân Chủ cho rằng sự kiện ngày 6 Tháng Giêng là vụ bạo loạn của những người ủng hộ ông Trump tấn công vào Điện Capitol trong lúc Quốc Hội họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Phó Tổng thống Mike Pence để chứng thực kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 Tháng Mười Một 2020, theo đó ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân Chủ là người chiến thắng, theo trình tự mà Hiến Pháp quy định. Mục đích của những kẻ bạo loạn là ngăn chặn hoạt động của Quốc Hội và đảo ngược kết quả bầu cử. Các nghị sĩ Dân Chủ nói rằng vụ bạo loạn là đòn tấn công nặng nề nhất vào thể chế dân chủ của đất nước, cần phải được xử lý tới nơi tới chốn để ngăn cản những vụ tương tự trong tương lai. 

Cuộc bạo loạn làm bốn người bị thiệt mạng, 140 cảnh sát viên bảo vệ Quốc Hội bị thương, hoạt động của Quốc Hội bị gián đoạn khi các dân biểu, nghị sĩ, kể cả Phó Tổng thống Pence, phải tránh vào những nơi trú ẩn an toàn.

Tuy nhiên, phía Cộng Hòa cho rằng đây không phải là vụ bạo loạn. Một số nghị sĩ Cộng Hòa cho rằng các thương vong trong ngày 6 Tháng Giêng là do việc bảo vệ an ninh của Quốc Hội kém cỏi chứ không phải do hành vi tấn công của những kẻ bạo loạn – một lập luận mà Dân biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa – Illinois) phải phê phán là biến nạn nhân thành thủ phạm!

Ngay trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu ở Hạ Viện hôm nay, cựu Tổng thống Trump ra tuyên bố nói: “Bạo loạn đã xảy ra vào ngày 3 Tháng Mười Một, Ngày Bầu Cử. Còn ngày 6 Tháng Giêng là biểu tình phản đối”.

Sau khi các dân biểu Cộng Hòa quyết liệt ngăn cản kế hoạch của Quốc Hội thành lập một ủy ban điều tra lưỡng đảng, độc lập, để điều tra vụ tấn công Quốc Hội, Hạ Viện đã thành lập một ủy ban điều tra riêng, gọi là Ủy ban Lựa chọn của Hạ Viện, do đảng Dân Chủ (đa số) kiểm soát gồm 9 thành viên, trong đó có hai Dân biểu Cộng Hòa; Dân biểu Liz Cheney của đảng Cộng Hòa làm phó chủ tịch ủy ban.

Trước khi Hạ Viện bỏ phiếu truy tố ông Bannon hôm nay, các dân biểu Cộng Hòa vẫn nói rằng cuộc điều tra của Ủy ban Lựa chọn là một nỗ lực mang tính đảng phái để bôi nhọ ông Trump và xử tội những ủng hộ viên của ông vì niềm tin chính trị của họ. 

Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa – Ohio), một ủng hộ viên nhiệt thành của ông Trump, đã lên án Ủy ban Lựa chọn gây rắc rối cho ông Bannon và những người tổ chức cuộc tuần hành “Stop the Steal” dẫn tới vụ bạo loạn. “Các người có dính dáng tới hoạt động chính trị không? Họ sẽ điều tra các người. Các người biết chuyện này thật sự là gì: chỉ nhắm tới Tổng thống Trump”, ông Jordan nói trước phòng họp Hạ Viện. Theo ông Jordan, vụ đám đông tràn vào Điện Capitol là “một cuộc tuần hành chính trị có giấy phép” và ông không hiểu tại sao Hạ Viện lại muốn truy tìm thông tin về một hoạt động như vậy.

Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa – California), lãnh đạo khối Cộng Hòa thiểu số tại Hạ Viện, khuyến khích các đồng viện chống lại đề nghị truy tố ông Bannon. Ông gọi các trát đòi nhân chứng của ủy ban điều tra là “không có hiệu lực” và tán thành với quan điểm của ông Bannon rằng một tòa án phải ra phán quyết liệu ông có phải thực thi trát triệu tập đó hay không. “Họ đang sử dụng chuyện này để nhắm tới các đối thủ,” ông McCarthy nói.

Phản bác lại những phát biểu này, Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ – Massachusetts) lên án lập luận của ông cựu tổng thống và việc các nghị sĩ Cộng Hòa tiếp tục đi theo sự dẫn dắt của ông Trump. “Chúng ta đang sống trong một thời đại mà rõ ràng có một số người đặt lòng trung thành với Donald Trump lên trên lòng trung thành với Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tôi thấy điều đó thật kinh tởm”, ông McGovern nói.

Trong cuộc tranh luận ở Hạ Viện hôm nay, các dân biểu Dân Chủ đã nhiều lần nhắc các đồng viện Cộng Hòa rằng có nhiều người chết và bị thương trong vụ bạo loạn hôm đó.

Cộng Hòa quay lưng với thực tế

Vụ bạo loạn trên đồi Capitol ngày 6 Tháng Giêng 2021 diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, gây kinh hoàng không chỉ cho người dân Mỹ mà gần như cả thế giới. Hình ảnh, phim video về hành vi của những kẻ bạo loạn, cờ xí khẩu hiệu của họ, vũ khí của họ, cả hình ảnh về cuộc chạy trốn của các dân biểu, nghị sĩ… vẫn còn đầy trên mạng Internet và trong hồ sơ của các cơ quan điều tra hình sự. Không chỉ hình ảnh, video của các hãng truyền thông mà có rất nhiều hình ảnh do những kẻ bạo loạn ghi lại và đăng trên mạng xã hội. Hơn 670 người đã bị bắt, nhiều người đã bị truy tố vì hành vi vi phạm pháp luật. Có thể nói, đây là vụ bạo loạn trầm trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ 200 năm qua. 

Nhưng bây giờ, chín tháng sau sự kiện đó, Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn bất đồng quan điểm gay gắt chung quanh bản chất của sự việc và cuộc điều tra về nó. Đại đa số các dân biểu Cộng Hòa trong Hạ Viện – những người cũng đã chạy trốn và run sợ cho tính mạng của mình khi đám người bạo loạn tràn vào phòng họp ngày 6 Tháng Giêng – vẫn tiếp tục biện hộ cho những kẻ bạo loạn, lãng quên nó, thậm chí công nhận những chuyện đã xảy ra là chính đáng, là “chuyến du lịch bình thường” (!) Và họ tiếp tục tin vào lời tuyên bố dối trá rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, đã bị gian lận dù cho đến nay không có bất cứ bằng chứng khả tín nào chứng minh cho tuyên bố đó!

Nguyên tắc căn bản của mọi nền dân chủ là sự thỏa hiệp dựa trên sự thật và quyền lợi quốc gia. Các đảng phái chính trị có thể bất đồng với nhau về nhiều vấn đề, nhưng đều phải tôn trọng sự thật khách quan và đặt quyền lợi đất nước lên trên lợi ích của đảng phái. 

Đằng này sự trung thành của đảng Cộng Hòa với cựu tổng thống Donald Trump, đúng hơn là với khối cử tri đông đảo ủng hộ ông Trump – đã khiến họ quay lưng với thực tế, đẩy đất nước vào một tình trạng tê liệt về chính trị, hầu như các chính sách kế hoạch lớn liên quan tới kinh tế-xã hội, tới cuộc sống và sự an toàn của mỗi cá nhân, mỗi gia đình đều bị bế tắc, chưa biết bao giờ mới được tháo gỡ.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: